Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ bảy tuần 3 phục sinh


THỨ BẢY SAU CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH
Cv 9, 31-42; Ga 6, 51. 60-69
BÀI ĐỌC: Cv 9, 31-42
31 Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.
32 Bấy giờ ông Phê-rô rảo khắp nơi, xuống thăm cả dân thánh cư ngụ tại Lốt. 33 Nơi đây ông gặp thấy một người tên là Ê-nê liệt giường đã tám năm, vì anh bị tê bại. 34 Ông Phê-rô nói với anh ta: "Anh Ê-nê, Đức Giê-su Ki-tô chữa anh khỏi. Anh hãy đứng dậy và tự dọn giường lấy.” Lập tức anh đứng dậy. 35 Tất cả những người cư ngụ ở Lốt và đồng bằng Sa-ron thấy anh, và họ trở lại cùng Chúa.
36 Ở Gia-phô, trong số các môn đệ có một bà tên là Ta-bi-tha, có nghĩa là Linh Dương. Bà này đầy công đức vì những việc lành và bố thí bà đã làm. 37 Trong những ngày ấy, bà mắc bệnh và qua đời. Người ta tắm xác cho bà và đặt ở lầu trên. 38 Vì Lốt gần Gia-phô, nên khi các môn đệ nghe biết ông Phê-rô ở đó, liền cử hai người đến mời: "Xin ông đến với chúng tôi, đừng trì hoãn.”
39 Ông Phê-rô đứng dậy cùng đi với họ. Tới nơi, người ta đưa ông lên lầu trên. Các bà goá xúm lại quanh ông, vừa khóc vừa cho ông xem những áo dài và áo choàng bà Linh Dương đã may khi còn sống với họ. 40 Ông Phê-rô cho mọi người ra ngoài, rồi quỳ xuống cầu nguyện. Sau đó, ông quay lại về phía thi hài và ra lệnh: "Bà Ta-bi-tha, hãy đứng dậy! " Bà ấy mở mắt ra, và khi thấy ông Phê-rô, liền ngồi dậy. 41 Ông đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi dân thánh và các bà goá lại và cho thấy bà đang sống. 42 Cả thành Gia-phô đều biết việc này, và có nhiều người tin vào Chúa.
ĐÁP CA: Tv 115
Đ.        Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho. (c 12)
12 Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? 13 Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa .
14 Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn, trước toàn thể dân Người. 15 Đối với Chúa thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người.
16 Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi. 17 Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x. Ga 6, 63c. 68c
Hall-Hall: Lạy Chúa, Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống. Chúa có những Lời đem lại sự sống đời đời. Hall.
TIN MỪNG: Ga 6, 51. 60-69
51 Tại hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” 60 Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi? "61 Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: "Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? 62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.
64 Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. 65 Người nói tiếp: "Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.”66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.
67 Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? "68 Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. 69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

THÁNH THỂ LÀM HOÀN HẢO THÁNH TẨY
Theo Tin Mừng Gioan, khởi đầu việc thiết lập Nước Thiên Chúa (Hội Thánh), Đức Giêsu, Mẹ Maria và các môn đệ đi dự tiệc cưới tại Cana. Tiệc chưa mãn mà rượu đã hết, Đức Maria nói với Đức Giêsu: “Nhà này thiếu rượu”, Ngài liền bảo gia nhân đổ nước đầy sáu chum, và Ngài đã biến rượu ngon hơn rượu cũ (x. Ga 2,1-11). Ông Gioan đã nhận ra tiệc cưới ấy là dấu chỉ về đời sống Hội Thánh Đức Giêsu thiết lập. Hiểu như thế nên thánh Tông Đồ đã lấy đời sống Hội Thánh để giáo dục các gia đình Kitô giáo: “Như Đức Kitô yêu Hội Thánh thế nào,thì chồng cũng phải yêu vợ mình như vậy, và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào,thì vợ cũng hãy kính trọng chồng như vậy” (Ep 5,21-32). Ta biết ba yếu tố: Tặng quà – Lập giao ước – Trao thân cho nhau, là tóm gọn những sinh hoạt trong gia đình hạnh phúc bền vững, điều đó diễn tả sinh hoạt đời sống Hội Thánh Chúa Kitô, được thể hiện trong Thánh Lễ.
I. TẶNG QUÀ.
Vì ở đâu có tình yêu, ở đó có quà tặng. Thực vậy, đôi nam nữ khởi đầu tình yêu của họ bằng hình thức tặng quà cho nhau. Trước nhất là tặng nhau ánh mắt, mà “ăn đèn” thì sẽ tặng nhau nụ cười đến đỏ mặt. Tới nữa là tặng nhau ly chè ở điểm hẹn,chè ngon không quên được buổi hẹn hò đầu tiên đến không ngủ được, nên chong đèn tìm giấy hồng viết thư tâm sự nỗi lòng! … Rõ ràng tình yêu dâng cao theo giá trị quà tặng…!
Tình yêu lứa đôi đã bộc lộ qua việc tặng quà, là họa lại mối tình của Thiên Chúa đối với con người: Thiên Chúa tạo dựng vạn vật, Ngài dùng làm quà tặng cho loài người; lịch sử dân tộc Do Thái là lịch sử Chúa “dụ” loài người theo Ngài để “cưới” lấy nó (x. sách Hôsê), được khai mở từ lúc Đức Giêsu lấy bánh, cá ban tặng cho dân ăn no thỏa (x. Ga 6,1-15), tiên báo Đức Giêsu sẽ ban tặng chính Thịt Máu Ngài cho những ai tin Ngài là Thiên Chúa Cứu Độ, mà gia nhập Hội Thánh.
Vì mục vụ của Bí tích Thánh Thể là chia sẻ, là tặng quà, nên các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai, trước khi dâng Lễ, họ họp nhau dùng bữa chung gọi là bữa ăn Agapê. Của ăn trong bữa tiệc Agapê này do các tín hữu tình nguyện góp lại, để nói lên của vật chất là của chung, không ai giàu, không ai nghèo đói. Chính vì vậy mà nhiều tín hữu có nhà, có đất đều bán đi, lấy tiền đặt dưới chân các Tông Đồ để chia sẻ đồng đều cho mọi người (x. Cv 4,34-35). Ngày nay Hội Thánh chỉ còn giữ lại ý nghĩa của bữa ăn Agapê bằng việc ra Luật cho các tín hữu phải giữ chay ít là một giờ trước khi rước Lễ. Việc ăn chay này để nhắc người tín hữu bớt nhu cầu bản thân để có của chia sẻ.
II. GIAO ƯỚC.
Tình yêu vợ chồng không phải chỉ đơn thuần dựa vào tình yêu thương nhau, mà còn phải dựa trên nền tảng lập giao ước trước mặt người đại diện cộng đoàn đang dung thân: Từ giấy Kết Hôn xã hội chứng nhận, đến nghi lễ Cưới, thề hứa, và ký sổ Hôn Phối trước mặt vị đại diện Hội Thánh. Cô cậu nào không lập giao ước này, mà ở với nhau, thì không ai coi đó là vợ chồng!
Dân Do Thái lấy việc trung thành với Giao ước Thiên Chúa đã ký kết với họ làm dấu chỉ tình yêu trung tín giữa họ với Chúa. Điều này đã được ông Giosuê trắc nghiệm hỏi dân: "Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa , thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người Emôri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa.”
 Dân đáp lại: "Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác! Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai Cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.” (Gs 24, 15-17. 18b)
Thế mà khi Con Thiên Chúa đến lập Hôn Ước với dân Ngài qua mầu nhiệm Thánh Thể, thì dân Chúa chọn lại làm điều quái gở, chính cha ông họ đã kết án! Vì không những toàn dân mà còn cả một số người đã muốn làm môn đệ theo Đức Giêsu, khi nghe Đức Giêsu nói: “Bánh tôi ban tặng chính là Thịt tôi đây để cho thế gian được sống”, nghe rồi nhiều môn đệ của Ngài liền nói: “Lời này chói tai quá, ai mà nghe nổi!” Đức Giêsu đã phải lên tiếng giải thích, nhưng hết thảy đều rút lui, không còn đi theo Ngài nữa! (x. Ga 6,60-64: Tin Mừng). Chắc chắn thái độ đó làm cho Đức Giêsu cảm thấy bẽ bàng hơn bao giờ hết, nhưng Ngài không hối hận vì Ngài đã yêu là yêu đến cùng (Ga 13,1),và Ngài cũng không mị dân để níu kéo ít người ở lại với Ngài, nên Ngài thách thức cả các môn đệ còn đứng lại: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?" Ông Simôn Phêrô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa" (Ga 6,67-69: Tin Mừng).
Vậy chỉ có Hội Thánh mà ông Phêrô là đại diện tuyên xưng Đức Tin không thể bỏ Thầy Giêsu, vì nhận ra giá trị được ăn Thịt và uống Máu Thầy, nhất là được nghe Lời Hằng Sống xuất từ miệng Thầy, chính là đã nhận Giao Ước mới Ngài lập. Những người như thế mới thực là Hiền thê của Đức Kitô (x. 2Cr 11,2).
