THÁNH PHABIANÔ
(250)
Lm. Phêrô
Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Phabianô là một giáo dân bình thường ở Rôma từ quê lên tỉnh vào
một ngày khi giáo sĩ và dân chúng chuẩn bị chọn vị tân giáo hoàng. Có lẽ ngài
đến Rôma cũng giống như nhiều người ngày nay đến Rôma trong thời gian tuyển
chọn giáo hoàng: lo lắng cho tương lai của đạo, tò mò muốn biết vị tân giáo hoàng, hoặc tỏ lòng luyến tiếc vị giáo hoàng vừa
quá cố. Hơn nữa, được nhìn thấy tất cả các vị chức sắc trong Giáo Hội cùng quy
tụ lại để có một quyết định quan trọng cũng là điều thích thú. Ai sẽ là tân
giáo hoàng? Đó là người nhiều quyền thế? Là người có tài hùng biện? Là người
dũng cảm?
Theo sử gia Eusebius của Giáo Hội, bỗng dưng có một con chim bồ câu từ trần nhà bay xuống, nhưng không đậu trên "bất cứ ai nổi
tiếng". Theo Eusebius, bồ câu "đậu trên đầu Phabianô giống hệt như
Chúa Thánh Thần ngự trên Đấng Cứu Thế dưới hình chim bồ câu." Điều đó phải
có một ý nghĩa gì liên quan đến sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, và mọi người
đồng thanh tuyên bố Phabianô "xứng đáng" là giáo hoàng.
Đối với chúng ta, bồ câu tượng trưng cho sự hòa bình, và chim bồ
câu ấy là điềm báo trước. Bắt đầu từ gần ngày Phabianô được tuyển chọn, việc
bách hại và đau khổ của Giáo Hội cũng chấm dứt. Hoàng đế Philip, thân thiện với
Kitô Hữu và không những ông ngừng bách hại mà còn chấp nhận các nghi lễ của
Kitô Giáo.
Trong thời gian hòa bình, Đức Phabianô đã xây dựng cơ cấu Giáo Hội Rôma, ngài chỉ định bảy phó tế và giúp thu thập các
chứng thư tử đạo.
Nhưng như ở bất cứ thời gian nào, những người có quyền thường
không vui khi thấy các kẻ lạ mặt gia tăng và phát đạt. Có nhiều lần người ngoại giáo đã tấn công Kitô Hữu, và khi hoàng đế Philip từ trần thì thời
gian bình an cũng chấm dứt. Hoàng đế mới là Decius, ra lệnh cho mọi Kitô Hữu
phải khước từ Đức Kitô bằng cách thờ cúng tà thần, hoặc tham dự các nghi thức
ngoại giáo khác.
Sau một vài năm bình an, Giáo Hội vẫn chưa đủ mạnh. Nhiều người
đã không đủ can đảm để tử đạo. Nhưng Đức Phabianô, một biểu tượng hòa bình nổi
bật, đã đứng lên để can đảm làm gương cho mọi người trong đàn chiên. Ngài chịu
tử đạo năm 250 và được chôn cất trong Nghĩa Trang Calixtus, là nơi chính ngài
giúp tân trang.
Trong Nghĩa Trang Calixtus, ngày nay vẫn còn có một bia đá dùng
để đậy mồ Thánh Phabianô, bị vỡ làm bốn mảnh, có mang dòng chữ Hy Lạp "
Phabianô, giám mục, tử đạo."
Suy niệm 1: Lo lắng
Có lẽ Phabianô đến Rôma cũng
giống như nhiều người ngày nay đến Rôma trong thời gian tuyển chọn giáo hoàng:
lo lắng cho tương lai của đạo.
Thông thường người đời hay lo cho
mạng sống, lấy gì mà ăn; và cũng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc. Vì thế Đức
Giêsu đã có lời khuyên: đừng lo lắng cho ngày mai, hãy tin tưởng vào Chúa quan
phòng, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết (Mt 6,25.33-34).
Phabianô ngay khi còn là một giáo
dân đã sốt sắng thực thi lời Chúa, đã biết lo lắng cho tương lai của đạo. Không
lạ gì mọi người đã đồng thanh tuyên bố Phabianô "xứng đáng" là giáo
hoàng, và cũng thật xứng là một thánh nhân.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con thấy rằng: chúng con lo làm sao có hiệu quả bằng Chúa lo, để rồi toàn
tâm toàn ý lo việc Chúa trên hết, còn việc đời thì để cho Chúa lo thay.
Suy niệm 2: Tân giáo hoàng
Ai sẽ là tân giáo hoàng? Đó là
người nhiều quyền thế? Là người có tài hùng biện? Là người dũng cảm? Câu trả
lời: tư tưởng Thiên Chúa thật khác xa tư tưởng loài người (Is 55,8-9;Mt
16,23).
Phabianô chỉ là một giáo dân bình
thường ở Rôma. Nhưng theo sử gia Eusebius, chim bồ câu từ trần nhà bay xuống,
lại không đậu trên "bất cứ ai nổi tiếng", mà "đậu trên đầu
Phabianô", để rồi mọi người đã đồng thanh tuyên bố Phabianô "xứng
đáng" là giáo hoàng.
