Suy niệm hạnh thánh ngày _ 20/10

Chân phước JAMES STREPAR
 (c. 1409?)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Chân Phước James sinh trưởng trong một gia đình quý tộc ở Ba Lan. Ngài gia nhập dòng Phanxicô từ khi còn nhỏ, giữ nhiệm vụ quản lý ở tu viện Lvov và đã hòa dịu sự căng thẳng giữa các tu sĩ dòng và giáo sĩ địa phận. Ngài rất thích hoạt động cho người Chính Thống Giáo, và đã phục vụ họ trong một thập niên. Được sai đến miền tây nước Nga, ngài giữ nhiệm vụ đại diện cho các tu sĩ Phanxicô ở đây, ngài rao giảng phúc âm và hoạt động để giữ vững đức tin của người tín hữu.
Khoảng năm 1360, ngài giữ một vai trò trong nhóm truyền giáo đặc biệt, có tên là Lữ Khách Vì Đức Kitô, gồm các tu sĩ Phanxicô và Đaminh. Công việc rao giảng và tổ chức của Chân Phước James được coi là thành công. Sau đó ngài giữ nhiệm vụ Tổng Giám Mục Galich. Ngài rất bén nhạy về nhu cầu của người dân, nên thường trực tiếp đưa đề nghị lên quốc hội Ba Lan; bởi đó ngài có tước vị là "người bảo vệ vương quốc."
Ngài có lòng sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt. Ảnh của Đức Mẹ được khắc trên con dấu và trên nhẫn giám mục của ngài. Mỗi tối ngài đều cử hành nghi thức sùng kính Đức Mẹ ở nhà thờ hoặc bất cứ đâu ngài đến.
Sau 19 năm làm giám mục, Chân Phước James đã được phần thưởng nước trời. Ngài được chôn cất trong nhà thờ Phanxicô ở Lvov.
Suy niệm 1: Hòa dịu
Chân Phước James giữ nhiệm vụ quản lý ở tu viện Lvov và đã hòa dịu sự căng thẳng giữa các tu sĩ dòng và giáo sĩ địa phận.
Thấu hiểu bài học trường đời “căng quá hóa đứt” chỉ gây thảm họa cho sinh hoạt tại Giáo Hội địa phương như một gương xấu cho mọi thành phần dân Chúa cũng như những người không đồng tín ngưỡng, ngài xâm mình đảm nhiệm công việc hòa dịu sự căng thẳng giữa các tu sĩ dòng và giáo sĩ địa phận.
Sự căng thẳng đúng ra không thể xảy ra vì không cùng chung lãnh vực hoạt động, một bên thuộc phạm vi của nhà dòng và bên kia thuộc bình diện giáo xứ. Tuy nhiên tình trạng căng thẳng nảy sinh có thể phát xuất từ thái độ quản trị quá nghiêm khắc của các vị chủ chăn đã khiến nhiều tín hữu chạy tìm đến các vị tu sĩ dòng vốn hiền dịu và cởi mở vì không phải mang lấy trách nhiệm, để xin những lời khuyên bảo cho đời sống đạo. Và thế là có sự đụng chạm giữa các vị.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con mặc lấy tâm tình của Chúa trước các cuộc tranh chấp như thế (Mc 9,38-40).
Suy niệm 2: Chính Thống Giáo
Chân Phước James rất thích hoạt động cho người Chính Thống Giáo, và đã phục vụ họ trong một thập niên.
Vào năm 866, dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Nicôla I, Thượng Phụ Giáo Chủ Phôtius được xem là Tổ Phụ của Ly Giáo Đông Phương với chủ trương: Phủ nhận Đức Chúa Thánh Thận bởi Đức Cha và Đức Chúa Con mà ra, Chỉ trích lễ nghi Rôma và luật độc thân giáo sĩ.
Vào năm 1504, dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Lêô IX, Thượng Phụ Giáo Chủ Micae Celarius vốn có óc kỳ thị Giáo Hội La Tinh và hận thù Argyros, nên đã kích lễ nghi và phong tục La Tinh, việc dùng “bánh không men”, chủ trương Bí Tích Thánh Thể bên La Tinh là một sự sai lầm và giả dối. Đức Hồng Y Humbert thay mặt Đức Giáo Hoàng ra vạ tuyệt thông vào ngày 18/7/1504.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp cho mọi người được hiệp nhất nên một.
Suy niệm 3: Đại diện
Được sai đến miền tây nước Nga, Chân Phước James giữ nhiệm vụ đại diện cho các tu sĩ Phanxicô ở đây.
Ngài đến nước Nga với bầu khí Chính Thống Giáo đang hưng thịnh sau mấy trăm năm hoạt động, dầu chưa chính thức ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo Rôma, vì sự kiện này chỉ xảy ra sau này với án vạ tuyệt thông.
Vai trò một vị đại diện trong hoàn cảnh ấy thật tế nhị và khó khăn. Nhưng ngài lại được tuyển chọn, có lẽ nhờ ngài có lòng yêu thích hoạt động cho người Chính Thống Giáo, và nhất là ngài được nổi danh trong quá khứ về việc hòa dịu sự căng thẳng giữa các tu sĩ dòng và giáo sĩ địa phận ở Lvov.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị đại diện hoàn thành chức vụ khó khăn và tế nhị của các ngài.
