TỈNH THỨC
Sự tỉnh thức của chúng ta là ý thức rằng
sống là để yêu thương và phục vụ. Đây chính là ý nghĩa đích thực của sự tỉnh thức
mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng.
Sưu tầm
Tại Thụy sĩ, có một vườn hoa tuyệt đẹp, đủ loại hoa, đủ màu sắc. Nằm giữa
vườn là một tòa nhà tráng lệ. Nhìn vườn hoa với cảnh phối trí, cắt tỉa, uốn nắn…
ai cũng phải công nhận đã có một sự chăm sóc kỹ lưỡng, kèm theo một óc thẩm mỹ
hiếm có của người chủ vườn. Một du khách đi qua đây, thoáng nhìn ông đã thấy
như say mê. Giữa lúc đó, người làm vườn bước ra. Chủ khách chào hỏi lẫn nhau. Rồi
từ chuyện hoa cỏ, cách chăm bón, trồng tỉa, sự phối hợp màu sắc… câu chuyện đi
đến chỗ thân tình. Du khách hỏi:
-
Xin lỗi cụ, cụ ở đây được bao lâu rồi?
-
Khoảng 40 năm rồi.
-
Tôi đoán, có lẽ ông chủ của cụ rất sành về nghề cảnh, chắc giờ này ông có
nhà?
-
Ông ta không ở đây, thỉnh thoảng mới ghé qua đây thôi.
-
Ông có thư từ gì với cụ không?
-
Không, ông ta bận lắm
-
Ông không về cũng không thư từ, thì ai trả lương cho cụ?
-
Hàng tháng tôi chỉ nhận được ngân phiếu từ ông ta để chi phí mọi sự cho khu
vườn này.
-
Thế tội gì cụ phải chăm sóc kỹ lưỡng thế này, ông chủ có mấy khi đến thưởng
ngoạn đâu?
-
Tôi thì lại không nghĩ thế, mình là một gia nhân được chủ tín nhiệm trao
phó việc bảo quản khu vườn này, mình phải tận tụy chứ lúc nào ông về cũng được,
ông sẽ hài lòng với công việc của tôi. Hơn nữa, khi làm đẹp khu vườn cho chủ,
chính tôi cũng được thưởng ngoạn cảnh đẹp do chính tay mình làm nên.
Người gia nhân trên đây thật đáng ca tụng. Ông làm việc không vì sợ
nhưng vì yêu, không vì mắt chủ mà vì trách nhiệm, ông coi việc của chủ như việc
của mình, nên đã hết lòng. Thái độ của ông thực là thái độ Chúa muốn mỗi người
chúng ta phải có khi làm việc cho Ngài. Trong huấn dụ về sự tỉnh thức Chúa đã dạy
chúng ta trong bài Tin Mừng: “Hãy thắt
lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới
về, để khi chủ gõ cửa thì mở ngay cho chủ. Nếu canh hai canh ba chủ trở về mà gặp
thấy như vậy thì phúc cho các đầy tớ ấy”.
Lời dạy của Chúa chúng ta đã nghe nhiều, nghe đi nghe lại, nhưng có lẽ
nó chưa rơi vào óc, chưa thấm vào tim chúng ta. Chúa bảo chúng ta cầm đèn cháy
sáng, nhưng đèn chúng ta lại không dầu, chúng ta lại ngủ vùi trong đam mê. Chúa
bảo chúng ta đợi Ngài, nhưng chúng ta lại đợi những gì khác Ngài… Vậy nếu canh
hai canh ba Ngài về thì phúc cho chúng ta hay họa cho chúng ta? Linh hồn và
thân xác chúng ta là tòa lâu đài Chúa trao, vườn hoa chính là nhân đức Chúa đã
gieo trồng, rồi ủy thác cho chúng ta chăm sóc. Hôm nay nhìn lại, tòa lâu đài
còn xứng đáng với danh xưng của nó hay đã biến thành nhà hoang, nhà điếm hoặc
hang trộm cướp? Vườn hoa nhân đức giờ này còn khởi sắc hay chỉ phơi bày sự úa
tàn? Trong hoàn cảnh này, nếu Chúa trở về, Ngài sẽ buồn hay vui? Vui buồn của
Ngài cũng là quyết định cho khổ đau hay hạnh phúc của chúng ta.