Cũng thế, Phêrô vốn xuất thân từ
nghề chài lưới, từng bị Chúa quở trách và nhất là phạm tội chối Chúa, thế nhưng
ngài lại được Chúa chọn làm vị giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội.
* Lạy Chúa Giêsu, xin phù
trì các đức giáo hoàng vững tay lèo lái con thuyền Giáo Hội vượt qua biển trần
gian đến bến thiên đàng.
Suy niệm 3: Bồ câu
Bồ câu tượng trưng cho sự hòa
bình, và chim bồ câu ấy là điềm báo trước. Bắt đầu từ gần ngày Phabianô được
tuyển chọn, việc bách hại và đau khổ của Giáo Hội cũng chấm dứt.
Vào thời lụt đại hồng thủy, Nôe
cũng sử dụng chim bồ câu để xem nước đã giảm trên mặt đất chưa. Từ cửa sổ trên
tàu, ông thả chim. Chim trở về mang theo một nhành lá ôliu tươi trong mỏ, và
ông biết được tin tốt lành là mọi sự đã được bình yên (St 8,10-11).
Đức Giêsu cũng được Thần Khí
Thiên Chúa lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên đầu, sau khi Ngài chịu phép rửa
ở sông Giođan, vì Ngài đích thật là Hoàng Tử thái bình (Is 9,5), chính Ngài lập
nên hòa bình vô tận (Is 9,6;Mk 5,4).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con luôn sống hiền hòa và đơn sơ như chim bồ câu (Mt 10,16), để mang an
bình đến cho mọi người.
Suy niệm 4: Cơ cấu
Trong thời gian hòa bình, Đức
Phabianô đã xây dựng cơ cấu Giáo Hội Rôma, ngài chỉ định bảy phó tế và giúp thu
thập các chứng thư tử đạo.
Giáo Hội vốn vô hình nhưng đồng
thời cũng mang tính hữu hình như bất cứ một xã hội nhân loại nào. Vì thế khía
cạnh cơ cấu tổ chức không thể không có. Do đó vận dụng thời gian hòa bình, Đức
Phabianô đã có thể xây dựng cơ cấu Giáo Hội Rôma.
Chính Đức Giêsu đã thiết lập một
cộng đoàn có cơ cấu. Trước hết, Ngài tuyển chọn nhóm Mười Hai với Phêrô làm thủ
lãnh (Mc 3,14-15). Nhóm Mười Hai là nền tảng của Giêrusalem mới (Kh 21,12-14).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con luôn tôn trọng cơ cấu phẩm trật nhằm bảo toàn an sinh Giáo Hội
Suy niệm 5: Ngoại giáo
Có nhiều lần người ngoại giáo đã
tấn công Kitô Hữu. Hoàng đế mới là Decius, ra lệnh cho mọi Kitô Hữu phải khước
từ Đức Kitô bằng cách thờ cúng tà thần, hoặc tham dự các nghi thức ngoại giáo
khác.
Ánh sáng và bóng tối là hai thế
lực luôn đối nghịch nhau. Mặc dầu bóng tối không diệt được ánh sáng, nhưng lại
rất ghét ánh sáng (Ga 1,5;3,20). Hình ảnh ấy phần nào giải thích được lý do vì sao
người ngoại giáo thường tấn công Kitô Hữu.
Đức Giêsu là ánh sáng (Ga
8,12;12,46), và các kitô hữu cũng được mời gọi làm ánh sáng muôn dân (Mt 5,14).
Vì thế bóng tối thế gian chẳng những ghét bỏ Ngài, mà còn bắt các đệ tử Ngài
phải đồng chịu chung số phận (Ga 15,18-21).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con kiên tâm sống trong thế gian, nhưng đừng bao giờ thuộc về thế gian,
cho dầu phải bị thế gian ghét bỏ.
Suy niệm 6: Làm gương
Sau một vài năm bình an, Giáo Hội
vẫn chưa đủ mạnh. Nhiều người đã không đủ can đảm để tử đạo. Nhưng Đức
Phabianô, một biểu tượng hòa bình nổi bật, đã đứng lên để can đảm làm gương cho
mọi người trong đàn chiên. Ngài chịu tử đạo năm 250.
Làm gương là một bài giảng dạy
tối ưu có sức thuyết phục mọi người. Ý thức được như thế, nên không riêng gì
Đức Phabianô, mà cụ già Elada cũng chấp nhận tử đạo, để lại cho giới trẻ một
tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện và cao quý, vì đã trung thành với các
Lề Luật đáng kính và thánh thiện (2Mcb 6,28).
Chính Thiên Chúa cũng trừng phạt
cả nhóm Côrắc để làm gương cho đoàn dân đang lưu lạc trong sa mạc (Ds 26,10).
Và Đức Giêsu cũng hạ mình rửa chân cho các môn đệ để nêu gương yêu thương và
phục vụ lẫn nhau (Ga 13,15).
* Lạy Chúa Giêsu, giá trị
của việc làm gương thật quá rõ rệt, xin giúp chúng con quyết tâm thực hiện.