CHÚA TỎ MÌNH RA
Chỉ vì yêu thương mà Chúa đã đến với con người,
và đã tỏ mình ra cho con người bằng phép lạ đầu tay là thực hiện một sự thay đổi
ngay trong bản tính…
Lm. HK
Một chiếc tàu bị hỏng chạy
ì ạch ngoài khơi, thả neo thật xa bên ngoài một cửa sông, và ra hiệu vào bờ để
xin nước ngọt. Tín hiệu trong bờ trả lời: "Thả
thùng xuống mà múc.”
Thuyền trưởng nổi giận,
nghĩ rằng đây không phải là lúc đùa cợt. Ông lại ra hiệu xin nước ngọt lần nữa,
và thêm mấy lời: "Hãy nghiêm túc
trong việc này.”
Một lần nữa câu trả lời vẫn
là: "Thả thùng xuống mà múc.”
Ông ra hiệu đến lần thứ
ba, câu trả lời vẫn không thay đổi.
Lúc đó ông mới thả thùng
xuống và múc lên... toàn nước ngọt!
Thiên Chúa không ở xa con
người. Chúa vẫn ở ngay đó, là tình yêu, là sự sống trong lòng mọi người. Nhưng
con người lại tránh xa Chúa vì sự xuất hiện của Chúa thường đòi hỏi những thay
đổi quyết liệt mà người ta không ưa thích: “Chính
Chúa sẽ đặt cho ngươi một tên mới.”
Đúng là một phép lạ, và
còn hơn thế nữa là sự biến đổi triệt để, tận căn mà Chúa thực hiện cho Dân
Chúa: “Ngươi sẽ không còn bị gọi là kẻ bị
ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu.”
Những thay đổi thoạt nhìn
thật là lạ lùng, nhưng thực ra đó chẳng có gì hơn là làm cho người ta trở về
nguồn của mình, về với Thiên Chúa: “Ngươi
sẽ được gọi là kẻ Ta ưa thích ... vì ngươi đẹp lòng Thiên Chúa.”
Theo Phúc âm Gioan, chỉ vì
yêu thương mà Chúa đã đến với con người, và đã tỏ mình ra cho con người bằng
phép lạ đầu tay là thực hiện một sự thay đổi ngay trong bản tính: nước không
còn là nước nữa mà đã trở thành rượu. Phép lạ đầu tiên làm trong tiệc cưới vừa
nói lên thiên tính của Chúa Giêsu, vừa là một dấu chỉ loan báo về công việc của
Chúa nhằm phục vụ cho Tiệc Cưới Trong Nước Thiên Chúa mai sau.
Sự hiện diện của Đức Maria
cũng cho thấy vai trò đặc biệt của Mẹ trong sứ vụ của Chúa Giêsu: Phúc âm Gioan
chỉ nhắc đến Đức Mẹ hai lần, vào lúc khởi đầu và khi hoàn tất, (điều này có thể
được hiểu là sự tham dự của Mẹ vào sứ vụ của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời
Chúa): Tại tiệc cưới Cana, và dưới chân thập giá, bên cạnh Gioan - Hội thánh -
mà Chúa trối cho Đức Mẹ. Vì thế, lời Chúa Giêsu nói với Đức Mẹ không thể hiểu
là một sự từ chối, nhưng để mọi người thấy là Ngài biết việc mình làm, cũng đồng
thời báo trước về Giờ Con Người được tôn vinh.
Loan báo Tin Mừng cũng
chính là “tường thuật phép lạ Chúa giữa
chư dân.” Phép lạ đó không xa lạ gì, mà là những thay đổi có thể tìm thấy
trong đời sống của những kẻ tin vào Thiên Chúa. Việc Chúa làm nơi họ không giống
nhau: Có người nói lời khôn ngoan, có người nói lời thông minh, có người được đức
tin, có người được ơn chữa bệnh, người khác thì làm phép lạ, hoặc nói tiên tri
v.v... Rất nhiều, rất phong phú, nhưng “vẫn
là một Thánh Thần ... cùng một Thánh Thần duy nhất thực hiện tất cả những điều
đó.” Điểm chung của tất cả là đức mến: các đặc sủng đều phục vụ cho đức mến
để xây dựng Hội thánh (x. Rm 12,6-8).
Đặc biệt trong Năm Đức Tin
này, trở về với Thiên-Chúa-Tình-Yêu là để Chúa làm phép lạ “tỏ mình ra” nơi bản
thân ta trong thế giới hôm nay đang vắng bóng Thiên-Chúa-Tình-Yêu.
Đó cũng chính là loan báo
Tin Mừng!
Sophie Berdanska là một
thiếu nữ đang lâm cảnh thất nghiệp, đói rách, được gia đình Merston, người Do
thái, thuê chăm sóc cho mấy đứa trẻ trong nhà. Khi biết được Sophie là người
Công giáo, ông chủ đặt điều kiện là “không được giảng đạo” cho con cái ông,
Sophie nhận lời. Và nàng
viết một dòng chữ vào tờ giấy nhỏ, xếp lại, và bỏ vào tấm huy chương cũ của cha
mình, rồi đeo vào cổ.
Lũ trẻ ngày càng nhu mì,
ngoan ngoãn. Nhưng tai hoạ đột nhiên ập tới: Bé Naim đau nặng phải nằm viện,
Sophie tình nguyện túc trực ngày đêm coi bệnh; rồi lại thêm hai đứa nữa ngã bệnh,
gánh nặng của Sophie càng nặng thêm. Nhưng nàng vẫn vui vẻ phục vụ cho đến khi
tất cả đều bình phục thì ... nàng ngã bệnh và từ trần!
Hai năm đã trôi qua. Hôm
nay là ngày giỗ của Sophie. Người ta thấy cả nhà ông Merston đến nhà thờ dự
thánh lễ. Phép lạ sao?
Vâng! Sau khi Sophie mất
được ít lâu, ông Merston tình cờ mở tấm huy chương của Sophie ra và thấy mảnh
giấy ghi giòng chữ: "Khi người ta cấm
tôi nói về đạo của tôi, tôi quyết sống đạo trước mắt họ như một chứng tích hùng
hồn.”
Ông bàng hoàng, cảm phục.
Và cả gia đình đến nhà thờ xin được theo đạo...
Chúa tỏ mình ra bằng phép
lạ biến đổi nước thành rượu, làm cho u sầu cũng biến thành niềm vui.
Chúa có tỏ mình ra nơi tôi
không? Đời sống và sự hiện diện của tôi có mang lại sự phấn khởi và niềm vui sống
cho cho người chung quanh không ?