CERVANTÈS SAAVEDRA
(MICHEL DE)
(1547-1616)
Văn hào danh tiếng nhất của
Tây Ban nha trong hậu bán thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII được xem như là một
trong những văn hào danh tiếng nhất thế giới.
TIỂU SỬ VÀ CÔNG NGHIỆP
Quê quán tiên sinh có lẽ ở Alcala de Hénarès.
Gia đình thuộc về giai cấp quý tộc, nhưng cũng không giàu có gì. Thân phụ tiên
sinh sống bằng nghề thầy thuốc mổ xẻ. Tiên sinh là con thứ tư trong gia đình bảy
anh em. Lúc nhỏ, tiên sinh học hành thế nào, chẳng ai rõ. Chỉ biết năm 1569 (22
tuổi) tiên sinh theo Đức Hồng y Acquaviva, qua La mã, năm sau ở trong hàng ngũ
quân đội của Don Juan d`Autriche, rồi tham chiến ở Lépante, bị thương ở ngực,
phải mất một bàn tay trái. Nằm chữa bệnh tại Messine, tiên sinh lợi dụng thì giờ
rỗi rãnh này mà học Ý ngữ. Lành bệnh, mặc dù tật nguyền, tiên sinh vẫn tiếp tục
chiến đấu tại Navarin, Tunis, Goulette,…
Được giải ngũ, thay vì về Tây ban nha, tiên
sinh lưu lại tại Ý, ngắm cảnh nước Ý và nhất là tìm hiểu văn chương nước Ý.
Vào khoảng tháng 91575, tiên sinh về Tây ban
nha nhưng dọc đường bị giặc bể bắt và mang về làm nô lệ tại Alger cùng với một
người bà con. Ở đây 5 năm, tiên sinh tỏ ra rất can cường: tiên sinh được chuộc
ra khỏi chốn lưu đày này, nhưng tiên sinh đã nhường sự may mắn ấy cho người bà
con, tiên sinh ở tại tổ chức nhiều cuộc vượt ngục, nhiều cuộc nổi loạn, vào tù
ra tội nhiều lần.
Năm 1580, tiên sinh được những vị tu sĩ chuộc
ra với một giá rất đắt. Về đến quê nhà rồi, không còn gì nguy biến nữa nhưng cuộc
sống vất vả lắm. Tiên sinh đã sáng tác rất nhiều kịch phẩm, nhiều chuyện ngắn,
tiểu thuyết đồng thời làm nhiều công việc khác để kiếm tiền như buôn bán, làm
“áp phe”,…
Năm 1604, tiên sinh gặp được người đồng ý
xuất bản những tác phẩm của tiên sinh nhất là bộ tiểu thuyết Don Quichotte.
Tháng 4/1616, tiên sinh bệnh và tạ thế tại
Madrid, tiên sinh được mai táng tại tu viện Trinitaire, nhưng sau đó không ai
biết mộ tiên sinh nằm đích xác ở chỗ nào.
VĂN NGHIỆP
Tiên sinh viết có đến hàng trăm tác phẩm.
Nay xin liệt kê những tác phẩm quan hệ hay được truyền tụng nhiều.
Du hành đến Thi sơn (Voyage au Parnasse) là một tờ báo phê bình văn học lúc bấy
giờ.
8 hài kịch với 8 màn phụ: Chồng già hay ghen (Le Vieillard jaloux), Những nhà lao
ở Alger (Les Bagnes d`Alger) rất hay, Người hành khất được tuyên phúc (Le Truand
béatifié), Chính Vương phi Hồi giáo (La grande Sultane), Người lính gác nghiêm
nhặt (Le Gardien vigilant). Bức tranh kỳ quan (Le Tableau des merveilles) hay
nhất trong số này… 8 hài kịch và 8 màn phụ này được tập hợp lại và xuất bản năm
1615.
Những tác phẩm bằng văn xuôi:
Những chuyện ngắn xây dựng (Les Nouvelles exemplaires) vì theo ý tác giả, mỗi truyện
ngắn là một đề tài dụng ý xây dựng độc giả về phương diện này hay phương diện nọ.
