ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG
Lược sử
Vào năm 1954, Đức Giáo
Hoàng Piô XII đã thiết lập ngày lễ này. Nhưng tư cách nữ vương của Đức Maria có
nguồn gốc trong Phúc Âm. Cũng như
trong tất cả mầu nhiệm cuộc đời của Đức Maria, ngài rất gần gũi với Đức Giêsu, do đó
ngài được chia sẻ vương quyền của Đức
Giêsu. Chúng ta cũng có thể nhớ lại rằng, trong Cựu Ước, người mẹ của vua rất
có thế lực trong triều đình.
Vào thế kỷ thứ tư, Thánh Ephrem
gọi Đức Maria là Hoàng Hậu.
Ngày lễ này rất thích
hợp để theo sau lễ Đức Mẹ Thăng Thiên, và bây giờ được cử mừng vào ngày thứ tám
sau ngày lễ nói trên. Trong thông điệp Nữ Vương
Thiên Đàng, Đức Piô XII nói rằng Đức Maria xứng với danh hiệu này vì ngài là Mẹ Thiên Chúa, vì ngài cộng tác
chặt chẽ trong công trình cứu chuộc của Đức Giêsu như một Evà Mới, vì sự tuyệt
hảo trổi vượt của ngài và vì sự can thiệp quyền thế của Đức Maria.
Suy niệm 1 Phúc Âm
Tư cách nữ vương của Đức Maria có nguồn gốc trong Phúc Âm.
Vào lúc Truyền Tin, sứ thần Gabrien thông báo rằng Con của Đức Maria sẽ nối
ngôi Đavít và cai trị đến muôn đời. Trong cuộc Thăm Viếng, bà Êlizabét gọi Đức
Maria là "mẹ của Chúa tôi."
Như Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Rôma 8,28-30, tự thuở đời
đời Thiên Chúa đã tiền định cho con người được chia sẻ hình ảnh của Con Thiên
Chúa. Hơn thế nữa, Đức Maria được tiền định làm mẹ của Đức Giêsu. Như Đức Giêsu
là vua của muôn tạo vật, thì Đức Maria là hoàng hậu, nhờ vào Đức Giêsu. Tất cả
mọi xưng tụng tư cách nữ vương này đều xuất phát từ ý định đời đời của Thiên
Chúa. Như Đức Giêsu hành sử vương quyền của Người trên mặt đất bằng cách phục
vụ Chúa Cha và loài người, thì Đức Maria cũng hành sử tư cách nữ vương của
ngài. Như Đức Giêsu vinh hiển vẫn ở với chúng ta như một vị vua cho đến tận thế
(Mt 28,20), thì Đức Maria cũng vậy, ngài là người đã được đưa lên trời và được
ban thưởng triều thiên hoàng hậu của thiên đàng và trần thế.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con khi tôn vinh Mẹ là Nữ Vương trời đất thì cũng tôn vinh Mẹ là Nữ Vương
làm chủ tâm hồn con.
Suy niệm 2 Gần gũi
Đức Maria rất gần gũi với Đức Giêsu.
Xét về mặt thể lý, Mẹ gần gũi đến mức làm một với Đức Giêsu, khi Mẹ cưu
mang trong dạ 9 tháng 10 ngày. Sau khi hạ sinh Đức Giêsu, Mẹ cũng còn gần gũi
trong bổn phận chăm sóc, cho bú mớm, cho ăn và cận kề mãi đến ngày Đức Giêsu
lên 30 tuổi và ra đi rao giảng. Mẹ cũng gần gũi trên đường thập giá và đứng kề
bên lúc Đức Giêsu tắt hơi và được chôn cất.
Xét về mặt tinh thần, xa mặt nhưng không cách lòng, Mẹ vẫn luôn dõi theo
hành trình thi hành sứ vụ của Đức Giêsu, với những lo lắng, vui mừng khi hay
tin nhiều người chạy tìm theo Chúa, xẻ chia tủi nhục khi bị nhóm đầu mục chống
đối. Chính vì luôn gần gũi như thế nên mới hay tin Chúa về làng mà chạy đến
viếng thăm. Và nhất là Mẹ cũng gần gũi đến mức làm một với Đức Giêsu trong sứ
mạng đồng công cứu chuộc.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con luôn sống sát cánh Mẹ và Chúa bằng tâm tình hiến dâng để sau này được
hạnh ngộ trên thiên đàng.
Suy niệm 3 Vương
quyền
Đức Maria được chia sẻ vương quyền của Đức Giêsu.
Theo nghĩa riêng biệt và chính thức, thì vua là một vị, nhờ vào việc thừa
tự ngôi báu cha để lại, chứ không do dân chúng bầu lên, có bổn phận tối cao để
quản trị một xã hội, với mục đích là làm cho cộng đồng được hưởng những ích lợi
tự nhiên và trần thế.
