Tìm hiểu Lời Chúa _ Lễ Thánh Tâm

LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU
NĂM C
Ed 34,11-16; Rm 5,5b-11; Lc 15,3-7
BÀI ĐỌC I: Ed 34,11-16
                11 Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm.12 Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt.13 Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Ít-ra-en, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được.14 Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en.15 Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng.16 Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.”
ĐÁP CA: Tv 22
Đ. 1 Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi,
Tôi chẳng thiếu thốn gì
.
1 Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.2 Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.Người đưa tôi tới dòng nước trong lành 3a và bổ sức cho tôi.
3b Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. 4 Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
5 Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.
6 Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.
BÀI ĐỌC II: Rm 5,5b-11
5b Thưa anh em, Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.6 Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta.7 Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng.8 Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.9 Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.10 Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.11 Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Mt 11,29ab
Hall-Hall: Chúa nói: Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Hall.
TIN MỪNG: Lc 15,3-7
3 Khi ấy, Đức Giê-su mới kể cho những người Pha-ri-sêu và các kinh sư dụ ngôn này: 4 "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. "

THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
            Dựa vào các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay, ta cảm nghiệm được một phần nào lòng thương xót của Chúa đối với mỗi người nói riêng và Hội Thánh nói chung trong ba điểm giáo lý:
-         Chúa không muốn ai sống ngoài Hội Thánh.
-         Mọi người phải nên giống thánh Phao-lô.
-         Mỗi Ki-tô hữu phải đạt mùa bội thu trong cánh đồng truyền giáo.
I. CHÚA KHÔNG MUỐN AI SỐNG NGOÀI HỘI THÁNH.
            Dụ ngôn về đoàn chiên 100 con, chủ lạc mất một con, lòng ông thổn thức cất bước đi tìm cho bằng được, nhưng 99 con ông để nơi hoang vắng càng làm cho ông thêm lo sợ (x. Lc 15,3-7: Tin Mừng).
- Chúa muốn mọi người phải sống trong Hội Thánh như người mục tử không muốn mất một con chiên nào, cũng như không muốn một con chiên nào sống ngoài ràn của ông. Người mục tử này chỉ lạc một trên 100 con chiên, đã làm ông thêm lo lắng. Nên ông mau mắn cất bước đi tìm chiên lạc cho bằng được. Thế thì hơn 20 thế kỷ nay, tỷ lệ người thuộc về Hội Thánh, thuộc đoàn chiên của Chúa chưa đạt 3%, thì làm sao ta có thể hết được những trăn trở thổn thức của Chúa đối với loài người!
- 99 con người mục tử để nơi hoang vắng (sa mạc) lại càng làm ông chủ lo lắng. Bởi vì nơi sa mạc có nhiều dã thú (x. Mc 1,12-13), mà không có người chăn, liệu người mục tử đi tìm một con lạc, khi trở về, ông thấy 99 con kia bị thú dữ xâu xé thì liệu làm sao ông có thể sống được! Hình ảnh này muốn nhấn mạnh kể cả những người đã thuộc về Hội Thánh cũng không làm Đức Giê-su an tâm. Cụ thể như “có nhiều người tin vào Đức Giê-su vì đã chứng kiến các phép lạ Ngài làm, nhưng Đức Giê-su không tín nhiệm họ, vì Ngài biết họ hết thảy” (Ga 2,23-24).
II. MỌI NGƯỜI PHẢI NÊN GIỐNG THÁNH PHAO-LÔ.
Nếu chúng ta cắt nghĩa dụ ngôn “con chiên lạc trở về” theo nghĩa văn tự, thì hoàn toàn vô lý. Vì người nuôi chiên phải nhắm lợi tức thu được nhiều tiền nhờ xén lông, vắt sữa, và làm thịt chiên, chứ không phải nuôi nó vì thương!
            Thế thì 99 con chiên không lạc, sẽ làm tăng huê lợi cho chủ, do đó có lạc mất một con thì cũng chẳng thiệt bao nhiêu; nếu có tìm được cũng không thêm lợi gì mấy! Thế mà dụ ngôn một con chiên trở về đàn lại làm người chủ vui mừng, cả đến các thiên thần trên trời cũng hoan hỷ, làm rúng động cả tầng trời! Niềm vui trên chỉ có thể hiểu về Hội Thánh Chúa Ki-tô: 99 con chiên không lạc là 12 Tông Đồ của Đức Giê-su đã chọn, còn con chiên lạc tìm được đó chính là thánh Phao-lô.
            Thực vậy, nếu thánh Tông Đồ không trở về, ông là kẻ vũ phu, sát nhân số một, vì đã hăng say đi giết tất cả những người tin vào Đức Giê-su (x. Cv 9). Trong thời Hội Thánh sơ khai, các Tông Đồ chỉ lo rao giảng niềm tin vào Đức Giê-su Phục Sinh cho dân Do-Thái, vì họ quan niệm dân ngoại không được Thiên Chúa cứu độ!
            Nếu như thế thì ơn cứu độ Chúa ban chỉ đóng khung, dừng lại trong mảnh đất Do-Thái, và thế giới hơn 20 thế kỷ nay vẫn không biết Chúa! Điều này quả thật Thiên Chúa không được tôn vinh, và đó chính là hình ảnh của 99 chiên không lạc!
            Trái lại, khi Chúa Giê-su gọi “sói Sau-lô” trở về Hội Thánh, ông đã trở thành Tông Đồ Phao-lô, nhờ ông mà ơn cứu độ đã được bung ra đến tận cùng thế giới. Cụ thể, Nhóm Mười Hai của Chúa Giê-su chọn, chẳng ai lập được giáo đoàn nào, còn Tông Đồ Phao-lô đã sinh ra các giáo đoàn như:
-         Galata.
-         Cô-rin-tô.
-         Tét-xa-lô-ni-ca.
-         Phi-líp.
-         Ê-phê-sô.…

Và nếu chúng ta gạt bỏ những lời giáo huấn của thánh Phao-lô trong Tân Ước, thì lượng sách chẳng còn được bao nhiêu! Trong niềm biết ơn của Phao-lô đối với Chúa Giê-su, ông nói: “Tôi không đáng là Tông Đồ của Chúa, vì tôi đã phá Hội Thánh Ngài, nhưng khi được Chúa thương xót gọi về, thì tôi đã chẳng để thua kém các Tông Đồ thượng đẳng!” (x. Cv 22,1t; 2Cr 11,5)
Như thế, ông Phao-lô chính là CHIÊN ĐẦU ĐÀN TRỞ VỀ!
Vậy dụ ngôn chiên lạc trở về cho chúng ta những xác tín:
1- Một gia đình được hạnh phúc êm ấm, con cái sống ngoan ngoãn, đạo đức, đó là kết quả đời sống đạo của cha mẹ biết noi gương thánh Phao-lô. Như lời sách Hc 30,4 có nói: “Người cha mẹ, dù có tắt thở, họ vẫn chưa chết, vì họ đã để lại đứa con giống hệt mình!” Vì thế: “Đừng khen ai có phúc trước khi họ lìa đời, cứ nhìn vào con cái của họ, người ta sẽ biết được về đấng sinh thành ra chúng!” (Hc 11, 28)
2- Một giáo xứ muốn được bình an, phát triển về mọi mặt, hoàn toàn lệ thuộc vào đời sống đạo của Linh mục quản xứ. Thánh Gio-an Vi-a-ney nói: “Cha sở thánh thiện, thì giáo dân đạo đức; cha sở đạo đức, thì giáo dân tầm thường; cha sở tầm thường, giáo dân thành quỷ!”
3- Giáo phận nào muốn phát triển mạnh về mặt truyền giáo, cũng phải lệ thuộc vào đời sống đức tin của vị Giám mục có sống tinh thần của thánh Phao-lô hay không?
            Bởi thế Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Hội Thánh số 32, mượn lời thánh Giám mục Au-gút-tin: “Làm Giám mục cho anh em, tôi rất lo sợ, làm tín hữu với anh em, tôi rất an tâm. Giám mục là một chức vụ, tín hữu là một ân phúc. Giám mục là danh hiệu nguy hiểm, tín hữu là danh hiệu đem ơn cứu độ!” Ta có thể nói rộng lời thánh Gioan Maria Vianey: “Giám mục thánh thiện, thì Linh mục đạo đức, Giám mục đạo đức, Linh mục tầm thường, Giám mục tầm thường, Linh mục là tướng quỷ!”
            Rõ ràng các gia trưởng, những chủ chăn trong Hội Thánh đều là “CHIÊN ĐẦU ĐÀN”, nên phải ý thức luôn trở về làm đúng nhiệm vụ của mình.