Gồm tất cả 12 chuyện dưới những nhan đề:
Cô bé phường chèo (La petite Gitane), câu truyện một chàng mã thượng bỏ địa
vị mình mà đi theo cô gái hát dạo…
Ông già ghen ở Estrémadure (Le Jaloux d`Estrémadure) câu truyện chồng già vợ trẻ.
Ông chồng sợ mất vợ, bèn nhốt vợ trong bốn bức tường. Không ngờ phương pháp lại
tai hại hơn…
Cuộc đối thoại giữa hai con chó (Dialogue de 2 Chiens) hay là bức tranh mục nát của xã hội
Tây ban nha lúc bấy giờ. Được xem là truyện ngắn hay nhất trong tập này…
Bà Dì giả mạo
(La fausse Tante): Đây là một câu truyện bịa ra để làm tiền một số thanh niên.
Một cô đẹp ở góc bể, một bà ở chân trời gặp nhau. Cô này gọi là kia bằng dì, bà
kia gọi cô nọ bằng cháu để câu chuyện tiếp mấy cậu thanh niên cho được “thể thống
hơn”…
Những “chuyện ngắn xây dựng” được viết
trong thời gian từ 16041614 và được xem như là một trong những tác phẩm hoàn hảo
nhất của tiên sinh…
Tiểu thuyết Những kỳ
công của Persilès và của Sigismonde
(Les travaux de Persilès de Sigismonde). Tác phẩm này được Cervantès phu nhân
xuất bản năm 1617 nghĩa là sau khi tiên sinh qua đời rồi.
Don Quichotte
hay là Anh hùng rơm, tiểu thuyết danh tiếng nhất của tiên sinh…
TÓM TẮT TÁC PHẨM CẦN BIẾT:
Don Quichotte
(Et ingenioso hidalgo don Quijote de la Mancha) được viết làm hai thời kỳ cách
nhau đến mười năm (16051615).
Nhân vật chính trong truyện tên thật là
Quijada thuộc dòng giống quý phái, nhưng nghèo và vì đọc sách tiểu thuyết hiệp
sĩ nhiều quá nên đến nỗi gần như mất trí, muốn làm con người hùng. Chàng ta đổi
tên, một tên có vẻ quý tộc là Don Quichotte, con ngựa đói của chàng, chàng gọi
bằng con “chiến mã” Rossinante. Để được “oai phong lẫm liệt” chàng ta lấy chiến
bào của ông bà để lại và mặc vào. Để cho hợp với tập quán lúc bấy giờ, Hiệp sĩ
Don Quichotte phải có một người đẹp, một “liễu yếu đào tơ” để mà bảo vệ, để mà
ra tay tế độ… Người này, Don Quichotte gọi bằng một tên hấp dẫn là Dulcinée, nếu
ai lại gần rồi thì chỉ mong “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình” mà thôi.
Bây giờ Don Quichotte có đủ điều kiện của một
Hiệp sĩ, của một người hùng rồi. Chàng ta lên đường, quyết đem hết tài năng mà
‘cứu đời”.
Chàng ta vào một tiệm nước dày đặc cả khách
ăn nhậu, chàng ta tưởng tượng ra cả một lâu đài nguy nga với bao nhiêu là ông
hoàng bà chúa. Chàng ta đòi phong một tước gì đó. Chủ quán là người thông minh,
thấu hiểu căn bệnh của thời đại, vui lòng dàn cảnh làm tất cả những trò hề cho
vừa lòng ông khách.
Sau đó một thời gian, một anh nông dân tên
là Sancho xin gia nhập 'đoàn thể'. Don Quichotte chuẩn y và hứa sẽ giao phó cho
anh ta quyền cai trị cả một đạo. Rồi hai thầy trò lên đường lại…
Don Quichotte gặp những xe gió (moulin à
vent), chàng ta cho đó là những con người khổng lồ xứng đáng so tài với chàng…
Don Quichotte xông vào đánh, múa , múa gươm chém địch thủ… Khỏi phải nói là
chàng ta ăn đòn một phen nhừ tử. Tuy vậy, Don Quichotte vẫn không thấy được sự
thật.
