Nghiên cứu _ hành trình vô thần của Karl Marx (3)


Hành-trình vô-thần của Karl Marx
khi còn thanh-niên qua những sách
đọc tham-khảo về tôn-giáo (tt)
1. Marx đọc sách các triết-gia thời thượng cổ
Chính vì đã chọn cái đề-tài luận-văn tiến-sĩ về triết-học đời thượng-cổ, cho nên Marx quen-thuộc với sách vở thời đó. Nhưng dĩ-nhiên là ông không đọc hết. Những triết gia có tiếng là vào hạng lớn thì kể là ông không đọc bao nhiêu, nhưng chỉ đọc mấy người tiêu-biểu cho các học-phái Êpicur, học-phái Stoa (ta hay gọi là khắc-kỷ) và học-phái hoài-nghi. Ngược lại quan-niệm của Hegel, Marx cho rằng mấy học-phái đó đứng vào chỗ then-chốt của lịch-sử triết-học Hi-lạp, cho nên trong luận-văn, ông báo trước là sẽ dành cho mấy triết-gia đó một thiên khảo-luận quan-trọng hơn. Nhưng ông không bao-giờ làm truyện đó.
Không phải là vô-lý mà ông chọn hai triết-gia Đêmôcrit và Êpicur. Sau khi bỏ đại-học Bonn để đi Berlin, Marx có viết cho phụ-thân một bức thư, đề ngày 10-11-1837, trong đó ông cho biết là ở Berlin sau khi Hegel tạ-thế thì giới đại-học vẫn còn sặc mùi duy-tâm, cho nên các bài thơ mà ông làm lúc đó cũng duy-tâm như thế. Có lẽ vì muốn bước ra ngoài cái khung cảnh độc-tôn duy-tâm của triết-lý về tinh-thần, mà ông tìm lối thoát theo phương-hướng duy-vật của triết-lý về thiên-nhiên. Nhưng đi theo hướng đó tức là làm quen với những hệ-thống tư-tưởng khác hẳn những điều ông đã học được ở trường trung-học về Thiên-Chúa tạo thiên lập địa và có mối thân-tình riêng với nhân-loại.
Thế nhưng dù có thay đổi chí-hướng thì Marx vẫn còn đi từ-từ. Đây là một đoạn ông viết trong bài luận về tôn-giáo trong kỳ thi tú-tài: “Kết-hợp với Chúa Cứu-thế làm cho người ta được cái hạnh-phúc, mà học-phái Êpicur không tìm ra được trong cái triết-học nông-cạn của họ, mà dù nhà tư-tưởng thâm-thúy nhất có lục-soát kỹ trong cái hiểu biết của mình, cũng không thấy được. Cái hạnh-phúc ấy, chỉ những tâm hồn đơn-sơ như trẻ thơ, kết-hợp với Chúa Cứu-thế và nhờ ngài được kết-hợp với Thiên-Chúa, mới cảm nghiệm được. Nó làm cho đời người thêm đẹp và thoát tục hơn”.
Những câu đó có vẻ còn là bài vừa học thuộc lòng xong, và Êpicur thì vẫn chưa được đánh giá cao. Như thế ta chưa biết rõ cái niềm thâm-tín của Marx lúc đó ra sao. Vì lẽ rằng cũng trong kỳ thi tú-tài đó, khi viết bài luận bằng tiếng Đức, thì Marx không nói gì đến vị Thiên-Chúa, mà chỉ nói trông-trống về thần-linh, và ngụ-ý rằng linh-hồn người ta là một tàn lửa của thần-linh. Cho nên có thể nói mà không sợ lầm rằng: vào thời đó, nhất là trong khi đang soạn luận-văn, Marx vẫn còn đang học-hỏi tìm-tòi. Những điều học biết được về đạo Thiên-Chúa sẽ được đem ra so-sánh với học-thuyết duy-vật và học-thuyết hoài nghi.
Trong khi tìm tòi như thế, trước tiên là Marx đọc sách của Điogênê và Plutarch, để biết đại-khái về tiểu-sử và tư-tưởng của hai tác-giả mà ông nghiên-cứu là Đê-mô-crit và Ê-pi-cur. Sau đó thì đọc nhà tư-tưởng hoài-nghi Sextus Empiricus và nhà tư-tưởng duy-vật Lucretius. Và sau cùng thì đọc Seneca, triết gia khắc-kỷ, đọc Gio-an Stobê, Clêmentê quê ở Alexandria, và Cicero. Còn riêng Aristotêlês là đỉnh cao của triết-học Hi-lạp, thì Marx cũng có tham khảo qua loa, nhưng không thấy triết-gia này có ảnh-hưởng gì tới con đường tiến-triển của ông.
