Đặt Mình Thánh (mời quì)
(Hát một bài tôn thờ Thánh Thể)
Lời dẫn:
Dù ai cũng khao khát và tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời, nhưng
người ta thường nghĩ rằng đó là phần thưởng dành cho các thánh, những người có
một đời sống siêu nhiên đặc biệt, chứ không dành cho những thành phần phàm phu
tục tử như mình.
Thế mà có một sự thật rất đáng ngạc nhiên, là một anh trộm, còn
gọi là trộm lành, mới là vị thánh đầu tiên vào thiên đàng. Lại nữa, những người
thân mật, gần gũi và thường lui tới với Chúa không phải là thành phần đạo đức
đặc biệt trong dân mà lại là những kẻ tội lỗi...
Tại sao vậy lại xảy ra như vậy? Vì ơn cứu độ là việc làm của
tình yêu. Chẳng ai được cứu độ vì người ấy xứng đáng, mà tất cả là vì tình yêu
bao la của Chúa. Ngay cả Trinh Nữ Maria, người được coi là xứng đáng làm Mẹ
Đấng Cứu Thế, cũng thấy đó là tình yêu của Chúa: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn đến.”
Tình yêu nhân hậu khoan dung luôn được Đức Kitô nhấn mạnh trong
mọi bài giảng, và chính lòng thương xót mới là ý nghĩa cho cuộc đời tại thế của
Đức Kitô: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.
Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."
(Mc 2,17)
Lời Chúa: (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca, (Lc 15,1-2.11-32)
Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức
Giê-su để nghe Người giảng.
Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau:
"Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." Đức Giê-su
mới kể cho họ dụ ngôn này:
Rồi Đức Giê-su nói tiếp: "Một người kia có hai con trai.
Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con
được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con
thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung
phí tài sản của mình.
"Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng
ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi
ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh
ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy
giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm
dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và
thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn
đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.” Thế
rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với
Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa.” Nhưng người cha liền bảo
các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón
tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở
tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm
thấy.” Và họ bắt đầu ăn mừng.
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm: (mời ngồi)
Cả thế giới hôm nay như đang sống trong một cái chợ lớn, trong
đó mọi người trao đổi mua bán mọi thứ với nhau nhằm kiếm cho mình những gì tiện
hơn, lợi hơn. Chính vì thế mà đồng tiền mang một giá trị rất mạnh trong xã hội
hôm nay: “Tiền là tiên là phật,… có tiền mua tiên cũng được…”
Đồng tiền được coi trọng trong một xã hội duy vật lý thuyết hay
thực hành. Thế nhưng ý niệm về Nước Trời mời gọi mọi người bước qua một lãnh
vực mới, lãnh vực của tình yêu, trong đó, điều người ta tìm kiếm không phải là
cho mình mà cho người khác, vì trong tình yêu, chính khi tìm cho người khác là
tìm cho mình: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất
mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.” (Lc 17,33)
Đây thực là một mầu nhiệm khó hiểu mà ai yêu mới hiểu.
Đây cũng chính là cách ứng xử của Thiên Chúa. Chúa là tình yêu
nên ơn cứu độ Chúa ban không phải vì người ta xứng đáng, mà chỉ vì lòng Chúa
yêu thương. Các thánh là những người cảm nghiệm rõ hơn điều này: “xin chớ
đòi tôi tớ ra xét xử, vì trước thánh nhan Ngài chẳng có người nào là công
chính.” (Tv 143,2)
Chúa là Thiên Chúa công minh nhưng cũng là Thiên Chúa của tình
yêu. Chúa xét xử theo lẽ công minh, nhưng lẽ công minh của Thiên Chúa là tình
yêu: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương,
chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét
xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình
Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.” (Tv 103,8-11)
Mùa Chay là thời gian thật thuận tiện cho chúng ta chiêm ngắm tình yêu bao la của Chúa trong công cuộc cứu chuộc con người: “Đấng
chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội
lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2Cr
5,21) Tình yêu là sự sống của Thiên Chúa, tình yêu luôn tác sinh chứ không tiêu diệt, nối kết chứ không loại trừ.
Vì là cuộc việc của tình yêu nên ơn cứu độ trước tiên là lời ngỏ
của Thiên Chúa, nhưng hoa trái còn tuỳ sự tiếp nhận của con người, như lời thánh
Augustinô: “Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng không thể cứu con nếu
con có con.”
Do đó, ơn cứu độ trước hết là việc của tình yêu Thiên Chúa,
nhưng phần cộng tác của con người cũng không kém phần quan trọng, là tâm tình
sám hối.
Tâm tình sám hối là lời đáp trả tuyệt hảo của con người. Chẳng
một ai tự mình có thể xứng đáng được Chúa đón nhận: “Chúa chẳng ưa thích gì
tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận.” Thế
nhưng tâm tình sám hối có được sức mạnh tuyệt đối đối với Thiên Chúa tình yêu: “một
tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.” (Tv 51,18.19)
“Chẳng ai trông cậy
Chúa, mà lại phải nhục nhằn tủi hổ, chỉ người nào tự dưng phản phúc mới nhục
nhằn tủi hổ mà thôi.” (Tv 25,3)
Cầu nguyện: (mời quì)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúng con nhận biết sự bất xứng của chúng con trước hạnh phúc
đời đời, trước vinh quang thiên quốc, nhưng Lời Chúa hôm nay về tình yêu bao la - thánh thiêng của Chúa đã mang lại cho chúng con một niềm an ủi lớn lao!
Chúa đã cho chúng con thấy tình yêu của Chúa một cách hết sức
sống động qua hình ảnh một người cha hoàn toàn nghĩ đến hạnh phúc và sự sống
của con trai mình, bất kể người con đó đã cư xử tệ bạc với ông như thế nào!
Hơn nữa, lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chính sự hiện diện của Chúa ở
đây, trong bí tích Thánh Thể, cũng cho chúng con thấy được tình yêu bao la của
Chúa.
Chúa ở đây có phải vì chúng con đã sống đẹp lòng Chúa không?
Chúng con biết rất rõ rằng không phải thế! Rất nhiều lần chúng con phạm tội xúc
phạm đến Chúa, và chúng con hiểu rằng chẳng có gì bắt được Chúa ở đây ngoài
tình yêu của người mục tử nhân lành, muốn cho chúng con “được sống và sống
dồi dào.”
Vâng, Chúa đã cho chúng con biết Chúa yêu thương chúng con: “Tôi
chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn
chiên.” (Ga 10,10.11)
Qua câu nói rất đơn giản đó, chúng con có thể thấy được tình yêu
Chúa dành cho chúng con là hết sức lớn lao: “Hy sinh mạng sống mình cho đoàn
chiên.” Nói cách khác, sự sống của chúng con là lý do cho mọi ứng xử của
Chúa:
Trong câu truyện dụ ngôn Chúa kể, người cha không một lời trách
móc khi gặp lại con trai. Ông đã gặp được điều ông mong muốn, thấy con ông còn
sống. Nỗi vui mừng lớn lao đó làm cho ông quên hết những sự bất kính, thất lễ của anh con trai. Yêu con và muốn cho con được sống dồi dào nên mọi lời ông
nói đều qui hướng về hạnh phúc cho con trai ông.
Lạy Chúa, người con được Chúa yêu thương đó là chúng con. Đã bao
lần chúng con được Chúa tha thứ một cách hết sức dễ dàng và mau mắn ngay khi
chúng con trở về với Chúa, không một lời trách móc, không một tiếng dè bỉu,
không một ánh mắt coi thường hay khó chịu. Đó là tình yêu, sự sống của Chúa.
Xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu bao la của Chúa để cố
gắng nhiều hơn nữa mà sống mãi trong tình yêu Chúa, và mau mắn trở về ngay khi
vì yếu đuối mà đi xa khỏi tình yêu Chúa;
lại xin đổ tràn đầy Thần Khí của Chúa vào tâm hồn chúng con để
chúng con cũng yêu thương anh em như Chúa yêu thương chúng con, cũng mau mắn tha thứ
như được Chúa tha thứ.
Chính đó mới là lời tạ ơn đẹp nhất mà chúng con có thể dâng lên
Chúa, và làm Chúa vui mừng khi thấy sự sống của Chúa chảy mạnh trong huyết quản chúng
con, khi hơi thở thần linh của Chúa nhịp nhàng trong mọi ứng xử của chúng con.
Đó mới là sự trở về được Chúa mong đợi hơn hết nơi chúng con,
những người mang danh Kitô hữu, là sống sự sống của Chúa, sự sống mà Chúa
đã sẵn sàng “chịu chết” để phục hồi cho chúng con.
“Hãy nghiệm xem Chúa
tốt lành biết mấy, hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người." (Tv 34,9)
Hát: “Bao nhiêu năm qua, hồn con lạc bước đi
xa…”