Đến đây ta có thể hình dung cách bố cục chương 6 của Tin Mừng Gioan theo đường xoáy trôn ốc đi lên để diễn tả tầm mức quan trọng của Bí tích Thánh Thể:
Dựa vào giáo huấn của Tin Mừng Ga 6: Ai sống Bí tích Thánh Thể, thì phải xác tín:
Lời Chúa là đỉnh cao của Bí tích Thánh Thể, nếu Lời Chúa không phát xuất từ một Cơ Thể Hằng Sống là Chúa Giêsu Phục Sinh (Thánh Thể), thì lời ấy chỉ là tiếng kêu như lời ông Gioan Bt là cùng. Tác giả thư Do Thái nói về Phụng Vụ mới Đức Giêsu thiếp lập: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này,Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2a). Vì Đức Giêsu đã khẳng định chỉ trong Bí tích Thánh Thể, “hết thảy mọi người đều được Thiên Chúa dạy bảo, phàm ai nghe và học nơi Chúa Cha thì sẽ đến với Ta” (Ga 6,45), vả lại “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống (Ga 6,63: Tin Mừng). Vì chỉ có Lời Thầy Giêsu là Thần Khí ban sự sống dồi dào bền vững muôn đời, như Ngài đã nói: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” (Mc 13,31). Bởi thế người Công Giáo khi tham dự Thánh Lễ, phải tuyên xưng Đức Tin như ông Phêrô: “Lạy Chúa, Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống. Chúa có những Lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,63c. 68c: Tung Hô Tin Mừng). Thế thì ai dự Lễ để Lời Chúa lưu lại trong tâm hồn, người ấy mới được sống sung mãn, và được tồn tại muôn đời. Vì Đức Giêsu đã nói: “Nếu các ngươi lưu lại trong Ta (rước Lễ) và Lời của Ta lưu lại trong các ngươi (nghe Lời), thì muốn gì các ngươi hãy xin thì các ngươi sẽ thấy thành sự” (Ga 15,7).
Thực vậy ông Phêrô nhờ ở lại với Thầy Giêsu để nghe Lời Hằng Sống và ăn Thịt và uống Máu Ngài, nhiều người đã chê bỏ đi, mà ông trở nên người quyền năng như Chúa Giêsu. Lần kia, ông gặp anh Êne bị bất toại đã 8 năm nằm liệt giường, ông nói với anh: “Đức Giêsu Kitô chữa lành anh. Hãy trỗi dậy, và dọn dẹp giường đi”. Và lập tức anh trỗi dậy và bước đi. Ông Phêrô còn quyền phép hơn nữa vì làm cho kẻ chết sống lại, như bà Linh Dương, khi còn sống bà đã thương giúp người nghèo. Lúc chết mọi người chạy đi tìm ông Phêrô đến quỳ xuống cầu nguyện,đoạn ông quay lại phía đặt xác, ông nói: “Tabitha, hãy trỗi dậy”, bà ấy liền mở mắt ra và thấy ông Phêrô, bà liền ngồi lên. Ông Phêrô đưa tay nhắc bà đứng dậy, rồi gọi các thánh cùng các bà góa lại, ông cho thấy bà đã sống làm cho nhiều người tin theo Chúa! (x. Cv 9, 31-43: Bài đọc).
 III. TRAO THÂN.
Trong hôn nhân, sau khi anh chị đã trao cho nhau món quà vật chất, đến nỗi tài sản không còn là của anh hay của em, mà đến cả “quần xà-lỏn” cũng là “quần chúng ta”, để rồi tặng nhau cả thân xác, lúc ấy mới thực là tác động của tình yêu trọn hảo, hoàn hợp và bền vững! Vì cả hai người nên một thân xác, một linh hồn, một sự sống, do đó họ gọi nhau là “mình ơi”! Cô cậu mà khước từ nhau về việc trao thân, chắc chắn hôn nhân đổ vỡ. Thế thì Chúa Giêsu muốn ta nhớ lại Bí tích Thánh Tẩy, ta đã trở nên Hiền Thê của Ngài (x. 2Cr 11,2), thì Ngài muốn “trao thân” cho ta, và ta cũng phải sẵn sàng “trao thân” qua việc rước Lễ. Để nhấn mạnh việc này tối ư quan trọng, Đức Giêsu liên tục 10 lần Ngài dùng động từ “ăn (x. Ga 6,49-58); và liên tục 6 lần Ngài nói “ăn thịt Ta ban(x. Ga 6,52-56). Điều ấy quả là làm cho nhiều người nghe chói tai, xét về mặt văn chương, không ai lặp đi lặp lại mãi một từ như thế, cũng không đáp ứng nhu cầu thân xác con người, vì dân theo Đức Giêsu chỉ muốn chữa lành bệnh, được ăn no, còn Ngài thì cứ “lải nhải” nói “ăn Thịt và uống Máu Ta”, ai mà chịu nổi. Do đó hết thảy họ bỏ đi!
Vậy chỉ ai đi dự Lễ để tâm nghe Lời và rước Lễ, người đó mới thực sự là Hiền Thê của Chúa Giêsu. Quả thật Bí tích Thánh Thể đã làm hoàn hảo Bí tích Thánh Tẩy của người tín hữu đã lãnh nhận, làm cho tâm hồn được hân hoan cất lời tạ ơn: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho” (Tv 116/115, 12: Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Lạy Chúa Giêsu, bỏ Ngài thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6,68).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH