NĂM C
Gv 1,2; 2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21
BÀI ĐỌC I: Gv.1,2;
2,21-23
1
2 Ông Qohelet
nói: Phù vân, rất mực phù vân. Phù vân rất mực phù vân; thảy là phù vân!
2
21 Quả thế,
kìa một người đã phải lao nhọc với tất cả khôn ngoan, hiểu biết và thành công,
thế rồi nó phải làm của riêng cho con người không phải mảy may lao nhọc vì đó!
Điều ấy nữa cũng là phù vân và đại họa.22 Phải, còn gì cho người
phàm sau tất cả công lênh và ưu tư lòng trí đã đổ ra khi phải lao nhọc ở dưới
ánh dương? 23 Vì chưng trọn kiếp những đớn đau và ưu phiền làm như
dịch vụ! Cả ban đêm, lòng cũng không được ngủ yên. Điều ấy cũng là phù vân.
ĐÁP
CA: Tv 89
Đ.
Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn. (c.1)
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn. (c.1)
3 Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài phán bảo:
"Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi! " 4 Ngàn năm Chúa
kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!
5 Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng, như cỏ đồng trổi mọc
ban mai, 6 nở hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng
còn.
12 Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm
trí được khôn ngoan. 13 Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ?
Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.
14 Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,để
ngày ngày được hớn hở vui ca. 17 Xin cho chúng con được vui hưởng
lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin
Ngài củng cố,
BÀI ĐỌC II: Cl.3,
1-5.9-11
Thưa anh em, 1 anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm
kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.2
Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào
những gì thuộc hạ giới.3 Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới
của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa.4 Khi
Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với
Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.
5 Vậy anh em hãy giết chết những gì
thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn
xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng.
9 Anh em đừng nói dối nhau,
vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi,10 và
anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng
Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu.11 Vậy không còn phải phân biệt
Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do,
nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người.
TUNG
HÔ TIN MỪNG: Mt 5,3
Hall-Hall: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó. Vì
Nước Trời là của họ. Hall.
TIN
MỪNG: Lc.12, 13-21
13 Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng:
"Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi."14 Người
đáp: "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho
các anh? "15 Và Người nói với họ: "Anh em phải coi chừng,
phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con
người được bảo đảm nhờ của cải đâu."
16
Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương
sinh nhiều hoa lợi,17 mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì
đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!18 Rồi ông ta tự bảo:
"Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi
tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó.19 Lúc ấy ta sẽ nhủ
lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ
ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta:
"Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi
sắm sẵn đó sẽ về tay ai? 21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà
không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó."
TRÁNH MỌI
THAM LAM!
Tội tham là cách sống lợi dụng quyền
thế, tìm mánh khoé kể cả bất chính để chiếm đoạt, vơ vét mọi lợi lộc trần gian
cho thân xác hưởng thụ, hoặc tôn thờ trông cậy nó như vị thần bảo hộ duy nhất.
Muốn sống Lời Chúa dạy: “Giữ mình tránh mọi tham lam” (Lc 12,15: Tin Mừng), ai cũng phải tránh
ba cách chiếm đoạt bất chính này: Chiếm đoạt của người khác; Chiếm
đoạt vinh quang của Thiên Chúa và; Chiếm đoạt sự sống của linh hồn.
1.
CHIẾM ĐOẠT SỰ SỐNG CỦA
NGƯỜI KHÁC:
Sở dĩ Đức Giêsu không ủng hộ người
đến xin Ngài can thiệp: đòi anh phải chia gia tài cho em theo Luật: “Anh cả được
2/3, còn em được 1/3” (x. Dnl 21,17). Nên Ngài hỏi lại: “Ai
đặt tôi làm làm thẩm phán hay làm trọng tài trên các anh?” (Lc 12,14: Tin Mừng), vì ba lý do:
a- Đừng
nô lệ vào của đời này.
Đức Giêsu nói thế là Ngài muốn nhắc lại bối cảnh cha ông họ thuở sống bên Ai
Cập, vì giàu có mà phải làm nô lệ. Lần kia, ông Môsê đánh chết một tên lính Ai
Cập áp bức dân tộc ông. Nhưng hôm sau, ông Môsê thấy hai người Do Thái ẩu đả
nhau, ông đứng ra can ngăn, thì họ lại phản đối ông mà nói: “Ai đặt ông làm thẩm phán hay làm trọng tài
trên chúng tôi?” (x. Xh 2,14 = Lc 12,14: Tin Mừng). Như thế Đức Giêsu muốn
nói: đừng vì quyền lợi vật chất mà anh em con một cha gây bất hòa với nhau. Sứ
mệnh của Ngài như ông Môsê dẫn dân ra khỏi cảnh giàu sang như thời làm nô lệ ở
Ai Cập, để ra đi trong cảnh nghèo khó suốt 40 năm trong sa mạc mới tiến vào
vùng đất Chúa hứa; nay Đức Giêsu cũng muốn dẫn loài người ra khỏi thế gian về
Trời, thì đừng bám víu vào của đời này, trông đợi vào nó như thần hộ mệnh,
chẳng khác gì người giàu có được mùa tích vào kho lẫm, rồi ru hồn: “Mình bây giờ ê chề của cải dư xài nhiều năm,
thôi cứ nghỉ ngơi ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12,18-19: Tin Mừng).
b- Anh
em trong một gia đình phải được bình đẳng về quyền lợi trên tài sản của cha mẹ. Vì chia của theo luật Do Thái thì không
công bằng, không bác ái. Ý Chúa phải là:
v
Công bằng: Anh em con một gia đình, thì gia tài của cha mẹ phải chia
đồng đều không phân biệt nam nữ, không lấy quyền anh chị mà đòi phần hơn.
v
Bác ái: Người mạnh phải nhường cho kẻ yếu; người giầu phải nhường
cho kẻ nghèo; người có thân thế phải nhường cho kẻ cô thế cô thân.
Người Công Giáo càng không được bắt chước cách đối xử của
người quyền cao chức cả trong xã hội đối với những kẻ bị trị, vì thường người
có quyền thế dùng Luật bắt giam một đứa nghèo ăn cắp vặt, cho tù mút chỉ! Trong
khi nhiều kẻ nắm quyền dựa trên luật pháp quốc gia làm thâm thủng công quỹ, gây
tác hại cho bao người, thế mà vẫn sống phây phây, lại còn được kẻ này người nọ bẩm
báo, đưa rước!?
c- Của
cải trần gian là để cho mọi người hưởng dụng. Giáo lý Công Đồng Vat.II, trong Hiến Chế Vui Mừng Và Hy
Vọng số 69 dạy: “Thiên Chúa đã đặt định
trái đất thuộc quyền sử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của
cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo
luật công bằng là luật đi liền với Đức Ái. Khi sử dụng của cải, con người phải
coi của cải vật chất mà mình làm chủ một cách chính đáng, không chỉ như của
riêng mình, nhưng còn là của chung nữa” .
Thế mà ông phú hộ được mùa đã không
biết chia sẻ cho đồng loại, chỉ biết tích trữ vào kho thật lớn và coi đó như
thần hộ mệnh, tha hồ hưởng thụ. Loại người này bị Đức Giêsu kết án: “Tên ngốc, đêm nay hồn ngươi ra khỏi thế gian
thì của cải ngươi tích trữ thuộc về tay ai?” (x. Lc 12,16-20).
2.
CHIẾM ĐOẠT VINH QUANG
THIÊN CHÚA.
a- Một ngày Chúa cho người ta 24
giờ, ít ra phải có một giờ đi dự Lễ để tôn vinh Chúa, nhưng hầu hết người ta
nói: 24 giờ chưa đủ để làm hết việc trần thế, thậm chí người giầu không đủ giờ
để tích trữ của cải, chứ không phải vì nghèo làm ngày không đủ tranh thủ làm
đêm mà vẫn thiếu!
b- Luật Môsê dạy: “Dâng vào nhà
thờ 1/10 của cải làm ra” (x.
Dnl.14,22t). Ngày nay luật này người Tin lành vẫn giữ, nên họ luôn có qũy để
phục vụ trong việc truyền bá Tin Mừng! Còn người Công Giáo liệu có được mấy
người ý thức dành bao nhiêu phần trăm thu nhập để xung vào việc phát triển Phúc
Âm, xây dựng Hội Thánh? Chúng ta phải biết rằng: Hội Thánh được xây dựng trên
hai thực thể: Hữu hình và vô hình, như thân xác kết hợp với linh hồn (x. HCHT
số 8). Nó như đôi cánh chim, chim mà gẫy một cánh thì làm sao bay được!?
Nhìn vào thực tế, phần lớn người
Công Giáo được Chúa trao của cải vào tay, họ chỉ biết dùng làm thỏa mãn những
nhu cầu của thân xác.Thậm chí điều răn thứ 5 của Hội Thánh (Điều Răn mới) dạy
giáo dân có trách nhiệm đóng góp tài sản cho nhu cầu Hội Thánh tùy theo khả
năng và lòng mến (x. GLHT số 2041-2043). Luật mới này được công bố từ năm 1992
cho đến nay mà chưa thấy cộng đoàn nào đọc, có lẽ vì sợ phải đóng góp!
3.
CHIẾM ĐOẠT CỦA NUÔI
LINH HỒN.
a- Bỏ đói linh hồn: Đa số nhân loại kể cả người Công Giáo, họ không biết rằng
linh hồn cần của ăn hơn thân xác, thế mà xác thì không bỏ đói một bữa nào; còn
hồn nào có được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và ơn Chúa ban qua các Bí tích, nhất là
Thánh Thể?!
b- Không dùng của vật chất để nuôi linh hồn: Hỏi có
mấy người sống Đạo
như:
-
Ông Giakêu khi được Đức Giêsu ghé thăm, ông đã bán
gia tài đền bù gấp bốn lần cho những người ông làm thiệt hại, và ông chia cho
kẻ nghèo nửa phần gia tài, nên được Ngài khen và xác nhận: “Hôm nay cả nhà này được cứu độ, vì ông này mới thực là dòng giống
của Abraham” (x. Lc
19,9).
-
Bà Linh Dương khi còn sống đã may quần áo tặng người
nghèo,nên khi qua đời, bà được cả cộng đoàn đi tìm ông Phêrô đến cùng cầu
nguyện Chúa cho bà được sống lại (x. Cv 9,36t).
Vậy những kẻ chiếm đoạt sự sống của
người khác, chiếm đoạt vinh quang Thiên Chúa, chiếm đoạt của nuôi linh hồn mình,
đã không biết làm giàu nơi Thiên Chúa (x. Lc 12,21: Tin Mừng), thì mọi sự thuộc
về họ, kể cả con người của họ cũng chỉ là phù vân kèm theo án phạt. Xưa kia vua
Salômôn, nhờ xin Chúa cho ông có tấm lòng biết nghe, nên Chúa cho ông giàu có
nhất, (x. 1V 3,9-12), nhưng cuối cùng ông nhân danh những người giầu qua lời
dạy của ông trong sách Giảng Viên (Bài đọc I) như sau: “Qohelet
dạy (có nghĩa
là cộng đoàn dạy): “Phù vân rất mực phù vân, ích gì cho bao nhiêu vất
vả ngược xuôi tìm kiếm sự đời, cuối cùng cũng chỉ là đớn đau ưu phiền” (Gv 1,2; 2,21-23: Bài đọc I). Vì
lúc ấy họ không có Đức Kitô ở cùng. Còn nay, Đức Kitô đang cầm quà đứng trước
cửa nhà tâm hồn ta, “Ngài gõ cửa, ai mở
thì Ngài vào dùng bữa tối với nó,nó với Ngài” (Kh 3,20). Do đó thánh Phaolô
dạy ta: “Hãy tìm kiếm những gì thuộc
thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha, đừng chú tâm những
gì thuộc hạ giới, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng nơi Đức
Ki-tô, Ngài là nguồn sống của chúng ta xuất hiện. Anh em hãy giết chết những gì
thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn
xấu và tham lam, vì tham lam cũng là cách thờ ngẫu tượng. Anh em hãy cởi bỏ con
người cũ với hành vi của nó, mặc lấy con người mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa, chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3,1-5. 9-11: Bài II).
Như thế ai sống kết hợp với Đức Kitô,
làm theo Lời Ngài dạy, thì của “PHÙ VÂN” trở thành của “PHÙ HỘ” nhiều người,
trong đó có họ là chính, vì họ đã làm cho vạn vật góp phần tôn vinh Thiên Chúa
(x. Rm.8,18-25).
Truyện kể:
Một người
phụ nữ sống độc thân, bà sống bằng việc nhặt rau người ta bỏ lại sau buổi chợ,
đưa về làm dưa bán. Ngày nào bà cũng bận rộn vì đợi chợ tan, bà lượm lặt rau
đưa về nhà, rồi bà lựa ra từng loại mãi đến nửa đêm mới xong việc. Sáng sớm khi
trời còn tối, bà đã gánh hàng ra chợ bán, nên không còn giờ đi dự Lễ, cùng lắm
miễn cưỡng đi Lễ Chúa nhật vì sợ tội. Bà cứ sống như thế trong suốt 40 năm,
tích góp mua được một số vàng cất giấu. Khi chôn vàng ở đâu, bà đều ghi vào
quyển sổ riêng để nhớ. Đêm nọ, sau khi đã dọn hàng xong, bà lấy quyển sổ ra xem
tài sản mình được bao nhiêu và để ở những chỗ nào, bà lấy làm đắc tâm vì có một
tài sản lớn. Quá buồn ngủ, bà thiếp đi, để rơi quyển sổ xuống đất. Đêm ấy thần
chết đến lôi bà ra khỏi thế gian, khu xóm không ai biết. Mấy ngày sau khu xóm
ai cũng ngửi thấy mùi hôi thối, bảo nhau chạy đến xem chuyện gì, thì thấy cửa
nhà bà đã bị cạy, vào nhà ai cũng thấy đồ đạc đã có người thu dọn từ lúc nào,
và bốn chân giường đã có ai đào bới! Vì xác bà đã trương thối, nên người ta báo
cho chính quyền. Dĩ nhiên xác bà không được đưa vào Nhà Thờ vì quá nặng mùi,
nên phải vội đưa đi thiêu. Chẳng có mấy người đi theo quan tài, chỉ có con chó
còn trung thành với chủ. Thời gian sau, người cháu biết tin bà mất, anh ta đến
nói với mọi người rằng: “Bác tôi có một
quyển sổ thường ghi tài sản và những nơi chôn giấu vào đó!”
THUỘC LÒNG.
Không phải ai được sung túc, là đời sống người ấy được bảo
đảm chắc chắn nhờ nơi của cải.
(Lc 12,15).