Danh nhân _ Dostoievski

DOSTOIEVSKY FEDOR MIKHAILOVITCH
(1822-1881)  
Tiểu thuyết gia rất danh tiếng của nước Nga trong thế kỷ XIX.  
TIỂU SỬ VÀ CÔNG NGHIỆP
Sinh tại Moscou, mất tại Saint Pétersbourg. Con của một lương y coi sóc và ở luôn tại bệnh viện, vì vậy tiên sinh chưa lớn lên đã thấy cảnh cực khổ, đau đớn, nghèo nàn. Thêm vào đó vị lương y lại nghiện rượu, nóng nảy chửi vợ, đập con. Tiên sinh rất chán chỗ tiên sinh ở, rất ghét cha và cầu cho cha chết, nhưng rủi cho tiên sinh là mẹ tiên sinh mất trước.
Người cha say sưa hay càu nhàu, bèn cho cậu con vào học một trường kỹ sư để được rảnh rỗi hơn, khỏi bận bịu vì con. Tại trường này, mặc dù kỷ luật rất nghiêm khắc (theo giáo dục Đức), tiên sinh vẫn tìm cách đọc lén được tiểu thuyết của nước nhà, của Pháp, và tập tành viết văn.
Hai mươi tuổi, học xong, tiên sinh sống bằng nghề viết văn tại Eugénie Grandet của Pháp….
Sáng tác đầu tiên của người là Những người nghèo (Les pauvres gens, 1846) được giới trí thức lúc bấy giờ rất khen ngợi.
Phấn khởi và tin tưởng vào khả năng mình, tiên sinh sáng tác thêm một loạt tiểu thuyết mà tiên sinh tin chúng nó còn hay hơn trước nữa, nhưng tiên sinh đã nhầm. Những tiểu thuyết sau này, chẳng hiểu vì lẽ gì lại kém, bị độc giả ruồng rẫy. Những thi nhân, văn hào trước kia nâng đỡ tiên sinh nay cũng thất vọng, không còn sốt sắng với tiên sinh nữa.
Chán nản và hoài nghi cho khả năng mình, tiên sinh đi lang tháng, lánh mặt các nhà văn, các nhà xuất bản, kết bạn với một số thanh niên đang truyền bá những tư tưởng tự do. Tối đến lại hợp nhau tại một “Đồng chí”, uống trà đậm, hút thuốc nghi ngút rồi nói chính trị nào là đánh đổ Nga hoàng Nicolas đệ I, bãi bỏ chế độ nông nô, nào là phổ biến bản “Tuyên ngôn Nhân quyền,…”
Ngày 22-4-1849, bị bắt bỏ ngục.
Ngày 22-12 năm ấy, bị bỏ lên xe ngựa cùng “những đồng lõa” đem ra pháp trường. Dostoievsky và hai người bạn nữa bị cột vào ba trụ rồi. Một nhân viên của nhà nước đọc xong bản án của ba người là âm mưu phản loạn rồi kết tội Tử hình. Đao phủ bắt đầu làm việc, cột lại cho thêm chặt ba tội nhân rồi bịt mắt và phân đội hành hình đã để báng súng kề má rồi. Súng chưa kịp nổ thì đã có ngựa phi báo đến cho biết là ba “nhà cách mạng” được ân xá nhưng phải đày đi Tây bá lợi Á, khổ sai bốn năm.
Đêm Noel của năm ấy, hai chân bị xiềng xích sắt, tiên sinh được đưa đến lao xá tại Tây bá lợi Á, tiên sinh sống lẫn lộn với bọn sát nhân, cướp của… ăn ít làm việc nhiều, tiên sinh đã nhiều lần ngất xỉu nhưng tiên sinh luôn luôn can đảm chịu đựng số phận mình.
Thời kỳ tù đày này, tuy vậy cũng bổ ích cho tiên sinh và nhờ đó, tiên sinh mới có dịp hiểu kỹ dân Nga, cái tầng lớp thấp kém của dân Nga, mới có dịp đọc Kinh Thánh, cuốn sách đã cho tiên sinh thêm can đảm và tin tưởng vào ngày mai.