Ở một quãng đường khác, chàng “hiệp sĩ’ gặp
hai nhà tu hành và một phụ nữ. Chàng hiểu ra làm sao mà chàng lại cho đó là một
bọn thảo khấu đang bắt cóc một “Công chúa”. Ra tay nghĩa hiệp, 2 thầy trò cứu
thoát “Công chúa”, nhưng rồi cả hai thầy trò ăn đòn no nê. Thấy Sancho phàn nàn
thì Don Quichotte lại an ủi: “Gian nan là nợ anh hùng phải vay…”
Đêm đã đến, 2 thầy trò nghỉ ở một chân đồi
giữa một bọn mục đồng. Trong khi Sancho lo ăn thì Don Quichotte đem triết lý ra
nói chuyện với bọn này: nào thế giới đại đồng, thời đại hoàng kim, nào là ngày
an ủi thái bình,… Mãi say sưa với bức tranh tuyệt mỹ này, Don Quichotte không cột
ngựa. Con Rossinante, thay vì đi kiếm cỏ, lại đi kiếm ái tình. Nó lân la vào mấy
chuồng ngựa cái, của mấy bác nhà quê, vừa hí, vừa dậm chân, khoái chí tử. Ngựa
cái lộn lồng lên. Một cảnh ngoạn mục diễn ra. Thấy náo động, các bác nhà quê
vác gậy gộc ra đánh con ngựa “lộn xộn”, đánh luôn cả chủ ngựa…
Bị thương tích chút ít, cả thầy lẫn trò từ
biệt nơi này để đến một cái quán, à quên một cái "lâu đài" nữa. Thầy
trò có thể nghỉ tạm. Nhưng Don Quichotte chẳng chịu ngủ cho. Tiếng động! bước
nhẹ! nói khẽ!!! À chắc có kẻ bất lương muốn giở trò gì đây, Don Quichotte lại dậy,
ngáp, tằng hắng… làm cô đầu bếp Maritorne với một anh gia nhân trong quán không
‘mần ăn” gì được. Một cảnh huyên náo khác tái diễn. Thầy trò ra đi, nhưng không
đi được vì chủ quán đòi tiền, nhưng Don Quichotte thì nói mình là hiệp sĩ cứu
nhân độ thế có bao giờ trả tiền cho ai (phong tục lúc bấy giờ).
Kìa một đoàn quân đang hùng dũng tiến tới
phía ta, bụi cát bay lên, che kín cả một góc trời. Ta phải cho bọn này một “mẻ”
không còn manh giáp mà về. Coi chừng! Nghênh chiến! Kết quả: một số cừu chết,
những người chăn cừu hợp lại đánh đuổi, cã 2 thầy trò bỏ chạy hụt hơi.
Sau nhiều câu chuyện điên rồ như trên, Don
Quichotte được đưa về nhà, nhờ sự giúp đỡ ân cần của một vị linh mục trong làng
và của một người thợ cạo thân thuộc.
Đến đây chấm dứt phần, sách phát hành được
hoan nghênh nhiệt liệt và riêng Tây ban nha nội trong một năm đã tiêu thụ
12.000 cuốn, còn cả Châu âu 30.000 cuốn. Con số ấy, lúc bấy giờ là nhiều lắm.
Trong khi chờ đợi đọc gải thưởng thức tác
phẩm mình, chờ đợi những sách, truyện còn lại phát hành cho hết, tiên sinh xoay
qua viết những loại khác thì một nhà văn mang tên là Alonso Fernandez de
Tordesilla lục đục viết phần thứ hai, của tiểu thuyết Don Quichotte, phần kết
thúc, và xuất bản năm 1614, làm tiên sinh không khỏi hoảng hốt một phen như người
bị mất cấp. Có nhiều giả thuyết nói rằng phần thứ hai này do những nhà văn danh
tiếng lúc bấy giờ như Lope de Vega, Tirso de Molina… viết ra nhưng không lấy gì
làm chắc và mãi đến nay cũng không ai biết nhà văn Avellanéde tên thật là gì.