III. MỖI KI-TÔ HỮU PHẢI ĐẠT MÙA BỘI THU TRONG CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO.
            Ta biết trong nghề nông muốn có mùa bội thu, phải có ba yếu tố này:
-         Chọn giống tốt.
-         Cần phân bón.
-         Cần mưa thuận gió hòa.
Thế thì ông Phao-lô là mẫu người đi gieo giống thu hoạch được nhiều hoa trái nhất đem về dâng cho Chúa. Vì
- Chọn giống tốt. Trong các môn đệ Đức Giê-su tuyển chọn, không ai xuất sắc Lời Chúa bằng ông Phao-lô, nên cũng chỉ vì ông quá say mê Kinh Thánh Cựu Ước, cho đó là tuyệt đỉnh ơn cứu độ, ai coi thường hoặc sửa đổi, hay gạt bỏ, ông cho là xúc phạm đến Thiên Chúa. Đó là lý do khiến ông đi bách hại người Ki-tô hữu thời Giáo Hội sơ khai (x. Cv 9). Và ta biết “ai bớt Lời nào trong Thánh Kinh Thiên Chúa sẽ bớt phần kẻ ấy hưởng nơi Cây Sự Sống” (Kh 22,19). Như thế trong các môn đệ Đức Giê-su chọn, ông Phao-lô có nhiều hạt giống tốt nhất.
- Tội lỗi là phân bón. Trong các môn đệ Đức Giê-su chỉ có ông Phao-lô xưng thú tội lỗi mình nhiều hơn cả, cụ thể chính ông đã bách hại Hội Thánh (x. Cv 9), khi đã trở về với Chúa ông vẫn còn yếu đuối, nên ông đã thú tội với các giáo đoàn: “Trong xác thịt tôi chẳng có gì tốt cư ngụ, điều tốt tôi muốn tôi không làm, nhưng tôi lại làm điều tôi ghét” (Rm 7,18-19); bởi đó “đã ba lần tôi nài xin Chúa đừng để satan vả mặt tôi” (2Cr 12,7t). Thế nhưng ông lại ý thức “ở đâu tội lỗi nhiều, ân sủng càng chan chứa” (Rm 5,20). Như thế, tội lỗi như phân bón đời Tông Đồ Phao-lô.
- Ơn Chúa qua các Bí tích là mưa thuận gió hòa. Sau khi ông Phao-lô được Chúa kêu gọi gia nhập Hội Thánh, ông đã được lãnh ơn Chúa qua Bí tích cũng như được cử hành các Bí tích,khởi đi từ cuộc Tử Nạn của Đức Giê-su, như lời ông nói: “Khi chúng ta không có sức làm được gì, vì còn là kẻ vô đạo, thì Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta. Hầu như không có ai chết vì người công chính. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi. Nếu ngay khi chúng ta còn là kẻ nghịch thù với Thiên Chúa,Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được giao hòa với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy” (Rm 5,5b-11: Bài đọc II); Ngài chăm sóc ta mục tử hơn chăm sóc đoàn chiên, bởi vì người mục tử chỉ dẫn chiên đến suối nước và đồng cỏ xanh tươi để chiên được no thỏa, còn Chúa Giê-su thì lấy chính thịt máu Ngài để nuôi ta. Chân lý này ngôn sứ Ezekiel đã tiên báo Ngài thực hiện trên núi Thánh của Ngài. Núi (Hội Thánh) là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người (x. Ed 34,11-16: Bài đọc I). Vì thế mà lời kinh chúng ta vẫn đọc: “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 23/22,1: Đáp ca). Do đó ta có tích cực tham dự Thánh Lễ, ta mới có thể nói được như thánh Tông Đồ: “Điều quan trọng không phải tôi là người hoàn hảo, mà quan trọng vì tôi được Đức Ki-tô chộp lấy” (x. Pl 3,12).
Vậy chính nhờ ông Phao-lô có nhiều “hạt giống tốt” (dồi dào Lời Chúa), lại có nhiều phân bón tốt (nhiều tội với lòng sám hối), nên khi ông được ơn Chúa đổ xuống qua các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, thì ông thành công hơn các Tông Đồ khác, đến nỗi đã có người nói: Chúa Ki-tô không lập Hội Thánh mà là ông Phao-lô.
THUỘC LÒNG
Đức Giê-su đến trần gian để cứu những kẻ tội lỗi, trong số đó tôi là người thứ nhất (1Tm 1,15).