Mãn tù, thay vì được về quê tự do, tiên sinh lại phải đi lính cho nhà vua (theo lối tổ chức lúc bấy giờ) và đóng đồn ở Sémipalatinsk (Tây bá lợi Á). Ở đó một thời gian, tiên sinh yêu một người “chẳng ra làm sao cả”, một bà góa, nghèo, có một con, bị bệnh lao mà lại cũng chẳng thương gì tiên sinh và tên là Marie Dimitrievna Issaiev.
Tiên sinh vừa yêu, vừa thương hại người này, muốn “ra tay tế độ”. Trong cuộc tình duyên này, tiên sinh cũng biết bị thiệt thòi nhiều nhưng tiên sinh tự bảo: “Có thiệt thòi gì ta đành hy sinh vậy”. Mang tâm trạng của kẻ làm công việc đẹp đẽ cao quý, nên tiên sinh rất cảm xúc, cảm xúc đến nỗi đêm tân hôn, tiên sinh lại nhào lăn ra bất tỉnh, mắt trợn dọc, miệng đầy nước bọt.
Ở Tây bá lợi Á khá lâu, sau nhiều lần xin, Alexandre II mới đồng ý cho về St. Pétersbourg. Tháng 12-1859, vợ chồng sung sướng về thủ đô. Thế là sau đúng 10 năm, tiên sinh mới được nhìn lại cảnh cũ người xưa, nhưng rồi tiên sinh cũng thất vọng. Bạn bè không còn ai, lưu lạc đâu hết, hỏi đến tên tác giả “Những người nghèo” ngày trước cũng không mấy ai biết. Tuy vậy với can đảm sẵn có, tiên sinh cầm bút sáng tác lại liền hai tiều thuyết: Bị sỉ nhục và bị xúc phạm (Humiliés et offensés), Hồi ký viết tại một nhà mồ (Souvenirs de la maison de morts, 1861). Tác phẩm sau này thành công đã đem lại cho tác giả lòng hâm mộ của độc giả.
Năm 1864, xuất bản Hồi ký viết trong một cái hầm (Mémoire écrit dans un souterrain), lập một tờ báo.
Tưởng cuộc đời tạm yên ổn, vận mạt vẫn còn đeo đuổi tiên sinh: vợ tiên sinh mất, anh tiên sinh mất, người anh mà tiên sinh rất yêu mến. Nợ nần lúc đầu vì ngoài nợ riêng của gia đình, tiên sinh còn phải trả nợ cho ông anh.
Lần lữa, tiên sinh đến 46 tuổi, tiên sinh cưới vợ lại, cô thư ký của tiên sinh, cô Anna Grigorievna, 21 tuổi.
Tuy tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt (Crime et Chatiment, 1866), Con bạc (Le joueur, 1866), bán rất chạy, nhưng tiền thu vẫn không đủ trả nợ và sau nhiều lần khất nợ, 2 vợ chồng phải bỏ trốn khỏi nước Nga. Họ lang thang từ đô thị này qua đô thị khác: Dresde, Hambourg, Genève, Florence,…
Sống cực khổ, thiếu thốn, vợ đau, con chết, tiên sinh quẫn bách đến tột độ, lắm lúc tiên sinh đi đến chỗ loạn óc. Tiên sinh viết thơ về quê, nhờ bạn bè, bà con xa gần giúp đỡ. Nhưng nhận được tiền là tiên sinh nhào vào sòng bạc để cầu may. Grigorievna biết được chồng làm là điên rồ nhưng vẫn phải chiều ý, là vì có vậy thì tiên sinh mới khuây khỏa được cảnh tha hương, mới quên được những ngày đen tối đã sống,…
Và cứ mỗi lần thua bạc là tiên sinh về nhà như kẻ không hồn và cũng không thiếu chí khí, vì buồn, vì tiếc của, vì hối hận, tiên sinh lại lăn đùng ra sàn nhà, bất tỉnh, tay chân co quắp lại, miệng sùi nước bọt.
Thời kỳ này là thời kỳ của những tiểu thuyết Chàng ngốc (L’Idiot), Người chồng vĩnh viễn (L’Eternel mari), Bị quỷ ám (Les Possédés).
Sau những tác phẩm này thì tiên sinh đã có tiền lại, có uy tín lại. Tiên sinh sửa soạn về thăm lại quê hương với vợ. Lúc bấy giờ tiên sinh đã được 50 tuổi. Về đến St Pétersbourg thì tiên sinh viết Nhật ký của một nhà văn (Journal d’un écrivain), Chàng tuổi trẻ (L’Adolescent), Anh em Karamazov (Les frères Karamazov)…
Ngày 8-6-1880, nhân dịp làm lễ tưởng niệm lại văn hào Pouchkine, tiên sinh được mời ra nói ít lời trước công chúng. Bài diễn văn, tiên sinh đọc bằng một giọng khàn khàn, tỏ vẻ mệt mỏi nhiều, tuy vậy, dân chúng vẫn hoan hô nhiệt liệt. Các cô choàng vào cổ tiên sinh vô số là hoa rồi hôn vào tay tiên sinh. Một sinh viên, vì quá cảm xúc, đã ngã xỉu ở chân tiên sinh. Tiên sinh tựa hồ sống như trong giấc mơ.
Nợ nần trả sạch, nhà cửa mua sắm lại đầy đủ, hạnh phúc gia đình dồi dào, tiên sinh rất thiết tha với sự sống, sống để làm việc. Tiên sinh viết cho một người bạn: ‘Bạn biết cho tôi rằng tôi còn muốn sống 20 năm nữa để viết và viết’. Nhưng có vài tháng sau, tiên sinh bị xuất huyết và tạ thế luôn ngày 28-1-1881.
Tiên sinh không còn nữa, toàn dân Nga xem như một quốc tang. Ông hoàng, bà chúa, linh mục, thợ thuyền, quân nhân luôn cả hành khất dưới một rừng cờ theo tiên sinh đến nơi an nghỉ cuối cùng.
TÓM TẮT TÁC PHẨM CẦN BIẾT
Hồi ký viết tại một nhà mồ (Zapiski iz mertvago doma): Tác phẩm này tả lại lao xá tại Tây bá lợi Á, nơi mà tiên sinh bị đày đến và ở đấy 4 năm. Tác phẩm đã được Nga hoàng Alexandre II xem và lấy làm cảm động cho số phận của tù nhân và Nga hoàng đã cho cải cách nhiều về chế độ lao xá.
Con bạc (Igrok): Rút kinh nghiệm của bản thân, tác giả tả những kẻ bị máu mê cờ bạc.
Một chàng tên là Alexéi Ivanovitch lúc đầu được tổ đãi, dùa về mình gần hết tiền bạc trên sòng, nhưng tham lam không chịu rút lui cứ tiếp tục đánh và sau đó thua lại hết.
Một bà già tên là Babouschka rất nghiêm khắc, khó tính, nhưng đối với cờ bạc thì rất dễ dãi, vui vẻ luôn. Bà này rất giàu nhưng rồi cũng khánh kiệt gia tài vì đỏ đen.
Tội ác và Trừng phạt (Prestuplénie I nakazanie): Một sinh viên hấp thụ được ba tư tưởng mới: xã hội chủ nghĩa của Karl Marx, quan niệm siêu nhân của Nietzsche, quan niệm làm trai là phải cứu đời.
Sinh viên nọ tên là Raskolnikov tự cho mình là ‘siêu nhân’, là có sứ mệnh cứu nhân độ thế, san phẳng bất công,… Sinh viên bèn giết một mụ cho vay cắt họng, tưởng rằng số tiền lấy được sẽ giúp mình làm được việc lớn. Mà đã làm việc lớn thì sự hy sinh bớt một nhân mạng cũng không có gì đáng phải ân hận.
Sinh viên đem tiền giấu đi một nơi riêng, cũng chưa làm được việc gì thì lương tâm bắt đầu cắn rứt và làm sinh viên hối hận mãi công việc mình đã làm.
