NĂM ĐƯỜNG LỐI
CHỨNG MINH CÓ THIÊN CHÚA
của thánh Tôma tiến sĩ
CHỨNG MINH CÓ THIÊN CHÚA
của thánh Tôma tiến sĩ
Thánh
Thomas d’ Aquin (1225-1274), một vị tiến sĩ thần học rất nổi tiếng thời trung cổ
đã đề ra 5 đường lối chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa như sau:
1. Sự chuyển động của vũ trụ chứng minh có Thiên Chúa:
Bất cứ một vật
nào đang chuyển động cũng phải lệ thuộc vào một động lực khác. Chẳng hạn: một
chiếc xe đang chạy là do người tài xế đã rồ máy và điều khiển tay lái, một viên
đạn bay ra khỏi nòng súng, một nồi nước đang sôi lên sung sục là do tác dụng của
lửa làm nóng nước lên. Vậy thì khi nhìn vào vũ trụ, ta thấy có sự chuyển động của
các hành tinh, thì cũng phải có một động lực nào đó đã ảnh hưởng tới và làm cho
chúng xoay vần di chuyển trong không gian. Động lực ấy chính là Thiên Chúa.
2. Luật nhân quả chứng minh có Thiên Chúa:
Nhìn vào vũ trụ
vật chất, ta nhận thấy có sự liên hệ mật thiết giữa vật này với vật kia, vật có
sau lệ thuộc vào một nguyên nhân có trước. Chẳng han: có khói là đã phải có lửa,
có con là đã phải có cha mẹ... Nếu cứ suy luận lên mãi thì cuối cùng phải đi đến
một nguyên nhân tự mình hiện hữu, không bị lệ thuộc vào một nguyên nhân nào
khác mới hợp lý. Nguyên nhân tự hữu ấy là Thiên Chúa.
3. Sự sắp xếp trật tự minh chứng có Thiên Chúa:
Kinh nghiệm cho
ta biết: sự may rủi bao giờ cũng đi đôi với vô trật tự và hỗn độn. Chẳng hạn: Lấy
24 chữ cái A B C D... viết vào các mảnh giấy rồi bỏ trong một chiếc hộp, sau đó
lắc hộp và đổ các mảnh giấy ra. Không bao giờ bạn đạt được thứ tự như cũ: A B C
D... Trái lại, bất cứ vật gì ta thấy được xếp đặt trât tự thì đều là kết quả của
một trí khôn nào đó. Chẳng hạn: nhìn xem một vườn cây ăn trái được sắp đặt thứ
tự, cây cối tùy loại mọc ngay hàng thẳng lối... ta quả quyết đã phải có một trí
khôn làm chủ vườn cây ấy. Cũng vậy, khi quan sát vũ trụ thiên nhiên, ai ai cũng
thấy có sự xếp đặt kỳ diệu từ cái cực to là các hành tinh, đến cái cực nhỏ như
nguyên tử; Từ sự sống thấp nơi thảo mộc cây cối đến sự sống phức tạp, trổi vượt
nhất nơi loài người... Từ đó, họ sẽ đi đến kết luận: Phải có một Đấng nào đó
toàn năng siêu việt... đã an bài cho vạn vật hình thành và phát triển hài hòa
trật tự. Đấng toàn năng ấy chính là Thiên Chúa.
4. Bậc thang giá trị nơi vạn vật minh chứng có Thiên Chúa:
Khi quan sát vạn
vật trong vũ trụ ta thấy chúng có những bậc thang giá trị khác nhau: Có vật thì
không mấy thẩm mỹ, có vật lại rất mỹ miều và đáng yêu, có vật ít hữu ích nhưng
cũng có vật lại ích lợi rất nhiều, có vật lại tầm thường, nhưng cũng có những vật
thật là cao quý... từ đó, ta suy ra: phải có một vị nào đó có mọi điều tốt đẹp,
cao quý nhất... làm tiêu chuẩn cho vạn vật trong vũ trụ hữu hạn này. Đấng tuyệt
đối ấy chính là Thiên Chúa.
5. Cứu cánh của vạn vật minh chứng có Thiên Chúa:
Cứu cánh nghĩa
là cùng đích, là mục đích chính yếu cuối cùng tuyệt đối. Mỗi người chúng ta đều
tự nhiên cảm thấy có ước muốn, khát vọng vô bờ bến. Không một sự gì đã đạt được
lại có thể làm ta thỏa mãn và đem lại cho ta hạnh phúc hoàn toàn. Do đó, bên
trên mọi điều mong ước, về vật chất cũng như tinh thần, ta ước muốn một điều gì
bền bỉ, hoàn hảo, vĩnh viễn... Sự hoàn hảo tuyệt đối mà con người mong muốn đạt
tới ấy gọi là cứu cánh của con người. Cứu cánh ấy không thể có trong vạn vật ở
trần gian mà chỉ có được ở nơi Thiên Chúa. Chính sự khát vọng tuyệt đối, sự hướng
về cứu cánh tuyệt đối ấy là bằng chứng cho thấy có Thiên Chúa. Thánh Augustin
nói: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng lên con hướng về Chúa, nên tâm hồn con luôn xao
xuyến mãi cho tới khi nào con được nghỉ yên trong Chúa”.
TÓM LẠI: Với trí
khôn suy luận từ sự vận chuyển của các vật bị động đến một động lực không bị động;
Từ các vật không thể tự mình mà có đến một Đấng Tự Hữu; Từ sự trật tự của vũ trụ
đến một trí khôn toàn năng đã an bài xếp đặt; Từ các bậc thang giá trị của vạn
vật đến một giá trị tuyệt đối vô hạn; Từ sự mong ước tuyệt đối đến một Đấng là
Cứu Cánh mà vạn vật hướng về... Tất cả đã chứng minh cho chúng ta một điều
không thể chối cãi được. Đó là: vũ trụ vạn vật đã do Thiên Chúa tạo dựng nên.
Nhưng Thiên Chúa ở đây vẫn chỉ là một vị Thiên Chúa trừu tượng, xa xôi, không
có liên hệ bao nhiêu với mỗi người chúng ta. Đây là Thiên Chúa của các triết
gia mà thôi. Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là một Thiên Chúa của tình thương,
liên hệ chặt chẽ với loài người và đã bày tỏ bản tính của Ngài qua các tổ phụ,
các tiên tri Cựu Ước, và qua chính Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô thời Tân Ước.
Tất cả những điều Thiên Chúa mặc khải ấy đã được chép lại thành môt bộ sách gọi
là Thánh Kinh. Do đó, ngoài việc dùng lý trí suy luận để biết có Thiên Chúa,
con người còn có bổn phận phải tìm hiểu học hỏi Thánh Kinh để biết Chúa là ai?,
nhờ đó sẽ tỏ lòng biết ơn bằng cách tôn thờ, cảm tạ, yêu mến, cầu xin và vâng Lời
Ngài.
Lm. Đan Vinh,
HHTM