Chuyện
người đàn bà 2000 năm trước
Hai câu nói của Chúa Giêsu với hai hạng người đều nhẹ
nhàng mà sâu xa thấm thía. Với các người kết án, Chúa mời họ nhìn vào phía bên
trong. Với người bị kết án, Chúa mở ngõ về phía tương lai.
Chuyện người đàn bà
2000 năm trước
Áo rách tả tơi, xác thân mệt nhoài.
Chuyện người đàn bà nơi thành phố đó
Dấu tích hành thân.
Vì đâu? Vì đâu? Vì đâu,
Nên tội tình mang nhục hình.
Vì yêu, tội yêu, tội tình yêu.
Áo rách tả tơi, xác thân mệt nhoài.
Chuyện người đàn bà nơi thành phố đó
Dấu tích hành thân.
Vì đâu? Vì đâu? Vì đâu,
Nên tội tình mang nhục hình.
Vì yêu, tội yêu, tội tình yêu.
Đoàn người cổ thành vây
chặt khu phố
Thế giới hiền lương ánh mắt cuồng căm.
Nhìn người đàn bà đang chịu tội chết
Đống đá ngổn ngang.
Chờ ai?
Thế giới hiền lương ánh mắt cuồng căm.
Nhìn người đàn bà đang chịu tội chết
Đống đá ngổn ngang.
Chờ ai?
Chờ tay người ném chết
một người không hận thù.
Người ơi vì sao đoạ đầy nhau?
Người ơi vì sao đoạ đầy nhau?
Ai, ai người vô tội.
Ai, ai người không tội
Hãy mạnh tay ném đá ném đá ném trước đi còn đợi gì?
Ai, người vẹn toàn, Ai người trong sạch
Còn chờ chi?
Ném chết ném chết
Ném chết tội đồ nhân gian.
Hãy mạnh tay ném đá ném đá ném trước đi còn đợi gì?
Ai, người vẹn toàn, Ai người trong sạch
Còn chờ chi?
Ném chết ném chết
Ném chết tội đồ nhân gian.
Chuyện người đàn bà
2000 năm trước
Sách cổ đã ghi, đống đá còn nguyên.
Vì người vô tội hay đời giả dối,
Thế giới giả nhân chào thua
Người ơi, tình ơi .
Ai tội đồ, ai tỉnh ngộ
Người ơi, đời ơi, cũng vậy thôi ....
Sách cổ đã ghi, đống đá còn nguyên.
Vì người vô tội hay đời giả dối,
Thế giới giả nhân chào thua
Người ơi, tình ơi .
Ai tội đồ, ai tỉnh ngộ
Người ơi, đời ơi, cũng vậy thôi ....
Chuyện người đàn bà
2000 năm trước
Sách cổ đã ghi, đống đá còn nguyên.
Sách cổ đã ghi, đống đá còn nguyên.
Nhạc sĩ khéo léo dùng những chữ tương phản như "Thế giới hiền lương, ánh mắt cuồng
căm" và đặt câu hỏi, có phải vì người đời giả dối, sợ phải đối mặt với
tòa án lương tri với tội của chính mình nên đã lẵng lặng bỏ đi: "Vì người vô tội hay đời giả dối? Thế
giới giả nhân? Chào thua! Người ơi, Tình ơi! Ai tội đồ? Ai tỉnh ngộ?...".
Nhưng dù sao thì "cũng vậy thôi",
ca khúc có kết thúc tốt đẹp và câu hỏi
dành riêng cho lương tâm mỗi người.
Với giai điệu chậm buồn, nhạc phẩm kể về một câu chuyện thật
lạ lùng, xảy ra hơn hai ngàn năm về trước tại xứ Do thái. Một phụ nữ bị bắt quả
tang đang phạm tội ngoại tình. Các kinh sư và những biệt phái dẫn người đàn bà ấy
đến trước mặt Chúa Giêsu để gài bẫy Ngài: “Trong
sách Luật, ông Môsê truyền chúng tôi phải ném đá hạng người này, còn Thầy, Thầy
nghĩ sao?” Một câu hỏi bất ngờ, nham hiểm và lịch sự.
Có lẽ sau khi hỏi Chúa như thế, họ hí hửng với những nụ cười
hóm hỉnh ranh mãnh. Họ thì thầm với nhau cách thích thú: lần này thì đừng hòng
mà thoát. Cái bẫy đã giăng ra. Nếu Chúa bảo cứ ném đá đi thì đó là một lời nói
sẽ xoá nhoà tất cả lòng nhân hậu của Chúa: tôi đến để cứu vớt chứ không phải để
kết án. Những người tội lỗi,thu thuế, đặt niềm hy vọng vào Chúa, nếu nghe lời kết
án chắc chắn họ sẽ thất vọng và xa lánh, thế thì chỉ có thất bại, mất uy tín.
