LỄ GIÁNG SINH
(Lễ Đêm)
Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14
BÀI
ĐỌC 1: Is 9,1-6
1 Đoàn dân đang lần bước
giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng
tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. 2 Chúa đã ban chứa chan
niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên
hạ mừng vui trong mùa gặt,như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm.3
Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp,
Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an. 4 Vì mọi
giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi
cho lửa.
5
Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.
Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần
Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. 6 Người sẽ
mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của
vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng
chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt,
Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó.
ĐÁP
CA: Tv 95
Đ. Hôm
nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta
Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa. (Lc 2,11)
Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa. (Lc 2,11)
1 Hát lên mừng Chúa một bài
ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu! 2a Hát lên mừng
Chúa, chúc tụng Thánh Danh!
2b Ngày qua ngày, hãy loan báo
ơn Người cứu độ, 3 kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho
mọi nước hay những kỳ công của Người.
11 Trời vui lên, đất hãy nhảy
mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật, 12 ruộng đồng cùng hoa trái,
nào hoan hỷ.
12b Hỡi cây cối rừng xanh,13
hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa,vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử
trần gian.Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân
lý của Người.
BÀI
ĐỌC 2: Tt 2,11-14
11 Anh em thân mến, ân
sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.12
Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục,
mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.13 Sở dĩ như
vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô
Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.14
Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi
điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của
Người, một dân hăng say làm việc thiện.
TUNG
HÔ TIN MỪNG: Lc 2,10-11
Hall-Hall: Này tôi báo cho
anh em một tin mừng trọng đại: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em
trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Hall.
TIN
MỪNG: Lc 2,1-14
1 Thời ấy, hoàng đế
Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. 2
Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn
xứ Xy-ri.3 Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.4
Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức
là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít.5
Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy
đang có thai.6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày
mãn nguyệt khai hoa.7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi
đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
8 Trong vùng ấy, có những
người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.9 Bỗng
sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến
họ kinh khiếp hãi hùng.10 Nhưng sứ thần bảo họ: "Anh em đừng
sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn
dân: 11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành
vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.12 Anh em cứ dấu này mà
nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng
cỏ."13 Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng
ngợi khen Thiên Chúa rằng:
14 "Vinh danh Thiên
Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."
BÀI
SUY NIỆM 1:
MẦU NHIỆM CON
THIÊN CHÚA NHẬP THỂ
Qua hình thức tổ chức lễ Giáng Sinh
dựa vào lịch sử đời sống của Hội Thánh, Phụng Vụ đã diễn tả về mầu nhiệm nhập
thể:
Ø Con Một
Chúa Cha nhập thể, là một nhân vật lịch sử phi thời gian.
Ø Ngài là
Mặt Trời Công Chính.
Ø Ngài sống
nghèo cho ta được giàu có.
Ø Ngài nâng
phẩm giá con người vượt trên kiếp người.
I. CON MỘT CHÚA CHA NHẬP THỂ, LÀ MỘT NHÂN VẬT
LỊCH SỬ PHI THỜI GIAN.
1- Đức Giêsu
là nhân vật lịch sử.
Ngài không phải là một
ý tưởng, hay lý tưởng của nhân loại, như “Thần Tài” hay “Thần Lành” trong các
tôn giáo nhân gian; Ngài cũng không phải là nhân vật thần thoại như “Con Rồng”
hay “Tiên Ông” … Nhưng Ngài là con người lịch sử, sinh vào thời điểm đế quốc La
Mã đang thống trị Israel, dưới triều đại hoàng đế Augúttô và Quirintô làm đặc
sứ toàn quyền miền Syria đã ra lệnh mọi người phải về quê quán khai tên tuổi.
Vào dịp này ông Giuse và bà Maria đã mau mắn thi hành lệnh trở về Bethlem. Khi
hai người đang ở đó, thì Maria tới ngày mãn nguyệt khai hoa (x. Lc 2,1-6: Tin
Mừng); và Ngài đã bị giết chết theo lệnh Philatô làm tổng trấn miền nam nước Do
Thái (x. Ga 19,12t).
Vậy ngay từ lúc chào đời, Đức Giêsu đã dạy
chúng ta phải biết tùng phục quyền bính đời (x. Lc 2,2: Tin Mừng), để mỗi
người chúng ta phải nên thánh ngay trong môi trường và hoàn cảnh của mình đang
sống!
2- Con Thiên Chúa được sinh ra trong thời gian
nhưng lại phi thời gian.
Niên lịch của nhân
loại trước thế kỷ thứ 15 chưa thống nhất:
* Người Ai Cập, Assyri; Babylon dùng
niên lịch theo các đời vua.
* Người Hy Lạp lấy ngày tế thần
Zeus, đầu tiên vào năm 776 trước Công nguyên.
* Người Roma tính từ ngày hai ông
Romolus và Remus xây thành Roma vào năm 750 trước Công nguyên.
* Người Do Thái tính từ ngày ông Abraham
được Thiên Chúa kêu gọi khoảng 2.000 năm trước Công nguyên.
