Lời Chúa cnps 3c _ làm chứng

LÀM CHỨNG
Trong một buổi tọa đàm về lễ Phục sinh, có một thanh niên tên là Lim, không tin Đức Kitô Phục sinh. Anh nói: “Tin tôi đi, các bạn, chẳng có Đức Kitô nào sống lại hết. Đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng mà thôi, tranh cãi làm gì mất công, phí thời giờ, các bạn sẽ thấy ngay bây giờ, tôi cho Đức Kitô hai phút, nếu có Ngài thì Ngài cứ việc đánh tôi chết”.  
Nói xong anh ưỡn ngực chờ đợi. Hai phút trôi qua, chẳng có gì xảy ra. Lim đắc thắng nói:
-         “Đó, các bạn thấy rõ rồi nhé, Đức Kitô có đâu nào?”.
Mọi người đều im lặng.
Một lúc sau, có một người lên tiếng:
“Anh Lim này, tôi là một người cha. Tôi có một đứa con trai, có lẽ bằng tuổi anh. Giả như bây giờ nó có mặt ở đây và nó cầm dao đưa cho tôi rồi nói: “Tôi không chắc ông có phải là cha tôi thật không, người ta nói sao thì tôi biết vậy thôi. Họ bảo ông là cha tôi, nếu thực sự đúng như vậy, thì sao đây, ông hãy cầm lấy và đâm tôi đi, nếu không, chính tôi sẽ đâm ông”.
“Anh nghĩ coi: tôi phải xử trí thế nào? Thú thật tôi không đủ khả năng cho nó thấy tôi là cha nó theo cách nó đòi hỏi. Nhưng có phải từ sự kiện tôi không dám đâm chết nó mà anh có thể kết luận: tôi không thực sự là cha nó không? Vì thương nó nên tôi không đâm chết nó. Là cha nó, tôi thà để mình bị đâm chết hơn là cầm dao đâm chết con. Chết vì tay nó, tôi chứng tỏ cho nó thấy tôi chính là cha nó. Nó đòi hỏi, nhưng tôi không làm theo cách nó mong muốn, mặc dầu tôi có thể đâm nó chết.
“Anh Lim này, anh hiểu điều tôi vừa nói chứ? Anh cũng vừa phỉ báng Thiên Chúa như thế đấy, nếu Đức Kitô không đánh chết anh, thì không phải là vì không có Ngài, mà vì Ngài thương anh đó thôi. Bởi vì trong tình yêu bao giờ cũng có một yếu điểm nghịch thường mà người ta không thể diễn tả hết được.”
Người ấy nói tiếp:
“Anh nghĩ xem, giả như anh nắm tay đấm vào đá thì tay anh sẽ bị đau chứ không phải là đá. Đá phản ứng lại cử chỉ kiêu căng của anh một cách mãnh liệt. Nhưng nếu anh đấm xuống nước, tay anh không hề hấn gì, nước chỉ dao động một chút rồi thôi. Và nếu anh đấm vào không khí chúng ta đang thở, anh sẽ chẳng cảm thấy gì hết. Không khí có vẻ bất lực ấy lại cần cho đời sống của chúng ta hơn là đá cứng nhiều. Cũng thế, Thiên Chúa trở nên như yếu đuối và như vô hình giữa chúng ta. Giả như chúng ta có chửi bới Ngài, Ngài chẳng bợp tai chúng ta, trong khi nếu chúng ta làm thế với bất kỳ ai khác, chúng ta sẽ lãnh đủ.
“Thiên Chúa trở nên yếu đuối và bất lực, nhưng trong cuộc sống, chúng ta cần đến Ngài hơn bất cứ điều gì khác. Anh Lim này, Đức Kitô yêu anh lắm, anh cũng phải yêu lại Ngài nhé. Anh hãy tin Ngài và sống đạo tốt hơn anh sẽ cảm thấy điều tôi nói là chân thật”.

