Đức Thánh Cha
Phanxicô đã nêu ra hướng mục vụ của Ngài, đó là mở ra về phía Chúa và về phía
con người. Hai hướng đó cần được thực hiện đi đôi với nhau. Con đường mở ra là
tình yêu. Gương và sức mạnh mở ra là Chúa Giêsu.
1. Đức Thánh Cha Phanxicô
đã nêu ra hướng mục vụ của Ngài, đó là mở ra về phía Chúa và về phía con người.
Hai hướng đó cần được
thực hiện đi đôi với nhau.
Con đường mở ra là
tình yêu.
Gương và sức mạnh mở ra là Chúa Giêsu.
2.
Trong bài diễn văn đọc trước
Hội nghị Uỷ Ban Giáo Hoàng cho châu Mỹ Latinh, tại Roma, ngày 18-2-2009, Đức
Jorge Bergoglio, sau này là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã nhấn mạnh đến việc đào
tạo linh mục. Đại ý như sau: Đào tạo này theo thánh Tôma và thánh Ambrosiô, là “Đức Kitô hình thành
trong chúng ta, là chúng ta đón nhận được đức ái của Đức Kitô”.
Mục tử phải là người có
kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa, theo khuôn mẫu của trái tim Chúa Giêsu. Họ
luôn ngoan ngoãn với những tác động của Chúa Thánh Thần... Được như vậy, mục tử
phải nuôi mình bằng Lời Chúa, Thánh Thể và cầu nguyện... Họ sẽ là mục tử thừa
sai, biết bảo vệ đoàn chiên và đi tìm chiên lạc... Họ sẽ là những người phục vụ
cuộc sống, biết để ý đến những nhu cầu của những kẻ yếu đuối... Họ sẽ là linh mục
của lòng thương xót.
3.
Ngoài ra, đời sống thiêng
liêng vừa kể còn sẽ được xây dựng bằng việc đào sâu thần học, triết học và Kinh
Thánh. Tất cả đều mở ra về mầu nhiệm Chúa Giêsu, giúp chúng ta gắn bó với Chúa
Giêsu, Đấng mà chúng ta tin cậy với tất cả con người, linh hồn, trí khôn, trái
tim. Người sẽ ban cho chúng ta Thần Khí của Người, đưa chúng ta vào chân lý
toàn diện.
Trong bài giảng thánh lễ
mừng Quốc Khánh nước Achentina, ngày 25-5-2012 tại Nhà Thờ Chánh Toà Thủ Đô,
Buenos Aires, Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, quả quyết: “Chỉ tình yêu sẽ cứu được
chúng ta”. Ngài nói về tình yêu của Chúa Giêsu.
4.
Điều đáng chú ý là Đức
Thánh Cha nhấn mạnh đến việc mục tử phải biết áp dụng tất cả đời sống thiêng
liêng và học thuyết của mình vào thực tế.
Thực tế mà tác giả nhấn mạnh
là cái tâm của nền văn hoá dân tộc mình. Cái tâm đó chính là sự khôn ngoan đạo
đức tiềm ẩn trong lòng dân. Thí dụ sự kính trọng dành cho những gì là linh
thiêng, sự hướng lòng mình về một Đấng Tối Cao có quyền thưởng phạt.
5.
Áp dụng vào thực tế như
thế đòi một khả năng phân định. Người mục tử biết phân định, là giữa một tình
hình hỗn độn, ngài biết giữ lại cái gì là tốt, biết đưa đàn chiên đến những nơi
thực sự có cỏ xanh và nước sạch, biết bảo vệ đàn chiên khỏi những mục tử giả,
những lái buôn.
6.
Qua những bài diễn văn của
Đức Thánh Cha, tôi thấy hướng mở ra về phía Thiên Chúa đã rất rõ, hướng mở ra về
phía con người cũng khá rõ.
Riêng hướng mở ra về phía
con người được Đức Thánh Cha dần dần làm rõ thêm qua những trả lời báo chí phỏng
vấn Ngài. Ngài nói là: Cần cổ võ cho một nền văn hoá của sự gặp gỡ. Trong cuốn “Tôi tin vào con người”, hai nhà báo được
nói chuyện nhiều lần với Đức Jorge Bergoglio đã nhắc đi nhắc lại ý muốn của Đức
Thánh Cha về sự phải coi gặp gỡ là mục vụ và văn hoá.
7.
Ngài nói về Đất Nước
Achentina của Ngài rất là bè phái. Người ta thích nhấn mạnh đến những gì chia rẽ
nhau hơn là những gì đoàn kết với nhau. Người ta thích cổ võ tranh chấp hơn là
hoà hợp. Chỉ có văn hoá gặp gỡ mới đưa gia đình và dân tộc đi về phía tương lai
tốt đẹp.
