MẸ NGUỒN CẬY TRÔNG,
CHƯA THẤY AI XIN MẸ VỀ KHÔNG
CHƯA THẤY AI XIN MẸ VỀ KHÔNG
Năm 1866, bức Linh Ảnh Đức Mẹ mang
tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp được Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Pio IX trao cho DCCT (Dòng Chúa Cứu Thế) với
nhiệm vụ quảng bá lòng sùng kính Đức Mẹ, bức Linh ảnh ấy đươc tôn kính tại đền
Thánh An Phong, đường Merulana, thành phố Roma, bên cạnh trụ sở trung ương của
Hội Dòng. Từ ngày ấy, mỗi bước chân Thừa Sai DCCT đi đến đâu cũng đều được đặt
dưới sự bảo trợ của Mẹ Hằng Cứu Giúp, cùng đi với các Thừa Sai, phiên bản bức
Linh ảnh được phổ biến khắp nơi.
Năm 1925, ba nhà Thừa Sai đầu tiên DCCT đặt chân đến Huế (Cha Larouche, cha Cusineau và thầy Barnabe), trong hành trang của các ngài có phiên bản bức Linh ảnh hay làm phép lạ. Cùng với sự hiện diện của bức Linh ảnh, các Thừa Sai đã nhanh chóng phổ biến các kinh nguyện cầu khấn cùng Mẹ, những lời kinh ngọt ngào, quen thuộc và thân thương với mỗi người dân Việt Công Giáo chúng ta đã được cất lên từ ngày ấy: “Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin che chở mọi kẻ thuộc về con, ban ơn phù hộ cho Đức Thánh Cha, cho Hội Thánh, cho nước con, cho gia đình con, cho kẻ thân nghĩa, kẻ thù nghịch và hết mọi kẻ khốn khó…”, ai trong chúng ta mà chẳng nhớ những lời kinh này.
Trong đời mục vụ,
chúng tôi có dịp đi đó đây khắp miền đất nước, từ những Nhà Thờ Chính Toà to lớn
đến những ngôi Nhà Nguyện bé nhỏ hun hút nơi vùng sâu, ở đâu chúng tôi cũng bắt
gặp phiên bản của bức Linh Ảnh nổi tiếng này, nhìn những bức ảnh được tôn kính
chúng tôi biết bước chân của cha anh chúng tôi đã từng đặt đến những nơi đây.
Chúng tôi thầm cảm tạ ơn Chúa cùng với sự khâm phục lòng nhiệt thành của cha
anh mình.
Câu chuyện “Đức Mẹ
lộ hình” tại La Mã Bến Tre là một điển hình. Ngày ấy, hơn 62 năm về trước (trước
năm 1950), giữa một vùng sông nước mênh mông, chiến tranh khốc liệt, bức Linh ảnh
Mẹ Hằng Cứu Giúp đã xuất hiện một cách lạ lùng (5.5.1950), kèm theo những phép
lạ tỏ tường (7.10.1950) để cứu vớt che chở người dân quê nghèo khốn khổ (tìm đọc
chuyện Đức Mẹ La Mã Bến Tre). Ngày nay ngôi Nhà Thờ đã được trùng tu, khuôn
viên Nhà Thờ đã được tu bổ, một con đường nhỏ ngang 4 mét vừa được xây dựng để
khách hành hương có thể đến với bức Linh Ảnh Đức Mẹ La Mã Bến Tre tương đối dễ
dàng, từ Sàigòn nếu di chuyển bằng xe 4 bánh chỉ cần hai tiếng đồng hồ chúng ta
đã có thể đến viếng thăm ngôi đền này (www.ducmelamabentre.com)
Trong bộ sưu tập về
bức Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp còn một chứng tích tuyệt vời khác nữa. Việt Nam
năm 1954, trong hành trình di cư của hàng triệu người từ miền Bắc vào Nam, có một
phóng viên đã chụp được cảnh đoàn người di cư, một người phụ nữ lam lũ gồng
gánh tất cả mớ gia sản nghèo nàn tả tơi của mình, vậy mà bà đã không quên mang
theo bức Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Bước chân bà sải đi vững chắc trong niềm
tin và cậy trông phó thác trên hành trình hướng về tương lai, ắt hẳn vì Mẹ Hằng
Cứu Giúp đang ở cùng bà, ở cùng gia đình bà.
Bức Linh ảnh người
phụ nữ xuôi Nam
năm ấy mang theo bây giờ ở đâu? Được tôn kính ở chốn nào chúng ta không có điều
kiện để tìm biết.
Thế rồi bây giờ
chúng tôi mới biết được thêm một câu chuyện khác, tình cờ nhưng rất thú vị,
cũng là một câu chuyện về một người phụ nữ với bức Linh ảnh, cũng là một cuộc
di cư vĩ đại khác của 21 năm sau cuộc di cư khổng lồ năm 1954. Nhẩm tính lại,
ngày ấy, năm 1954, người phụ nữ trong câu chuyện chúng tôi sắp kể mới chỉ là một
em bé 10 tuổi theo cha mẹ chạy vào Nam.
Chị về Việt Nam đã
4 lần nhưng lần này chị mới có dịp đến DCCT, quận 3, Sàigòn, chị liên lạc và
giúp đỡ chúng tôi từ lâu nhưng chỉ biết nhau qua thư từ và hình ảnh trên mạng,
chị vào thăm Nhà Dòng và trong những câu chuyện chia sẻ, chúng tôi ghi được một
câu chuyện lạ lùng thú vị.
Năm 1975, chị có chồng
là một sĩ quan không quân đóng tại phi trường Phù Cát, thành phố Quy Nhơn thuộc
miền Trung, tháng Tư chiến tranh ác liệt, cả trại gia binh di chuyển vào Sàigòn
để lánh nạn, nhưng chẳng bao lâu lại phải tiếp tục di chuyển ra Côn Đảo, anh vẫn
tiếp tục trong đội hình chiến đấu của quân đội miền Nam. Không lâu trước ngày
Sàigòn thất thủ 30 tháng 4, chị và các chị em khác hoàn toàn mất tin tức chồng,
đau buồn và lo sợ.
Ngày ngày chị lang
thang một mình ở bãi biển trông ngóng tin chồng, tình cờ một hôm chị nhặt được
một tấm bìa báo xuân của một tạp chí Công Giáo nào đó, trên tấm bìa đó còn ghi
hàng chữ “Cung chúc tân xuân” cùng với hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chiếm trọn
trang bìa. Tấm bìa trôi dạt ở bãi cát trắng bờ biển, ướt sũng, nhạt nhòa. Chị
nhặt lên với tất cả sự tôn kính, mang về khu trại gia binh, hong cho khô và sớm
khuya cầu nguyện với bức Linh Ảnh.
Bây giờ nhớ lại, chị
kể chị đã hết lòng khẩn khoản nài van Mẹ xin cho được gặp lại chồng. Và chị đã
được như ý, khi chị và các con được chuyển đến tạm cư ở đảo Guam, chị đã bất ngờ
tìm lại được anh qua hội Hồng Thập Tự Quốc Tế khi mọi sự ngỡ đã hoàn toàn tuyệt
vọng. Ai nghe chuyện cũng đều bảo là phép lạ!
Định cư tại Hoa Kỳ,
anh chị đã không quên mang theo bức Linh Ảnh kỳ diệu. Chị tiếp tục cầu nguyện với
Mẹ Hằng Cứu Giúp xin cho có thêm một cháu gái vì ba cháu đầu đều là trai, một lần
nữa, chị lại được như ý. Theo chị kể, lời vật nài cùng Mẹ có nhiều chi tiết thú
vị về bé gái chị xin. Vâng, chị đã xin, đã ngỏ lời với tâm tình rất đơn sơ thân
mật y như của một người con gái thủ thỉ cùng bà mẹ dấu yêu của mình. Chị đón nhận
tất cả những điều ấy như một hồng ân.
Chị chia sẻ với anh
em chúng tôi: bức Linh Ảnh không đẹp vì chỉ là một bức ảnh in trên bìa một tờ
báo cũ, lại được vớt lên từ bãi cát bờ biển Côn Đảo, không đẹp vì đã bị ướt rồi
hong khô lại, không đẹp vì kỹ thuật in ấn của những năm thập niên 70 tại Việt
Nam, nhưng lại đẹp và quý giá tuyệt trần vì bức Linh Ảnh ấy đã xuất hiện trong
những ngày tháng chị lao đao hoang mang nhất, cô đơn gian khổ nhất, đẹp vì chị
đã mang theo bên mình suốt 37 năm với những lời nguyện cầu to nhỏ, đẹp vì là sự
an ủi và cậy trông của cả cuộc đời chị, đẹp vì bức ảnh đã giúp chị cầu nguyện
và vững chắc trong Đức Tin, đẹp vì qua bức ảnh chị nhận được quá nhiều ân huệ của
Thiên Chúa.
Chị vẫn hằng cầu
nguyện với bức ảnh đó: “Xin cho con biết dùng những năm tháng kế tiếp của cuộc
đời để phục vụ Chúa trong Hội Thánh tại Việt Nam”.
Xin cám ơn chị
Thanh Lịch, Oklahoma, Hoa Kỳ, chị đã làm chứng về tình thương của Chúa qua lời
cầu bầu của Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp, Mẹ của tất cả chúng ta…
Lm. VĨNH SANG,
DCCT, 6.6.2012 (Ephata 513)