Một giáo sĩ vừa khôn ngoan vừa thánh thiện
đặt câu hỏi cho các môn sinh: “Đâu là thời điểm phân chia giữa ngày và đêm?”
-
Thưa
thầy, đó là lúc người ta có thể phân biệt chó và cừu?, một thầy mau mắn trả lời.
-
Không
phải! Vị giáo sĩ đáp.
-
Thưa
thầy, đó là lúc phân biệt được cây vả và cây ôliu?
-
Cũng
không phải! Vị giáo sĩ
lắc đầu.
-
Thưa
thầy, đó là lúc phân biệt được rặng núi với đám mây,… bờ sông với dòng nước,… cỏ
dại với cây lúa..., các thầy
tranh nhau trả lời.
Sau khi để các thầy đưa ra nhiều so sánh,
vị giáo sĩ mới lắc đầu và ôn tồn dạy các môn sinh bài học về ánh sáng của Nước
Trời: “Thời điểm ban ngày là lúc người ta nhìn bất cứ ai, kể cả những người
chưa từng quen biết và những kẻ thù mà nhận ra người đó là anh em của mình. Còn
bao lâu người ta chưa nhận ra được như vậy thì là đêm.”
Con Thiên Chúa bước vào cuộc Vượt Qua khi
thế gian chìm trong bóng tối, khi lòng người còn bị điều khiển bởi sự thù ghét:
“Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối”, và chính
trong bóng tối mà ánh sáng càng thêm rực rỡ: “Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc,
Chúa Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh
hiển nơi Người.” (Ga 13,30.31)
Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, vì
chính nơi Đức Kitô sẽ bắt đầu một tạo dựng mới, tình yêu và sự sống của Thiên
Chúa chan hoà trong mọi cuộc sống: “Đây là Thiên Chúa ở với loài người, và
chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết
chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn
đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi” (Kh 21,3-4)
Tạo dựng mới đó được thực hiện khi sự sống
của Thiên Chúa dạt dào chảy trong cuộc sống con người: “Thầy ban cho các con
điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con,
thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận
biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau.” (Ga
13,34-35)
Chính tình yêu là ánh sáng Nước Trời. “Ai
nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong
bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy
không có gì nên cớ vấp phạm. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và
đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người
ấy ra mù quáng.” (1Ga 2,9-11)
Và trong tình yêu đó, chính Thiên Chúa
hiện diện, điều khiển và thúc đẩy các tông đồ và mọi tín hữu trong Giáo hội
kiến tạo một thế giới mới qua mọi thời đại: “các ngài tụ họp giáo đoàn,
thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài.” (Cv 14,27)
Tại Âu Mỹ nhiều năm trước đây, khi người
ta còn dùng đến những hình phạt rất dữ dằn cho các tội nhân. Một người bị bắt
quả tang phạm tội ăn trộm cừu, và anh bị khắc hai chữ ST (stealer: kẻ ăn trộm)
lên trán cho mọi người nhìn thấy.
Về sau anh thay đổi tâm tính và sống một
đời yêu thương phục vụ, và khi về già được những người hàng xóm kính nể và quí
mến.
Khi nhìn thấy hai chữ ST trên trán ông cụ
đáng kính ấy, những đứa trẻ hàng xóm hỏi cha mẹ chúng về ý nghĩa của hai chữ
đó, và được cha mẹ cho biết hai chữ đó là viết tắt của chữ ‘thánh nhân’
(saint).
Cũng một chữ viết tắt ST, một của bóng đêm
và tội lỗi, một của ánh sáng và thánh thiện. Khoảng cách giữa hai chữ đó là một
cuộc đời, và câu thần chú tạo nên sự biến đổi đó là tình yêu thương.
Đức Kitô được vinh hiển vì bao nhiêu phép
lạ Chúa đã làm, nhưng phép lạ lớn nhất Chúa đã và đang thực hiện là với tình
yêu thương mà làm cho tất cả trở nên “trời mới đất mới. Vì trời cũ đất cũ đã
qua đi, và biển cũng không còn nữa.” (Kh 21,1)
Chúa đã yêu tôi rất nhiều: “Anh em hãy
xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là
con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.”
Còn tôi thì sao? “Căn cứ vào điều này
mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ: phàm ai không sống
công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì
cũng vậy.” (1Ga 3,1.10),
Và điều kiện Chúa ra cho tôi là hãy yêu
như Chúa yêu: “Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu
thương nhau.”
Lm. HK