Thánh LÔRENSÔ
(thế kỷ thứ ba)
Lược sử
Thánh Lôrensô là một
trong bảy nô bộc (phó tế) của giáo hội chịu trách nhiệm giúp đỡ người nghèo túng và ngài
được giao cho trách nhiệm "quản lý tài sản của giáo hội".
Khi sự cấm đạo dưới
thời hoàng đế Valerian bùng nổ, Thánh Giáo Hoàng Sixtus bị kết án tử hình cùng
với sáu phó tế khác. Khi đức giáo hoàng bị điệu ra pháp trường, Lôrensô đi theo
khóc lóc nức nở, ngài hỏi: "Cha ơi, cha đi đâu mà không cho nô bộc này
theo?" Đức giáo hoàng trả lời: "Con ơi, ta không bỏ con đâu. Trong ba
ngày nữa, con sẽ theo ta." Nghe thấy thế, Lôrensô thật vui mừng, ngài về
phân phát hết tiền của trong kho cho người nghèo, và còn bán cả các phẩm phục
đắt tiền để có thêm của cải mà phân phát. Quan Tổng Trấn Rôma, một người tham
lam, nghĩ rằng Giáo Hội có giấu giếm nhiều của cải. Do đó, ông ra lệnh cho
Lôrensô phải đem hết tài sản của Giáo Hội cho ông. Vị thánh trả lời,
xin cho ba ngày. Thế là ngài đi khắp thành phố, quy tụ mọi người nghèo khổ, đau
yếu được Giáo Hội giúp đỡ. Khi trình diện họ trước mặt quan, ngài nói:
"Đây là tài sản của Giáo Hội!"
Giận điên người, quan
tổng trấn xử phạt Lôrensô phải chết cách thê thảm và chết dần mòn. Vị thánh bị
cột trên một vỉ sắt lớn với lửa riu riu để từ từ thiêu đốt da thịt của ngài,
nhưng thánh nhân đang bừng cháy với tình yêu Thiên Chúa nên hầu như ngài không
cảm thấy gì. Thật vậy, Thiên Chúa còn ban cho ngài sức mạnh đến độ có thể đùa bỡn. Ngài nói
với quan tòa, "Lật tôi đi chứ. Phía bên này chín rồi!" Và trước khi
trút hơi thở cuối cùng, ngài nói, "Bây giờ thì đã chín hết rồi." Sau
đó ngài cầu xin cho thành phố Rôma được trở lại với Đức Kitô và cho Đức Tin
Công Giáo được lan tràn khắp thế giới. Và ngài tiến lên lãnh nhận triều thiên
tử đạo.
Suy niệm 1 Phó tế
Thánh Lôrensô là một trong bảy nô bộc (phó
tế) của giáo hội chịu trách nhiệm giúp đỡ người nghèo túng và ngài được giao
cho trách nhiệm "quản lý tài sản của giáo hội".
Phó tế là một chức vụ giáo sĩ trong các
giáo hội kitô giáo, nhưng có sự khác biệt giữa họ về thần học và trách nhiệm
trong từng giáo hội đó. Theo Giáo Hội Công Giáo Rôma, phó tế được xem là một
chức thánh sau chức Linh Mục và Giám Mục; các giáo hội Kháng Cách gọi là chấp
sự. Cả hai cách gọi đều có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là “diakonos” mang nghĩa
là “người đang chờ đợi một chức vụ” nhằm ám chỉ họ sẽ được nâng lên chức vụ cao
hơn về sau.
Truyền thống kitô giáo tin rằng: chức phó
tế bắt nguồn từ việc giáo hội sơ khai tuyển chọn ra bảy người đàn ông để trợ
giúp quản lý các công việc từ thiện của giáo hội (Cv 6). Các vị ấy là “ông
Têphanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Philípphê,
Pơrôkhôrô, Nicano, Timôn, Pácmêna và ông Nicôla, một người ngoại quê Antiôkhia
đã theo đạo Do-thái (Cv 6,5).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp các phó tế chu toàn chức vụ theo đấng bậc của mình.
Suy niệm 2 Nghèo
túng
Thánh Lôrensô là một trong bảy nô bộc (phó
tế) của giáo hội chịu trách nhiệm giúp đỡ người nghèo túng và ngài được giao
cho trách nhiệm "quản lý tài sản của giáo hội".
Duy trì truyền thống căn bản của chức phó
tế thời các tông đồ, Giáo Hội trong các thế kỷ tiếp theo vẫn cắt đặt các phó tế
trong trách nhiệm giúp đỡ người nghèo túng.
