Lời Chúa Lễ Lá _ đây thực là người công chính

ĐÂY THỰC LÀ NGƯỜI CÔNG CHÍNH
Mục sư Thomas Collins có lần kể chuyện về một gia đình tín hữu nơi ông phục vụ có một thiếu phụ sống rất bi quan, luôn cảm thấy như Chúa đã bỏ mình. Một hôm, mục sư Collins gặp bà đang bế con, ông bảo rằng: “Bà hãy buông cho đứa bé rơi xuống đất đi”. Bà nhìn ông mục sư ngạc nhiên không hiểu tại sao ông lại nói như thế.
Ông lại hỏi: “Nếu có ai trả cho bà một số tiền lớn để buông đứa bé cho rơi xuống sàn nhà, bà có chịu làm không?” Bà tức giận trả lời: “Dù cho người ta có cho tôi nhiều tiền như sao trên trời kia, tôi cũng không đời nào buông con tôi rơi xuống đất và phải chịu đau đớn như vậy.”
Lúc ấy, vị mục sư mới ôn tồn bảo: “Bà có nghĩ là tình thương của bà đối với đứa trẻ này lớn hơn tình thương của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài chăng?” Nghe vậy, người thiếu phụ liền bừng tỉnh.
Người xưa đã nói: “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Tình yêu của cha mẹ có lớn đến đâu vẫn chỉ là một ý niệm trừu tượng trong tâm hồn của đứa con cho đến khi nó cảm nghiệm thấy trong máu thịt nó sự hy sinh bỏ mình trong từng giọt mồ hôi lao nhọc của cha mẹ nó.
Lịch sử ơn cứu độ cho thấy mặc cho tay Chúa có nâng niu, chăm sóc đến đâu, dân Chúa vẫn lạc xa tình yêu Chúa: “Này đây: chính vì lầm lỗi của các ngươi mà các ngươi đã bị đem đi bán, chính bởi tội lỗi của các ngươi mà mẹ các ngươi đã bị rẫy. Tại sao khi Ta đến, không có một người nào, khi Ta kêu, chẳng có ai đáp lại?” (Is 50,1-2)
Người ta luôn bội phản nhưng Thiên Chúa không hề muốn trừng phạt: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề, Ta đâu có muốn cho kẻ dữ phải diệt vong, nhưng là muốn nó bỏ đường tà để được sống.”
Tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy Đức Kitô sẵn lòng ôm lấy hết mọi tội lỗi nhân loại trong cuộc sống mình, và hoan hỉ dâng hiến cuộc sống làm của lễ đền tội: “Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.”
Cuộc khổ nạn trình bày một cách hoàn hảo Tình yêu bao la của Thiên Chúa trong sự từ bỏ tất cả vì yêu thương của Đức Giêsu – Thiên Chúa làm người: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,6-8)
Cuộc khổ nạn của Đức Kitô không chỉ trình bày về tình yêu hoàn hảo Thiên Chúa dành cho con người, mà còn mạc khải cho mọi người con đường sống vị tha, yêu thương đến hy sinh từ bỏ chính mình, là con đường làm cho mọi đau khổ được thăng hoa và mang một bộ mặt mới, làm trọn ý nghĩa của ơn gọi làm người: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (Is 50,4-5.7)
Bertrand Russel, một triết gia người Anh, là điển hình cho người vô thần thời nay, đã nói về tương lai con người như sau: “Nguồn gốc con người, phát triển và hy vọng, lo âu, tình cảm và tín ngưỡng, tất cả chỉ là kết quả của sự sắp đặt ngẫu nhiên của các hạt nguyên tử.
Bất luận là tinh thần hăng say, thái độ anh hùng, cường độ tư tưởng hay cảm tình, đều không thể giữ cho con người khỏi chết; biết bao công trình lao lung tận tâm, sáng kiến, tư lự, tất cả đều được dành cho số mạng là tiêu diệt, bao công trình vĩ đại của loài người cũng chắc chắn sẽ bị chôn vùi dưới những đổ nát của vũ trụ điêu tàn.”
Và ông kết luận: “Nền tảng vững chắc cho tâm hồn chỉ có thể là một nỗi thất vọng cố định mà thôi.”
Còn niềm tin vào Đức Kitô chịu tử nạn và phục sinh nói gì với tôi: “Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?” (Rm 8,31-34)
Mọi Kitô hữu đều thờ kính thập giá. Vì đó không phải là công cụ của sự chết, mà là dấu hiệu của Sự Sống, Hy Vọng và Tình Yêu!
Hằng ngày tôi làm dấu thánh giá, nhưng tôi chỉ có thể nói “mọi sự đã hoàn tất” khi dấu thánh-giá-của-Đức-Kitô được ghi vào tâm hồn tôi.                                                
Lm. HK