Những đoạn văn mà Marx chép lại từ sách các tác-giả trên-đây và các ghi-chú của ông đều nằm tất cả trong bảy Cặp vở ghi-chú về triết-học của Êpicur. Marx làm công-việc so-sánh đối-chiếu triết-lý về thiên-nhiên của các học-thuyết duy-vật, khắc-kỷ và hoài-nghi, trước hết là theo quan-điểm chủ-thể và quan điểm tự-do của Hegel, và sau đó là theo quan-điểm tôn-giáo. Quan-điểm sau mới là ở trong phạm-vi nghiên-cứu của bài này.
Trước tiên ta sẽ xem Marx phê-bình tôn-giáo như thế nào trong luận-văn tiến-sĩ.
1.1 - Marx phê-bình tôn-giáo như thế nào trong luận-văn tiến-sĩ
Ngay trong phần dẫn-nhập của luận-văn, Marx đã tuyên-bố lập-trường của ông một cách thật là rõ-rệt. Ông viết: “Bao lâu còn một giọt máu lưu-thông trong quả tim tự-do và làm chủ được thế-giới, thì triết-học vẫn còn ném vào mặt các đối-thủ tiếng hô to của Êpicur: “Bất-kính thần-linh không có nghĩa là phủ-nhận thần-linh, nhưng là gán cho thần-linh những điều mà quần-chúng tin theo”. Triết-học không phải giấu-giếm gì cả, triết-học theo y như niềm tin đã được Promêthê tuyên-bố: “Nói tắt một câu, tôi ghét tất cả các thần-linh”. Đó là châm-ngôn mà triết-học đưa ra để chống lại những thần-linh trên trời dưới đất không biết nhìn-nhận rằng cái ý-thức của con người ta mớí là thần-linh tối cao. Không gì có thể tranh chỗ được với ý-thức đó” Ạ .
Lời tuyên-bố của Marx thật là có tính-cách hùng-biện của người muốn ăn to nói lớn. Nhưng chứng-lý không thấy chính-xác và có mạch-lạc là bao nhiêu, cho nên cũng vì thế mà khó thuyết-phục được độc-giả. Thực thế, một là Marx lầm tưởng rằng Êpicur đã phủ-nhận các thần-linh, nhưng sự thực thì khác, như ta sẽ nói sau đây ; hai là nếu ta coi cái ý-thức của con người là thần-linh tối cao, và nhân danh ý-thức ấy để phủ-nhận các thần-linh, thì rõ ràng là ta chưa thoát được ra ngoài lập-trường duy-tâm của Hegel. Cho nên ngay từ đầu luận-văn, độc-giả đã có đủ lý-do để nghi-ngờ rằng lập-luận chưa xác-đáng, và tư-tưởng trong chính cái luận-văn cũng chưa có thống-nhất, và còn cần phải suy-nghĩ chín-chắn hơn một tí nữa. Hơn nữa, Chuyên-gia về Marx là Rubel cũng cho ta biết là chính Marx cũng đã nói rằng cái luận-văn ấy đã được thực-hiện “vì lý-do chính-trị hơn là vì lý-do triết-lý” .
1.1.1 - Lập luận chưa xác-đáng
Lập-luận chưa xác-đáng là vì còn lẫn-lộn các phạm-vi và các loại ngôn-từ.
Đây là một trong nhiều đoạn văn tiêu-biểu cho lối làm việc của Marx, nó nằm trong phần khảo-luận về Êpicur (trong phần thứ hai, đoạn thứ năm, bàn về khí-tượng). Marx viết: “Thực vậy, chúng ta đã thấy tất cả triết-lý của Êpicur về thiên-nhiên đều tựa vào sự đối-lập (Antinomie) giữa bản-thể và hữu-thể, giữa hình-thể và chất-thể. Nhưng trong các tinh-tú trên trời thì cái mâu-thuẫn đó đã được phế bỏ, những yếu-tố đối-lập đã dược hòa-giải. Trong hệ-thống ở trên trời thì chất-thể đã tìm lại được hình-thể của nó, và lãnh-nhận được tính-cách đặc-thù, và thành ra yếu-tố tự-lập. Tuy nhiên, đến mức đó, chất-thể (hay là vật-chất) không còn phải là sự khẳng-định của cái ý-thức trừu-tượng. Còn trong thế-giới các nguyên-tử, cũng như trong thế-giới các hiện-tượng, thì hình-thể chống lại chất-thể, cái nọ phá hủy cái kia, và chính trong cái mâu-thuẫn đó mà cái ý-thức trừu-tượng của cá-nhân cảm-nghiệm được cái bản-tính đã được khách-thể-hóa của nó. Cái hình-thể trừu-tượng đã chống lại cái chất-thể dưới hình-thức vật chất, đó chính là cái ý-thức. Nhưng bây giờ thì cái chất-thể đã được hòa-giải với cái hình-thể và đã chuyển thành cá-thể, cho nên cái tự-kỷ ý-thức (Selbstbewusstsein) đã như con nhộng ra khỏi tổ kén, tự cho mình là nguyên-tắc chân-chính và chống lại cái yếu-tố đã thành ra tự-lập, yếu-tố đó là thiên-nhiên”.
