Lời Chúa cnmc 03c _ hãy hối cải vì Chúa rất nhân từ


HÃY HỐI CẢI VÌ
CHÚA RẤT NHÂN TỪ
Một bà mẹ đến gặp Napoléon I  để xin ân xá cho con trai mình. Nhà vua trả lời: “Ta không thể tha cho con trai bà, vì anh ta đã phạm tội lần thứ hai, và lẽ công bằng đòi hỏi ta phải xử tử nó”.
“Thưa ngài, tôi không dám đòi theo lẽ công bằng, tôi chỉ van xin lòng thương xót của ngài”, bà mẹ khẩn khoản.
“Nhưng nó không xứng đáng được thương xót”, nhà vua nói thẳng.
“Thưa ngài, nếu con tôi xứng đáng, thì đâu còn gọi là lòng thương xót nữa. Vâng, chính vì con tôi bất xứng nên tôi mới phải cầu đến lòng thương xót của ngài”, bà mẹ nài nỉ… và cậu con trai đã được ân xá!
Tình yêu, cũng như lòng thương xót, là một điều gì đó thật bình thường, nhưng cũng rất huyền diệu! Khoa học giải đáp được rất nhiều câu hỏi trong cuộc sống con người, nhưng vẫn không sao có được một giải thích sau cùng về những qui luật của tình yêu. Tình yêu có những qui luật riêng của nó mà không ai giải thích được!
Vâng, ai có thể trả lời được tại sao Thiên Chúa cao trọng như thế, thánh thiện như thế, mà lại quan tâm đến con người quá ư hèn hạ, tội lỗi, lại nhiều bội phản nữa, nếu không lý giải bằng một tiên đề như thánh Gioan tông đồ: “vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8)?
Khi sai Môsê đi cứu dân Do thái, Chúa đã tỏ Danh Ngài ra để con người biết là tất cả mọi việc Chúa làm đều chỉ vì yêu, chứ không vì một lý do nào khác: Danh Ngài là Giavê - tạm dịch là ‘Tự Hữu’. Là Tự hữu nên Chúa là đủ cho chính mình. Là đủ cho chính mình nên cứu độ con người chỉ là việc làm của bản tính yêu thương: “Chúa làm điều Người muốn” (G 23,13); và luôn luôn là thế: “Đó là danh Ta cho đến muôn đời”.
Đúng thế! Lịch sử cứu độ từ thuở ban đầu cho đến hôm nay không có một lý do nào khác ngoài tình thương của Chúa: “Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực… Ta đã nghe tiếng chúng kêu than… nên Ta xuống cứu chúng”.
Chúa là tình yêu nên chương trình cứu độ không có một biên giới nào về không gian cũng như thời gian: Ơn cứu độ không chỉ dành cho dân Do thái mà là cho cả thế giới, không chỉ ngày xưa mà cả hôm nay.
Nhìn lại thế giới hôm nay, trong bản tin hằng ngày, ai cũng thấy ngay được là sự đau khổ vẫn còn đó. Thế giới phát triển nhiều nhưng con người hôm nay vẫn đang “khổ cực”, vẫn đang “kêu than”!
Tại sao thế?
Nơi nào còn vắng bóng Chúa thì còn bất ổn. Từ chối Chúa, người ta phải chịu ngay những áp bức bởi các “đốc công Ai cập” khác, là “những dục vọng xấu xa” sẽ làm họ “gục ngã trong hoang địa”, như thánh Phaolô đã cảnh báo. 
Do tình thương bao la mà Thiên Chúa chẳng hề muốn trừng phạt một tội lỗi nào, mà chỉ thấy cần cứu giúp sự cùng cực của những ai xa lìa Chúa: “Ta biết nỗi đau khổ của chúng nên Ta xuống cứu chúng …”.
Ngôn sứ Giôna, với những suy tính của con người, đã phải nổi giận trước sự tha thứ quá dễ dàng của Chúa. Chúa trả lời ông: “Ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó… Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê, thành phố lớn, trong đó có hơn mười hai vạn người không phân biệt được tay phải với tay trái sao?” (Gn 4)
Thiên Chúa của Lòng Nhân Từ không muốn thấy những hình phạt nhãn tiền cho người tội lỗi: “mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế”, Ngài chỉ muốn thấy họ tránh được những sự dữ mà con mắt phàm nhân không thấy được: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy”.
Nhưng có kẻ ỷ lại vào lòng nhân từ bao la của Chúa mà không muốn hối cải. Đối với họ, lời kêu gọi “Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu” (Ge 2,13) là rất mâu thuẫn: Nếu Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, thì tôi cần gì phải hối cải?
Phải trả lời sao đây? Xin nghe chuyện Mẹ Têrêxa Calcutta kể:
Tôi có cho một gia đình thượng lưu rất giầu có một đứa trẻ bị bỏ rơi mà chúng tôi đã nuôi ở nhà trẻ Shishu Bhavan. Mấy tháng sau, tôi nghe tin đứa trẻ rất ốm yếu và bị bại liệt hoàn toàn. Tôi đến gia đình đó và nói: ‘Xin trả đứa trẻ ấy lại cho tôi và tôi sẽ trao cho ông một đứa trẻ khoẻ mạnh’.
Người cha nhìn tôi và nói: ‘Hãy lấy mạng tôi trước đã rồi hãy đem đứa trẻ đi’. Ông đã yêu thương đứa trẻ bằng cả tâm hồn mình!”.
Thật là một tình yêu tuyệt đẹp! Không đẹp sao được khi người cha đó trao cả tâm hồn cho đứa bé ngay khi nó là một đứa xấu xí, què quặt!
Còn vô vàn đẹp hơn thế là tình yêu Chúa! Dù là Chúa Tể trời đất, Ngài không hổ thẹn gọi tôi là con mà còn chuộc mạng tôi “khỏi chỗ vong thân” bằng giá máu Con Một Ngài!
Trước một tình yêu “như trời xanh cao vượt trên trái đất”, một tình yêu luôn mong đợi điều tốt đẹp nơi tôi: “may ra nó có quả chăng”, tôi còn tính toán thiệt hơn gì mà không đáp lại ngay với câu trả lời đẹp nhất.
Vâng! Hãy hối cải vì Chúa rất nhân từ.   
Lm. HK