Câu truyện này là một trong những động cơ
thúc đẩy tiên sinh hoàn thành mau lẹ hơn tác phẩm mình và được xuất bản năm
1615, được lược như sau đây:
Chúng ta thấy vị linh mục, bác thợ cạo và
vài người bà con thân thuộc của Don Quichotte đang bàn cãi tìm cách chữa bệnh
cho Don Quichotte lần này làm sao cho lành hẳn.
Sự thật ra, những người này cũng đã nhiều
phen chữa bệnh cho Don Quichotte bằng cách đốt hết sách, tiểu thuyết hiệp sĩ, rồi
giam giữ tại nhà, nhưng vô hiệu quả.
Lần này, sau khi ở nhà một thời gian, Don
Quichotte chữa lành các vết thương, phục hồi sức khỏe lại như xưa, Don Qichotte
ra đi để tiếp tục cái đời sống bể không nhà.
Sau khi vớt được nhiều người "trầm
luân”, thực hiện “nhiều võ công oanh liệt" như trên thì Don Quichotte gặp
Hiệp sĩ de la Blanche Lune đòi đấu kiếm. Hiệp sĩ này là ai? Là Carrasco, một
người quen thân của vị linh mục, một người thương hại Don Quichotte, một môn đệ
của Aristote, không chấp nhận rằng những chuyện vô lý trên lại có thể tồn tại
mãi? Carrasco bằng lòng theo kế hoạch của vị linh mục đề ra là cải trang thành
Hiệp sĩ de la Blanche Lune rồi dò hỏi cho ra thứ Don Quichotte ở phương trời
nào, đến đó khiêu khích Don Quichotte, đòi so tài cao thấp với điều kiện: “Nếu
Don Quichotte thua thì Don Quichotte phải về hẳn quê nhà không đi đâu nữa…”
Don Quichotte là hiệp sị ‘chính cống”. Một
khi đã cam kết rồi thì không còn lời thứ hai. Cuộc so tài diễn ra khá lâu. Don
Quichotte bị đánh ngã ngựa…
Đến đây chấm dứt cuộc đời lang thang của
Don Quichotte. Tác phẩm này không phải là một tiểu thuyết để cho độc giả “mua
vui một vài trống canh” mà thôi đâu. Nó còn có những mục đích xa xôi hơn:
-
Bằng tiểu
thuyết này, tác giả muốn đánh đổ loại tiểu thuyết hiệp sĩ rất thịnh hành lúc bấy
giờ tại Tây ban nha, chuyên reo rắc những tư tưởng người hùng, thứ người hùng rẻ
tiền, năng thuyết bất năng hành, đánh đổ lớp người mê muội những tư tưởng này,
thiếu thực tế gồm toàn những lý thuyết rởm.
-
Trình bày
cái truyền thống tốt đẹp chung của người Tây ban nha xưa nay và nhất là của
giai cấp hiệp sĩ là sống chết cho những lý tưởng Hòa bình, Công bằng, Bác ái,…
-
Phân tích
cái trạng thái tâm lý trái ngược mãi đến đó đã tựa hồ chia đôi dân chúng Tây
ban nha: một lớp người thì ưa sống với hão huyền, mơ ước đến một ngày mai huy
hoàng và không tưởng, sẵn sàng vị tha, vô tư cho công việc chung, một lớp người
khác thì lại quá thực tế, quá tầm thường, quá thiển cận (Sancho đại diện) chỉ
biết “ăn cây nào rào cây nấy” hay là “tiền trao cháo múc” mà thôi.
Vì giá trị của tiểu thuyết phong phú và sâu
sắc như vậy nên được dịch ra nhiều thứ tiếng và đã là đề tài cho nhiều phong
tác văn nghệ trong khoảng trên 300 năm nay.
VÀI DÒNG KẾT LUẬN
Cervantès là một nhà văn có nhiều biệt tài:
-
Tâm lý nhân
vật chính cũng như phụ trong truyện thật là sống động, ai có đặc tính nấy.
