Chân phước JOSEPHINE
LEROUX
Lược sử
Josephine là một nữ tu
dòng Thánh Clara Khó Nghèo ở Valenciennes, nước Pháp, vào thời Cách Mạng Pháp bắt
đầu. Ngài buộc phải trở về gia đình khi nhà dòng được lệnh giải tán. Trong thời gian đàn áp các cộng đồng
tôn giáo, quân đội Áo chiếm được thành phố này. Vì tu viện bị phá hủy, nên ngài
phải gia nhập cộng đoàn của các nữ tu Ursulines.
Khi lực lượng cách mạng tái chiếm thành phố này, Josephine bị bắt về tội phản quốc.
Quân cách mạng kết án tử
hình ngài vì cho rằng ngài đã phạm luật
khi vẫn tiếp tục đời sống tu trì dù có lệnh cấm. Sau khi được rước Mình Thánh, ngài đi theo tên lý hình trong khi
miệng hát bài thánh ca. Ngài cất tiếng tha lỗi mọi người và hôn tay tên lý
hình. Ngài được tử đạo ngày 23-10-1794.
Suy niệm 1: Giải tán
Josephine buộc phải trở về gia đình khi nhà
dòng được lệnh giải tán.
Lệnh giải tán nhà dòng có chủ ý không còn sự
hiện diện của các nữ tu nữa một khi họ trở về gia đình để sống lối sống của một
giáo dân. Kết quả xem ra cũng rất khả quan vì nhiều người đã rút lui khi thấy một
tương lai mờ mịt trước mắt, bên cạnh những lôi cuốn của thế gian. Nhưng riêng
ngài thì không. Môi trường tu trì không còn, nhưng tinh thần tu trì thì không
ai giải tán được. Ngài nuôi dưỡng để rồi tiếp tục bằng việc gia nhập cộng đoàn
của các nữ tu Ursulines, khi cơ hội đến.
Cũng thế chính khi bị quản thúc, Galilê đã
dành trọn thời gian cho một trong những tác phẩm tốt nhất của ông “Hai khoa học
mới”. Ở đây ông đã tóm tắt công việc mà ông đã làm trong khoảng 40 năm, về hai
khoa học hiện được gọi là “động học và sức bền vật liệu”. Cuốn sách này nhận được
sự đánh giá cao từ Albert Einstein. Nhờ tác phẩm này, Galilê thường được gọi là
“người cha của vật lý hiện đại”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng gục
ngã trước nghịch cảnh, nhưng biết vận dụng để tiến xa hơn.
Suy niệm 2: Nữ tu Ursulines
Josephine gia nhập cộng đoàn của các nữ tu
Ursulines.
Hội dòng Ursuline được thành lập vào năm 1920
tại Ba Lan do Thánh M. Ursula. Linh đạo nhằm đến việc chiêm ngưỡng tình yêu cứu
độ của Chúa Kitô và tham dự vào sứ vụ của Người bằng những dự án giáo dục và phục
vụ người khác, nhất là thành phần đau khổ, cô đơn và bị bỏ rơi đang tìm kiếm ý
nghĩa cuộc đời. Thánh nhân huấn luyện các chị em của mình trong việc yêu mến
Thiên Chúa trên hết mọi sự, và tìm kiếm Người nơi hết mọi con người cũng như nơi
tất cả Tạo sinh.
Hội dòng này đã phát triển nhanh chóng. Các cộng
đoàn nữ tu Ursulines ở Ba Lan cũng như ở các ranh giới phía đông xứ sở này là
những nơi nghèo nàn, đa chủng và đa giáo được thiết lập. Năm 1928, Nhà Mẹ đã được
thiết lập ở Rôma cùng với một nhà trọ cho những em gái không được may mắn về
kinh tế, để giúp cho họ có cơ hội giao tiếp với sự phong phú về tinh thần và
tôn giáo giữa lòng Giáo Hội và nền văn minh Âu Châu. Các nữ tu bắt đầu hoạt động
ở những khu ngoại ô Rôma nghèo nàn. Năm 1930, các nữ tu dòng này đã đi theo những
người em gái đi tìm việc làm và thiết lập ở Pháp. Bất cứ nơi nào có thể thì vị
thánh đều thiết lập những trung tâm giáo dục và dạy nghề. Ngài đã gởi các nữ tu
đi dạy giáo lý và hoạt động ở những khu vực nghèo khổ trong thành phố.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các nữ tu thánh thiện
biết dùng đời mình để giảm bớt nỗi khốn cùng của bao người thiếu may mắn.
Suy niệm 3: Bắt
Josephine bị bắt về tội
phản quốc.
Khi đối chất với những người
lính đến bắt, ngài thật điềm tĩnh nói: "Để bắt một phụ nữ yếu đuối như tôi
thì đâu cần phải mất nhiều công sức như vậy." Và ngài thản nhiên lấy nước,
bánh trái mời họ ăn, sau đó theo họ đến nhà tù.
Một mẫu gương đã được Đức
Giêsu để lại. Tại vườn Giếtsêmani, trước câu trả lời xác minh của Ngài, toán
lính đến bắt đều té nhào xuống, (Ga 18,6) nhưng Ngài cho họ trổi dậy và cho họ
bắt trói. Rồi Mankhô bị Phêrô dùng gươm chém đứt tai thì cũng được Ngài chữa
lành ngay (Ga 18,10).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
xác tín về “giờ” của Chúa để không làm gì trái Thiên Ý.
Suy niệm 4: Phạm luật
Quân cách mạng kết án tử hình Josephine vì cho
rằng ngài đã phạm luật khi vẫn tiếp tục đời sống tu trì dù có lệnh cấm.
Đúng là lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng, vì xét
cho cùng thì ngài đâu có phạm luật. Khi họ đang nắm quyền thì chỉ có lệnh giải
tán nhà dòng, chứ đâu ra luật cấm tu trì, cho dầu tiềm tàng ý đồ đó, mà ẩn ý
thì đâu được xem là luật, vì luật chỉ có hiệu lực sau khi được ban hành và công
bố với thời gian chính xác.
Đàng khác khi ngài gia nhập cộng đoàn của các
nữ tu Ursulines, tình thế đã đổi thay. Lúc bấy giờ quân đội Áo đã chiếm được
thành phố này, nghĩa là quyền bính đã không còn thuộc vào tay họ nữa mà thuộc về
quân chiến thắng là quân đội Áo với một chính sách khác vốn không duy trì luật
cấm tu trì của quân đội Cách Mạng Pháp. Như thế ngài đâu có phạm luật.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dù bị đối
xử bất công, nhưng vẫn không xử đối lại với họ như thế.
Suy niệm 5: Mình Thánh
Sau khi được rước Mình Thánh, Josephine đi
theo tên lý hình.
Giáo Luật điều 897 viết: Bí Tích Thánh Thể là
bí tích cao trọng nhất trong đó Chúa Giêsu hiện diện, tự hiến và trở nên lương
thực, nhờ đó Giáo Hội tiếp tục được sống và tăng trưởng.
Theo những lời trên, ta hiểu rằng: Nhờ Mình
Thánh Chúa, con cái Giáo Hội được “sống” và “lớn lên” trong Chúa. Nói ngược lại,
không có Thánh Thể Chúa, linh hồn ta sẽ “yếu đuối, còm cõi, và chết”. Chúa đã
phán: “Ai ăn Thịt Ta sẽ sống muôn đời” (Ga 6,58).
Thấu hiểu thế nên Josephine đã rước Mình Thánh
như một lương thực giúp ngài an lòng tiến bước, vượt qua cái chết phần xác để
chiếm hữu sự sống đời đời.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cảm nhận được
giá trị của Mình Thánh để chuyên cần đi lễ và dọn mình xứng đáng rước lễ.
Suy niệm 6: Tử đạo
Josephine được tử đạo ngày 23-10-1794.
Thái độ của ngài đối diện
với cái chết thật kiêu hùng và sáng chói như họa lại những tấm gương anh dũng được
ghi lại trong Thánh Kinh.
Ngài đi theo tên lý hình
trong khi miệng hát bài thánh ca, chẳng khác nào như ba trẻ Sátrác, Mêsác và Avếtnơgô
thời tiên tri Đaniel giữa ngọn lửa, họ vừa đi lại, vừa ngợi khen chúc tụng
Thiên Chúa (Đn 3,24).
Ngài cất tiếng tha lỗi mọi
người theo gương Đức Giêsu trên thập giá (Lc 23,34) cũng như Têphanô, vị tử đạo
tiên khởi (Cv 7,60).
Một nụ hôn được trao ban
trước khi chết dầu có chút sai biệt. Ngài hôn tay tên lý hình như bày tỏ tâm
tình biết ơn vị ân nhân đã giúp ngài sớm được về với Chúa, còn Đức Giêsu không
hôn nhưng đón nhận nụ hôn của Giuđa Ítcariốt như một dấu hiệu (Lc 22,48).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn sống thánh để đối diện với cái chết không bằng nỗi kinh sợ nhưng như một
niềm vui sướng.