Chúng ta hãy cám ơn Chúa đã ban ơn đức tin cho chúng ta, và chúng ta vẫn còn kiên trì giữ vững đức tin cũng như tuyên xưng đức tin. Đức tin ấy Chúa ban cho chúng ta ngày chúng ta chịu phép rửa tội. Đức tin ấy như một đèn sáng hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Nguyên việc chúng ta có mặt trong nhà thờ lúc này là một bằng chứng cụ thể rõ ràng. Và chúng ta đến nhà thờ mỗi ngày Chúa nhật là chúng ta chứng tỏ đức tin và tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô Phục sinh. Mỗi Chúa nhật là một lễ Phục sinh.
Việc Đức Kitô Phục sinh là một thực tại chắc chắn. Điều đó các tông đồ không cần phải tin, vì đích thân các ông đã được cảm nghiệm: đã thấy Chúa, đã nghe tiếng Chúa rõ ràng, đã thấy những việc quen thuộc Chúa thường làm, đích thực 100% Chúa đã sống lại. Còn chúng ta, chúng ta tin, vì chúng ta không thấy. Dù không thấy, chúng ta vẫn tin một cách tuyệt đối. Chúng ta đi đạo, theo đạo, giữ đạo, tin đạo, tức là chúng ta tin Đức Kitô đã Phục sinh. Chúng ta tin Chúa sống giữa chúng ta và đang điều khiển vũ trụ này.
Một trong những điều đòi hỏi chúng ta thể hiện đức tin, cũng là điều ghi lại trong bài Tin Mừng, đó là các môn đệ đánh cá suốt đêm mà không được gì. Lúc ra về, họ đành thú nhận tay trắng, công dã tràng. Đó là sự giới hạn của họ và cũng là bài học cho tất cả chúng ta. “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Nếu con người chúng ta cứ thành công mãi như ý mình, chúng ta sẽ tưởng mình là vô địch, mình có thể làm được mọi sự mà không cần đến Chúa. Nhưng rất may, ở trần gian này có một định luật là sự giới hạn: giới hạn của vật chất chung quanh chúng ta, giới hạn của khả năng con người, giới hạn của chính đời sống chúng ta… Không ai trong chúng ta có thể sống vượt ra ngoài những giới hạn đó.
Cho nên, chúng ta tin Chúa là chúng ta nhận biết thế đứng của mình trước Thiên Chúa, biết sự giới hạn của mình trước Đấng toàn năng đã phán: “Không có Ta, các ngươi không làm gì được”. Vì thế, trong mọi hoạt động của đời sống, chúng ta phải cầu xin Chúa thực thi chương trình của Ngài nơi mỗi người chúng ta và xin cho chúng ta biết thân phận mình, biết sự giới hạn của mình, để chúng ta luôn tin tưởng và cậy dựa vào Chúa.
Một điều nữa chúng ta cũng cần ghi nhớ: các tông đồ tin Chúa sống lại, các ông không giữ lại niềm tin đó cho riêng mình, nhưng các ông đã ra đi rao giảng, làm chứng cho mọi người biết Chúa đã sống lại. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng phải rao giảng và làm chứng cho Chúa, bằng cách thánh hóa những việc làm hàng ngày, là đem tinh thần đức tin vào trong ý tưởng, trong lời nói, trong việc làm của chúng ta, và đem tinh thần Tin Mừng vào mọi dịch vụ, mọi công tác của chúng ta, tức là phải đem tinh thần Tin Mừng vào công việc trần thế, vào nghề nghiệp, vào các giao tiếp với người khác, vào cả những lúc vui chơi giải trí… Chúng ta xao lãng bổn phận này hay chúng ta tách rời tinh thần Tin Mừng khỏi đời sống là chúng ta chưa sống đạo đầy đủ đúng nghĩa.

Trong mỗi thánh lễ, chúng ta tung hô sau truyền phép “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho đến khi Chúa lại đến”. Chúng ta tin trong lòng, chúng ta tuyên xưng ngoài miệng. Và chúng ta biết rằng lời tuyên xưng hiệu quả hơn chính là trong cuộc sống. Đời sống của chúng ta là bằng chứng rõ ràng nhất diễn tả đức tin. Chúng ta hãy cố gắng sống thế nào để người khác nhận biết chúng ta là người có đức tin, là người con cái Chúa.