Suy niệm 4: Tổng Giám Mục Galich
Chân Phước James giữ nhiệm vụ Tổng Giám Mục Galich.
Ngài là tổng giám mục nhưng không giống như các giám mục khác trong thời ấy. Ngài thích mang y phục dòng Phanxicô hơn là phô trương bề ngoài và đi chân đất.
Ngài xây dựng một vài nhà thờ mới ở những nơi hẻo lánh và bổ nhiệm các linh mục kinh nghiệm từ Ba Lan đến hoạt động; ngài cũng thành lập các dòng tu, xây cất trường học, và bệnh viện. Ngài rất bén nhạy về nhu cầu của người dân.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị Tổng Giám Mục luôn biết bén nhạy về nhu cầu của đàn chiên.
Suy niêm 5: Người bảo vệ vương quốc
Chân Phước James có tước vị là "người bảo vệ vương quốc."
Lý do là ngài rất bén nhạy về nhu cầu của người dân, nên thường trực tiếp đưa đề nghị lên quốc hội Ba Lan. Ngài thừa hiểu một đất nước không thể không có dân cũng như cây nào cũng phải có gốc, gốc có vững thì cây mới bền. Ngài bảo vệ dân cũng có nghĩa là ngài bảo vệ vương quốc.
Thật ra tư tưởng dân là gốc nước không phải là vấn đề mới mà đã được người xưa nêu ra từ lâu. Khó cò thể liệt kê đầy đủ các nhà tư tưởng, các triết gia, hay những học thuyết đông tây kim cổ đã coi dân là gốc của nước, đề cập đến vai trò dời non lấp biển của nhân dân.
Từ thời Cổ Đại, người Hy Lạp đã cho rằng dân chủ có nghĩa là chính quyền thuộc về nhân dân (dân chủ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp: “demos” có nghĩa là nhân dân và “kratos” có nghĩa là quyền lực) và hoạt động của nền dân chủ Athens thời Cổ Đại (cuối thế kỷ V và đầu thế kỷ VI trước Công Nguyên) là một minh chứng sống động về vai trò to lớn của nhân dân. Herodote (480-425) cũng đã khẳng định quyền lực trong xã hội là thuộc về Dân. Ở phương Đông, tư tưởng Dân duy bang bản (Dân là gốc nước), Dân vi quý (Dân là quý), Quân dĩ Dân vi Thiên (vua lấy Dân làm Trời) đã được nhắc đến nhiều trong Nho Giáo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các nhà lãnh đạo đạo đời đều luôn lưu tâm đến nhu cầu của quần chúng nhân dân.
Suy niêm 6: Sùng kính Đức Mẹ
Chân Phước James có lòng sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt.
Ảnh của Đức Mẹ được khắc trên con dấu và trên nhẫn giám mục của ngài. Mỗi tối ngài đều cử hành nghi thức sùng kính Đức Mẹ ở nhà thờ hoặc bất cứ đâu ngài đến.
Đức Hồng Y Joseph Ratzinger nay là Đức Bênêđitô XVI nêu lên một trách vu ba chiều để giáo dục lòng sùng kính Đức Mẹ:
- Cần phải duy trì tính đặc thù trong lòng sùng kính Đức Mẹ bằng cách giữ các thực hành của nó luôn luôn gắn bó chặt chẽ với kitô học. Nhờ thế cả hai sẽ khai triển được những hình thức đúng đắn.
- Lòng sùng kính Đức Mẹ không nên mất hút để chỉ còn là một khía cạnh phiếm diện trong mầu nhiệm Chúa Kitô, càng không nên thu gọn mầu nhiệm ấy vào các khía cạnh phiếm diện của chính nó. Nó cần mở cửa chào đón toàn bộ chiều rộng của mầu nhiệm và trở thành một phương tiện cho cái chiều rộng ấy.
- Lòng sùng kính Đức Mẹ phải luôn đứng trong sức sống giữa lý tính thần học và cảm tính lòng tin. Đó là một phần trong yếu tính của nó, và trách vụ của nó là không được để cho bất cứ khía cạnh nào trong hai khía cạnh ấy chết yểu. Cảm tính không được phép tự dẫn mình tới chỗ quên mất sự tỉnh táo của lý trí (ratio), mà sự tỉnh táo của đức tin có lý này cũng không được phép bóp nghẹt trái tim,là cái đôi khi nhìn rõ hơn cả lý trí đơn thuần, không phải là vô nghĩa khi các giáo phụ hiểu Mt 5,8 như là tâm điểm cho nhận thức luận của các ngài “Phúc cho ai có trái tim trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa”. Cái cơ phận được thấy Thiên Chúa là trái tim tinh lọc. Trách vụ của lòng sùng kính Đức Mẹ có lẽ hệ ở việc đánh thức trái tim và tinh lọc nó trong đức tin. Nếu nỗi khốn cùng của con người hiện đại là việc họ ngày càng phân mảnh chỉ còn là sự sống (blos) hay chỉ còn là lý trí, thì lòng sùng kính Đức Mẹ, khi đi ngược lại sự phân mảnh trên, sẽ giúp họ tìm lại được sự hiệp nhất tại tâm điểm từ trái tim mình.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống lòng sùng kính Đức Mẹ đúng theo sự chỉ đạo của Vị Chủ Chăn Tối Cao.