Đoạn văn này đọc bằng tiếng Đức đã khó hiểu, mà dịch ra tiếng Việt còn khó hiểu hơn nữa, nhất là đối với những ai chưa quen với chuyên-ngữ của trìết-học cổ-điển Âu-châu nói chung, và của Hegel nói riêng. Những ai đã quen với lối hành-văn của Marx trong các bài và sách nghiên-cứu về kinh-tế hay là bút-chiến về chính-trị, càng ngạc-nhiên, không thể ngờ Marx lại dùng ngôn-ngữ như thế. Hơn nữa, triết-lý của Êpicur thường là dễ hiểu, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên ta thấy được trình-bày một cách thật là lúng-túng khó hiểu. Cái đó là vì người ta (Marx) gò bó cái triết-lý duy-vật về thiên-nhiên, bắt nó phải mặc bộ áo chẽn của hệ-thống biện-chứng duy-tâm của Hegel.
Thực thế, giới đại-học ở Berlin thời đó đều quen ăn nói theo kiểu Hegel như thế. Marx đã ghi tên học tại Berlin và, lúc ông mới 19 tuổi, nghĩa là hai năm trước khi bắt đầu soạn luận-văn, ông viết thư cho phụ-thân: “Trong lúc không được khỏe, con đã học triết-lý của Hegel từ đầu đến cuối, đồng thời học của đa-số các đồ-đệ của ông nữa” . Ai đã biết tác-phẩm của Hegel mênh-mông như thế nào, tất sẽ phải ngạc-nhiên, không biết Marx tìm đâu ra thì-giờ mà đọc được nhiều như thế. Nhất là khi biết rằng ngoài việc học triết-học, Marx còn ghi tên học luật-khoa, đồng thời còn làm thơ và viết mấy vở kịch nữa. Ngày nay tác-phẩm của Hegel còn làm cho những người lão-luyện phải đau đầu nhức óc, cho nên có thể phỏng-đoán rằng đọc nhiều và mau như thế, dù có thần-trí đi nữa cũng rất dám “bội-thực”.
Ngôn-từ trong đoạn văn trích-dẫn trên đây đều là chuyên-ngữ của triết-lý Hegel. Ví dụ như những từ-ngữ: mâu-thuẫn (Widerspruch), phế-bỏ (aufheben), hòa-giải (versöhnen), hình-thể (Form), chất-thể (Materie), đặc-thù (Einzelheit), tự-kỳ ý-thức (Selbstbewusstsein), khách-thể-hóa (vergegenstảndlichen). Nếu Êpicur đọc đoạn văn ấy, chưa chắc đã có thể nhận ra là triết-lý của mình.
Tôi trộm nghĩ rằng khi Marx cố-tình đem bộ áo của Hegel mà mặc cho Êpicur, thì ông, có ý làm một việc nhất cử lưỡng tiện: một đàng thì tựa vào lập-trường duy-vật, để chủ-trương rằng cái gì không phải là vật-chất thì không thể có được ; một đàng thì bám vào cái tự-kỷ ý-thức của duy-tâm, để tuyên-bố rằng ngoài cái “tâm” ra thì không có cái gì hết. Nếu cùng một bước có thể đi được vào cả hai đàng, thi có thể minh-chứng rằng ngoài cái “tâm” và vật-chất, ra, thì không thể có Thiên-Chúa. Nhưng thử hỏi có thể đi cả hai đàng như thế được không ?
1.1.2 - Quan-niệm vô-thần duy-vật
Từ thời thượng-cổ Êpicur đã được tiếng là người vô-thần. Khi giải-thích vũ-trụ, ông chỉ dùng đến các nguyên-tử, có hình-hài, có vị-trí và có lối di-chuyển khác nhau, mà không cần đến thần-linh. Trái lại quan-niệm của thời thượng-cổ, Êpicur không còn coi tinh-tú trên trời là các vị thần-linh nữa. Lucretius, đã theo lập-trường đó. Marx cũng đi theo. Ông viết: “Êpicur là một người soi đường, là một người Hi-lạp quan-trọng chủ-trương khai-minh (Aufklảrer). Cho nên đáng được Lucretius tán-tụng như sau: “Ai nấy đều thấy, nhân-loại bị tôn-giáo đè bẹp, kéo lê trên mặt đất này một cuộc đời khốn-nạn. Tôn-giáo đem bộ mặt ghê-sợ từ trên trời chiếu xuống đe dọa người ta. Trong lúc đó thì có một người đầu tiên, một người Hi-lạp, dám đưa mắt nhìn ngược lên và chống-cự với nó. Các truyện thần-tiên bày vẽ, sấm sét trên trời dọa-dẫm, thay vì làm cho người đó lùi bước, thì lại càng làm cho thêm can-đảm (...), Chính vì thế mà đến lượt tôn-giáo bị đánh đổ, còn chúng ta thì được vinh-quang đưa lên tận trời” .
