Đỉnh núi vinh quang
Đây là một trụ mốc
khác trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chúng ta nên nhớ rằng Ngài đang sửa soạn lên
Giêrusalem và lên thập giá. Chúng ta đã chiêm ngưỡng giờ phút quan trọng khi
Ngài hỏi các môn đệ xem họ nhận thức Ngài là ai để Ngài khám phá xem ai có hiểu
được Ngài chưa. Nhưng có một điều Chúa Giêsu không bao giờ làm – Ngài không bao
giờ thực hiện điều gì nếu không được sự chấp thuận của Chúa Cha.
Trong khung cảnh này, đó là điều mà
chúng ta thấy Ngài đang tìm kiếm và đang nhận lãnh. Những gì xảy ra trên Núi Biến
Hình, chúng ta không bao giờ có thể biết được, chỉ biết rằng có một sự lạ lùng
đáng sợ đã xảy ra. Chúa Giêsu đã đi đến đó để tìm kiếm sự chấp thuận của Chúa
Cha cho bước quyết định mà Ngài sắp thực hiện. Tại đó có Môsê và Êlia hiện đến
với Ngài, Môsê là nhà lập pháp lớn nhất của dân tộc Do Thái. Êlia là người lớn
nhất trong các ngôn sứ. Việc này chẳng khác nào các thủ lãnh của dân Israel về
đời sống, về tư tưởng, về tôn giáo cùng đến bảo Chúa Giêsu cứ tiến bước. Bây giờ
Chúa Giêsu có thể tiến lên Giêrusalem vì biết rằng có một nhóm người đã hiểu biết
Ngài là ai, biết công việc Ngài đang làm gồm tất cả đời sống, tư tưởng và hành
động của dân tộc Ngài, và biết rằng Chúa Cha đã ưng thuận bước đường Ngài đang
đi.
Có một câu rất linh động ở đây, câu này
đề cập đến ba vị tông đồ, “khi tỉnh dậy, các ông đã nhìn thấy vinh quang của
Chúa Giêsu”.
1. Trong cuộc sống,
chúng ta mất mát quá nhiều vì tâm trí chúng ta mê ngủ. Có nhiều điều thường làm
cho trí chúng ta mê ngủ.
a. Thành kiến. Chúng ta có thể bị đóng khung trong tư tưởng đến nỗi
trí chúng ta khép kín lại. Một ý tưởng mới đến gõ cửa lòng chúng ta, nhưng như
người ngủ mê, chúng ta không muốn thức dậy.
b. Tê liệt tâm hồn. Nhiều người không thích cố gắng suy nghĩ. Plato
nói “Một đời sống thiếu suy nghĩ là một cuộc đời không đáng sống”. Nhưng mấy ai
trong chúng ta chịu khó suy nghĩ mọi việc cho đến cùng? Đôi khi chúng ta lười
biếng đến nỗi không còn muốn đối diện với các vấn đề và các nghi hoặc của mình.
c. Thích an toàn. Có một thứ tinh thần tự vệ trong chúng ta khiến
chúng ta tự nhiên đóng cửa lòng lại trước bất cứ tư tưởng rắc rối nào. Người có
thể phục thuốc mê cho tâm trí mình tới độ nó ngủ say.
2. Nhưng đời sống cũng chứa đầy những sự
việc có tính chất làm tỉnh thức chúng ta.
a. Sự đau
buồn.
Elgar đã nói về một ca sĩ trẻ tuổi, có tài năng, nhưng thiếu sức truyền cảm
trong giọng ca: “Nàng sẽ nổi tiếng như cồn khi nào có một biến cố khiến lòng
nàng tan vỡ”. Thường nỗi đau buồn có thể làm con người sực tỉnh, lúc ấy, qua mắt,
người đó sẽ thấy được vinh hiển.
b. Tình
yêu.
Browing viết về hai người phải lòng nhau. Nàng nhìn chàng, chàng nhìn nàng bằng
trái tim chan chứa tình yêu “và bỗng nhiên đời sống bừng tỉnh dậy”. Tình yêu thật
khiến chúng ta thức tỉnh trước những chân trời mới mà chúng ta chưa bao giờ mơ
tưởng đến.
c. Sự cảm
biết nhu cầu. Có thể có một người đã sống khá lâu trong thói quen, nên đã
như nửa tỉnh nửa mê, thế rồi bỗng đâu xảy đến trong đời người đó nan đề, một vấn
nạn không thể giải đáp, một cám dỗ không thể lướt thắng, một tiếng gọi vượt xa
quá khả năng mình. Lúc đó, người ấy không còn biết làm gì hơn là “kêu khóc nắm
lấy vạt áo trời”. Và sự cảm biết nhu cầu như vậy thức tỉnh người đó đến với
Chúa. Chúng ta phải cầu nguyện rằng “Lạy Chúa xin giữ con luôn tỉnh thức với
Ngài”.