Suy niệm hạnh thánh _ 31/8

TÔI TỚ THIÊN CHÚA
MARTIN VALENCIA
 (1470-1534)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Khi Martin chào đời thì Mỹ Châu chưa được khám phá. Khi ngài từ trần là khi Giáo Hội Công Giáo nỗ lực rao giảng phúc âm ở lục địa ấy.
Sinh trưởng ở một ngôi làng nhỏ bé ở Leon, Juan Martin de Boil gia nhập dòng Phanxicô ở Mayorga thuộc tỉnh Santiago, Tây Ban Nha. Sau khi chịu chức, ngài được bổ nhiệm về quê cũ. Vào năm 1517, khi Martin Luther nổi tiếng ở Đức, Cha Martin de Boil làm bề trên Tỉnh Dòng St. Gabrien. Trong thời gian đệ tử, Martin thường bắt chước Thánh Phanxicô, thay đổi đời sống theo gương Đức Kitô. Nhưng ngài không nhận ra ước vọng truyền giáo đã nhen nhúm ngay từ thuở ban đầu mãi cho đến khi ngài 54 tuổi. Vào năm 1524, theo lời yêu cầu của Hoàng Đế Charles V, Cha Martin dẫn 11 tu sĩ sang Mễ Tây Cơ, là nơi họ được gọi là "12 Tông Đồ của Mễ Tây Cơ. " Tất cả các tu sĩ tiên khởi ở Mễ Tây Cơ đều rất nghèo và rất hãm mình. Thay mặt cho các người địa phương, các tu sĩ lên tiếng phản đối sự bất công của người thực dân Tây Ban Nha. Bất kể sức khoẻ yếu kém, Cha Martin cũng đi đây đi đó khắp nơi và rao giảng đức tin cho bất cứ ai ngài gặp. Ngài từ trần trong một chuyến đi truyền giáo.
Suy niệm 1 Rao giảng
Giáo Hội Công Giáo nỗ lực rao giảng phúc âm ở lục địa ấy.
Qua bao năm, việc loan truyền Tin Mừng về Đức Giêsu được coi là một công việc hầu như dành cho linh mục và tu sĩ. Nếu quả thật công việc truyền giáo là "căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội" như lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói, thì công việc này cũng hệ tại phần nào nơi mọi phần tử của Giáo Hội. Nhiệm vụ của Cha Martin de Valencia đã hoàn tất, còn của chúng ta thì chưa.
"Mục đích đặc biệt của hoạt động truyền giáo là rao giảng Phúc Âm và vun trồng Giáo Hội nơi các dân tộc và các tổ chức mà giáo hội chưa bén rễ. Các giáo hội bản xứ trên toàn thế giới phải lớn mạnh từ hạt giống Lời Chúa, các giáo hội nào được tổ chức đầy đủ thì sẽ làm chủ sức mạnh và sự trưởng thành của chính giáo hội ấy" (Công Đồng Vatican II, Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội, #6).  
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nối tiếp sứ vụ truyền giáo của các vị tiền bối theo chức vụ ngôn sứ đã lãnh nhận qua bí tích Rửa Tội.
Suy niệm 2 Quê cũ
Martin được bổ nhiệm về quê cũ.
Sau thời gian xa nhà, nay được trở về quê cũ, quả là một ước mơ của bao người. Chính Đức Gioan Phaolô II sau khi rời quê hương để đến Rôma làm việc theo chức vị của ngài, ngài cũng vui mừng sắp xếp điều kiện để trở về thăm quê cũ Ba Lan.
Nhưng được bổ nhiệm về quê cũ để thi hành chức vụ như Cha Martin thì là một hy sinh lớn lao được hỗ trợ bởi đức vâng lời cao độ, vì chính vị Tôn Sư tuyệt hảo là Đức Giêsu cũng không gặt hái được thành quả khi về thăm quê làng (Mt 13, 58), để rồi phải não nuột thốt lên: Ngôn sứ có bị rẽ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình (Mt 13, 57).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống được tinh thần vâng lời trọng hơn của lễ (1Sm 15, 22).
Suy niệm 3 Đệ tử
Trong thời gian đệ tử, Martin thường bắt chước Thánh Phanxicô, thay đổi đời sống theo gương Đức Kitô.