Nói về Hội Thánh tại
Achentina, Ngài nói cơn cám dỗ lớn nhất là các linh mục trở thành nhà cai trị,
chứ không còn là mục tử. Ngài than phiền: Nhiều người đến nhà xứ vì lý do bí
tích hay việc nào đó, thì không được linh mục tiếp, mà là một bà thư ký tiếp,
bà đó rất khó tính. Vấn đề thực là bà đó không phải chỉ làm cho người ta sợ và
xa cha sở, mà còn làm cho người ta bỏ Hội Thánh và bỏ Chúa Giêsu.
8.
Vì thế, theo Đức
Phanxicô, tân Phúc Âm hoá là hãy bắt đầu bằng gặp gỡ. Gặp gỡ thân tình.
Gặp gỡ thân tình còn là
đi đến với con người. Phúc Âm nói: Mục tử nhân lành bỏ 99 con tốt, để đi tìm một
con chiên lạc. Còn thực tế trong Hội Thánh chúng ta, thì xem như ngược lại.
Đức Thánh Cha coi mục vụ
gặp gỡ và văn hoá gặp gỡ là rất quan trọng. Nhưng thực hiện được đến mức nào
thôi vẫn chỉ là hy vọng.
Ngài coi việc thực hiện ý
nguyện của Ngài là rất khó, như phải nhảy xuống sông trong đêm tối. Tuy nhiên,
Ngài vẫn hy vọng, Ngài tin rằng: Về mặt nhân bản, nơi mỗi con người vẫn có những
tiềm năng tốt. Về mặt đức tin, con người vẫn được Chúa thương bằng một tình yêu
nhưng không đầy thương xót.
9.
Với một thoáng nhìn trên
đây về Đức Thánh Cha Phanxicô, tôi thấy hướng mục vụ của Ngài giúp tôi thực thi
một cách sâu sắc hơn hướng mục vụ của Hội đồng Giám Mục Việt Nam được tuyên bố
trong thư mục vụ 1980 đó là: “Sống Phúc
Âm giữa lòng dân tộc”.
Thực thế, “Sống Phúc Âm
giữa lòng dân tộc” chính là hướng mở ra về phía Chúa và cũng mở ra về phía dân
tộc.
Điều tôi thấy cần bắt chước
Đức Thánh Cha, để thực thi đường hướng đó một cách sâu sắc hơn, đó là cố gắng
nhiều hơn đến việc đào tạo đời sống thiêng liêng. Tôi thấy Đức Thánh Cha
Phanxicô có một đời sống thiêng liêng rất sâu, rất mạnh, rất vững, đặc biệt là ở
điểm khiêm nhường và yêu thương.
10.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến
trách nhiệm phải cứu con người khỏi khổ, nhất là khỏi tội lỗi, cứu con người khỏi
mất linh hồn, cứu con người khỏi sa hoả ngục.
Việc cứu khổ là cấp bách,
đòi nhiều hy sinh. Chỉ có tình yêu mới cứu được. Tình yêu cứu độ là Chúa Giêsu.
Các mục tử phải được đào tạo kỹ, để có tình yêu cứu độ từ Chúa Giêsu.
11.
Qua những gì Đức Thánh
Cha dạy về đào tạo, tôi thấy cần xem xét lại việc đào tạo môn đệ Chúa tại Việt Nam hôm nay.
Nhiều nơi, học nhiều mà đào tạo thì ít. Có nơi đào tạo chỉ là học thuộc mà
thôi. Điều tôi cho là còn thiếu ở nhiều nơi đào tạo là đời sống thiêng liêng.
Nhiều người đào tạo cũng nghèo đời sống thiêng liêng.
Ít là chúng ta khiêm tốn
nhận thức được là đào tạo nơi chúng ta còn thiếu sót nhiều, thì đó cũng là một
khởi đầu tốt.
Đêm 27-6 vừa qua, lúc 3
giờ 30, tôi mở đài truyền hình, chợt thấy một phim đang nói về các tôn giáo lớn
ở Việt Nam.
Riêng về Phật giáo, phim
chiếu cảnh chùa chiền đào tạo các thanh thiếu niên về đời sống đạo, đặc biệt là
về mặt linh thiêng. Điều làm tôi chú ý nhất là các thanh thiếu niên được hướng
dẫn và tập luyện một cách tỉ mỉ về lối sống tu thân, từ cách ăn mặc, đến việc
ăn uống, đi đứng, nói năng, chay tịnh, khó nghèo, thinh lặng, từ bỏ mình, cầu
nguyện, và phục vụ người khác.
Cảnh đào tạo đó gợi ý nhiều
cho tôi về việc đào tạo các mục tử mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về Công
giáo.
Phải chăng Chúa muốn
chúng ta hãy nhìn sang các tôn giáo bạn tại Việt Nam hôm nay, để càng phải mau chấn
chỉnh lại việc đào tạo mình.
Long Xuyên, ngày 01 tháng
7 năm 2013
ĐGM. GB Bùi Tuần