Trước khi ra đi chịu chết, với chức vụ phó
tế, Thánh Lôrensô phân phát hết tiền của trong kho cho người nghèo, và còn bán
cả các phẩm phục đắt tiền để có thêm của cải mà phân phát, nhằm đối phó với
tính tham lam của quan Tổng Trấn Rôma.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết quan tâm giúp đỡ người nghèo túng theo
đường hướng của một Giáo Hội luôn được mệnh danh là Giáo Hội của người nghèo và
cho người nghèo.
Suy niệm 3 Quản lý
Thánh Lôrensô là một trong bảy nô bộc (phó
tế) của giáo hội chịu trách nhiệm giúp đỡ người nghèo túng và ngài được giao
cho trách nhiệm "quản lý tài sản của giáo hội".
Vai trò của người quản lý không chỉ bảo
quản tài sản như một thủ kho cũng như không chỉ kinh doanh làm sinh lợi tức, mà
còn biết tính toán khéo léo để không làm phương hại đến tài sản đó.
Hiểu thế nên một khi đọc được ý đồ đen tối
của quan tổng trấn vốn tham lam muốn hành quyết Đức Giáo Hoàng cũng như ngài để
chiếm đoạt tài sản của Giáo Hội, Thánh Lôrensô đã linh động phân phát tất cả
cho người nghèo.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp các nhà lãnh đạo thần quyền cũng như thế quyền chú tâm
phục vụ phúc lợi cho người chứ không dùng quyền để mưu cầu tư lợi.
Suy niệm 4 Vui mừng
Nghe thấy thế, Lôrensô thật vui mừng.
Mẫu chuyện chú chó có nghĩa với chủ vẫn
luôn được người đời nhắc nhở và ca tụng: Sau khi người chủ bị tử trận và được
chôn cất, chú chó ngày ngày không ở trong nhà mà ra ngoài mộ nằm phủ phục cho
đến chết.
Đó cũng là nỗi buồn của thầy phó tế Lôrensô
đến mức phải khóc lên, khi không được đi theo Thánh Giáo Hoàng Sixtus ra pháp
trường. Nhưng nỗi buồn đã biến thành niềm vui khôn tả, khi được tiên báo trong
ba ngày nữa ngài cũng sẽ được đi theo chủ mình.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng làm tôi hai chủ, nhưng mãi trung kiên theo
Chúa đến cùng.
Suy niệm 5 Tài sản
Đây là tài sản của Giáo Hội!
Tài sản vẫn thường được hiểu theo nghĩa đen
là của cải vật chất. Nhưng với thánh phó tế Lôrensô, ngài có một cái nhìn khác
cao quý hơn, đó là con người.
Quả đây là một tài sản vô giá, vì đã được
tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26). Do đó chính Thiên Chúa cũng
không muốn một ai phải hư mất (Mt 19,14). Hơn nữa tài sản này đã được Đức Kitô
đánh đổi bằng cả giá máu của Ngài (Mt 27,6) và Ngài đã hết mình bảo vệ đến cùng
(Ga 17,12).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng làm nô lệ cho lối sống dẫn đến hư vong (2Pr
2,19), cũng như chớ làm hư hỏng tha nhân (Dt 12,15).
Suy niệm 6 Đùa bỡn
Thiên Chúa còn ban cho Lôrensô sức mạnh đến
độ có thể đùa bỡn.
Tính đùa bỡn là một đặc ân Chúa ban vừa
giúp tinh thần lẫn thể xác. Để chịu đựng được nỗi đau thân xác, thánh Lôrensô
đã vận dụng tính hài hước này để vượt qua được cảnh da thịt đang bị thiêu đốt
từ từ với câu nói: "Lật tôi đi chứ. Phía bên này chín rồi!" Và trước
khi trút hơi thở cuối cùng, ngài nói: "Bây giờ thì đã chín hết rồi."
Thánh Clêmentê Hofbauer lại dùng tính đùa
bỡn để chiến thắng chính mình và chinh phục lòng người. Một hôm cô nhi viện
không còn lương thực. Là bề trên, ngài phải đích thân đi xin ăn. Ngài vào nhà
một người giàu có đang tổ chức sòng bạc. Người chủ nhà vừa gặp cơn đen lại vừa
bị người hành khất quấy rầy. Ông không kiềm nổi cơn bực bội nên đã nhổ tung
nước bọt vào mặt ngài. Vốn có tình hài hước, ngài vui vẻ nói với người đã phỉ
nhổ mình: Đó là quà ông dành cho tôi, xin cám ơn ông. Thế còn quà của các em mồ
côi đâu? Bị đánh động bởi cử chỉ điềm nhiên vui vẻ của ngài, ông chủ nhà đành
phải lấy tiền trao cho ngài để giúp các em mồ côi.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin ban tính đùa bỡn cho chúng con để làm lợi khí chế ngự tinh thần
lẫn thể xác.