Chúa Nhật XXVIII TN 14/10/07
LÒNG BIẾT ƠN
Anh ta sấp
mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. (Lc 17,11-19)
Suy niệm: Chúa Giêsu làm một phép lạ lẫy lừng, là
cho 10 người bị phung cùi (một bệnh nan y vào thời đó) được khỏi bệnh một cách
nhẹ nhàng. Trước ân huệ cao cả đó, chỉ có một trong số mười người biết quay lại
cám ơn Chúa. Lòng biết ơn hiếm thay! Cũng hiếm như phép lạ vậy! Lòng biết ơn được
trân trọng chừng nào, thì lòng vô ơn bị khinh chê chừng nấy. Một ơn huệ nhận được,
dù nhỏ bé, cũng đáng cho người nhận phải tri ân (Ơn ai một chút chớ quên). Nếu
thế thì đối với Thiên Chúa, chúng ta càng phải mang nặng lòng biết ơn, vì “Từ
nguồn sung mãn của Người (Đức Giêsu), tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến
ơn khác” (Ga 1,16).
Mời Bạn: Giáo dân Việt nam thích khắc bảng ghi ơn Chúa và Đức Mẹ, cũng như hay
xin lễ tạ ơn mỗi khi tin rằng mình được nhậm lời. Việt ngữ không thiếu những từ
diễn tả lòng biết ơn với nhiều cấp độ : cám ơn, biết ơn, ghi ơn, tạ ơn, đội ơn,
lạy ơn, tri ân, cảm tạ... Lòng biết ơn là một nét đẹp của văn hóa. Người biết
ơn là người chứng tỏ mình lịch sự, có giáo dục. Lời cám ơn phải ở sẵn nơi môi
miệng, phát xuất từ lòng mình, và có khi kèm theo một hành vi, như anh phong
cùi sấp mình dưới chân Chúa.
Tự hỏi: Bạn hãy biết nói lời cám ơn với những ai đã giúp đỡ bạn, dù việc họ làm
cho bạn là một việc không đáng kể, và dù người đó là một người nhỏ hơn bạn.
Sống Lời Chúa: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi
ơn lành Người đã ban cho ?” (Tv 115,12); “Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì
đức từ bi của Người muôn thuở” (Tv 118,1).
Cầu nguyện: Đọc Kinh Cám ơn cách chậm rãi, suy gẫm với
tất cả lòng thành tạ ơn Chúa.