AI MONG - AI ĐỢI - AI CHỜ
Gioan tẩy giả là vị
tiên tri cuối cùng của Cựu ước, nhưng ông lại là vị tiên tri lớn hơn tất cả vì
ông đã được lãnh nhận niềm vui cứu độ ngay từ lúc còn là bào thai trong lòng mẹ
(Lc 7, 26). Khi ra rao giảng ông lại được thấy Đấng mà các tiên tri Isaia,
Giêrêmia, Ezêkiel cho đến khi nằm xuống vẫn còn khao khát ngóng chờ. Gioan tẩy
giả đã được đụng đến ngôi lời đã thành
xác phàm. Chính ông đã giới thiệu Đức Giêsu cho chúng ta: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ
tội trần gian.” (Ga 1, 29).
Trong
những ngày Mùa Vọng, trước lễ Giáng Sinh, chúng ta sẽ còn được nghe nói nhiều
về nhân vật Gioan tẩy giả. Nhưng tất cả sứ mệnh và cuộc đời của ông chỉ gồm tóm
một cách chính xác và rõ ràng trong mấy câu ở phần mở đầu Tin Mừng theo thánh
Gioan như sau: “Có một người được Thiên
Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng.”
(Ga 1, 6)
Cũng
như Gioan tẩy giả, tất cả những ai mang danh là Kitô hữu đều phải làm chứng cho
sự sáng. Nghĩa là trong cách sống của mình hằng ngày, phải làm cho mọi người
nhận biết có sự sáng của Đức Giêsu Kitô lóe rạng ở trong đó. Đọc kinh, xưng tội
rước lễ nhiều là tốt, nhưng chưa hẳn chỉ như vậy là làm chứng cho sự sáng.
Khi
rao giảng hay chia sẻ Lời Chúa trước cộng đoàn hoặc trong các lớp giáo lý cũng
vậy, nếu Lời Chúa được nói ra mà không cho người nghe, người tham dự gặp được
dung mạo Đức Kitô để yêu mến và chịu lấy Người, mà chỉ gặp thấy những điều răn
dạy về luân lý, hoặc những sự uyên bác của thế gian mà thôi, thì cũng chưa phải
là làm chứng cho sự sáng.
Chính
Gioan đã nép mình đi, để một mình Đức Giêsu, để ánh sáng cứu độ của Người chói
lòa vào trong thế gian. Ông nói: “Phần
tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang
đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em
trong Thánh Thần và lửa.” (Lc 3, 16)
Chúng
ta đang ở trong Mùa Vọng, mùa mà Hội Thánh muốn mọi người nôn nao khao khát
hướng về một con người: Đức Giêsu Kitô.
Nếu
tất cả vũ trụ, tất cả nhân loại trên thế giới này không có con người Giêsu đó
tới và cứu độ, thì coi như bị phế thải, bị tiêu mất rồi!
Khi
con người Giêsu đến, mọi sự phải biến đổi như Isaia 11, 1-10 khẳng định: “Trên Người, Thần khí Giavê sẽ đậu xuống.
Thần khí khôn ngoan, trí tuệ. Thần khí mưu lược và anh dũng. Thần khí hiểu biết
và kính sợ Giavê. Bấy giờ sói ở với chiên. Sư tử và bê con chung một chuồng.
Trẻ nhỏ còn bú, chơi giỡn bên hang rắn hổ lửa. Trẻ em còn hôi sữa, thọc tay vào
trong hang mãng xà.”
Beo sói, sư tử là
thú dữ cắn xé, phanh thây xẻ thịt người ta. Rắn hổ lửa mang phun nọc độc giết
người. Những thứ này thuộc vương quốc của Satan, một vương quốc tràn đầy tội
ác, bất nhân, bất nghĩa, nói hành, nói xấu, cáo gian bỏ vạ, kiêu căng khoác
lác, ngu muội, bất hiếu, sát nhân, mê dâm, hung bạo, chè chén, như thư Roma đã
mô tả (Rm 1, 28-31). Một vương quốc như vậy là một vương quốc dưới án thịnh nộ
của Thiên Chúa. Một con người lòng đầy nọc độc, sống ác tính như beo sói, là
con người khuyết hẳn vinh quang của Thiên Chúa. Một thế giới tối tăm như thế,
dù có giàu sang phú quý đến đâu, văn minh khoa học kỹ thuật tiến bộ đến đâu
cũng là một thế giới cần được cứu sống, bởi vì nó đang nằm trong sự chết.
Khi
Đức Giêsu đến thì chính bản thân Người là sự sống và sự sống lại cho mọi người.
Chỉ có máu và sự chết thập giá của Đức Kitô mới có quyền năng tẩy rửa và xóa
sạch tội lỗi do con người gây nên, và đem những kẻ tin vào Người ra khỏi nước
của tối tăm, đưa vào vương quốc ánh sáng của Thiên Chúa. Sói sẽ nằm bên cạnh
chiên, vì lòng dạ độc ác của nó đã được thay đổi rồi. Sư tử sẽ gặm cỏ chung với
bê con, và trẻ con măng sữa tha hồ thọc tay chơi giỡn trong hang rắn lửa. Tất
cả phải biến đổi, không phải do sức cố gắng của những con rắn độc, những con sói,
mà do phép mầu lòng thương xót của Thiên Chúa quy tụ nơi trái tim vô cùng yêu
thương của Đức Giêsu Kitô. Ai nhận lấy trái tim ấy vào trái tim của mình, thì
con người ấy được trở thành người theo đúng nghĩa của nó, trước Thiên Chúa và
trước những người khác. Đó là chân lý mà những kẻ tin phải tìm ra khi lặng lẽ
một mình nơi máng cỏ trong ngày lễ Giáng Sinh sắp tới. Còn đèn hoa nhấp nháy,
sao lớn sao nhỏ, kể cả những hoạt cảnh, những buổi trình diễn thánh ca với
những bài hát du dương đi nữa, tất cả chỉ là phụ, hết sức phụ thuộc, nếu những
cái ấy không giúp cho người ta gặp được Đấng Cứu Chúa nhân hậu của mình là Đức
Giêsu Kitô. Không phải chỉ gặp Đấng ấy ở trong nhà thờ, trong hang đá, mà còn
phải gặp được ngay trong cõi lòng đầy u uẩn, đầy xao xuyến, đầy lo âu của chính
mỗi người, chính bản thân mình.
Vào
thế kỷ thứ V, Clovis, một ông vua của nước Pháp nổi tiếng là ác độc hung dữ, và
say máu. Cái búa nơi tay ông đã bửa đôi sọ não của biết bao bạn hữu và những kẻ
thuộc quyền ông. Vàng bạc châu báu chất đầy két sắt của ông là những thứ bê bết
máu người khác. Nhưng vào ngày 25/12/496 con trẻ Giêsu đã biến đổi con sói
Clovis thành một ông vua đạo đức, thánh thiện và nhân từ. Clovis đã quỳ xuống
lãnh nhận bí tích rửa tội qua bàn tay của Đức giám mục Rémi. Con sói Clovis đã
trở nên con chiên hiền lành nhờ chịu lấy Đức Giêsu Kitô vào đời mình. Qua
Clovis, cả nước Pháp được hưởng nhờ ơn cứu độ từ đó.
Mỗi năm, trong những
ngày Mùa Vọng, người ta thường lấy những lời sau làm câu sửa mình:
“Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng
để Người đi.
Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp,
khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.
Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”
Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp,
khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.
Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”
(Lc 3, 4 -6)
Hãy bỏ thói kiêu
căng như núi cao mà hạ mình khiêm tốn như đất thấp. Hãy san bằng ganh ghét hận
thù như hố sâu ngăn cách rồi lấy yêu thương mà lấp đầy, chuẩn bị lòng dạ trong
sạch để xứng đáng đón Chúa Giáng Sinh. Những lời khuyên này nghe cũng hợp lý và
tốt là đàng khác. Nhưng nếu tôi làm được như vậy thì như Phaolô nói với dân
Galat rằng: “Nếu con người tự công chính mình được thì quả Đức Kitô đã chết
một cách vô lối!”
Cái
thời Isaia, cái thời Gioan tẩy giả chưa có nhà thờ, chưa có tòa giải tội thì
người ta sẽ dọn mình cho sạch để đi xưng tội ở đâu?
Ngày
Con Thiên Chúa đến trong thế gian, Kinh Thánh đã mạc khải bi đát thế này: “Ngài
đến nơi nhà của Ngài, mà người nhà đã không tiếp nhận Ngài”. Ơn cứu độ là
một ơn cho không biếu không và lớn lắm. Vì chúng ta không cục cựa được, chúng
ta chỉ còn bó tay chìm sâu trong khốn đốn của mãnh lực tội lỗi, nên Thiên Chúa
chạnh lòng xót thương. Kinh Thánh nói: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian
như thế đó, đến nỗi đã ban cho Con Một Ngài, để chết thay cho thế gian, để ai
tin vào Ngài thì khỏi hư đi”.
Vì
yêu thương mà Thiên Chúa đã bắt Con Ngài phải chết thay tội lỗi thế gian, thì
việc Thiên Chúa sai Con của Ngài đến để dọn đường, bạt lối, xẻ núi lấp sông, để
đến gặp người ta, cũng là điều hợp lý thôi.
Đức
Giêsu, Đấng Thiên Chúa cao sang vời vợi không núi nào sánh kịp, đã tự hạ mình
xuống tận đất thấp bằng con người. Con Thiên Chúa cao quý tinh tuyền mà tự hạ
xuống tận đất thấp bùn đen để mang lấy tội lỗi của tất cả chúng ta trên mình,
rồi chết tử hình như một tên tội phạm giữa hai tên cướp ác ôn.
Trong
sách tiên tri Isaia 45, 2: “Chính Ta, Ta đi trước mặt các ngươi, mọi gồ ghề
ta sẽ san phẳng”. Còn Lời Chúa trong sách tiên tri Baruc nói: “Bởi Thiên
Chúa đã quyết định phải hạ xuống mọi núi cao, và lấp đầy các thung lũng để làm
bằng mặt đất, ngõ hầu Israel bước đi vững chắc trong vinh quang Thiên Chúa”
(Br 5,7).
Loài
người trở thành xấu xa vì đã bỏ Thiên Chúa. Giữa tội lỗi và Thiên Chúa có một
hố ngăn cách không ai có thể lấp đầy. Chỉ có Đức Giêsu Kitô, khổ nạn thập giá và
phục sinh của Người mới có thể lấp đầy hố sâu đó. Chính Đức Giêsu đã kéo chúng
ta từ hố thẳm của thung lũng tối đen lên ngang bằng với Con Thiên Chúa, loài
người chúng ta có phải cúi xuống chút nào đâu mà gọi là khiêm tốn với sửa mình.
Tất cả đều là ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa.
Trong
Mùa Vọng này, chúng ta vọng là vọng cái tình thương này, mong là mong cái con
người Giêsu này. Ông già Simêon, Gioan Tẩy Giả và Đức Maria suốt đời các ngài
cũng chỉ có sự khát vọng đó thôi. Đó là gặp được con người Giêsu Kitô, dù chỉ
một lần trong đời mình là đủ rồi. Vì Thiên Chúa đã làm xong tất cả, làm đầy đủ
tất cả ơn cứu độ nơi Đức Giêsu. Phần mỗi người, chúng ta phải cộng tác với
Thiên Chúa. Cộng tác không phải chỉ bằng cố gắng luyện tập nhân đức, ăn ngay ở
lành, mà cộng tác với Thiên Chúa căn bản là mở rộng lòng mình ra, mở đời mình
ra đón nhận Đức Giêsu Kitô. Lúc ấy tôi sẽ thấy sự giàu có vô phương dò thấu của
Thiên Chúa nơi Con của Ngài, và tôi mới sống trọn cuộc đời mình với hết lòng
yêu mến, hết lòng tạ ơn Thiên Chúa trong vui mừng và bình an. Như thế là tôi đã
có một mùa Giáng Sinh hoàn hảo, và sau đó tôi hãy nghĩ đến chuyện đi xưng tội
rước lễ, hãy nghĩ đến chuyện hang đá máng cỏ, thánh ca giáng sinh... Vì tất cả
những việc sau muốn có ý nghĩa và giá trị thực sự thì phải xuất phát từ điểm
căn bản là gặp được Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa làm người trước đã.
Lạy Chúa Giêsu, chính Chúa vẫn ngày ngày mong đợi
trông chờ con, đặc biệt là nơi bí tích Thánh Thể, thế mà con có đến gặp Chúa
đâu. Con mong gặp bạn bè, gặp người yêu hơn mong gặp Chúa. Con đợi người đến
giúp đỡ, đợi một thùng quà, đợi một cơ hội làm ăn hơn là đợi Chúa. Con chờ được
lên lương, được thăng quan tiến chức hơn là chờ Chúa. Con có thật lòng mong đợi
trông chờ Chúa đâu, nhưng chính Chúa mong đợi trông chờ con đến với Chúa từng
phút từng giây. Chúa khát khao mòn mỏi đợi chờ con, xin cho con biết đáp lại
lời mời gọi khẩn thiết này Chúa nhé!
Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS