Tĩnh tâm với đức tin

Phần 1

Các bài giảng

Tĩnh tâm với đức tin

Tháng 12 năm rồi, 1989, dịp ghé Pháp, tôi có trao đổi với mấy Ðức Cha bên đó về vấn đề thánh hoá linh mục. Khi đề cập đến tĩnh tâm linh mục, toi hỏi một Ðức Cha. Tại giáo phận Ngài, cuộc tĩnh tâm hằng năm cho linh mục được tổ chức thế nào? Ngài thưa: Ghi danh tự do. Tôi hỏi: Thực tế bao nhiêu phần trăm tới dự? Ngài thưa: Năm nay không tới một nửa.

So sánh tình hình ở đó với quang cảnh nhiệt tình ở đây, tôi thấy anh em đang cho tôi nhiều cảm tưởng tốt. Tôi nghĩ rằng chúng ta đến đây vì niềm tin và với niềm tin. Tin Chúa và tin nhau, mặc dầu tin Chúa vẫn nhiều hơn là tin nhau. Thiết tưởng đó là khởi đầu tốt. Nhờ đức tin, chúng ta sẽ nhìn thấy rõ Chúa đang đến với ta trong những ngày này. Nhờ đức tin, chúng ta sẽ có được những chuyển biến tâm hồn, hợp với ý Chúa. Ðức tin là ánh sáng của tuần tĩnh tâm. Ðức tin là bầu khí của tuần phòng này. Vì thế, ngay từ ngày đầu, tôi xin gửi đến anh em một vài gợi ý về đức tin thiết tưởng cần cho người giáo sĩ tĩnh tâm.

Thứ nhất, đức tin phải rất đơn sơ

Ðức tin đơn sơ nói đây được hiểu thế nào? Thưa, tất nhiên không phải là tuyên xưng những giáo điều, cũng không phải là chấp nhận hệ thống chân lý cứu rỗi, mà chính là sự gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.

Ta đến với Chúa. Ta nhìn Chúa, ta thưa với Chúa: Lạy Chúa, con đây. Rồi ta ở lại bên Chúa, yêu mến tạ ơn Chúa và lắng nghe Chúa. Tin như thế chính là gặp gỡ.

Ðây là cuộc gặp gỡ thân mật giữa kẻ được gọi với Ðấng đã gọi mình, giữa kẻ được sai đi với Ðấng đã sai mình, giữa kẻ được yêu thương với Ðấng từng yêu thương mình. Tin trở thành đơn sơ như hai đôi mắt trao nhau tình thương và tín nhiệm.

Ta biết vì yêu thương, Chúa đã gọi ta vào đời, và một cách nào đó ta đã thưa: Lạy Chúa, con đây. Ta biết, vì yêu thương, Chúa đã gọi ta vào Hội Thánh, và qua cha mẹ một cách hết sức đơn sơ, ta đã thưa: Lạy Chúa, con đây. Ta biết, vì yêu thương, Chúa đã gọi ta vào cuộc sống tu trì, và một cách thơ ngây, ta đã thưa: Lạy Chúa, con đây. Ta biết, vì yêu thương, Chúa đã gọi ta lên chức linh mục, và với tất cả ý thức trách nhiệm ta đã thưa: Lạy Chúa, con đây. Ta biết, vì yêu thương, Chúa đã sai ta đến những địa chỉ nhất định, và với lo âu và hy vọng, ta đã thưa: Lạy Chúa, con đây. Hôm nay, Chúa gọi ta vào tuần tĩnh tâm, và với tâm tình cảm tạ ta thưa: Lạy Chúa, con đây.

Như vậy, cuộc sống đức tin là một hành trình của tình yêu thương. Nhìn về hành trình ấy, ta thấy rất rõ Chúa lớn lao hơn hết mọi sự, hơn trí khôn ta, hơn ý chí ta, hơn mọi hệ thống tư tưởng triết học, thần học, hơn cả Hội Thánh. Ta cũng thấy rất rõ Chúa mạnh hơn tất cả mọi sự, hơn tình yêu của ta, hơn tội lỗi của ta, hơn tất cả những yếu đuối của ta. Tin trở thành phó thác như đứa trẻ đơn sơ nắm chặt bàn tay cha mẹ mình. Với đức tin đơn sơ như thế, chúng ta sẽ dễ được Chúa dắt đi trong những ngày hồng phúc này.