Suy nghĩ và nhận ra những thiếu sót của mình, chúng ta hãy tức thời tu sửa.
Thời gian của vũ trụ thì con dài, nhưng thời gian của đời mình thì thật ngắn ngủi.
Sự chấm dứt chẳng biết lúc nào. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ mình còn lâu mới chết:
mình còn trẻ, khỏe mạnh, còn lâu mới chết, vì không thiếu gì trường hợp “Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống
trời ơi hỡi trời”.
Ông Lã Phụng Tiên kể một câu chuyện ngụ ngôn: có một cụ già kia đang cuốc
đất trồng cây, có ba chàng thanh niên tình cờ đi qua, thấy vậy các cậu nói:
-
Cụ ơi, cụ lẩm cẩm quá, già rồi mà còn trồng cây. Thôi cụ ơi, việc ấy để tụi
cháu, cụ lo dọn mình chết là vừa.
Cụ già vui vẻ ân cần trả lời:
-
Chắc gì lão chết trước. Chắc gì các cháu sống lâu hơn lão. Tử thần xưa rày
có phân biệt trẻ hay già đâu. Trẻ hay già có khác chi nhau về phương diện đó. Các
cháu cứ lo làm cho đàng hoàng công việc của các cháu đi.
Một thời gian sau, cụ già lần lượt được tin ba chàng thanh niên, vì công
việc đều chết cả: người thì chết vì tai nạn xe hơi, người thì chết trận, người
thì bị đắm tàu trong một chuyến kinh doanh. Cụ già được tin buồn, khóc thương
ba chàng trai trẻ đó.
Giả sử chúng ta cho là mình còn trẻ, còn khỏe mạnh, còn lâu mới chết
cũng được đi. Nhưng Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng, chúng ta phải
quan tâm và chấp hành nghiêm chỉnh. Tỉnh thức không phải là không ngủ mà là ngủ
trong thức tỉnh. Tỉnh thức không phải là ngồi không mà chờ đợi, nhưng vẫn làm
như thường trong tư thế chờ đợi. Có những người tỉnh thức trong kinh kệ, trong
nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Tỉnh thức
cũng không phải là suốt ngày đọc lời Chúa nhưng là để lời Chúa chi phối đời sống
của mình. Như vậy, thái độ tỉnh thức của chúng ta không phải là một thái độ
tiêu cực, chạy trốn, tránh né bổn phận, không dấn thân trong hiện tại, nhưng
ngược lại, vẫn sống tích cực, vẫn chu toàn bổn phận hàng ngày, vẫn liên đới với
mọi người… sống và làm việc cách tốt đẹp. Tóm lại, sự tỉnh thức của chúng ta là
ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ. Đây chính là ý nghĩa đích thực của
sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng.
Chúng ta còn trẻ hay đã già, khỏe mạnh hay đau yếu, điều đó không quan
trọng, nhưng quan trọng là chúng ta đang sống thế nào? Đang tỉnh thức hay ngủ
mê? Nếu chúng ta đang sống tốt đẹp, chúng ta cứ vui sống. Có một câu chuyện kể
rằng:
Một hôm, một số trẻ em đang vui chơi, một giáo sư đi tới hỏi các em: “Nếu bây giờ Chúa gọi các con chết, các con
sẽ làm gì?”. Nghe hỏi thế, em thì nói: “Con
vào nhà thờ cầu nguyện”. Em khác thưa: “Con
đi xưng tội”. Có một em hồn hiên trả lời: “Phần con vẫn vui chơi như thường”. Vị giáo sư hỏi: “Tại sao con lại vui chơi như thường?” Em
trả lời: “Vì con luôn sống tốt đẹp, nên
con chẳng có gì phải lo sợ”. Em bé đó chính là thánh trẻ Bec-man.
Khi đời chúng ta luôn sẵn sàng, khi lương tâm chúng ta không trách cứ
chúng ta điều gì, khi mọi nợ nần của chúng ta với Chúa và anh em đều sòng phẳng,
chúng ta không có gì phải lo sợ, chúng ta cứ vui sống bất kể dòng đời biến chuyển
cách nào.