Khi một phụ nữ thừa hành quyền tối cao đó như là gia tài của vua cha để lại
thì phụ nữ đó quả thực là nữ vương theo nghĩa chính thức. Theo nghĩa rộng hơn
thì người mẹ hoặc bà vợ của vua thường được gọi là nữ vương, và quả đúng như
vậy, vì hai người này mật kết với vua, tuy họ không có trách nhiệm về việc quản
trị quốc gia.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con luôn đồng thanh tôn vinh Đức Maria, Mẹ Chúa là Nữ Vương , vì Mẹ là mẹ
của Thiên Chúa vốn là Vua của cả trời đất.
Suy niệm 4 Thế kỷ
Vào thế kỷ thứ tư, Thánh Ephrem gọi Đức Maria là Hoàng Hậu
Và sau đó các Giáo Phụ cũng như các Tiến Sĩ Hội Thánh tiếp tục dùng danh
xưng này. Các thánh thi từ thế kỷ 11 cho đến 13 đề cập đến Đức Maria như một
hoàng hậu: "Kính mừng Hoàng Hậu Thánh Thiện," "Kính mừng Hoàng
Hậu Thiên Đàng."
Tràng hạt dòng Đaminh và dòng Phanxicô cũng như biết bao lời cầu khẩn Đức
Maria trong kinh nguyện đều mừng kính tư cách nữ vương của ngài. Đặc biệt trong
Kinh Cầu Đức Bà, Giáo Hội cũng dành nhiều câu kinh để tôn vinh tư cách nữ vương
của Mẹ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con không chỉ tôn vinh tư cách nữ vương của Mẹ trên môi miệng mà trong
lòng và trong cuộc sống.
Suy niệm 5 Thông
điệp
Trong thông điệp Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Piô XII nói rằng Đức Maria xứng
với danh hiệu này
Từ thời các tông đồ, đặc biệt thánh Phaolô, ngài đã viết nhiều thư để liên
lạc với các giáo đoàn ở xa. Sau khi các tông đồ qua đời, các giám mục thường
liên lạc với nhau qua thư từ, và thỉnh thoảng gởi cho các tín hữu để thúc đẩy
tính thống nhất trong việc giữ kỷ luật và sống đức tin, đặc biệt về giáo lý và
áp dụng lịch phụng vụ. Vì giám mục ở Rôma được xem là người kế vị thánh Phêrô,
viết thư cho các giám mục trên toàn thế giới.
Việc luân chuyển các văn thư của Giáo Hoàng giữa các giám mục bị ngưng trệ
ở Thời Trung Cổ, lúc mà quyền lực của các giám mục bắt đầu tuột dốc. Thời kỳ
này Tòa Thánh bắt đầu viết văn thư cho một vị giám mục lúc tòa giám mục địa
phương có công việc, và mỗi giám mục địa phận có trách nhiệm viết một thư trình
báo cho Tòa Thánh. Đến thời Đức Giáo Hoàng Biển đức XIV (1740-1758), nhờ sự hổ
trợ của việc in ấn báo chí đang phổ biến, ngài đã làm sống lại truyền thống cổ
xưa của Giáo Hoàng là viết một bức thư chung cho toàn giám mục trên thế giới.
Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI (1831-1846) gọi những thư viết loại này là Thông
Điệp. Sau Công Đồng Vatican I (1870), nhiều văn thư của Giáo Hoàng được làm rõ
và được xem là Thông Điệp.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con dày công nghiên cứu và học hỏi các chỉ dẫn trong các Thông Điệp để
cập nhật hóa hướng đi.
Suy niệm 6 Mẹ Thiên
Chúa
Trong thông điệp Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Piô XII nói rằng Đức Maria xứng
với danh hiệu này vì ngài là Mẹ Thiên Chúa.
"Tất cả mọi Kitô Hữu hãy tha thiết khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là
Mẹ loài người. Hãy nài xin ngài là đấng là trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời
khẩn nguyện, và được tôn vinh trên trời trên tất cả thần thánh, để ngài có thể
cầu bầu cùng Con ngài trong sự hiệp thông với toàn thể các thánh.
Cầu mong sao ngài vẫn tiếp tục công việc ấy cho mọi dân tộc của gia đình
nhân loại, dù họ được vinh dự mang danh Kitô Hữu hay chưa biết đến Đấng Cứu
Thế, đều được hân hoan cùng nhau quy tụ trong an bình và hòa thuận hợp thành
một Dân Chúa, vì vinh hiển của Ba Ngôi Cực Thánh và Không Phân Chia" (Hiến
Chế Tín Lý về Giáo Hội, 69).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con luôn tha thiết khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, vì mẹ
là Nữ Vương trời đất.