Biến hình
Mùa Chay mang mầu tím ảm đạm. Mầu tím buồn để ta nhớ đến
thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. Mầu tím buồn để đến cuộc sống mong manh
chóng tàn nơi cõi thế. Mầu tím buồn đưa ta đi theo bước Chúa Giêsu trên đường
khổ nạn. Mầu tím buồn nhắc ta nhớ đến cái chết đau khổ của Người trên thánh
giá.
Giữa bầu khí ảm đạm của mùa Chay, hôm nay bỗng bừng lên làn
ánh sáng chói chang từ đỉnh núi Ta bo. Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện. Đang khi
cầu nguyện, dung mạo Người bỗng dưng đổi khác. Thần tính phát lộ khiến dung mạo
Người trở nên sáng láng, ánh sáng rực rỡ làm say mê tâm hồn các môn đệ. Được sống
trong khung cảnh thần thiêng thánh thiên, các ông không muốn rời bỏ đỉnh núi nữa.
Ta hãy nhớ lại, trước đó 8 ngày, khi Chúa Giêsu loan báo
Người đi lên Giêrusalem để chịu khổ và chịu chết, Phêrô đại diện cho các môn đệ
đã phản đối. Ông không muốn chấp nhận thánh giá. Ông không muốn Thầy mình dấn
thân vào con đường chịu chết khổ nhục. Thế mà hôm nay, đứng trước vinh quang của
Thầy, ông đã say mê và đề nghị Thầy trò cùng ở lại trên ngọn núi hạnh phúc. Trốn
khổ tìm sướng vẫn là cái thường tình của con người. Nhưng Chúa Giêsu đã dẫn các
môn đệ xuống núi để tiếp tục con đường lên Giêrusalem chịu chết.
Việc Chúa Giêsu biến hình trên núi như thế là có chủ đích.
Người hé lộ thần tính của Người để các môn đệ thêm niềm tin tưởng. Người cho
các ông thấy vinh quang của thần tính để các ông chấp nhận con đường đau khổ
Người sắp trải qua.
Việc Chúa biến hình ban cho các môn đệ niềm hy vọng. Hy vọng
đó là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc. Cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến
ngày Phục Sinh hân hoan. Thiếu niềm hy vọng không ai có thể sống ở đời. Người
nông phu chăm bẵm mảnh ruộng, thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa cấy cầy, vì
hy vọng vào mùa gặt bội thu. Người học sinh kiên nhẫn ngày ngày cắp sách đến
trường, đêm đêm chong đèn đọc sách, vì hy vọng vào kết quả mùa thi tốt đẹp. Người
cha, người mẹ tần tảo sớm hôm, quên mình để lo cho con cái, vì hy vọng tương
lai con cái sẽ tốt đẹp hơn. Niềm hy vọng vào vinh quang Phục Sinh sẽ giúp các
môn đệ can đảm chấp nhận cuộc khổ nạn thương đau và cái chết tủi nhục của Thầy
chí thánh.
Việc Chúa Giêsu biến hình đã biến đổi cách nhìn của các môn
đệ về con người và cuộc đời. Từ nay các ông sẽ không nhìn ở bề mặt mà biết nhìn
vào bề sâu. Bên trong thân xác phàm nhân của Chúa Giêsu có ẩn chứa bản tính
Thiên Chúa. Bên trong cuộc khổ nạn tủi nhục có gieo sẵn mầm mống Phục Sinh vinh
quang. Cũng thế, bên trong mỗi thân xác có hiện diện của một linh hồn. Bên
trong mỗi con người phàm trần có ẩn tàng mầm mống thần linh. Bên trong những thửa
ruộng khổ đau có gieo sẵn hạt mầm hạnh phúc. Trong những vất vả nhọc nhằn tăm tối
hôm nay đã hứa hẹn thành công tươi sáng của ngày mai.
Việc Chúa biến hình giúp các môn đệ hiểu biết định mệnh con
người. Bản tính Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu đã chiếu sáng trên xác phàm con người.
Con người được rạng ngời vinh quang Thiên Chúa. Đó là điềm báo trước: mang sẵn
trong mình mầm mống thần linh, con người sẽ trở về với Thiên Chúa. Cuộc trở về
phải vượt qua những đớn đau, những gian nan, những thử thách. Nhưng đã biết được
đích đến, ta sẽ vui lòng đón nhận tất cả. Vì thế, đạo Công giáo tuy đề cao đau
khổ, nhưng không rơi vào yếm thế, bi quan. Đau khổ chỉ là phương tiện. Chấp nhận
thánh giá, vì đó là nhịp cầu cần thiết để con người vượt qua từ sự chết đến sự
sống, từ khổ đau đến hạnh phúc, từ tủi nhục đến vinh quang.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Những đau khổ góp phần rèn luyện bạn nên người. Bạn có
kinh nghiệm gì về điều đó?
2. Bạn thường đánh giá người khác theo tiêu chuẩn nào? Qua
diện mạo bên ngoài, hay qua giá trị bên trong?
3. Qua thập giá tới vinh quang. Bạn có quyết tâm gì để thực
hiện điều đó trong mùa Chay năm nay?