Thứ hai, đức tin phải rất khiêm nhường

Ðức tin khiêm nhường nói đây có nghĩa thế nào? Thưa có nghĩa là người có đức tin rất xác tín và hiểu biết đức tin của mình là một ân huệ Chúa ban nhưng không. Ta học hỏi về Chúa, nhưng ta không cho rằng đức tin hôm nay của ta là kết quả công lao học hỏi của ta. Ta bảo vệ đức tin, nhưng ta không cho rằng, đức tin hôm nay của ta là do công sức phấn đấu của ta.

Vì nhận biết đức tin là một ân huệ Chúa ban cho mình, nên ta cảm tạ Chúa hết lòng. Ðồng thời ta rất thông cảm với những người không tin. Chính ta bao lần đã bị chao đảo trên hành trình đức tin, nên ta rất thương những người đã xa lìa đức tin, hoặc không còn tha thiết gì lắm với đức tin.

Những thừa tác viên của đức tin ở bất cứ chức vụ nào, nên rút ra bài học khiêm nhường về đức tin từ những biến cố đời mình. Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi, người được Chúa trao trách nhiệm gìn giữ kho tàng đức tin, cũng đã phải học những bài học khiêm nhường về đức tin từ những việc xảy ra cho chính mình. Ngài suýt bị chết đuối khi đi trên biển để đến với Chúa. Nhưng xem ra ngài đã bị chết đuối trên cạn, khi ngài chối Chúa ba lần. Những cái chìm đó cho ngài thấy rõ ngài chỉ là chiếc bình mỏng giòn. Trong chứa đầy ơn đức tin, nhưng bình vẫn mong manh dễ vỡ. Thêm vào nhận thức khiêm tốn đó, Chúa còn dạy cho ngài một nhận thức khiêm tốn khác, đó là có những người ngài cho là ghê tởm nên xa tránh cũng được Chúa Thánh Thần ban ơn đức tin như đã ban cho ngài. Bài học đó xảy ra ở Gioppê. Tưởng nên nhắc lại vắn tắt. Thánh Phêrô đang cầu nguyện thì thấy một bao lớn từ trời thả xuống. Trong bao đó, có rắn rết, chim muông, ác thú. Bỗng có tiếng từ trời phán: Hãy giết mà ăn. Phêrô thưa: Tôi không dám ăn, vì đây toàn là những thứ dơ nhớp bẩn thỉu. Tiếng từ trời đáp lại: Sự gì Thiên Chúa cho là sạch, thì đừng gọi là dơ bẩn. Chiếc bao được kéo lên. Rồi lại thả xuống. Rồi lại đối đáp như trước. Rồi chiếc bao lại được kéo lên, lại thả xuống, lại đối đáp như trước. Có nghĩa là thánh Phêrô vẫn không đổi quan điểm. Liền đó, có ba người từ Xêsarêa đến, xin thánh Phêrô đi với họ, đến thăm những người ngoại giáo ở đó. Tới nơi, khi Phêrô vừa bắt đầu nói, thì Thánh Thần ngự xuống trên những người ngoại giáo ấy. Thấy thế, Phêrô kết luận: Thì ra Thiên Chúa cũng ban cho họ cũng một ơn như đã ban cho chúng ta là những kẻ tin vào Ðức Kitô (x. Cv 11)... Có nghĩa là kẻ rao giảng và bảo vệ đức tin không được coi mình là độc quyền về ơn Chúa Thánh Thần. Khiêm nhường là ở nhận thức đó. Và sự khiêm nhường ấy sẽ giúp người tông đồ cởi mở tâm hồn mình về phía Chúa và về phía mọi người, kể cả những người mình tự nhiên có cảm tưởng là không tốt. Với đức tin khiêm nhường như thế, chúng ta sẽ dễ được Chúa Thánh Thần soi dẫn trong những ngày tĩnh tâm này.

Thứ ba, đức tin phải rất yêu thương

Ðức tin yêu thương được hiểu thế nào? Thưa được hiểu thế này: Người sống đức tin cần kính trọng yêu thương mọi người theo tinh thần Phúc Âm, bởi vì đức tin không có đức ái sẽ có giá trị gì? Hơn nữa, ơn đức tin thường được chuyển chở vào tâm hồn ta và tâm hồn kẻ khác qua các tuyến đường bác ái. Ðức tin có chiều kích xã hội, có yêu cầu liên đới.

Tôi không bao giờ có thể nghĩ được rằng: Chúa ban đức tin cho ta, để ta truyền bá và bảo vệ đức tin ấy bằng bất cứ cách nào, kể cả những cách trái với công bình bác ái. Tuy nhiên tôi vẫn lo ngại điều đó xảy ra cho Hội Thánh hôm nay, như đã xảy ra thời Chúa Giêsu. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cho thấy rõ cuộc xung đột gay gắt giữa hai quan điểm về bảo vệ và truyền bá đức tin. Một bên là cấp lãnh đạo tôn giáo chủ trương bảo vệ và truyền bá đức tin bằng mọi cách, kể cả cách kích động quần chúng ghét Chúa Giêsu, kết án Người đủ các tội đạo đời. Còn một bên là Chúa Giêsu luôn luôn giới thiệu đức tin bằng sự kiên trì khiêm tốn, nhịn nhục, tha thứ, hoàn toàn hiến dâng trọn vẹn chính mình, kể cả danh dự, uy tín và mạng sống cho Ðức Chúa Cha vì phần rỗi nhân loại. Thế nhưng, phe kích động lại được quần chúng đông đảo ùa theo. Còn Chúa Giêsu chỉ có vài người im lặng đứng bên thánh giá. Nhưng chính vì Chúa Giêsu nhất mực trung thành với hiền từ, khiêm nhường, bác ái cho đến cùng nên đức tin Người giảng trở thành đức tin tôn giáo, chứ không phải một cuồng tín hay một chủ nghĩa.

Có người đã hỏi tôi rằng: Giả sử lại tái diễn một cuộc xung đột như thế về đức tin, thì sẽ lấy tiêu chuẩn nào để phân biệt đúng sai? Tôi xin thưa rằng: Chúa Giêsu là Ðấng hiền lành, khiêm nhường, đầy tình thương. Còn Satan là kẻ độc ác, kiêu căng, đầy ghen ghét. Vì thế, ở đâu khuyến khích độc ác, kiêu căng, ghen ghét, ở đó có Satan. Trái lại, ở đâu khích lệ hiền từ, khiêm tốn, yêu thương, ở đó có Chúa, và tất nhiên có sự thực Phúc Âm.

Tôi nghĩ như vậy, nên tôi thấy rằng cách rất tốt để ta bồi dưỡng đức tin, đó là ta tích cực sống tình huynh đệ. Huynh đệ từ cái nhìn đối với nhau, cho đến tâm tư, thái độ, lời nói và suy nghĩ về nhau.

Tôi cũng nghĩ rằng: Hội Thánh có nhiều thứ ân sủng. Kẻ được ơn này, người được ơn kia. Những khác biệt sẽ bổ túc cho nhau. Tất cả cùng phục vụ lợi ích chung của Hội Thánh, tức là phần rỗi các linh hồn. Tới đây tôi nhớ tới vụ tranh luận về luật cắt bì. Ban đầu, thánh Phêrô đứng về phía dân Do Thái, còn thánh Phaolô đứng về phía bênh dân ngoại. Lúc đó, thánh Phêrô đã có thể nói với thánh Phaolô rằng: “Tôi được đặt làm đầu Hội Thánh. Hơn nữa, tôi đã sống bên Chúa Giêsu lâu năm. Còn ông, ông mới tòng giáo, ông lại là người đã bắt bớ đạo Chúa. Vì thế, ông nên tự biết mình không thể khôn ngoan hơn tôi và cũng không có ơn Chúa hơn tôi. Do đó, ý kiến ông muốn bãi bỏ luật cắt bì là sai”. Thế nhưng, sau khi cầu nguyện và tranh luận, thánh Phêrô đã thuận theo ý kiến thánh Phaolô. Bởi vì, cả hai đấng cùng nhìn về phía có tiếng gọi tha thiết của đức tin truyền giáo, và cả hai cùng nhìn nhau bằng con mắt đức tin huynh đệ, nhận biết ơn Chúa nơi anh em mình. Nhìn nhau và nhìn mọi hoạt động bằng con mắt đức tin, ta mới thấy đức ái, tình huynh đệ là dấu chỉ tất nhiên của một đức tin chính trực.

ù

Riêng tôi, tôi biết rằng, tôi đến với anh em là đến với những người đã và đang muốn sống đức tin đơn sơ, khiêm nhường và huynh đệ, nên tôi rất hy vọng sẽ được thông công vào sự sống thiêng liêng tốt đẹp ấy. Ðồng thời, tôi cũng mong những lời tôi chia sẻ ở đây sẽ được anh em tiếp thu như những thao thức chân thành nhất, phát xuất từ một tấm lòng khao khát sống trọn vẹn niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tất cả những bài giảng tuần tĩnh tâm này đều hướng về truyền giáo. Nội dung có thể sẽ giúp tái-truyền-giáo cho chính bản thân ta và cho cộng đoàn của ta, đồng thời chuẩn bị cho ta chia sẻ Tin Mừng cho đồng bào ngoài công giáo. Tôi mong sẽ được anh em thông cảm tha thứ, nếu tôi kể ra ở đây một chi tiết đời tôi, có liên quan đến việc chọn đề tài truyền giáo.

