Lời Chúa cnmc 5c _ Ta không kết tội chị

TA KHÔNG KẾT TỘI CHỊ
Tình yêu là hai tiếng thật bình thường, rất quen thuộc, tại sao Chúa lại gọi là những cái mới?
Người ta kể rằng: Một hôm, trong cơn giận, Lucifer đã nguyền rủa Thiên Chúa: “Ông thật là bất công!”
Chúa hỏi: “Tại sao ngươi bảo Ta là bất công?”
Lucifer nói liền một hơi dài như muốn xả hết nỗi oán hận của mình: “Lẽ nào ông lại không biết là chúng tôi chỉ một lần xúc phạm đến ông, mà phải chịu đày đoạ hết đời này sang đời khác; lửa hoả ngục cứ nung, cứ đốt chúng tôi hôm qua, hôm nay, rồi ngày mai, … mãi mãi không bao giờ hết.
“Còn loài người thì sao? Chúng còn hèn hạ hơn chúng tôi thế mà chúng vẫn dám coi thường, dám khinh dễ ông. Không có nơi nào, không có lúc nào mà chúng không đóng đinh ông. Ông có mù không mà không thấy tội lỗi của chúng tràn lan khắp mọi nơi, chúng luôn tay chém giết lẫn nhau? Ông có điếc không mà không nghe những lời chúng sỉ nhục ông? Lúc nào những lời nhục mạ, tranh cãi nhau cũng nằm trên miệng chúng! Thế mà ông đã làm gì? Kẻ chối ông ba lần, ông cho làm người lãnh đạo; kẻ ruồng bắt ông được làm tông đồ cả; ông vẫn tha hết dù chúng có phạm những tội thậm tệ đến đâu. Ông là Chúa của bất công! Ông thật bất công!”
Chúa chỉ hỏi Lucifer: “Đã có khi nào ngươi xin Ta tha thứ chưa?”…
Vâng! Mọi tội lỗi đều được thứ tha cho ai đến xin Chúa tha thứ.
Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu không giết chết mà luôn tác sinh, không lên án mà luôn cứu chữa, không huỷ bỏ mà luôn xây dựng.
Lucifer không được tha thứ vì không xin Chúa thứ tha. Cái mất lớn nhất của con người, được dựng nên theo hình ảnh Chúa, là đánh mất tình yêu mà Chúa đã đặt trong họ từ ban đầu. Không tình yêu, đời họ là những mảnh hoang địa khô cháy, không có sức sống, không nảy sinh hoa trái!
Trong sách tiên tri Isaia, khi tiên báo về việc cứu dân Do thái khỏi ách lưu đầy Babilon, Chúa nói: “Đây Ta sẽ làm những cái mới”. Nhưng Chúa sẽ làm những cái gì mới? Ngài sẽ đem đến điều tốt đẹp nào?
Ngài không thể đem đến một điều gì tốt đẹp hơn là tình yêu, vì chính Ngài là tình yêu. Nhưng … tình yêu là hai tiếng thật bình thường, rất quen thuộc, tại sao Chúa lại gọi là những cái mới?
Cái mới ở đây không phải là từ ngữ, mà là tinh thần. Người ta cũng yêu nhau, nhưng thường yêu nhau bằng một tình yêu có biên giới, có điều kiện: “Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ” (Lc 6,32).
Còn Chúa, Ngài muốn đem đến và gieo lại vào cuộc sống con người tình yêu của chính Ngài, một tình yêu không biên giới, không điều kiện; một tình yêu hướng đến sự sống của mọi tạo vật, không có loại trừ nào. Bao nhiêu tội lỗi của con người cũng không hề làm cho Ngài phải thất vọng: “Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan”.
Chúa đến để gieo tình yêu, chứ không đến để kết án.
Chính con người tự kết án mình khi không sống yêu thương: Các luật sĩ và biệt phái đã đặt Chúa vào một cái bẫy mà đi lối nào cũng có tội: nói “tha” là sai luật Môsê, còn bảo “ném đá” lại sai luật Rôma! Nhưng lời yêu cầu của Chúa đã đảo ngược tình thế. Vì muốn bắt lỗi Chúa mà họ phải tự tố cáo, và tự lên án chính mình: “tất cả đều rút lui”.
Dù tội lỗi đến đâu, ai đến với Chúa cũng đều được sống trong tự do của tình yêu: “Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ”, còn ai không đến với tình yêu Chúa là đang tự kết án cho mình.
Tình yêu Chúa đem lại sự sống và tự do, làm cho lòng người hoan lạc: “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan”. Nhưng tình yêu đó cũng kèm theo nhiều đòi hỏi: “Vì Đức Kitô, tôi đành chịu thua thiệt trong mọi sự”.
Đúng thế, tình yêu Chúa chiếm lấy ai thì người đó phải “vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo”. Thóc họ gieo là tình yêu tinh tuyền, một tình yêu luôn hy sinh, quên mình vì người khác; một tình yêu sẵn sàng tha thứ và làm ơn lành cho người làm khốn mình, tin rằng khi tha thứ là lúc được thứ tha, tin rằng hôm nay đau khổ, nhưng ngày mai sẽ “trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa”.
Peter Koch, một sĩ quan mật vụ Đức, là người đã giết hại không biết bao nhiêu mạng người trong Thế chiến II, đã bị bắt sau chiến tranh và bị lên án tử hình. Anh viết thư xin Đức Thánh Cha Piô XII tha thứ. Ngài đã sai một linh mục đến thăm và tặng anh chuỗi hạt Mân côi.
Anh nói: “Tổ quốc con nguyền rủa con, đó là điều hợp lý. Toà án kết án con, điều này cũng rất công bình. Còn Đức Thánh Cha lại tha thứ, và đã cho con một bài học cao quí. Giả như con đã luôn nghĩ đến việc tha thứ, thì con không phải ra pháp trường như thế này”.
Rồi anh bật khóc: “Con không đáng chạm đến tràng hạt của Đức Thánh Cha bằng đôi tay vấy máu của con. Xin Cha đeo tràng hạt cho con”.
Ít phút sau, Peter Koch chịu xử tử, khi đang lần hạt Mân côi: “...xin cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay trong giờ lâm từ …”    
Lm. HK