Thế nhưng sự thật đâu có đơn-giản như thế. Theo lý mà xét thì việc từ chối không nhận tinh-tú là thần-linh, không có nghĩa là từ chối tất cả các thần-linh. Trong cuốn sách Êpicur và các thần-linh của ông, học-giả André-Jean Festugière đã trình-bày học-thuyết của Êpicur một cách tỉ-mỉ và tế-nhị. Tác-giả cho biết rằng người Hi-lạp đời thượng-cổ tin rằng có các thần-linh điều-hành các công-việc của nhân-loại. Niềm tin đó làm cho họ lo-lắng sợ-hãi. “Đối với không biết là bao nhiêu người, tôn-giáo đè nặng trên tâm hồn của họ, như là một cái ách nô-lệ” và, “ quần-chúng bám chặt vào thần-linh, để rồi cứ bị tù-túng trong cái vòng sợ-hãi và hi-vọng”. “Vì thế cho nên người ta sợ thần-linh, sợ thần-linh giận-dữ và báo thù những người đã quá cố. Đó là những yếu-tố rất quan-trọng trong tôn-giáo người Hi-lạp” .
Theo như Êpicur quan-niệm thì “Tất cả những điều không tốt đều là do quan-niệm sai-lầm về thần-linh. Bài thuốc chữa cái bệnh đó, tức là quan-niệm chính-đáng về thần-linh, sẽ được trình-bày trong những nguyên-tắc căn-bản của thuyết vô-ưu (ataraxia)” . Vì lẽ cái hạnh-phúc của người ta là ở chỗ không phải lo-lắng, tâm hồn không bị khuấy động. Các thần-linh bất-tử và hạnh-phúc, thì không có để ý lo-lắng gì về công việc của loài người, cho nên hoàn-toàn vô-tình, không có những tình cảm như nộ-khí hay là nhân-ái, như quần-chúng tưởng-tượng ra. “Và người bất kính thần-linh không phải là người phủ-nhận các thần-linh của quần-chúng, nhưng là người gán cho thần-linh những quan-niệm sai lầm của quần-chúng”, .
Như vậy tôn-giáo của Êpicur là như thế nào ? Để trả lời cho câu hỏi đó, xin trưng-dẫn hai đoạn văn của Festugière. Thứ nhất: “Vấn-dề không phải là phủ-nhận các thần-linh. (Êpicur viết:) “Chúng ta biết một cách hiển-nhiên là có các thần-linh” (Bức thư III, 123). Vì thế, thay vì xếp Êpicur vào loại những người hoài-nghi hay là những người dửng-dưng càng ngày càng đông vào cuối thế-kỷ IV, thì ngược lại, phải coi triết-gia đó là một trong những người đã có phản-ứng chống lại những kẻ cái gì cũng tin, càng ngày càng đông. Riêng ông thì ông tin có thần-linh và tin rằng tôn-giáo có nhiều cái hay. Ông chăm-chỉ tham-dự các lễ-nghi tôn-giáo, Tắt một câu, ông là người biết kính thần-linh, hiểu theo quan niệm người thời đó”. Thứ hai: “Tất cả những yếu-tố trong tôn-giáo của Êpicur đều được thu gọn lại, trong một bức thư mà nhà hiền-triết đó gửi cho một người bạn mà ta không biết tên. Tất cả đã được viết vào giấy vỏ sậy (papyrus), được tìm thấy ở Ai-cập và được học-giả Hermann Diels, cho ấn-hành rất cẩn-thận. Tài liệu quí giá ấy có thể dùng để kết-luận những phân-tích của chúng tôi. Dĩ nhiên là trong đó có nhắc lại rằng Êpicur tin chắc nịch rằng các thần-linh đều vô-ưu, và vì thế đều dửng-dưng đối với các việc nhân-sự. Nhưng ta cũng thấy rằng niềm tin đó không những là không phủ nhận tôn-giáo, mà ngược lại phải được dùng để làm cho tôn-giáo được thuần-chất: con người biết kính thần-linh thì không kêu đến các vị đó để xin nguôi giận, hay là để xin xỏ nọ kia, nhưng là để chiêm-niệm, kết hợp với các vị đó, tham gia vào niềm hoan-lạc của thần-linh, để rồi được hạnh-phúc vô-tận như các vị đó, ngay trong kiếp sống hữu hạn này” .
Xem như thế thì ta hiểu từ đâu mà có quan-niệm rằng tôn-giáo phát-sinh ra vì người ta, sợ hãi và dốt nát không biết nguyên-nhân của vũ-trụ. Nhưng ta cũng thấy rõ rằng không thể xếp Êpicur vào phái vô-thần duy-vật được. Nói cho cùng thì Marx chỉ dùng đến Êpicur để có dịp chạm trán với thuyết duy-tâm của Hegel mà thôi.
