Điểm cốt lõi là tin vào lời Chúa, tin
vào Kinh Thánh: để sống một cuộc đời thánh thiện, công bằng, bác ái,
biết chia cơm sẻ áo, biết xót thương những kẻ cùng cực, đói khát.
Chúa dùng dụ ngôn người phú hộ và người hành khất
Lazarô để dạy ta sau khi chết, số phận con người đổi khác: người
nghèo khó cơ cực, bị đau khổ ở cõi đời này, được hưởng hạnh phúc
ở cõi đời bên kia; còn người giàu sang, sống thiếu công bằng, bác
ái, sẽ trở nên cơ cực đau khổ đời đời trong hỏa ngục. Chúa cũng
nhắc, phải hoán cải ngay ở cõi đời này, để khỏi bị kết án đời
đời, và sự hoán cải này không phải chỉ căn cứ vào phép lạ, và
việc người chết trở về mách bảo. Điểm cốt lõi là tin vào lời Chúa
(tin vào lời Maisen, các tiên tri) tin vào Kinh Thánh: để sống một
cuộc đời thánh thiện, công bằng, bác ái, biết chia cơm sẻ áo, biết xót
thương những kẻ cùng cực, đói khát.
Nhân dụ ngôn nhà phú hộ và người hành khất, hôm nay
chúng ta đề cập tới việc thực thi bác ái, săn sóc người bệnh tật,
lo lắng cho những người nghèo khổ trong Giáo Hội chúng ta.
Quả thực: Giáo Hội chúng ta là Giáo Hội được thành
lập do Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa, được sự hiện điện của Chúa
Thánh Thần nâng đỡ, hướng đẫn: nhưng Giáo Hội này lại gồm những con
người (có tự do) đầy yếu hèn… do đó Giáo Hội cũng có những phần
tử thoải mái, tiêu cực; và cả Giáo Hội, như chính cộng đồng Vaticanô
II xác nhận, cũng có nhiều khiếm khuyết, cần phải sửa đổi.
Nhưng không phải Giáo Hội chỉ toàn là khuyết điểm, chỉ
đóng vai trò nhà phú hộ sống lơ là trước những đau khổ của con
người. Trái lại ở bất cứ thời đại nào, cũng như bất cứ nơi đâu: sứ
mệnh trần gian của Giáo Hội là luôn luôn giúp đỡ, ủi an, lo lắng cho
những con người mồ côi, bệnh tật, nghèo đói…
Trải qua các thời đại, trong Giáo Hội đã có biết bao
người như Thánh Camillô Lallis, Thánh Gioan Thiên Chúa, Thánh Vincent de
Paul v.v. Đã thực hiện việc từ thiện không phải trong đời các Ngài
mà thôi, mà các Ngài đã lập cho Giáo Hội, những tu hội gồm những
phần tử suốt đời hiến thân lo lắng cho những con người xấu số, bệnh
tật, đói rách…
Giáo Hội ở bất cứ thời đại nào cũng có những cơ quan
chỉ chuyên chăm lo giúp đỡ, xoa dịu những vết thương của xã hội. Như
Hội Bác ái Thánh Vincent, cơ quan Misereor, cơ quan Adveniad, cơ quan
Caritas…
Chúng ta cũng đừng nghĩ rằng: Đó là lịch sử dĩ vãng
của Giáo Hội, mà phải công nhận rằng: thời đại nào Chúa Thánh Thần
cũng tác động trong Giáo Hội, làm phát sinh những nhân vật chứng tỏ
Giáo Hội của Chúa là Giáo Hội nâng đỡ, cứu vớt những người nghèo
khổ, yếu đau, tàn tật .
Vào cuối năm 1996: Báo chí, các đài phát thanh, các đài
truyền hình khắp năm châu, đều đưa tin đăng tải hình ảnh một nữ tu
già bị đau, được bình phục và xuất viện. Đó là mẹ Têrêsa Calcutta.
Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, trong bản tin quốc tế cũng
đưa tin về mẹ Têrêsa lúc xuất viện…
Điều này chứng tỏ, nữ tu Têrêsa là con người của thời đại, không phải chỉ đưa ích
lợi cho Giáo Hội mà cho cả nhận loại. Nữ tu Têrêsa đã phục vụ nhiều
nhất những con người đau khổ trong xã hội, những người phong cùi,
người nghèo khó, người bị xã hội bỏ rơi, việc bác ái của mẹ không
phải chỉ giới hạn trong đất nước Ấn Độ mà còn mở rộng hầu hết
các nước năm châu.
Nữ tu Têrêsa Calcutta sinh năm 1910 tại Nam Tư, nhưng bà đã
hi sinh tất cả, rời bỏ quê hương,
sang Ấn Độ, và chọn nơi này làm quê hương thứ hai của mình.
Tại Ấn Độ, bà cũng chọn luôn những người đói khổ,
rách rưới làm con cái và anh chị em của mình, vì bà luôn luôn nhìn
thấy Chúa Giêsu trong những con người đáng thương đó. Họ đã hiểu bà,
yêu thương bà, kính trọng bà như một hình mẫu .
Bà lăn lóc với những cô nhi bị bỏ rơi, trong các xóm ổ
chuột, đói rách. Bà không ghê tởm những người bệnh hoạn… với quyết
tâm săn sóc họ, và bình thường hóa cuộc sống của họ giữa lòng xã
hội. Bà nuôi những em cô nhi tới lúc chúng trưởng thành, tạo điều
kiện cho chúng học tập văn hóa, nghề nghiệp; bản thân chúng được sung
sướng, và đến lượt chúng, chúng sẽ làm cho xã hội tiến bộ, giải
thoát cảnh nghèo nàn, áp bức, bệnh tật.
Khắp Ấn Độ cũng như trên toàn thế giới, mọi người đều
nghe nói về bà, và gọi bà bằng tên rất dịu dàng “Mẹ Têrêsa Calcutta”
Do các công việc từ thiện bác ái, Mẹ Têrêsa đã nhận
được nhiều giải thưởng của chính phủ Ấn Độ, chẳng hạn giải Padna
Shri (Hoa Huệ Tuyệt Vời) năm 1963. Cũng năm đó, chính phủ Philippine
tặng mẹ giải thưởng Magsaysay (giải thưởng dành riêng cho vùng Đông Nam
Á về các công việc xã hội.)
Năm 1971 mẹ Têrêsa lại được giải thưởng “Hòa Bình”
của Đức Gioan XXIII (do chính tay
Đức Phao lô VI trao tặng tại Rôma.)
Tháng 10 năm 1979, Mẹ Têrêsa lại được nhận giải thưởng
Hòa Bình Nobel là giải thưởng lớn nhất và thuộc loại cao quý nhất
trên thế giới.
Có một lần vị sư Phật Giáo đã nói với Mẹ:
“Tôi biết và
yêu mến Đức Kitô, nhưng tôi ác cảm với Hội Thánh của Ngài. Nếu các
chị làm điều các chị nói, có lẽ các chị sẽ trở lên nơi hội ngộ
để chúng tôi có thể gặp gỡ Hội Thánh của Đức Kitô”
Sau một năm có dịp cùng làm việc với Mẹ Têrêsa, vị sư
đó đã phát biểu:
“Tôi đã quan
sát chị, bây giờ tôi thực sự tin rằng các chị đã làm việc chỉ nhằm
mục đích giúp những người nghèo khổ, xấu số. Chúng tôi sẽ hiến các
chị một ngôi nhà trong khuôn viên chùa chúng tôi để làm bệnh xá miễn
phí ”
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
- Đề tựa của Lm. HK