Nói chung trước thế kỷ
thứ 15, lịch thế giới không thống nhất, nên tạo khó khăn trong vấn đề giao dịch.
Mãi đến thế kỷ thứ 6 (năm 525), thày dòng Denys le Petit cho biết Chúa Giáng
Sinh vào năm - 754 theo lịch Roma. Đến đời Đức Giáo hoàng Grégorio XIII
(1505-1583) mới quyết định lấy ngày Chúa Giáng Sinh làm mốc thời gian cho cả
thế giới. Nhưng tiếc là thày Denys le Petit đã tính sai! Vì vào năm 1912, người
ta tìm thấy tấm bia ở Antiôkia xứ Pisiđia còn ghi lại rằng: lệnh khai hộ khẩu
do ông Quirintô khởi xướng và ông Sentiô hoàn tất vào năm 7 và 6 trước Công
nguyên. Như thế, lịch hiện hành đã tính trễ khoảng 6 – 7 năm.
Dầu sao thì không có
ai biết chính xác Đức Giêsu sinh ra vào ngày tháng nào! Điều này Chúa muốn dạy
chúng ta:
a- Đức Giêsu con người lịch sử
được sinh ra, được sinh ra mà không phải được tạo thành, không lệ thuộc vào
thời gian.
b- Đức Giêsu là Thiên Chúa, mà
Thiên Chúa là Đấng hằng hữu, thì không có khởi sinh không có tận cùng.
II. CHÚA GIÊSU LÀ MẶT TRỜI CÔNG CHÍNH.
Thực ra vào thế kỷ thứ
4, lễ Giáng Sinh mới bắt đầu hình thành, tức là vào năm 350, Đức Giáo hoàng
Julius I chính thức chọn ngày 25/12 là ngày mừng lễ Giáng Sinh. Lý do hoàn cảnh
lúc ấy dân ngoại ồ ạt theo đạo Chúa, nhưng trước đó họ có thói quen cứ đến ngày
25/12 là đi dự lễ hội mừng ngày sinh của thần Mặt Trời. Do đó Hội Thánh Công Giáo
muốn “rửa tội” cho ngày đó bằng cách nói với dân ngoại đã trở lại Đạo rằng:
Muốn thờ thần Mặt Trời, thì chính Đức Giêsu là MẶT TRỜI CÔNG CHÍNH đã đến viếng
thăm nhân loại. (x. Lc 1,78)
III. CON THIÊN CHÚA TRỞ NÊN NGHÈO ĐỂ TA ĐƯỢC
GIÀU CÓ.
Phúc Âm không ghi Đức
Giêsu sinh ra trong hang đá, nhưng theo thánh Giustinô (thế kỷ thứ 2) thì nói
Đức Maria sinh Đức Giêsu trong một hang đá. Vào thế kỷ thứ 4, hoàng đế Constantinô
cho xây một vương cung thánh đường tại một hang ở Bethlem, mà theo truyền thống
người ta tin Chúa Giê-u sinh ra tại đó.
Còn việc làm hang đá
ngày nay, được bắt đầu vào thời thánh Phanxicô thành Assisi: Lúc ấy người ta đã
tục hoá lễ Giáng Sinh, đáng lẽ vào dịp lễ này người ta phải gia tăng cầu
nguyện, nghe Lời Chúa và chia sẻ, thì họ lại tổ chức tiệc tùng, ăn uống xa xỉ
và đú đỡn với nhau! Đầu tháng 12 năm 1223, thánh Phanxicô báo trước cho mọi
người là lễ Giáng Sinh năm nay không cử hành tại Nhà Thờ mà là ở một nơi khác
(không cho biết trước). Mỗi tín hữu đêm ấy cầm đuốc đi theo thánh nhân vào một
khu rừng vắng. Rồi thánh nhân leo lên một triền núi phẳng và cùng với mọi người
dâng Thánh Lễ tại đây, ngài giảng một bài rất hùng hồn về cảnh nghèo nàn của
Con Thiên Chúa vào đời, có ý dạy mọi người tránh sống xa xỉ, để có điều kiện
chia sẻ vào những công việc đạo đức, hữu ích cho mọi người. Khi thánh Phanxicô
đang giảng say sưa, thì thình lình Chúa Hài Đồng hiện ra ngay trên Bàn Thờ, nằm
giơ hai tay, hai chân như muốn đòi thánh nhân bế. Từ điển tích này, người ta
đặt tượng Chúa Hài Đồng nơi hang đá không phải là một cậu bé được quấn tã nằm
ngủ ngon trong máng cỏ, mà là một Hài Nhi nằm “giơ bốn vó!”
Vậy “làm sao chúng ta phải trở nên giàu có như
Đức Giêsu, mà vì chúng ta, Ngài đã trở nên nghèo khó, để chúng ta được giàu có
nhờ sự nghèo khó của Ngài!” (2Cr 8,9) Ta phải trở nên giàu có như Đức Giêsu
để có thêm điều kiện làm cho đồng loại được giàu có về Đức Tin và của cải vật
chất,còn ta trở nên nghèo khó giống Đức Giêsu, đến nỗi Ngài không có nơi ngả
đầu! (x. Lc 9,58), vì chết trần trụi trên thập giá!
IV. CON THIÊN CHÚA ĐẾN NÂNG PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
VƯỢT TRÊN MỌI LOÀI THỤ TẠO.
* Cũng vào hoàn cảnh ở thế kỷ thứ 4 (năm 440), nhóm
Manisê chủ trương khinh chê thân xác con người, vì thân xác là nguồn gốc của
tội lỗi!
* Rồi đến năm 448, nhóm “Độc Tính” dạy rằng: Chúa Giêsu
chỉ có một bản tính Thiên Chúa, thân xác chỉ là “ốc mượn hồn”, con người không
làm được gì tốt, phủ nhận sự cộng tác của con người trong chương trình Chúa cứu
độ, mà Thiên Chúa hoàn toàn làm hết cho kẻ tin Ngài!
Để chống lại hai lạc thuyết trên, lễ Giáng Sinh Hội Thánh dạy ta
phải xác tín rằng:
1- Mỗi người được Chúa ở cùng,
thân xác họ là Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa. (x. 1Cr 3,16)
2- Khi tạo dựng con người,
Thiên Chúa không hỏi ý kiến ai, vì chưa có ai để hỏi. Nhưng khi cứu độ con
người, thì Thiên Chúa tôn trọng họ, nên Ngài hỏi ý con người! (thánh Augustino)
[x. Mc 2,1-12]
3- Khi tạo dựng Ađam thứ I, Ađam
cuối cùng (Đức Giêsu), Thiên Chúa đã khắc ghi hình ảnh mình trong đó, như Lời
tiền Tin Mừng Chúa đã hứa: “Miêu duệ
người nữ đạp nát đầu rắn” (St 3,15). Do vậy, Ađam cuối cùng đã lãnh nhận
vai trò và tên Ađam thứ I: Vì Ađam thứ I làm mất những gì tốt đẹp đã được Thiên
Chúa tạo dựng theo hình ảnh Ngài (x. St 1,26). Ađam trước đã khởi đầu, nhưng đi
vào sự chết; Ađam cuối cùng sống vinh phúc muôn đời. Do đó, người sau (Giêsu -
Ađam cuối cùng) mới đích thực là người đầu, như chính Ngài đã nói về mình: “Ta là đầu và là cuối’’ (Kh 1,17): Từ
khởi sự cho đến hoàn tất, đều nhờ bởi Chúa Giêsu.
4- “Adam cũ được dựng nên bởi đất trinh (đất chưa ai canh tác), còn Adam
cuối cùng thì được sinh ra bởi Mẹ Đồng Trinh” (Thánh Irênê). Thánh Gioan nói:
“Những ai đón nhận được Ngài, thì Ngài
ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa, ấy là cho những kẻ tin vào danh Ngài” (Ga
1,12). Vì vậy mà thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Thiên
Chúa làm người, cho con người được làm Thiên Chúa”. Và Chúa “không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất,
đùa giỡn với con cái loài người” (Cn 8,30-31).
Nhưng
ai muốn được những ơn trọng đại trên, buộc họ phải sống trong Hội Thánh Chúa Kitô.
Vì Chúa chỉ muốn cứu loài người trong một đoàn chiên và một Chủ chiên (x. Ga
10,1-18). Chính vì thế mà giáo huấn Công Đồng Vat. II trong Hiến Chế Ánh Sáng
Muôn Dân số 32 dạy: “Ngôi Lời nhập thể và
tình liên đới nhân loại, Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người
cách riêng rẽ thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn quy tụ họ thành một dân tộc, để
họ nhận biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện” .
Câu chuyện Đường Tăng (trích trong “Phẩm Giá Của
Con Người” của Nguyễn Thái Hợp:
“Đường Tăng Huyền
Trang là một nhân vật lịch sử. Một tăng sĩ dũng cảm, thông minh, tinh tế và là
một học giả uyên thâm kinh điển Phật giáo. Ông là một học giả thiên tài và
nghiêm túc đã dịch rất nhiều kinh sách Phật giáo ra chữ Hán. Ông đã ghi chép
cẩn thận những gì mắt thấy tai nghe trên đường đi thành tập “Tây Du Ký”. Đây là
một tài liệu giá trị về xã hội, địa dư, tôn giáo và lịch sử của Ấn-Độ thời ấy.
Nhưng chẳng mấy ai đọc “Tây Du Ký” của Huyền Trang.
Ngô Thừa Ân không sử
dụng tài liệu lịch sử của Huyền Trang, mà lại hư cấu một “Tây Du Ký” khác. Dưới
ngòi bút của Ngô Thừa Ân, Huyền Trang học giả biến thành một Đường Tăng khù
khờ, cả tin, hơi u mê và nhiều khi từ bi không đúng chỗ. Tuy nhiên, thầy trò
Huyền Trang Tam Tạng của Ngô Thừa Ân lại được nhiều người Á Đông biết đến và
say mê, vượt rất xa tác phẩm và nhân vật Huyền Trang chính thức.
Vào đầu thập niên 90,
Trương Quốc Dũng đã hư cấu một Huyền Trang khác trong truyện thật ngắn mang tựa
đề “Đường Tăng”. Trong lời bạt của cuốn sách “40 truyện rất ngắn”, nhà phê bình
Lê Ngọc Trà nhận định sắc nét: “Truyện Đường Tăng đầy những câu văn ngắn có
hồn. Chữ ít nhưng dường như chữ nào cũng sống, cũng có một âm điệu tình cảm,
một không gian…”. Xin được phép trích nguyên văn truyện thật ngắn này, một
trong hai truyện được giải nhất trong cuộc thi truyện rất ngắn 1993-1994 (dưới
1.000 chữ) của bán nguyệt san Thế Giới Mới:
“Đêm cuối cuộc trường
chinh đầy gian khổ, ngày mai vào yết kiến Như Lai để lên kiếp Phật, đường Tăng
trằn trọc không sao ngủ được. Suốt cuộc đời tâm nguyện tới cõi này, giờ đây khi
sắp trút bỏ kiếp người, ông bỗng thấy lòng day dứt.
“Chiều nay, thân thể
Đường Tăng đã rã rời, đầu óc đầy mộng mị, tay biếng lần tràng hạt. Tâm linh như
muốn níu chân dừng lại. Máu ông nhức nhối thấm lần qua tim, cứa vào qúa khứ đau
xé. Ông nhớ tới những người sinh thành ra mình. Tình cha, huyết mẹ tạo nên mà
bao nhiêu năm nay ông không một lần thắp hương, không một lần nhắc nhở.
“Chặng đường dài tới
đất Phật khiến trái tim ông dần chai sạn. ông đã quá nhiều lần phải lạy lục,
cầu khẩn các thần lớn bé, đã qua nhiều lần dẫm đạp lên xác máu yêu ma xa gần,
chỉ với một mục đích: mau thành chánh qủa. ông thương người. Nhưng đêm nay,
trước ranh giới cuối cùng của cõi Người và Phật, ông chợt hiểu ra cội rễ của
tình thương ấy. Mỗi lần cứu giúp con người, ông chỉ thầm tính toán như xây thêm
cho mình một bậc thang tới Phật đài.
“Nhiều lần Đường Tăng
đã tự hỏi tại sao nước mắt mình ngày càng lạnh giá. Giờ đây ông thầm biết, trên
con đường thỉnh kinh về cứu rỗi người đời, ông đã dần dần xa lạ với con người.
“Ông trở mình, thở dài:
không là người, ta sẽ là ai? Yêu quái cản đường, biết bao kẻ chính từ trên đây
xuống, pháp thuật vô biên, ác nghiệt vô cùng. Ta nhập vào chốn ấy biết rồi
thành Phật hay thành ma?
“Đường Tăng chợt nhói
trong tim. Ông khẽ rên lên, hai tay ôm ngực. Mở mắt thấy các đồ đệ đang đứng
bên giường nhìn ông âu lo. Cả ba hình như đều không ngủ.
“Đường Tăng thở hắt: “Không sao đâu, ta chỉ chợt nhớ tới ngày xưa”.
Nói rồi lại nhắm mắt.
Nghe tiếng Ngộ Không:
“Xin thầy đừng tự dối lòng. Thầy đang nhớ
cả kiếp người – Đường Tăng rùng mình khi giọng Ngộ Không quá u uất – Con từ đá
sinh ra. Coi thường cả thần thánh, yêu ma, chỉ mong được thành người. Thầy đã
là người lại tự bỏ mình đi tìm hồn phách khác. Đêm nay sao khỏi xót xa”.
“Bát Giới cười khẽ: “Làm người có gì vui. Chúng ta đã dốc lòng
theo đạo, ngày mai được lên chốn thần tiên, sung sướng biết bao nhiêu. Thầy
đừng luyến tiếc.”
“Sa Tăng an ủi: “Thầy trò mình sắp hóa Phật, mang đạo xuống
khai sáng cho loài người. Công qủa vĩ đại lắm!”
“Đường Tăng lắc đầu,
nằm im hồi lâu, hai tay vẫn đặt lên tim, mắt vẫn nhắm, nước mắt trào ra ấm nóng
lại. Rồi như trăn trối: “Ta ước gì đêm
nay đừng sáng. Ta đau đớn cho mười mấy năm viễn du. Ngộ Không ơi! Một đời con
mong được thành người thì bị ép phải theo ta để thành Phật. Bát Giới tự dối mình, giác ngộ thật ra chỉ là đi tìm một
chốn hoan lạc mới. Sa Tăng rời cõi u mê này sang cõi hoang tưởng khác mà lại hy
vọng khai sáng. Còn ta? Không còn là người, không phải là người thì làm sao
đồng cảm mà đòi khai sáng, cứu vớt con người.”
“Ngộ Không sụp xuống
nắm tay thầy, ngẹn ngào: “Thầy đã nhận ra
chân lý. Nhưng chậm quá rồi.”
Truyện Đường Tăng cho
ta phải suy nghĩ: Đường Tăng mong thành Phật, khi sắp thành Phật lại buồn vì
không còn là người! Mà không là người làm sao cứu được người? Như vậy Đường
Tăng thua xa Chúa Giê-su, Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người. “Ngài đã trải qua thử thách và đau khổ, nên
Ngài có thể cứu giúp những ai bị thử thách!” (Dt 2,18) Và không ai có thể
lên cõi Phúc (lên Trời), ngoại trừ “Đấng
từ Trời mà xuống, để ai tin vào Ngài thì được sống hạnh phúc đời đời!” (Ga
3,13.15) Như vậy, muốn cứu ai ta phải có hai điều kiện:
-
Sống kiếp người giống như đồng loại ta muốn cứu, để ta cảm nghiệm được
hoàn cảnh đau khổ của họ. Đó là lý do Đấng Cứu Thế muốn làm người như chúng ta.
Nếu
Thiên Chúa ngồi trên trời sai thiên thần đến Việt Nam, xem hoàn cảnh dân chúng
sống ra sao, khi thiên thần trở về chắc chắn thưa với Chúa: “Lạy Chúa, “đầy tớ
nhân dân” rất giàu có, trái lại nhân dân làm chủ lại quá nghèo khổ, bo bo không
có đủ mà ăn. Chúa ngạc nhiên hỏi: “Tại sao thế, Ta không hiểu, đầy tớ lại giàu
hơn chủ nghĩa là sao?” Thiên thần thưa: “Đầy tớ nhân dân giàu lắm, họ rửa tiền
bằng cách đi xe hơi và uống bia ôm. Còn nhân dân làm chủ thì không ai làm chủ
một tấc đất, họ chỉ có quyền sử dụng, nên họ phải đi xe ôm và uống bia hơi!”
Nghe
thế, Chúa phán: “Ta phải xuống xem sao, chứ nghe báo cáo thế thì “Tây” nó cũng
chẳng hiểu nổi!”
Vậy
muốn cứu ai đạt hiệu quả cao, không nhưng ta phải giống mà còn phải hơn người
ấy.
Nhờ ngòi bút của ông
Luca, cho ta lưu ý hai lần ông viết “Hôm nay”, đặc biệt ở đầu và cuối cuộc đời Đức Giêsu:
-
Ngày Con Đấng Tối Cao giáng trần, Thiên thần nói: “Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,11: Đáp ca).
-
Ngày Con Đấng Tối Cao lìa bỏ trần thế về Trời, Ngài nói với tên trộm
biết sám hối tội mình và xin theo Ngài: “Hôm nay, ngươi ở trên Thiên Đàng với Ta” (Lc 23.43). Đúng với Lời thiên thần nói với
các chú mục đồng: “Này tôi báo cho anh em
một Tin Mừng trọng đại: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong
thành vua Đavid, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,11: Tung Hô Tin
Mừng).
Kinh Thánh viết như thế, muốn nhấn mạnh rằng:
Chúa Giê-su rất muốn đến với chúng ta từng ngày hôm nay trong suốt đời ta. Ngài không hẹn ta vào ngày khác đến gặp Ngài. Do
đó, nếu mỗi người chúng ta hôm nay rộng mở cửa tâm hồn đón
Chúa Giêsu Phục Sinh, khi ta dự Thánh Lễ, thì cho dù ngày hôm nay ta còn vương vấn tội lỗi mà biết sám hối, nếu
Chúa lại gọi ta hôm nay ra khỏi thế gian này, chắc
chắn Chúa cũng đưa ta vào Thiên Đàng ngay hôm nay, bởi vì ta không đến nỗi tồi tệ như tên trộm lành suốt đời chỉ chôm
chỉa của người khác. Như thế ta không phải xuống luyện tội một thời gian để
thanh tẩy mới được vào Thiên Đàng, giống như nhiều người phải thanh tẩy nơi
luyện tội. Vì Chúa Giêsu cũng đã hứa: “Ai
nghe Lời Ta và tin vào Đấng đã sai Ta thì có sự sống đời đời và khỏi phải đến
tòa phán xét, nhưng đã ngang qua sự chết mà vào cõi sống” (Ga 5,24). Chính
vì vậy, mà thánh Phaolô nói: “Bây giờ án
phạt không có nữa cho những ai ở trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 8,1), nên “nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì tuy thân
xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng làm cho anh em được sống,
vì anh em đã được trở nên công chính” (Rm 8,10).
Nhất là ta dự Lễ trọn vẹn: nghe Lời và rước
lễ là cách chắn chắn được Chúa ở cùng, Ngài giúp ta thắng satan, thắng tội lỗi,
thắng thần chết, hơn xưa Chúa chỉ ở cùng ông Ghêđêôn qua dấu chỉ “tấm lông chiên ông phơi ngoài sân đẫm ướt
sương” (x. Qa/Tl 6-7), nhờ thế mà ông chiến thắng quân Mađian (x. Is 9,1-6:
Bài đọc I).
Vậy ngày hôm nay ta dự Lễ là được Chúa ở
cùng, chắc chắn Ngài cho ta mạnh sức hơn ông Ghêđêon, để “Ngài giúp ta từ bỏ lối sống vô luân, hầu ta xứng đáng là dân riêng của
Chúa, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2,11-14: Bài đọc II).
THUỘC LÒNG.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con
Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3,16)
BÀI
SUY NIỆM 2:
CUỘC ĐỜI
LÀ HIẾN TẾ CỨU ĐỘ
Thiên Chúa Ngôi Hai, Ngài là Đấng
Hằng Hữu và Toàn Năng, nhưng Ngài chỉ trở thành Tư Tế khi được sinh ra làm
người và trở thành của lễ dâng Chúa Cha sinh ơn cứu độ cho loài người, đúng với
ý nghĩa danh Giêsu (Thiên Chúa Cứu Độ) đã được sứ thần Gabriel ra lệnh cho Đức
Maria và ông Giuse đặt cho Ngài (x. Lc 1,31; Mt 1,18-25).
Ta biết Đức Giêsu hoàn tất Hy Lễ mới
của Ngài:
-
Khởi đi từ lúc nhập thể, đỉnh cao nơi thập giá.
-
Để mạc khải cho “kẻ bé mọn” sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
-
Để tạo nên một dân riêng thoát ách Luật, chuyên lo việc lành.
-
Để ta theo gương Đức Maria cộng tác với Đức Giêsu hoàn tất công trình
sáng tạo mà Chúa Cha đã khởi sự.
-
Con Chúa đến qua Phụng Vụ Hội Thánh cử hành để hoàn tất việc tạo dựng
con người.
1/ ĐỨC GIÊSU VÂNG LỜI SỐNG NGHÈO TỪ LÚC NHẬP
THỂ, ĐỈNH CAO LÀ THẬP GIÁ.
ò Ngày Đức Giêsu vào trần
gian, cha mẹ Ngài phải vâng lời hoàng đế Roma về Bêlem, thành của vua Đavid mà
đăng ký hộ khẩu, trong cảnh nghèo khổ: Không kiếm được chỗ trú thân trong thành,
nên cha mẹ Hài Nhi phải lấy tã vấn và đặt nằm trong máng cỏ! (x. Lc 2,7). Phải
chăng người ta coi Ngài như thân sâu bọ nằm trong cỏ, dựa vào lời ngôn sứ Isaia
đã nói: “Dáng vẻ của Ngài không còn thuộc
hạng người ta” (Is 52,14); “Không
duyên dáng, không oai vệ bắt chúng tôi phải để ý” (Is 53,2).
ò Nhưng còn tệ hơn, ngày Đức
Giêsu lìa đời, Ngài lại phải vâng lời quyền bính Roma, tại thành của vua Đavid,
để lãnh án tử, chết nhục trên thập gía! Rồi được ông Giuse quê tại Arimathia và
một môn đệ bí mật xin ông Philatô đưa xác Ngài đem đi liệm táng trong mồ! (x. Ga
19,38t) Đúng như lời ngôn sứ Isaia đã nói: “Ngài
bị khinh khi, và là đồ phế bỏ của người đời!” (Is 53,3)
2/ ĐỂ MẠC KHẢI CHO “KẺ BÉ MỌN’’ ĐƯỜNG LỐI KHÔN
NGOAN CỦA THIÊN CHÚA.
ò Ngày Ngôi Hai giáng trần, Ngài
sai thiên thần đến mạc khải cho các chú mục đồng, là những “kẻ bé mọn” về dấu
chỉ: “Một trẻ vấn tã nằm trong máng
cỏ”,để nhận ra Đấng Cứu Thế. Mà thực, chỉ có lũ
trẻ ranh con này được tin mới tìm đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu, còn hạng người tự
mãn là khôn ngoan thông thái chỉ mở Sách Thánh tra tầm nơi sinh của Hài Nhi,
Vua Do Thái, để chỉ điểm cho bạo chúa Hêrôđê ra lệnh chém giết, chứ nào họ có
đến thờ lạy?! (x. Mt 2)
ò Bởi vậy, cái chết của Đức
Giêsu trên thập gía là cớ vấp phạm cho người Do Thái, là sự điên rồ đối với dân
ngoại; chỉ có kẻ bé mọn như ông Phaolô mới được Đức Giêsu mạc khải cho biết đó
là đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa. (x. 1Cr 1,17)
3/ ĐỂ TẠO NÊN MỘT DÂN RIÊNG THOÁT ÁCH LỀ LUẬT,
CHUYÊN LO VIỆC LÀNH.
Ngôn sứ Isaia trong Bài đọc I đã cho
ta biết trước gía trị ơn cứu độ do Đấng Cứu Thế thực hiện: “Ngài đập tan cái ách đè trên vai dân…”
(Is 9,3t). Đây chính là cái ách, cái gánh nặng, cái roi của Lề Luật đặt trên
nhân loại, vì “Luật chỉ làm cho ta nhận
biết tội’’ (Rm 7,7), và nó “giam ta
trong tội’’ (Gl 3,22). Chỉ có Đức Giêsu giải phóng cho “kẻ bé mọn” thoát án
phạt của Lề Luật (x. Gl 3,24 và Mt 11,25-30). Ai được Chúa ở cùng, người ấy
được Ngài ủng hộ và bênh đỡ thắng sự ác, còn hơn xưa Thiên Chúa ủng hộ ông Ghêđêôn
thắng quân Mađian để bảo vệ dân Ngài (x. Tp 6). Bởi vì Ngài vừa là Đấng cao cả
nhất lại trở nên thấp hèn nhất! Ngài vừa khác ta, vì Ngài là Thiên Chúa, Ngài
lại giống ta, vì Ngài là người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi!
- Ông Emerson nói: “Muốn
quan sát một khu vực, ta phải leo lên nơi cao nhất, và còn phải xuống nơi thấp
nhất.” Ví dụ: Một người muốn tham quan một địa danh để biết tường tận nơi
đó, thì người ấy phải ngồi trên máy bay nhìn xuống, đồng thời họ còn phải lội
qua từng dòng suối, xuống tận thung lũng sâu thẳm!
- Còn ông P.Tillich nói: “Muốn hiểu ai, ta phải vừa giống họ, lại vừa khác họ.”
Vậy chỉ có Đức Giê-su hiểu hết những
nhu cầu, những khát vọng của ta, vì Ngài cao cả không ai bằng, cũng không ai hạ
mình xuống thấp nhất như Ngài: Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa toàn năng, lại trở nên
như người nô lệ để phục vụ, thậm chí người ta liệt Ngài vào hạng tội nhân phải
loại trừ!
Để minh chứng Ngài giống ta để hiểu
ta nhất, làm thỏa mãn khát vọng nên thánh của ta, thánh Phaolô nói: “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem
ơn cứu độ đến cho mọi người. … Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày
hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là
Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự
hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện
chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc
thiện.” (Tt 2,11-14: Bài đọc II).
4- TA THEO GƯƠNG ĐỨC MARIA CỘNG TÁC VỚI ĐỨC
GIÊSU ĐỂ HOÀN TẤT CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO CỦA CHÚA CHA.
* Theo gương
Đức Maria:
Khi các chú mục đồng vào thành Bêlem, họ thuật lại tất cả các lời thiên thần
loan báo, làm mọi người kinh ngạc – một thái độ nghi ngờ chưa tin – chỉ riêng
Đức Maria thì giữ kỹ các điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng (x. Lc 2,15-20).
Thái độ của Đức Maria trước ý định của Thiên Chúa đã trở thành mẫu mực cho mọi
thành phần trong Hội Thánh, để nhờ nhẫm đi nhắc lại Lời Chúa suốt đêm ngày, họ
làm gì cũng thành công! (x. Tv 1,2-3)
* Cộng tác
với Đức Giêsu ngay “Hôm Nay’’: Trong Tin Mừng của thánh sử Luca, ông đã dùng 8 lần thuật ngữ “HÔM
NAY’’ để nói về ơn cứu độ Chúa ban:
1. Hôm nay Đấng Cứu Thế sinh ra (x. Lc 2,11).
2. Hôm nay Cha sinh ra Con (x. Lc 3,22).
3. Hôm nay ứng nghiệm điều tai các ngươi vừa nghe (x. Lc
4,21).
4. Hôm nay chúng ta được thấy điều kỳ lạ: Con Người có
quyền tha tội (x. Lc 5,26).
5. Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh
tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất (x. Lc 13,32).
6. Hôm nay tôi phải lưu lại nhà ông Giakêu (x. Lc
19,5).
7. Hôm nay nhà này được ơn cứu độ (x. Lc 19,9).
8. Hôm nay anh ở trên Thiên Đàng với tôi (x. Lc 23,43).
Như thế, thời Cựu Ước, Chúa đã tạo
dựng vũ trụ trong 6 ngày, ngày thứ 7 Ngài nghỉ ngơi (x. St 1). Đó là dấu chỉ
trong thời Tân Ước, vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Giêsu được nghỉ ngơi (an
táng trong mộ), và Ngày Thứ Tám, Ngài sống lại, thì 8 lần “Hôm Nay” trong đời
Đức Giêsu, Ngài lấy cả sự ác làm hoàn tất việc tạo dựng mà Chúa Cha đã khởi sự.
Cụ thể Ngài đưa anh trộm lành dâng lên Chúa Cha để tôn vinh Người. Đúng là như
lời thiên thần báo cho các mục đồng: “Này
tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra
cho anh em trong thành vua Đavid, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,11:
Tung Hô Tin Mừng).
(Ta lưu ý: Trong Tin Mừng của Luca, còn nói đến hai
lần “Hôm nay” nữa, nhưng không được kể là HÔM NAY CHÚA BAN ƠN, vì tác gỉa nói
đến hình phạt đối với người từ chối Đức Giêsu: Lc 19,42: Ngài trách người Do Thái hôm nay không biết đón nhận phúc bình an! Lc 22,34: Ngài báo trước ông Phêrô sẽ chối Thầy: “Hôm nay gà sẽ không gáy cho đến lúc ngươi chối ba lần là không biết Ta” –).