1.1.3 - Thuyết duy-tâm và cái tự-kỷ ý-thức
Đến đây dĩ-nhiên phải đặt một câu hỏi: từ quan-niệm duy-vật về nguyên-tử trong triết-lý về thiên-nhiên đời thượng-cổ, làm thế nào lại có thể chuyển sang quan-niệm duy-tâm căn-cứ vào cái tự-kỷ ý-thức của Hegel được ? Hai bên thực là khác nhau quá. Lý do có lẽ là vì Marx đã có đọc sách của Hegel, là một triết-gia đã chủ tâm hòa-giải những cái xem ra mâu-thuẫn nhau. Nếu không chuyển theo phương-pháp biện-chứng, thì tất sẽ rơi vào thứ “duy-vật quê-mùa” của thế-kỷ XVIII, cho rrằng cái nọ sinh ra cái kia, vật-chất sinh ra tinh-thần, Thực thế, Trong sách Những nét căn-bản của bách-khoa toàn-thư về các khoa triết-lý, (1827), Hegel trình-bày một hệ-thống bao trùm toàn-thể thực-tại và toàn-thể các khoa-học về thực-tại. Hệ-thống đó gồm ba giai-đoạn.
Giai-đoạn, thứ nhất là Khoa Lý-học, suy-tư về hệ-thống liên-kết ba khái-niệm,: một là Hữu-thể (Sein / être), hai là Bản-thể (Wesen / essence), ba là Ý-niệm (Begriff / concept).
Giai-đoạn thứ hai là Triết-lý về Thiên-nhiên, ta sẽ bàn tỉ-mỉ hơn sau này.
Giai-đoạn thứ ba là Triết-học về Tinh-thần , gồm ba chặng: a) Chặng thứ nhất là: Tinh-thần trong chủ-thể (Der subjektive Geist / esprit subjectif). Chặng này có ba đối-tượng là linh-hồn, ý-thức và tinh-thần, đó là đối tượng của ba khoa-học là khoa nhân-học (Anthropologie), khoa hiện-tượng-học về tinh-thần (Die Phảnomenologie des Geistes) và khoa Tâm-lý-học (Psychologie). b) Chặng thứ hai là Tinh-thần ngoài khách-thể (Der objektive Geist / esprit objectif). Chặng này gồm tất cả những tác-phẩm, những công-trình có tính-cách nhân-văn do tinh-thần con người, chứ không phải do vật-chất biến-hóa ra, như: pháp-luật, đạo-đức luân-lý và các tổ chức đời sống chung (gia-đình, xã-hội, nhà nước). c) Chặng thứ ba là Tinh-thần tuyệt-đối (Der absolute Geist / esprit absolu). Đây là đỉnh cao nhất của Triết-học về Tinh thần, gồm ba phần là: Nghệ-thuật, Tôn-giáo đã được mặc-khải, và Triết-lý (Philosophie).
Tựa vào phương-pháp biện-chứng của Hegel, và tựa vào thứ-tự do phương-pháp đó xếp đặt ra, Marx đã tìm thấy cách móc nối Triết-học về Thiên-nhiên, (của Êpicur), tức là giai-đoạn thứ hai, với cái Tự-kỷ ý-thức, là một phần nằm trong Ý-thức, tức là chặng thứ nhất của giai-đoạn thứ ba. Có điều cần phải chú-ý là cách móc nối như thế chỉ có lý-sự khi nó nằm trong, toàn-thể biện-chứng, chứ nếu tách riêng ra hai yếu-tố, Thiên-nhiên, và, Ý-thức, thì còn gì là biện-chứng nữa, và vì thế ta không thấy chúng thực-sự liên-quan với nhau như thế nào. Thế nhưng chưa hết. Ta vẫn không hiểu được vì sao Marx lại dừng ngay ở chỗ Ý-thức và Tự-kỷ Ý-thức, coi đó là thực-thể tối cao, nhưng trừu-tượng, chứ không theo biện-chứng toàn-diện của Hegel mà đi xa hơn nữa, cho tới các tác-phẩm, công-trình nhân-văn, cho tới nghệ-thuật, tôn-giáo, triết-lý, là đỉnh tối cao của hệ-thống thực-tại. Như thế thì còn gì là biện-chứng nữa. Thế rồi Marx vội cho ngay rằng Hegel là duy-tâm, không biết gì đến thực-tại con người và thiên-nhiên. Nhưng đó là vì Marx đã bỏ mất cái phần về tinh-thần ngoài khách-thể.
Nhưng ta biết, Hegel đâu có đơn-sơ như Marx nghĩ. Lúc đó Marx mới chừng 20 tuổi, chỉ biết Hegel một cách trừu-tượng qua mấy cuốn sách, chứ đâu có như Feuerbach được nghe chính Hegel giảng bài một cách vừa linh-hoạt vừa cụ-thể. Cho nên có hiểu lầm thì ta cũng không nên lấy làm lạ. Sau đó mấy năm, khi Marx phân-tích về đời sống xã-hội, kinh-tế và chính-trị, thì sẽ lấy từ phần “tinh-thần ngoài khách-thể” của hệ-thống Hegel ra được nhiều vật-liệu, rồi xây đắp cho hệ-thống của mình. Ai không biết thì cứ tưởng là của Marx hết cả. Nói cho công bằng, thì Marx cũng có công-nhận một cách trông-trống rằng mình là đồ-đệ của Hegel, tuy Hegel đã chết mấy năm trước khi Marx đến tuổi vào đại-học. Nhưng đó là công-nhận hơn 30 năm sau, nghĩa là khi Marx viết bài hậu-từ nhân dịp sách Tư-bản-luận được in lần thứ hai, vào năm 1873 . Tuy vậy Marx vẫn đinh-ninh rằng hệ-thống biện-chứng của mình là hệ-thống biện-chứng của Hegel đã được đảo ngược lên. Rồi thiên-hạ cứ nhắc lại như thế hoài, mà không thấy ai tự hỏi xem một tòa nhà, mà được dựng đứng ngược lên, nền lên trên, mái xuống dưới, thì phỏng có còn đứng đưọc không !
Bây giờ ta trở về Triết-lý về Thiên-nhiên. Trong ba phần của hệ-thống biện-chứng của Hegel, thì đây là phần không được vững-chãi mấy. Không vững mấy, nhưng lại rất cần, vì nếu không có nó, thì cũng không còn biện-chứng nữa. Cho nên trừ Engels ra, không thấy ai để ý đến nó làm gì. Engels đã ra công đảo ngược nó lên, biến nó thành ra sách Thiên-nhiên biện-chứng (Dialektik der Natur). Tuy xưa nay người ta cứ đinh-ninh rằng hệ-thống Hegel đã được Marx và Engels đảo ngược lại, nhưng thực ra, cũng chỉ có phần này (về thiên-nhiên) là được đảo ngược lại mà thôi. Nhưng nếu chỉ có thiên-nhiên mà thôi, thì cũng chẳng làm gí có biện-chứng ! Về sau này, ông Trần Đức Thảo cũng đi theo vết xe của Engels và tìm cách giải-thích tinh-thần từ vật-chất mà ra như thế nào. Ông Thảo có bàn rộng về phần cuối cùng của, hệ-thống Hegel, mà Marx đã bỏ rơi từ lâu. Nhưng thiết-tưởng đó là thuyết biến-hóa duy-vật, thật sự có tế-nhị hơn thuyết cũ, nhưng chưa chắc có còn phải là biện-chứng nữa.
Dù sao đối với những người nghiên-cứu về khoa-học, thì không những việc làm của Hegel cũng như của Engels, trong phạm-vi vật-lý-học và hóa-học, là vô-ích, mà cả việc làm của ông Thảo trong phạm-vi các khoa-học nhân-văn (như tâm-lý-học, xã-hội-học, kinh-tế-học, tôn-giáo-học, v.v.), trước đây nửa thế-kỷ, cũng không đi đến đâu. Vì khi triết-gia đem các ý-niệm khoa-học, tự-tiện xếp thành hai kiểu trái ngược nhau, theo thứ-tự của những từ-ngữ như: mâu-thuẫn, chính-đề, phản-đề, rồi tổng-đề, thì chỉ là chỉ nói suông, nói cho vui truyện thôi, chứ không làm cho khoa-học thực-nghiệm tiến được một bước nào cả.
Marx dùng phương-pháp của Hegel để chuyển triết-lý về thiên-nhiên của Êpicur sang cái mâu-thuẫn với nó, tức là cái tự-kỷ ý-thức, nhưng lại dừng hẳn ở đây, cho nên không còn bàn tiếp về tôn-giáo, về thần-linh hay Thiên-Chúa nữa. Vấn-đề phải đặt ra là làm thế nào mà chuyển được. Tôi thấy một đoạn văn của Hegel, mà tôi trộm nghĩ là nó đã rất có thể gợi ý-kiến, cho Marx làm như thế, Đoạn văn đó nằm trong phần đầu của Những nét căn-bản của bách-khoa toàn-thư về các khoa triết-lý (1827), trong đó Hegel giải-thích cái khả-giác (Sinnliche), cái biểu-tượng (Vorstellung), và tư-tưởng (Gedanken) khác nhau như thế nào. Hegel viết: “Điểm dị-biệt giữa cái khả-giác và tư-tưởng là thế này: đặc-tính của cái khả-giác là cá-tính (Einzelheit), và vì cá-thể (Einzelne) (nói một cách thật trừu-tượng thì đó là nguyên-tử) là yếu-tố trong một hệ-thống (im Zusammenhang), cho nên cái khả-giác gồm những yếu-tố ngoại-tại đối với nhau (Aussereinander), nghĩa là, xét theo hình-thức trừu-tượng thì các yếu-tố đó hoặc là cái nọ ở bên cạnh cái kia, hoặc là cái này tiếp theo cái khác (das Neben- und das Nacheinander).(...) Ngoài cái khả-giác ra thì cái biểu-tượng cũng có nội-dung là vật-chất (Stoff) phát sinh ra từ tư-tưởng tự-kỷ ý-thức, ví-dụ như những biểu-tượng về pháp-luật, về đạo-đức, về tôn-giáo và cả về tư-tưởng nữa”. Trong đoạn văn hơi khó đọc này, ta chỉ cần chú-ý đến mấy chữ “cá-thể (nói một cách thật trừu-tượng thì đó là nguyên-tử)” [Das Einzelne (ganz abstrakt das Atom)]. Vì lẽ rằng: một đàng thì nguyên-tử là nền-tảng của triết-lý về thiên-nhiên của Êpicur, đàng khác thì nguyên-tử cũng chính là cái mà Marx coi là cá-thể.
