Danh nhân thế giới _ Baden Powell

BADEN POWELL
(Sir ROBERT STEPHENSON SMYTH)
Một danh tướng Anh quốc, đồng thời là nhà sáng lập Phong trào hướng đạo thế giới (1857-1941)
TIỂU SỬ VÀ CÔNG NGHIỆP:
MỘT NHÀ TƯỚNG LỖI LẠC
Baden Powell sinh tại Luân đôn trong một gia đình đông con. Tiên sinh là con thứ 6 và cũng là con út. Thân sinh là một giáo sư Vật lý và là một nhà thần học danh tiếng với nhiều tác phẩm giá trị, nhưng tiên sinh không được may mắn vì mới 3 tuổi, tiên sinh đã phải chịu cảnh côi cút…
-         Năm 1876, tiên sinh nhập học trường Võ bị, xuất sắc về Kỵ binh lẫn Bộ binh. Đời sống chiến sĩ rất hợp với sở thích riêng của tiên sinh vì tiên sinh có óc phiêu lưu, mạo hiểm nên sau khi ra trường (1878) với cấp Trung úy gia nhập các đoàn viễn chinh qua Á rồi qua Phi châu.
-         Năm 1883, tiên sinh lại về Ấn độ với cấp bậc cao hơn là Đại úy, rồi sau đó giữ những địa vị quan trọng mãi đến năm 1889 thì dự trận chống quân dấy loạn Boers ở Phi châu.
-         Năm sau, tiên sinh vinh thăng Đại tướng, nhà tướng trẻ nhất (43 tuổi) của lịch sử Anh quốc.
Trong chiến tranh giữa dân Boers và quân Anh quốc, tiên sinh đã dùng một mưu lược kỳ lạ đối với lúc bấy giờ: với một lực lượng không đầy 1.000 quân, Đại tá Powell đã cầm cự với 9.000 quân Boers trong 217 ngày chờ quân tiếp viện. Tiên sinh đã dùng đủ mưu lược để đánh lừa địch như đặt mìn chỗ này, cho nổ súng chỗ nọ, làm cho quân địch tưởng chiến địa đâu đâu cũng được bố trí cẩn mật và quân số của tiên sinh cũng đông đảo không kém. Tiên sinh có thể chế ra được một số rất ít đèn nhưng số đèn này đã được luân phiên đem đi chiếu nhiều nơi làm như góc trời nào cũng có đèn chiếu. Tiên sinh cũng có chế ra lựu đạn bằng lon thiếc,… và đặc biệt hơn hết là tiên sinh đã khéo nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu dẻo dai, dũng cảm, kỷ luật của toàn thể binh sĩ.
Nhờ đó mà tiên sinh cầm cự được lâu dài cho đến ngày được tiếp viện rồi chiến thắng. Hòa bình vãn hồi, Nữ hoàng Anh quốc phong cho tiên sinh chức Đại tướng (1900) như đã nói như trên.
 Năm 1903, tiên sinh được cử giữ chức Thanh tra Tổng kỵ binh…
CHA ĐẺ PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI
Sau vụ bình định cuộc nội loạn dân Boers nói trên, tiên sinh về thăm quê hương. Điều làm tiên sinh đau lòng là thấy cảnh thanh niên Anh quốc lang thang, bê tha dọc phố xá, sống vô tư, vô vị, có thể sa ngã vào tội lỗi bất cứ lúc nào. Tiên sinh cho rằng những phần tử ấy có thể trở nên những công dân xứng đáng nếu ai biết cách dìu dắt họ…
Những năm ở Phi châu và Ấn độ, tiên sinh đã quen sống trong cảnh núi cao, rừng rậm nên tiên sinh cũng thu thập được môt số kinh nghiệm quý báu để chiến thắng hoàn cảnh và đào tạo con người có óc tự lập, tinh thần tháo vát để xoay sở cho riêng mình lúc cần và để phụng sự tập thể.
Tiên sinh sắp được thăng chức Thống tướng, một chức vụ cao nhất trong quân đội thì bỗng nhiên tiên sinh lại xin từ chức, từ bỏ địa vị, bổng lộc,… vì tiên sinh cảm thấy mình có một sứ mệnh phải hoàn thành: ấy là sự cải tạo lại thanh niên của xứ sở, bước đầu của Phong trào Hướng đạo Thế giới vậy.
Tiên sinh bắt tay vào việc ngay: vào tháng 5.1907 tiên sinh đưa 22 thanh niên đi cùng tiên sinh đến đảo Brownsea, ngoài khơi Anh quốc, để tạo một thí điểm cho chương trình của tiên sinh đã dự bị. Tiên sinh bày cho những thanh niên này lối sống tập thể, chỉ cách tự lo lấy bữa ăn của mình giữa trời, dạy cách thức đi điều tra, thám hiểm, cách tiến, cách lùi, ngụy trang, đồng thời cách chiến đấu để tự vệ lúc cần,… Đối với tuổi trẻ, nếp sống mới này rất hấp dẫn và thu hút được nhiều cảm tình nên chuyến thí nghiệm này rất thành công.