5- CON CHÚA ĐẾN QUA PHỤNG VỤ HỘI THÁNH CỬ HÀNH
ĐỂ HOÀN TẤT VIỆC TẠO DỰNG LOÀI NGƯỜI.
Nhờ tình thương và
quyền năng lạ lùng Con Thiên Chúa đã thực hiện như đã đề cập ở trên, làm cho
các chú mục đồng cùng với các thiên thần chung lời tôn vinh ngợi khen Thiên
Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (x. Lc 2,14.20).
Lời tôn vinh trên, đêm
hôm nay mọi Ki-tô hữu đều cất lời cùng chung tiếng hát với các thiên thần, để
nối dài và mở rộng niềm vui ơn cứu độ đã đựơc công bố cách đây trên 2.000 năm,
và còn đang tiếp tục thực hiện cho tới ngày Chúa lại đến, để tập họp thêm những
người thiện tâm theo Ngài đi vào vinh quang bất diệt!
Vì khi tạo dựng Ađam
thứ I, Ađam cuối cùng (Đức Giêsu) đã khắc ghi hình ảnh mình trong đó. Vì vậy
Ađam cuối cùng lãnh nhận vai trò và tên của Ađam thứ I đã bỏ mất những gì tốt
đẹp Thiên Chúa ban, nhất là được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài (x. St 1,26).
Ađam đầu, Ađam cuối: Người trước đã có khởi đầu, Người sau sẽ tồn tại mãi mãi,
vì Người sau mới thực là Người đầu, như chính Ngài đã nói về mình “Ta là Đầu và là cùng đích” (x. Thánh
Phêrô Kim Khẩu – Bài Giảng 117).
Đức Kitô Giêsu xuất
hiện không phải một lần, mà Ngài cứ muốn đến lần nữa, lần sau huy hoàng hơn lần
trước. Thực vậy, lần I Ngài đến chịu trăm nghìn đau khổ, còn lần sau Ngài đến
biểu lộ vương quyền của Thiên Chúa, vì nơi bản tính Thiên Chúa, hai lần Ngài được
sinh ra: Lần I sinh ra bởi Thiên Chúa từ trước muôn đời, lần II được sinh ra do
quyền năng Chúa Thánh Thần, nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Ngài đến âm thầm
như sương xuống tấm lông chiên của ông Ghê-đê-on, và lần II Hội Thánh sinh Ngài
qua Bí tích Thánh Thể, như sương từ trời xuống lần II trên mảnh đất ông Ghêđêon
phơi tấm lông chiên, mà tấm lông chiên không đẫm ướt sương! Đó là dấu chỉ Chúa
thúc bách ông Ghê-đê-on xuất quân chiến thắng kẻ địch Mađian giải phóng cho dân
tộc! (x. Tp/Qa 6,36t).
Lần I, Đức Kitô Giêsu đến được Mẹ
bọc tã đặt trong máng cỏ (x. Lc 2,7); lần II Ngài đến trong bộ áo cẩm bào muôn
ánh hào quang.
Lần I, Đức Giê-su đến vác thập giá
mà chẳng hề nhuốc hổ, lần II vào ngày Quang Lâm, Ngài đến trong vinh quang, có
các đạo binh thiên thần hộ tống.
Lần I, Ngài đến với ta qua Bí tích
Thánh Tẩy, để ta được tháp vào Ngài như cành tháp vào cây, cho ta trở thành chi
thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Phục Sinh, còn lần II Ngài đến với ta
qua Bí tích Thánh Thể, để ta được sống bằng sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa (x. Ga
6,57), bảo đảm cho sự sống lại, một sự sống dồi dào và vĩnh cửu (x. Ga 6,54;
10,10).
Như thế người ta được
sinh ra lần I theo ý muốn xác thịt của cha mẹ, thì loài người được nhân lên và
chia rộng ra; còn lần II ta được sinh ra qua Bí tích Khai Tâm bởi ý muốn của
Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu (x. Cv 2,38), thì ta lại được thu họp trong Thân
Thể Mầu Nhiệm của Chúa Ki-tô là Hội Thánh, để ta vừa được sống bởi Chúa Giêsu,
vừa được sống dồi dào bởi các chi thể trong Thân Mình Đức Kitô thông chia cho,
đó là “áo cưới của Hiền Thê Tân Lang Giêsu”, thánh Gioan nói đó chính là “áo trúc bâu, là công đức của các thánh, để
được mời vào dự tiệc cưới Con Chiên trong ngày cánh chung” (x. Kh 19,7-8).
Vậy chúng ta hãy trông
chờ Đức Giêsu đến lần II quan trọng hơn lần I và bổ túc cho lần I, hầu lần II,
Ngài cho chúng ta cùng cất tiếng tung hô: “Hôm
nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa”
(Lc 2,11: Đáp ca). Ta “hát lên mừng Chúa
một bài ca mới,hát lên mừng Chúa hỡi toàn thể địa cầu! Hát lên mừng Chúa chúc
tụng Thánh Danh. Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ” (Tv
96/95,1-2).
THUỘC LÒNG.
Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa. (Tv 95/94,7)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH