ĐỨC TIN THAY ĐỔI CUỘC SỐNG
Hoàng tử bé của Antoine de Saint Exupéry đến thăm một hành tinh trên đó
có một anh nát rượu. Cuộc viếng thăm tuy rất ngắn mà lại làm cho hoàng tử miên
man buồn:
-
“Anh làm gì đấy?” cậu hỏi anh nát rượu khi
thấy anh ta ngồi lặng thinh trước một đống chai đã hết sạch và một đống chai
còn đầy rượu.
-
“Tôi uống”, anh nát rượu trả lời, vẻ thiểu não.
-
“Tại sao anh uống?” hoàng tử bé hỏi anh ta.
-
“Để quên”, anh ta trả lời.
-
“Quên cái gì?”, cậu hoàng tử bắt đầu thấy cảm thương.
-
“Quên nỗi xấu hổ của tôi”, anh ta thú nhận, đầu
cúi xuống.
-
“Xấu hổ về điều chi?” cậu lại hỏi với ý
muốn giúp đỡ.
-
“Xấu hổ vì uống rượu!” Rồi anh ta thôi không
nói nữa, và lần này nhất quyết im lặng luôn.
Anh ta im lặng, không biết
làm gì trước sự bế tắc của đời mình!
Đó không phải là câu
chuyện ở một hành tinh xa xôi nào đó, mà đó là chuyện đang diễn ra hằng ngày
trên trái đất hôm nay. Bao nhiêu người cũng đang nằm trong cái vòng luẩn quẩn
như thế: cố kiếm ra tiền để có vốn, có thêm vốn để kiếm thêm tiền, cố tìm danh
vọng để có thế mà được ngồi ghế cao hơn, ngồi thế cao hơn để có thêm danh vọng!
…
Đó chính là điều làm
cho thánh Phaolô, người có cái nhìn đức tin hướng về đời sau, đã “đau lòng ứa lệ” mà than rằng: “chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của
họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa
chuộng những cái trên đời này”.
Làm sao để ra khỏi cái
vòng luẩn quẩn, như không có lối thoát đó?
Phải thấy được điểm
cốt yếu của vấn đề: Đâu là mục đích, đâu là phương tiện? Những người ở trong
cái vòng luẩn quẩn đó đều đặt lộn chỗ phương tiện với mục đích! Muốn giải quyết
được vấn đề, điều tiên quyết là phải xác định được cái mục đích sau cùng của
đời người.
Ngay cả các viện sĩ
nổi tiếng của Viện Hàn lâm khoa học Pháp như Jean Guiton, Igor Bordanov, cũng
đã tỏ ra rất lưu tâm đến điều đó, như những gì đã viết trong lời cuối cuốn “Thượng đế và
khoa học” (Nxb. Đà nẵng, 2002): “… còn
lại câu hỏi cuối cùng, câu hỏi đáng ngại nhất. Câu hỏi ấy đã mở đầu và khép lại
cuộc đối thoại này: Ý nghĩa của vũ trụ là gì? Tất cả những điều đó dẫn chúng ta
tới đâu? …”
Ai có thể chỉ cho con
người biết mục đích sau cùng của đời người, biết cái “bí nhiệm xưa nay vẫn làm tâm hồn họ xao xuyến sâu xa” (Nostra
Aetate số 1), nếu không phải là Đấng đã tác tạo nên con người? Người thấy được
con đường phải đi, và có sức đi đến cùng là ai nếu không phải là người tin và
phó thác trọn cuộc sống mình cho niềm tin vào Thiên Chúa?
Đúng thế! Đức tin có sức biến đổi tận căn cuộc sống con người. “Abram tin vào Thiên Chúa, và vì đó, ông được
công chính”; công chính là điều kiện
để đạt tới sự toàn hảo mà Thiên Chúa muốn thiết lập nơi tạo vật, là “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên
giống như thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21). Cũng chính đức tin làm
sáng lên vẻ đẹp, niềm vui, và sự bình an trong mọi hoàn cảnh sống: “Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ, tôi sợ chi
ai?” Thánh Phêrô, một tín hữu được cảm nghiệm trong khoảnh khắc cái hạnh
phúc của ngày sau hết khi thấy Đức Kitô biến hình, đã phải thốt lên: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt
lắm”.
Đức tin không chỉ là ơn Chúa ban, mà còn là của lễ con người dâng lên
Chúa. Abram đã dâng lễ của ông, thánh Phaolô thì kêu gọi đừng sống thù nghịch
với thập giá Đức Kitô, còn Đức Kitô, sau khi đàm đạo với Môsê và Êlia về cái
chết của Người, đã được gọi là “Con Yêu
Dấu”. Ai tin vào Chúa thì không chạy trốn thập giá, mà quí trọng, nâng niu
từng chút hy sinh nhỏ bé trong đời như những lễ dâng của niềm tin (Mt 16,24).
Một chiều mùa hè, dù trời nóng như thiêu nhưng có một cậu bé vẫn hăng hái
trên đường đến trường. Chợt có một người lạ mặt đồng hành với cậu. Thấy đường
xa, trời nắng, ông mới hỏi thăm:
-
“Mỗi ngày phải đi lại bốn
lần đến Castelnuôvô, chắc em mệt lắm?”
-
“Ồ, thưa ông”, cậu bé tươi cười trả
lời, “khi người ta làm việc cho một ông
chủ trả công rất hậu thì người ta còn biết mệt là gì nữa?”
-
“Thế ra em đi làm công
hả?”, ông khách lạ ngạc nhiên.
-
“Dạ, cháu làm công cho
Chúa! Ngài đã hứa thưởng công cho cả những ai cho kẻ khác dù chỉ một cốc nước
lã vì danh Ngài.”
Thấy đứa trẻ đang đi bên ông tuy còn nhỏ mà đã biết nói như thế, người
khách lạ thầm nghĩ: “Thế nào một ngày kia
người ta cũng phải nói đến nó”. Ông đã không lầm, cậu bé đó chính là thánh
trẻ Đaminh Saviô!
Niềm tin vào Chúa luôn
đòi hỏi những đổi thay mạnh mẽ trong cái nhìn vào cuộc sống: “Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường”.
Lm. HK