Tôi được sắc phong Giám Mục ngày 17/4/1975, và được thụ phong ngày 30/4/1975. Anh em biết, 30/4/1975 là một biến cố lịch sử. Ngày thụ phong Giám Mục, tôi nhìn thời điểm ấy là quá mới. Chức vụ Giám Mục của tôi cũng quá mới. Tôi đi lên phía trước với tâm trạng đầy lo âu. Một đêm, tôi chiêm bao thấy Chúa Giêsu. Lúc ấy, tôi đang đi trên một con đường quê bên cánh đồng bao la. Tới một quãng dốc, tôi thấy đàng xa có một người từ các đồng ruộng đi lên, bước về phía tôi. Tôi nhận ra Chúa Giêsu. Mặt Người uy nghi, hơi buồn, nhưng đầy nhân ái. Người dẫn tôi trèo lên dốc, vào một nhà thương lớn. Tôi thấy bệnh nhân nằm la liệt. Người và tôi đi qua hết dãy này sang dãy khác. Cảnh vô số người đau ốm làm tôi đau buồn. Tôi nhìn sang Chúa và cầu nguyện, thế là tôi thức tỉnh.

Những gì tôi thấy trong đêm ấy vẫn không ngoài phạm vi chiêm bao, nhưng lại có một ảnh hưởng lớn trong đời tôi. Bởi vì, nó tăng cường trong tôi ba nhận thức sau đây:

Thứ nhất, kẻ sai tôi đi và đồng hành với tôi trên đường truyền giáo là chính Ðức Kitô. Chính Người dẫn đưa và ban sức mạnh cho tôi, nhất là trên những quãng đường gian nan.

Thứ hai, cánh đồng truyền giáo tôi được sai đến là những con người phần đông cũng yếu đuối như tôi.

Thứ ba, loan báo Tin Mừng cho họ là cùng với Ðức Kitô đến với họ, chia sẻ với họ, để qua tình thương và lời cầu nguyện với thánh giá, ánh sáng cứu độ của Ðức Kitô sẽ đi vào tâm hồn họ.

Ba cảm nghĩ trên đây chẳng qua chỉ là những tiếng dội tâm lý của những thực sự Phúc Âm về truyền giáo. Nhưng chúng đã trở thành những hình ảnh rõ, những ấn tượng mạnh, những “bài ca không bao giờ quên”. Từ đó, đã khơi động những thao thức mãnh liệt về sứ mệnh truyền giáo.

Truyền giáo là việc Chúa Giêsu đã truyền dạy. Truyền giáo là việc Công Ðồng Vatican II đã khẳng định. Truyền giáo là việc Ðức Giáo Hoàng đương kim Phaolô II đang hối thúc.

Người tín hữu nào cũng có bổn phận truyền giáo. Riêng đối với giáo sĩ, truyền giáo là một nghiệp vụ chuyên trách, nó nằm trong bản chất chức linh mục: Bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc về bản chất là chuyện tối cần. Ðấng bồi dưỡng ta là Chúa Thánh Thần. Chúng ta là những người đóng góp.

Hôm nay, ở giữa anh em, tôi muốn chỉ là kẻ dọn đường. Tôi dọn đường bằng những chia sẻ. Tôi chia sẻ là tôi thân tặng anh em những suy nghĩ thuộc riêng tôi. Tôi thân tặng nhân danh Ðức Giêsu Kitô, trong sự hiệp thông với Chúa Thánh Thần, vì vinh quang Thiên Chúa Cha giầu lòng thương xót. Không lúc nào tôi cảm thấy mình yếu đuối bất lực cho bằng khi giảng, nhất là giảng cho các linh mục. Vì thế, tôi hết lòng cầu nguyện Mẹ Maria nhân lành nâng đỡ tôi và luôn ở giữa chúng ta. Mẹ Maria là vita, dulcedo et spes nostra, ora pro nobis. Amen.

Tuần tĩnh tâm Linh Mục giáo phận Tp. Hồ Chí Minh, năm 1990