Rút kinh nghiệm ở những cuộc sinh hoạt như thế này, sau đó không lâu, tiên sinh đặt ra bản nội quy về sinh hoạt, lấy khẩu hiệu “Hãy sẵn sàng” (Be prepared) cùng với những câu tuyên thệ cho những người mới gia nhập phong trào: “Tôi xin thề trên danh dự làm tròn bổn phận tôi đối với Chúa và Vua, tôi sẽ tận dụng khả năng tôi để giúp đỡ đồng bào bất kỳ với giá nào. Tôi đã thông thạo luật Hướng đạo và quyết tâm tôn trọng”.
Và phong trào này cũng được tiên sinh chính thức thành lập vào tháng 8 năm 1907.
Luật hướng đạo dựa trên những nguyên tắc Trung thực, Tận tâm, Lễ độ, Vui tính, Tiết kiệm cùng một số đức tính khác.
Chính tiên sinh đặt ra lối đồng phục của Hướng đạo rất đơn giản, rẻ tiền để ai cũng có thể mua sắm được: Quần ống ngắn (short), sơmi kaki, nón rộng vành.
Năm 1908, tiên sinh phát hành cuốn Eclaireurs (Hướng Đạo Sinh) trong đó tiên sinh trình bày toàn bộ ý kiến của tiên sinh về tôn chỉ và tổ chức của phong trào. Chẳng bao lâu, phong trào tràn lan khắp Anh quốc và số thanh niên xin gia nhập phong trào mỗi ngày mỗi đông.
Cũng trong thời gian này, phái thanh thiếu nữ trong nước cũng bắt đầu đứng ra xin thành lập cho họ một tổ chức riêng. Cô Agnès, em ruột tiên sinh đứng ra điều khiển phong trào. Mấy năm sau, vì phong trào phát triển mạnh, bà Baden Powell đã phải góp sức vào.
Ngày nay có độ trên 9 triệu nam và 6 triệu nữ của trên 84 quốc gia đang hoạt động trong phong trào Hướng đạo.
Để nuôi dưỡng phong trào, để phong trào có một lý thuyết vững chắc, tiên sinh đã phải viết lách nhiều, nhất là những sách về Hướng đạo, sách khuyên tuổi trẻ nên tìm cách gần Thiên nhiên nhiều hơn.
Những người hợp tác đắc lực với tiên sinh, ngoài cô em Agnès, Baden Powell phu nhân, còn một người thứ ba có công nhất trong công việc thiết lập và điều hành ngành chuyên môn Hướng đạo. Đó là bào huynh của tiên sinh, ông Warrington Baden Powell, cựu sĩ quan Thủy quân.
Đại gia đình Hướng đạo Thế giới đã tổ chức họp bạn nhiều lần từ 1920 đến nay.
Trong cuộc họp đầu tiên năm 1920, tại Luân đôn, có hướng đạo sinh của nhiều quốc gia tham dự, tiên sinh được bầu giữ chức Thủ lĩnh Huynh trưởng đầu tiên của Phong trào Hướng đạo thế giới.
Cuộc họp thứ hai vào năm 1924 tại Copenhague (Đan mạch) có 40 nước tham dự và cuộc họp mặt thứ ba tại Birkenheod (Phần lan).
Năm 1936, tiên sinh được ân thưởng Bắc đẩu bội tinh…
Tiên sinh qua đời ngày 8.1.1941, hưởng thọ 84 tuổi, tại Phi Châu, ở núi Kenya, nơi tiên sinh đã đem gia đình về ở để dưỡng già trong cảnh rừng núi u tịch.
VÀI DÒNG KẾT LUẬN:
Baden Powell là một trong những nhân vật có công xây dựng Thế giới hiện đại. Tiên sinh là một tấm gương sáng về gan dạ, dũng cảm, sáng kiến, nhẫn nại, tháo vát… tóm lại tất cả những đức tính quý báu cần cho con người để chiến thắng những hoàn cảnh khó khăn…
 Nhưng điều quý hoá hơn nữa là tiên sinh biết biến những sở trường của mình thành một thuyết, thành một chủ nghĩa lành mạnh gây được nhiều ảnh hưởng tốt trên Thanh niên:
-         Đối với nhiều thanh niên nam nữ, sự tham gia vào sinh hoạt của phong trào Hướng đạo đã giúp họ trở nên những phần tử ưu tú…
-         Đối với những em hư hỏng, phong trào cũng giúp, nếu không nói là cứu vớt, họ trở về với con đường sống vui vẻ, trẻ trung, nghĩa là trở về với hy vọng, với tương lai.
-         Không một thanh niên nam nữ nào vào Hướng đạo đoàn mà không trở nên một người tốt với phương diện này hay về phương diện nọ.
-         Tất cả hướng đạo sinh đều được chuẩn bị về nhiều phương diện để vào đời mạnh dạn hơn, do đó dễ thành công hơn.
Thiết tưởng bấy nhiêu chuyện cũng là một công nghiệp lớn đối với cái ‘Thế giới buồn thảm này’ (Einstein)