Nên nhắc lại là trong hệ-thống biện-chứng của Hegel, thì có ba giai-đoạn. Giai đoạn thứ nhất là cái ý-tưởng trừu-tượng. Giai-đoạn thứ hai là thiên-nhiên, vì thiên-nhiên là trạng-thái vong-thân của Ý-tưởng, nó từ Ý-tưởng sa-đọa xuống thành vật-chất cụ-thể, mâu-thuẫn và khác hẳn với Ý-tưởng Ạ, cho nên có thể coi nó là giai-đoạn vong-thân của ý-thức và tự-kỷ ý-thức. Nhận-định được như thế tức là sang giai-đoạn thứ ba.
Bây giờ trở về Marx. Nếu cho rằng nguyên-tử, yếu-tố vật-chất cụ-thể, là ở giai-đoạn thứ hai (thiên-nhiên), mâu-thuẫn với tự-kỷ ý-thức, thì lẽ tất-nhiên phải coi nó là giai-đoạn vong-thân của Tự-kỷ ý-thức.
Sau đây ta xem trong Cặp vở ghi-chú Marx đã dùng ngôn-ngữ biện-chứng của Hegel để nói về cái khả-giác và về nguyên-tử như thế nào: “Các nguyên-tử đẩy lùi nhau, đó là hình-thức thứ nhất của tự-kỷ ý-thức ; đó là lúc mà tự-kỷ ý-thức nhận thấy mình như là một vật có đó một cách trực-tiếp (unmittelbar seiendes), như là một cá-thể trừu-tượng (abstrakt-einzelnes)” . Tiếp theo ý-kiến đó: “Vì có các đặc-điểm riêng, cho nên nguyên-tử được hiện-hữu một cách trái ngược lại với ý-niệm của nó (die seinem Begriff widerspricht), nó được xác-định như là một thực-tại vong-thân , khác hẳn bản-tính của nó (als entảussertes, von seinem Wesen unterschiedenes Wesen)” . Thêm vào đó thì: “Cái mâu-thuẫn (Widerspruch) giữa hữu-thể và bản-thể, giữa chất-thể và hình-thể, đã có sẵn trong ý-niệm (Begriff) nguyên-tử, thì nay được đặt ngay trong chính cái nguyên-tử, vì ta cho rằng nguyên-tử có những đặc-điểm. Vì có những đặc-điểm, cho nên nguyên-tử đã ra khác hẳn ý-niệm của nó (ist das Atom seinem Begriff entfremdet), nhưng đồng thời nó đã thành ra nguyên-tử hẳn-hoi”. Và câu sau cùng: “Cũng như nguyên-tử chỉ là hình-thức tự-nhiên của cái tự-kỷ ý-thức khi còn trừu-tượng và cá-biệt, thì thiên-nhiên khả-giác cũng chỉ là cái tự-kỷ ý-thức cá-biệt, mà ta cảm nghiệm được trong ngoại giới, tắt một câu, thiên-nhiên cũng chỉ là cái tự-kỷ ý-thức khả-giác” .
Những câu đó nghĩa là gì ? Ai đã quen với ngôn-ngữ của Hegel thì hiểu Marx muốn nóí gì: căn cứ vào nguyên-tử có những đặc-điểm cụ-thể, Marx thấy rằng có thể đi từ triết-lý về thiên-nhiên đến chỗ quả-quyết rằng cái tự-kỷ ý-thức - dĩ-nhiên là tự-kỷ ý-thức của con người - là “thần-linh tối cao, không ai cạnh-tranh nổi”. Nhưng làm thế nào mà quả-quyết như thế được ? Và như thế rõ-ràng là lập-trường duy-tâm mất rồi. Ta không thấy Marx bận tâm đặt câu hỏi đó !