3 tư tưởng hấp thụ nói trên cũng không đủ sức mà làm cho sinh viên thấy rằng việc sát nhân mà mình vừa làm là hợp lý được. Cuối cùng sinh viên tự ra nộp mình cho pháp luật.
* ANH EM KARAMAZOV (Brat’ja Karamazov): Tiểu thuyết này được xem như là tác phẩm hay nhất của tác giả mà cũng được chính tác giả bằng lòng nhất. Câu chuyện trong tiểu thuyết này rất là dài dòng và rắc rối. Dưới đây xin tóm tắt: Gia đình Karamazov gồm có một cha tên là Fédor, 3 con trai chính thức (Mitia, Ivan, Aliocha…) và 1 con trai ngoại hôn Smerdiakov.
Cha vì rượu chè, dâm đãng, đã lớn tuổi mà còn say mê Groucha, một cô gái đẹp nhưng đanh đá, khó tính.
Mitia còn gọi là Dimitri, con trai trưởng, là một con người đầy cả tư tưởng cực đoan: nóng nảy, kiêu ngạo, tàn bạo, dâm dật, nhưng lại cũng có thể quân tử, tốt và sẵn sáng hy sinh. Chàng thương Katia một cô gái đẹp. Thân sinh cô này bị tù tội, nếu có tiền thì có thể lo lót cứu thoát được. Mitia bằng lòng bỏ tiền ra lo việc ấy cho cô Katia nhưng buộc cô Katia phải đến nơi hò hẹn mà đích thân lãnh số tiền. Mitia dự định cả một chương trình gồm toàn công viêc bỉ ổi. Katia đến đúng hẹn. Nhưng thay vì tỏ ra khốn nạn, Mitia đã tỏ ra rất xứng đáng và giao tiền cho Katia. Nhưng lộn xộn là sau đó Mitia lại yêu Groucha, người tình của cha nó.
Ivan, em Mitia, là một tâm hồn đầy cả hoài nghi, không biết căn cứ vào đâu mà thừa nhận rằng có Thượng đế, có vị tha, có bác ái. Tuy vậy cậu thương cô Katia. Vì vậy cậu lại ghét ông anh Mitia.
Aliocha thì tỏ vẻ điều hòa hơn nhưng lại phải mang nặng cái di sản của dòng Karamazov là dâm dật.
Smerdiakov, đứa con không chính thức này, kết quả của những cuộc truy hoan nên nó đầy cả tật xấu: phóng đãng, đểu giả, có thể làm mọi việc tồi bại. Cha nó đem nó về nuôi để thay thế đầy tớ trong nhà nên nó oán cha nó lắm.
Ở đây, chúng ta chứng kiến một gia đình thật đen tối và lộn xộn. Tuy mỗi đứa con mỗi cá tính, nhưng chúng nó gặp nhau ở một điểm là đều ghét cha chúng nó:
Ivan khinh rẻ ông cha.
Smerdiakov ngó cha với mắt của kẻ làm công, gặp phải ông chủ khắt khe và bóc lột quá đáng,…
Trừ Aliocha ra thì đứa nào cũng ưng giết cha cả và cũng có xúi giục Smerdiakov làm việc ấy. Cha bị ám sát, Smerdiakov tự sát, Mitia bị kết án khổ sai,…
VÀI DÒNG KẾT LUẬN.
Tiểu thuyết của tiên sinh viết rườm rà, khó hiểu, nhiều chi tiết quá, có những đoạn quá đen tối, quá thê thảm. Tuy vậy, tiểu thuyết của tiên sinh rất có giá trị ở chỗ phân tách một cách sâu sắc tâm lý của những nhân vật trong truyện, ở chỗ trình bày một cách táo bạo những cặn bã của lòng người.
Nhờ vậy mà ảnh hưởng văn học của tiên sinh tại Châu Âu đều sâu và rộng, nhất là tại nước Pháp.
Trích tác phẩm DANH NHÂN THẾ GIỚI
của Trịnh Chuyết