Này là Máu Ta
Máu cần thiết cho sự
sống. Thiếu máu nhiều bệnh nhân sẽ khó sống. Hiến máu đã cứu được nhiều người
thoát chết. Hiến máu là tặng ban sự sống. Đó là hình ảnh cuộc hiến mình của Đức
Kitô trên thập giá. Trong bữa tiệc ly, Đức Kitô cho biết Người sẽ đổ máu ra để
cứu thế giới khi Người cầm chén rượu và nói: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống.
Này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được
tha tội”. Máu để cứu sống, máu để thiết lập giao ước, máu để tha tội, tất cả những
ý nghĩa này đã được tiên báo trong Cựu ước.
Máu để cứu sống được
diễn tả bằng hình ảnh con Chiên Vượt Qua. Để cứu dân Do Thái ra khỏi ách nô lệ
Ai Cập, Chúa truyền cho người Do Thái giết một con chiên còn trong sạch, lấy máu
bôi lên cửa. Đêm hôm ấy, thiên thần Chúa đến trừng phạt người Ai Cập, nhà nào
có máu chiên bôi trên cửa sẽ được cứu thoát. Để tưởng niệm việc được cứu sống
và được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, từ đó, hằng năm vào đúng ngày ấy, người
Do Thái vẫn giữ tập tục giết chiên mừng lễ. Lễ đó gọi là lễ Vượt Qua. Con chiên
bị giết gọi là con chiên Vượt qua. Khi hiến mình đúng vào dịp lễ Vượt Qua, Đức
Giêsu trở thành Chiên Vượt Qua mới. Máu Người đổ ra cứu linh hồn ta khỏi nô lệ
tội lỗi và khỏi chết. Các thánh Giáo phụ cắt nghĩa rằng: Miệng ta là cửa linh hồn.
Người rước Mình Máu Thánh Chúa vào miệng cũng như bôi máu chiên lên cửa nhà, sẽ
được cứu sống và được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi.
Máu giao ước được
diễn tả qua nghi lễ ông Môsê cử hành dưới chân núi Sinai. Bài đọc thứ nhất hôm
nay thuật lại: “Ông Môsê sai các thanh niên trong dân Israel tiến
dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò tơ làm lễ hiệp thông tế Chúa. Ông lấy một nửa
phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn
sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: Tất cả những gì Chúa đã phán, chúng
tôi sẽ thi hành và sẽ tuân theo. Bấy giờ, ông Môsê lấy máu rảy trên dân và nói:
Đây là máu giao ước Chúa đã lập với anh em”. Đó là giao ước cũ hay là Cựu ước.
Tại Việt Nam cũng như tại
các nước Á Đông có tục “uống máu ăn thề”. Khi muốn giao kết với nhau, mỗi người
lấy một chút máu của mình hòa chung vào một chén rượu. Sau đó mọi người chia
nhau cạn chén. Việc uống máu ăn thề nói lên sự đồng tâm nhất trí. Những người
cùng uống chung chén rượu pha máu trở nên ruột thịt với nhau, cùng sống cùng chết
với nhau. Đức Giêsu đổ máu ra để lập một giao ước mới giữa loài người với Thiên
Chúa. Máu Đức Giêsu giao hòa con người với Thiên Chúa và con người với nhau.
Máu giao ước đó làm cho con người trở thành con cái ruột thịt của Thiên Chúa và
trở nên anh em ruột thịt với nhau. Đó là máu giao ước.
Máu để tha tội được
dùng nhiều trong Cựu ước. Khi dâng lễ đền tội, người ta cũng xả thịt một con vật
dâng cho Thiên Chúa. Thày cả lấy máu con vật vảy lên tội nhân để ban ơn tha tội.
Khi ta rước Mình Máu Thánh Chúa, ta cũng được tha tội vì Máu Chúa không vảy lên
thân xác, nhưng vảy vào linh hồn ta.
Những ý nghĩa mà
máu súc vật trong Cựu ước tượng trưng nay được hoàn thành viên mãn trong Máu Đức
Kitô.
Nhân loại đang rên
xiết trong ách nô lệ đã được Người giải thoát. Nhân loại đang xa lìa Thiên Chúa
và bất hòa với nhau đã được Người giao hòa thành một gia đình thương yêu thuận
hòa, sống chết có nhau. Nhân loại đang sống trong tội lỗi được Máu Người tẩy sạch
mọi vết nhơ.
Chúng ta được ân
phúc dường ấy là nhờ Người đã tự hiến mạng sống vì ta. Dòng Máu Người đổ ra đến
đâu đem lại sự sống đến đấy. Dòng Máu Người lan tới đâu thì ban ơn tha tội đến
đấy.
Mừng lễ Mình Máu
Thánh Chúa, ta hãy cảm tạ tình yêu vô biên của Người đã hiến mình, đổ máu để cứu
chuộc ta.
Mừng lễ Mình Máu
Thánh Chúa, ta hãy đáp lại tình yêu của Người bằng cách siêng năng đến lãnh nhận
và siêng năng đến thờ lạy Đức Giêsu ngự trong phép Thánh Thể.
Mừng lễ Mình Máu
Thánh Chúa, ta hãy noi gương Người, biết quên mình, hiến thân phục vụ đồng loại.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Bạn có tham dự Thánh lễ và chịu lễ sốt sắng
không?
2) Mỗi khi chịu lễ, bạn có cảm nghiệm được
Đức Giêsu ngự trong bạn không?
3) Yêu mến Chúa trong phép Thánh Thể, bạn
có muốn nên giống Người, biết hiến thân phục vụ đồng loại không?
4) Trong Kinh Thánh, máu có những ý nghĩa
nào?
TGM. Ngô Quang Kiệt