Nhưng nếu Chúa bảo, không được ném đá, họ càng vui hơn vì Chúa dám chống lại Luật
Môsê, chỉ chờ thế là họ có dư bằng chứng để bắt và lên án Ngài rồi.
Thái độ Chúa Giêsu thật trầm tĩnh “cúi xuống lặng lẽ vẽ trên đất”. Họ cứ hỏi mãi. Chúa ngẫng lên nói
với họ một đề nghị nhỏ nhẹ ôn hòa nhưng ngầm chứa một thách thức sinh tử quyết liệt
“ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy
đá mà ném trước đi”. Họ lặng lẽ rút lui, bắt đầu từ những người lớn tuổi.
Công bằng mà nói, những người đàn ông có mặt hôm ấy, ngoài Chúa Giêsu ra, đều
là những kẻ còn có liêm sỉ và tự trọng.
Chúa Giêsu bị đẩy vào thế làm quan tòa bất đắc dĩ, buộc phải
ra một bản án xét xử thật nặng, bỗng nhiên trở thành Trạng sư với một bài biện
hộ vỏn vẹn có mỗi một câu rất ngắn. Chỉ một câu nói mà Chúa đã hoá giải bẫy
giăng sẵn. Hoá giải, bởi lẽ Chúa mời gọi họ hãy nhìn vào bên trong tâm hồn.
Còn lại một mình Chúa với người phụ nữ. Ánh nắng buổi sáng
đang lung linh nhảy múa trên bậc thềm.Với giọng nói ấm áp, Chúa hỏi: “Họ đâu hết rồi? Không ai lên án chị nữa hay
sao?”. Lần đầu tiên từ lúc bị lôi tới đây, người phụ nữ ngẩng mặt lên. Chị
nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu, Ngài đôi mắt chứa chan tình người,long lanh
ánh sáng thiên đàng, đôi mắt hiền dịu sáng lên niềm cảm thông. Chị bưng mặt, giọng
nghẹn ngào: “Thưa Thầy, không còn ai nữa.
Họ bỏ đi hết rồi”. Bình minh chiếu sáng rạng ngời khuôn mặt, Chúa nói thật
nhẹ nhàng: “Tôi không lên án chị đâu! chị
về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Tội nhân bị luận tội trước tòa, rõ
ràng nằm trong khung án tử hình, nay ngơ ngác thấy mình được tha bổng, kèm một
lời dặn dò: từ nay thôi đừng phạm tội nữa! Chúa Giêsu không kết án nhưng là mở
cho chị một con đường đi về phía tương lai, về phía trước.
Hai câu nói của Chúa Giêsu với hai hạng người đều nhẹ nhàng
mà sâu xa thấm thía. Với các người kết án, Chúa mời họ nhìn vào phía bên trong.
Với người bị kết án, Chúa mở ngõ về phía tương lai.
1. Nhìn về phía bên
trong
Một phiên tòa lạ lùng, xử lưu động theo kiểu nói ngày nay.
Phe công tố nhao nhao buộc tội và hằm hè chất vấn, không ngờ sau đó lại lần lượt
cúi đầu lặng lẽ rút lui. Chỉ vài phút trước đó, họ hung hãn tố cáo đòi ném đá,
và bây giờ họ âm thầm ra về. Một sự chuyển biến bất ngờ phát sinh từ lời mời gọi
của Chúa Giêsu: “ai trong các ông sạch tội
hãy ném đá người phụ nữ này đi”. Khi người ta đòi ném đá tha nhân, người ta
tự cho mình là kẻ sạch tội và có quyền lên án kẻ có tội. Nhưng khi người ta
khám phá ra mình cũng là tội nhân, người ta không dám lên án nữa vì như thế
cũng là tự lên án chính mình. Sự khám phá có được là do cái nhìn về phía bên
trong chính mình. Chi tiết mà Thánh Gioan ghi nhận “bắt đầu từ những người lớn tuổi” rất ý nghĩa. Vì càng lớn tuổi
càng có bề dày cuộc sống, càng dễ nhận ra bề dày tội lỗi. Càng lớn tuổi càng có
cái nhìn nội tâm nhiều hơn.
Có những cái gần mình nhất mà mình lại khó thấy nhất. Đó là
bản thân mình. Có những sự thật người ta tìm cách trốn chạy nhiều nhất là sự thật
về chính mình. Sự thật ấy chỉ khám phá ra được khi nhìn vào phía bên trong.
Nhìn vào bên trong là đi vào nội tâm để nhìn lại chính mình, soi gương tâm hồn.
Nhìn lại cuộc sống, lời nói, việc làm mình đã làm, đã sống. Giáo hội luôn
khuyên con cái mình xét mình mỗi ngày. Các linh mục, tu sĩ, giáo dân đều có thời
gian tĩnh tâm, linh thao để biết mình mà sửa mình. Biết mình là đầu mối của sự
khôn ngoan.