Là đệ tử của một trường phái, của một sư phụ, thông thường người ta tiếp thu các kiến thức, để rồi có thể đến giai đoạn tách rời và tự trở thành sư phụ đối với các đệ tử theo mình.
Đệ tử theo Đức Giêsu thì không như thế, nghĩa là không phải gắn liền với một giáo thuyết mà là một con người, đến mức phải coi trọng hơn cả cha mẹ mình (Mt 10, 37), phải vác thập giá (Mc 8, 34), phải uống chén đắng (Mc 10, 38), tựu trung thay đổi đời sống trở nên giống hệt với Đức Giêsu (1Pr 1, 15).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đã theo Chúa thì phải có cuộc sống giống Chúa.
Suy niệm 4 12 Tông Đồ của Mễ Tây Cơ
Họ được gọi là "12 Tông Đồ của Mễ Tây Cơ.
Sau khi cầu nguyện suốt đêm mãi đến sáng, Đức Giêsu mới gọi các môn đệ lại, chọn lấy mười hai vị và gọi là Tông Đồ (Lc 6, 12-13), trong đó có Giuđa Ítcariốt là kẻ phản bội và sau này được Mátthia thay thế (Cv 1, 26). Họ là các vị Tông Đồ chính thức của Giáo Hội.
Cha Martin và các cộng sự cũng được tôn vinh là 12 Tông Đồ của Mễ Tây Cơ, vì có sự trùng hợp về con số 12 khi họ cùng đến, đồng thời họ cũng là những tu sĩ tiên khởi đặt chân đến rao giảng Tin Mừng ở vùng đất này.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp Giáo Hội có thêm nhiều vị Tông Đồ khai sáng những vùng đất mới để Nước Chúa sớm trị đến.
Suy niệm 5 Bất công
Các tu sĩ lên tiếng phản đối sự bất công của người thực dân Tây Ban Nha.
Chính Thiên Chúa cũng không chấp nhận được sự bất công để rồi ra tay can thiệp, khi nghe tiếng kêu than của dân bị áp bức ở Ai Cập (Xh 3, 7-10), tiếng than van của người ngoại kiều cư trú trên đất nước, của các cô nhi quả phụ (Xh 22, 20-23), người làm thuê bị đối xử bất công (Đnl 24, 14-15;Gc 5, 4).
Việc người ngoại kiều bị đối xử bất công cũng không làm Chúa hài lòng, phương chi những người bản xứ có chủ quyền. Thế mà nay họ lại bị lấn chiếm và bị chinh phục để trở thành những người nô lệ phục vụ cách bất công cho các chủ nô thực dân. Theo gương Chúa, các vị tu sĩ cũng đồng thanh thay dân lên tiếng phản đối.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhớ lời Chúa dạy: Đng đấu nào sẽ bị trả lại bằng đấu ấy (Mt 7, 2).
Suy niệm 6 Từ trần
Ngài từ trần trong một chuyến đi truyền giáo.
Cùng chung số phận với cha Martin đã từ trần trong một chuyến đi truyền giáo, Cha Phanxicô Xavie đến truyền giáo ở các quần đảo ở Mã Lai, và Nhật Bản. Từ Nhật Bản, ngài mơ ước đến Trung Hoa, nhưng dự tính này không bao giờ thực hiện được. Ngài đã từ trần trước khi đặt chân đến phần đất này.
Các vị khác thì lại được phúc tử đạo vì sứ mệnh truyền giáo, chẳng hạn Cha Bêra rời Ý với các tu sĩ Peter, Adjute, Accurs, Odo và Vitalis để đi rao giảng ở Morocco. Các ngài bị nhà cầm quyền Hồi Giáo khiển trách và ra lệnh cho họ phải rời bỏ nơi đó; nhưng họ từ chối. Khi các ngài lại tiếp tục rao giảng thì vua Thổ Nhĩ Kỳ tức giận đã ra lệnh xử tử họ. Sau khi bị đánh đập và khước từ những dụ dỗ để chối bỏ đức tin, các ngài đã bị chém đầu vào ngày 16 tháng Giêng, 1220.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống chết vì sứ mạng truyền giáo để không hổ danh là hậu thế của các vị tiền bối.