Lời Chúa cntn 19c _ kho tàng ở đâu, lòng ở đó

KHO TÀNG Ở ĐÂU, LÒNG Ở ĐÓ

Đức tin đòi người ta phải bước vào một cuộc trả giá không khoan nhượng theo một thang giá trị mới, với nhiều từ bỏ, hy sinh... nhưng hoa trái của niềm tin lại là một sự bình an sâu thẳm.
Lm. HK
Trong cuốn truyện ‘Xin chọn người yêu là Thượng đế’, văn hào Nikos Kazanzakis thuật chuyện thánh Phanxicô khó khăn, đấng lập dòng Anh em Hèn mọn, một lần kia nói với một người bạn thường đi theo ngài:
-        Nếu anh không muốn con đường này, anh có thể theo con đường khác. Còn tôi, tôi không thể đi đường nào khác được nữa.
Người kia ngạc nhiên hỏi:
-        Tại sao anh không thể đi con đường khác?
Thánh Phanxicô trả lời:
-        Tôi đã đốt cháy mọi cây cầu mà tôi vừa đi qua.
Đôi khi người ta có những quyết tâm nửa vời, ba phải. Nhưng câu hỏi về đích nhắm sau cùng của đời người không có chỗ cho sự mơ hồ, nửa muốn nửa không: “vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,17). Thử hỏi ai là người dám đưa cả đời mình ra đánh cuộc cho một kết quả “năm ăn năm thua”?
Nhưng ta sẽ tìm được ở đâu một sự bảo đảm cho con đường đời mình đang đi? Làm thế nào mà thánh Phanxicô lại có được một quyết tâm triệt để và một xác tín vững chắc vào con đường mình đang đi? Ngài tìm được sự bảo đảm trong niềm tin vào tình yêu Chúa: “Chính tay Ngài đã tạo tác nên con, chẳng lẽ Ngài đổi ý mà huỷ diệt?” (G 10,8).
Đúng thế! Thiên Chúa yêu mỗi người như một người con, “Ngài đã ban cho con tình thương và sự sống, quan tâm đến từng hơi thở của con” (G 10,12).
Tình thương Chúa quá lớn lao: con người có là chi mà “Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình”, mà “cứu gỡ họ khỏi tay thần chết và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn”. Nhìn lại đời mình, ai cũng có thể thấy Chúa đang tìm mình, đang chăm sóc cho mình: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người” (Tv 34,9).
Chúa đã ngỏ lời yêu thương với các tổ phụ, với dân Do thái, và trong thời sau hết, lời yêu thương đó được ngỏ một cách trọn vẹn với mọi người trong Đức Kitô - đường và sự thật dẫn đến sự sống muôn đời. Nơi Ngài, ai cũng có thể tìm thấy một kho tàng hạnh phúc vô tận dành riêng cho mình.
Trước lời ngỏ yêu thương của Chúa thì niềm tin là lời đáp trả tốt nhất và cũng là chìa khoá mở cửa hạnh phúc của mỗi người.
Lịch sử ơn cứu độ là sự lặp đi lặp lại điệp khúc “nhờ đức tin”, điệp khúc đó được nhấn mạnh trong thư Do thái: “nhờ đức tin, ông A-ben đã dâng lên …, nhờ đức tin, Abraham đáp trả lại tiếng Chúa gọi ..., nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già,...Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời, như cát bãi biển” (x. Dt 11).
Tin vào tình thương của Chúa là công thức chung cho hạnh phúc của mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Mặc dầu đức tin đòi người ta phải bước vào một cuộc trả giá không khoan nhượng theo một thang giá trị mới, vớ nhiều từ bỏ, hy sinh: “hãy bán những của các con có mà bố thí, hãy sắm cho các con những túi không hư nát, ... hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay...”, nhưng hoa trái của niềm tin lại là một sự bình an sâu thẳm: “các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban Nước Trời cho các con”.
Tin vào tình thương của Chúa, người ta sẽ tìm thấy hạnh phúc dù đức tin luôn đòi hỏi những hy sinh, từ bỏ, những thay đổi đi ngược với suy nghĩ bình thường. Đời sống của các thánh làm chứng rằng đó là con đường đem lại bình an và hạnh phúc: “Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ, vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn” (Tv 4,9).
Thập niên 1940, cha Goldry, một linh mục thừa sai, bị trục xuất khỏi Trung quốc. Trên đường về Mỹ, cha đi ngang Ấn độ.
Tại một vùng duyên hải Ấn độ, cha Goldry gặp thấy rất nhiều dân tị nạn thuộc cộng đồng Do thái đang chen chúc vất vưởng. Họ trốn tránh sự đàn áp của Đức Quốc Xã, nhưng chẳng mấy ai đón nhận hay giúp đỡ họ. Họ chui nhủi trong những vựa rơm phong phanh hay những túp chòi hoang phế. Lúc bấy giờ là gần lễ Giáng sinh, cha Goldry quyết định bán chiếc vé tàu của mình để mua bột mì cho những người Do thái này nướng bánh mừng Lễ Đèn của họ (tức lễ Hanukkah, xấp xỉ với lễ Giáng sinh). Sau đó, cha gửi điện tín về Mỹ xin tiền mua vé tàu khác để về quê.
Vừa về đến Mỹ, cha đã bị bề trên quở trách:
-        Ôi, ông đã làm chuyện thật vớ vẩn. Ông thừa biết là bọn Do thái ấy không tin vào Chúa Giêsu.
-        Họ không tin, nhưng còn con, con tin.
Vâng, chính đức tin đã buộc cha phải chọn lựa theo bậc thang giá trị của niềm tin, là một tình yêu sẵn lòng thí mạng vì người mình yêu.
Nhờ đức tin, với hai bàn tay trắng và ân sủng Thiên Chúa, ai cũng có thể có cho riêng mình một kho tàng vô giá.
Nhưng đức tin không để ai ngồi yên mà luôn bắt người ta làm việc: “các con hãy sẵn sàng”, luôn đòi buộc người tin phải chấp nhận mọi thua thiệt miễn là đáp ứng được những đòi hỏi không khoan nhượng của đức tin, vì “kho tàng các con ở đâu thì lòng các con cũng ở đó”.
Lm. HK