Nhìn vào phía bên trong là một đòi hỏi cần thiết giữa cuộc
sống xô bồ, ồn ào với quá nhiều tranh đấu vất vả mưu sinh. Có khi chúng ta ngại
vì sợ phải đối diện với chính mình, đối diện với sự thật về mình. Cần có thời
gian tĩnh lặng để dâng lễ, cầu nguyện, viếng Chúa. Khi có thời gian nhìn lại
chính mình, chúng ta có gương soi và một khoảng cách ngắm nhìn. Tấm gương tốt
nhất là Chúa Giêsu. Ngài là mẫu mực. Nơi Ngài và nhờ Ngài mà chúng ta nhận ra
những lỗ hổng cuộc đời, nhận ra lý tưởng cần vươn tới.
2. Nhìn về phía trước.
Người ta đòi ném đá người phụ nữ, đóng khung cuộc đời chị
trong quá khứ. Quá khứ được đóng dấu bằng tội lỗi. Người ta đánh giá, phán
đoán, hành động trên quá khứ đó. Chúa Giêsu không chấp nhận lối nhìn và cách
đánh giá ấy. Ngài không đồng loã với tội lỗi. Ngài nhìn nhận người phụ nữ có tội.
Nhưng Ngài mở ra một tương lai, gieo vào lòng chị niềm tin tưởng rằng chị có khả
năng xây dựng một tương lai mới, một cuộc đời mới,một con người mới: “Chị hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Chúa Giêsu không kết án cũng như không giảm án, không ân xá cho tội nhân. Chúa
mở cho chị một con đường hướng về tương lai, làm lại cuộc đời. Đó là con đường
sám hối trở về với tình yêu, trở về với đời sống là con cái Thiên Chúa, trở về
với tâm hồn bình an. Người phụ nữ ra về lòng tràn ngập niềm vui hoán cải, quyết
tâm làm lại cuộc đời.
Thiên Chúa, Đấng mở ngõ cho tương lai. Ngài không khoá chặt
cuộc đời một con người cũng như lịch sử nhân loại vào quá khứ, cho dẫu quá khứ ấy
có bi thảm và tàn tạ đến đâu chăng nữa. Thiên Chúa luôn luôn mở ngõ và vạch lối
cho tương lai.
Vẫn biết tội lỗi trái với đạo giáo, trái với luân thường đạo
lý, nhưng đâu chỉ căn cứ vào đạo giáo luân lý để khinh khi, coi thường, kỳ thị
sự sống con người được. Đạo giáo luân lý giúp con người sống thăng tiến về mặt
tinh thần chứ không bao giờ là bước cản trở nhận chìm con người xuống bùn đen.
Đã là người, ai cũng có những khuyết điểm, ai cũng có lúc làm điều lầm lỗi.
Nhưng ai cũng có khả năng ý chí ước muốn làm điều lành thánh thiện tốt đẹp.
Thiên Chúa dựng nên con người với khả năng như thế.
Chúa Giêsu đã sống và đã nêu gương. Ngài không kết án,
không giảm án, nhưng là mở ra con đường hướng về tương lai cho con người tội lỗi
làm lại cuộc đời. Lêvi, Giakêu, Mađalêna, Augustinô…và còn biết bao con người
đã được Chúa mở ngõ tương lai tươi sáng. Niềm tin đó tạo nên nơi người tín hữu
một lối nhìn mới. Đó là nhìn về phía trước, băng mình về phía trước như thánh
Phaolô diễn tả: “Tôi chỉ chú ý tới một điều
là quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước” (Pl 3,13). Đối với
Phaolô quên đi chặng đường đã qua là qua khứ bắt bớ Giáo hội Chúa để lao mình về
phía trước, phía tương lai mà Chúa Giêsu đã mở ra, đặt ngài làm khí cụ, làm
tông đồ dân ngoại. Và Phaolô đã sống hết mình cho tương lai mới.
Trong cách nhìn về tha nhân, có khi người ta khoá chặt người
khác trong quá khứ lỗi lầm của họ. Đã một thời “chủ nghĩa lý lịch” khoá chặt con người trong quá khứ, cái quá khứ
đâu có do họ!!! Vì lẽ đó mà nhiều nhiều người trẻ tài năng không có cửa cho
tương lai, họ bị loại trừ. Con người vốn vẫn hay nhìn phía đàng sau hơn là nhìn
về phía đàng trước. Trong khi niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngõ cho tương
lai lại luôn thúc bách chúng ta nhìn về phía trước.
Nhìn vào phía bên trong để khám phá sự thật về chính mình.
Người Hy lạp đã từng gắn trên cổng Đền Thờ Deiphes câu châm ngôn “Bạn hãy biết chính mình” và coi sự biết
mình như là khởi điểm của khôn ngoan.
Nhìn về phía đàng trước để luôn hy vọng và tin tưởng. Tin
vào chính mình, vào con người, vào cuộc đời. Và trên hết là tin vào Thiên Chúa,
Đấng mở ngõ cho tương lai chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An