Lời Chúa cntn 11c _ đức mến tha thứ tất cả

ĐỨC MẾN THA THỨ TẤT CẢ
Người biết mình yếu đuối thì cậy dựa vào lòng bao dung của Chúa... Còn người không biết mình yếu đuối thì dễ lên án người khác.
Lm. HK
Một đêm tháng 12 năm 1914, một cơn hoả hoạn ở New Jersey đã thiêu hủy toàn bộ cơ ngơi với bao nhiêu phát minh còn dang dở trong vòng thí nghiệm của Thomas Edison, nhà phát minh nổi tiếng của Mỹ.
Sáng hôm sau, bước đi giữa đống hoang tàn còn âm ỉ khói. Edison, lúc đó đã 67 tuổi, mỉm cười nói với mọi người rằng: “Cơn tai biến này rất quý giá. Nó đã thiêu hủy hết mọi sai lầm của chúng ta. Tạ ơn Chúa, chúng ta sẽ bắt đầu lại từ đầu.”
‘Nhân vô thập toàn’. Biết mình ‘vô thập toàn’ đem lại cho người ta niềm hy vọng để dễ dàng vượt qua các gian nan và bắt tay làm lại từ đầu. Nhưng không biết mình là ‘nhân vô thập toàn’ mới là cái ‘vô thập toàn’ đáng sợ nhất, làm cho người chết vẫn tưởng mình còn sống.
Vua Đavít đã giết người cướp vợ mà còn bừng bừng nổi giận trước kẻ giầu có chiếm đoạt con chiên nhỏ của người nghèo: “Có Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết! Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót,” cho đến khi tiên tri Nathan nói cho nhà vua biết: “Ngài chính là người đó.” (2Sm 7,5-7)
Nhưng ngay khi Đavít thú nhận: “Trẫm đã phạm tội cùng Chúa” là lúc ông nhận ra tình yêu bao la của Chúa không hề muốn chấp tội ông: “Chúa cũng đã tha tội cho vua rồi và vua sẽ không phải chết.”
Người biết mình yếu đuối thì cậy dựa vào lòng bao dung của Chúa: “Con xưng ra cùng Chúa tội phạm của con, và lỗi lầm của con, con đã không che giấu. Con nói: ‘Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con’, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con.”(Tv 31,5)
Còn người không biết mình yếu đuối thì dễ lên án người khác, như cái nhìn của ông Simon hướng về người đàn bà tội lỗi: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai và thuộc hạng người nào: là một người tội lỗi.”; và họ đánh mất đi niềm vui gặp được lòng Chúa bao dung, như chính Chúa đã tỏ cho Simon biết: “Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân tôi; còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân tôi…”
Niềm vui nơi người đàn bà tội lỗi đó cũng là sức mạnh lớn cho Phaolô, người đã từng hăng say lùng bắt những người tin theo Đức Kitô mà lại được chính Đức Kitô lôi kéo vào tình yêu của Ngài: “Tôi đã chịu đóng đinh làm một với Đức Kitô. Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi. Hiện giờ tôi sống trong thân xác, là tôi sống trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và đã phó mình vì tôi.” (Gl 2,20)
Sứ mệnh của Đức Kitô là đem lại sự sống và hy vọng cho những gì bị coi là tội lỗi hay bất xứng, “cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: Maria gọi là Mađalêna đã được chữa khỏi bảy quỷ ám, Gioanna vợ của Chusa viên quản lý của Hêrôđê.”
Ai cũng mang nặng bản tính yếu hèn của con người, với nhiều lầm lỡ, sai sót. Nhưng trong mọi hoàn cảnh sống, chính Chúa đã đến để nâng họ lên: “Người rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo nước Thiên Chúa”. Nước Thiên Chúa là niềm vui và sự bình an Chúa đem lại cho những ai sống trong tình yêu Thiên Chúa, khi biết tội mình được tha thứ và khi sẵn lòng tha thứ cho người khác.
John Oglethorpe đến gặp John Wesley, một người đứng đầu của giáo phái Methodist. Sau một hồi lâu trò chuyện, Oglethorpe nói với Wesley rằng: “Tôi sẽ không tha thứ cho bất cứ ai trên đời!”
Wesley nhỏ nhẹ trả lời: “Thưa ông, nếu vậy, tôi nghĩ là ông chưa bao giờ phạm tội.”
Chính khi nhận biết tội lỗi của mình là lúc người ta nhận ra tình yêu bao la của Chúa; và ai cũng có thể đạt tới hạnh phúc Nước Trời khi để tình yêu đó hướng dẫn và thúc đẩy: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.” (Cl 3,12-13)
“Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cr 13,7).
Tôi yếu hèn, tôi phản bội, Chúa đã cư xử thế nào với tôi?
Trên thập giá, Chúa tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả, để tôi được sống.
Còn tôi, với anh em?                                                                       
Lm. HK