-
Sự nhận xét
ấy luôn cả trên thú vật cũng không kém phần sâu sắc, từ con ngựa Rossinante đi
tìm ái tình qua con lừa chậm chạp như chủ nó là Sancho đến những con chó biết
lý luận…
-
Tả những mảng
đời đúng với sự thật trong đó vai trò chính là lớp người hạ cấp, nhất là trong
“Những chuyện ngắn xây dựng”.
-
Những tác
phẩm của tiên sinh vui từ đầu đến cuối. Mặc dầu
đề cập đến nhiều vấn đề có thể khiến độc giả suy nghĩ, tư lự… nhưng tác giả đã
khéo léo nuôi dưỡng cái tinh thần vui vẻ trẻ trung mãi đến khi độc giả xếp sách
lại, nhất là trong tiểu thuyết Don Quichotte.
-
Ảnh hưởng văn chương của tiên
sinh thật là sâu rộng:
-
Mãi đến quá tiền bán thế kỷ
XVII, sách của tiên sinh là món ăn tinh thần của gần khắp Châu âu, trong khi đó
tại Tây ban nha, loại tiểu thuyết anh hùng rơm trên chết hẳn. Thế kỷ XVIII tôn
sùng tiên sinh còn nhiều hơn và người ta còn dịch ra nhiều thứ tiếng khác để
công việc phổ biến những tác phẩm của tiên sinh đến tận quảng đại quần chúng được
hiệu quả hơn.
-
Fielding, Sterrne, hai văn hào
Anh viết nhiều tiểu thuyết phiêu lưu theo lối của tiên sinh.
-
Trong thế kỷ XIX, trừ đại thi
hào Anh là Byron công kích tiên sinh, còn hầu hết văn sĩ thi nhân khác đều cho
tiên sinh là một kho tàng dồi dào để khai thác.
Chỉ xem một số ít phóng tác của Don
Quichotte, ở mọi ngành thì đủ rõ:
Về địa hạt Văn chương thì có Juan Montalve ở Nam Mỹ với tác phẩm Chương mục mà
Cervantès bỏ quên (Chapitres qu`oublia Cervantès), Giovanni meli ở Ý với tác phẩm
trùng tên của hai nhân vật chính…
Trên địa hạt Nhạc thì có Don Quichotte, nhạc kịch của Saverie Mercadente ở
Lisbone, của Emilie Passard diễn tại Paris, của Massenet (Pháp), bản hòa tấu
Don Quixote của Richard Strauss (Đức), nhạc kịch hài hước Cô Don Quichotte
(Mademoiselle Don Quichotte) của Paul Pierne…
Don Quichotte là đề tài cho hàng chục bức họa của Rodriguez de Milanda (Tây ban nha), của Richard
Leslie, của Decamps, Daumier…
Trong thế kỷ XX, Don Quichotte bắt đầu lên màn bạc do Pabst và một nhóm nghệ sĩ Pháp thực hiện…
Tại Nga sô nhà dàn cảnh Kovintsev giao phó
cho nghệ sĩ Nicolas Tcherkassov thủ vai Don Quiochotte…
Để tưởng nhớ đến vị anh tài làm vẻ vang cho
đất nước, chính phủ Tây ban nha đã dựng tại Alcala de Hénares (quê quán) một tượng
của tiên sinh, đồng thời cử một ban có trách nhiệm gìn giữ và tu bổ một cái nhà
ở Valladolid, nơi tiên sinh có lưu trú một thời gian.
Gần đây (121964) trong báo Paris Match,
Juan Sedo Peris Mencheta tại Barcelone đã tổng kết rằng đến nay bộ sách Don
Quichotte được xuất bản đến 2163 lần, sách này cũng có được xuất bản tại Tây tạng,
Cao ly, Java và Phần lan. Riêng nước Pháp xuất bản đi, xuất bản lại tất cả 409
lần.
Trích
tác phẩm DANH NHÂN THẾ GIỚI
của Trịnh Chuyết
của Trịnh Chuyết