Phải đứng vào lập-trường duy-tâm như thế, mới có thể coi cái tự-kỷ ý-thức khép kín đó, là thần-linh tối cao, và mới hiểu được lập-luận của Marx, khi ông minh-chứng, trong ghi-chú số 9, của phần Phụ-lục trong luận-văn tiến-sĩ của ông, rằng là không có Thiên-Chúa. Lập-luận đó như sau:
“Chỉ có hai lối: một là những lập-luận minh-chứng có Thiên-Chúa chỉ là những câu nói đi nói lại (Tautologie) rỗng tuếch. Ví-dụ chứng-lý theo hữu-thể-học (ontologische) thì tựu-chung là thế này: “Cái mà tôi thật-sự (realiter) tượng-trưng ra, thì nó là một biểu-tượng có thật đối với tôi”. Nó có ảnh-hưởng tơí tôi. Và theo nghĩa như thế thì các thần-linh, bất kể là của người theo đạo Thiên-Chúa hay là theo đạo khác, đều là có thật cả, Thần Moloch phải chăng đã không thống-trị một thời ? Ai bảo thần Apollo ở Delphes không phải là một quyền-lực có thật trong đời sống của người Hi-lạp ? Về điểm này lời phê-bình của Kant không có giá-trị là bao nhiêu., Khi có người tưởng-tượng rằng mình có một trăm đồng tiền, thì nếu đó không phải là một ý-tưởng chủ-quan không quan trọng đối với người ấy, nếu người ấy tin chắc như thế, thì một trăm đồng tiền tưởng-tượng cũng có giá-trị như một trăm đồng tiền có thật. Chẳng hạn người ấy dám ảo-tưởng như thế rồi đi vay nợ, cái ảo-tưởng đó sẽ có hiệu-lực: cũng như thế, tất cả nhân-loại đều đã tựa vào các thần-linh mà đi vay nợ. Trái lại. Cái ví-dụ mà Kant đưa ra rất có thể tăng cường cho chứng-lý theo hữu-thể-học. Những đồng tiền có thật thì cũng hiện hữu như các thần-linh tưởng-tượng. Một đồng tiền có thật, thì nó đâu có hiện-hữu bên ngoài biểu-tượng, kể cả biểu-tượng tổng-quát, chung cho, cả nhân-loại. Anh thử đưa tiền giấy vào một xứ mà người ta không biết dùng giấy như thế, thì ai nấy đều chê cười anh, vì anh có biểu-tượng chủ-quan. Anh thử đưa thần-linh của anh vào một xứ mà người ta thờ các thần khác, thì người ta sẽ minh-chứng cho anh biết là anh có ảo-tưởng, có quan-niệm trừu-tượng. Và như thế là phải ! Nếu ai đem một vị thần của chị-tộc Ven-đơn (Wenden) đến cho người Hi-lạp thời thượng-cổ, người đó sẽ thấy chứng-cớ là không có thần đó, vì đối với người hi-lạp thì không có thần đó.
Người của một xứ-sở coi thần-linh từ ngoại-quốc vào như thế nào, thì xứ-sở của Lý-trí cũng coi Thiên-Chúa hay thần-linh nói chung y như thế: vì đó là xứ-sở mà thần-linh không còn nữa.
Hai là thế này: những chứng-lý biện-minh rằng có Thiên-Chúa, chẳng qua chỉ là những chứng-lý biện-minh rằng có cái tự-kỷ ý-thức căn-bản của con người, chỉ là những lý-luận giải-thích rằng có cái tự-kỷ ý-thức đó. Ví-dụ chứng lý theo hữu-thể-học. Khi người ta tư-tưởng, thì hỏi thấy có cái gì trước hết ? Thưa là có cái tự-kỷ ý-thức.
Theo như thế, thì những chứng-lý để biện-minh rằng có Thiên-Chúa, cũng chính là những chứng-lý biện minh rằng không có Thiên-Chúa, là những lời phi-bác tất cả các biểu-tượng về Thần-linh. Trái lại, chứng-lý chính-hiệu phải theo hình-thức như thế này: “Vì lẽ rằng thiên-nhiên có điều thất-cách, cho nên có Thiên-Chúa”. “Vì lẽ có một thế-giới vô-lý, cho nên có Thiên-Chúa”. “Vì lẽ rằng không có tư-tưởng, cho nên có Thiên-Chúa”. Thế nghĩa là gì ? Thưa là: Ai cho rằng vũ-trụ là vô-lý, và vì thế chính người ấy cũng là vô-lý, đối với một người như thế thì có Thiên-Chúa. Nói thế khác, cái vô-lý, đó là hiện-hữu của Thiên-Chúa” .
1.1.4 - Mấy điều phê-bình tôn-giáo trong phần Phụ-lục
Marx thêm vào luận-văn tiến-sĩ một phần Phụ-lục khá dài, để bàn-luận về cuộc bút-chiến của Plutarch chống lại quan-niệm của Êpicur về thần-linh. Marx muốn chấm dứt cuộc bút-chiến đó, “vì nó là đặc-điểm của một hạng người, vì nó tượng-trưng cho não-trạng của nhà thần-học khi đứng trước triết-học”. Marx muốn chứng-minh rằng: tuy tuyên-bố là chống lại Êpicur, nhưng thực ra Plutarch vẫn đi theo cùng một hướng.
Chúng ta không cần đi vào chi-tiết của cuộc tranh-luận đó, nhưng chỉ cần xem Marx hiểu và giải-thích tư-tưởng của Plutarch như thế nào. Vì lối giài-thích này làm cho ta hiểu rõ hơn về lập-trường triết-học của Marx, lúc đó vẫn còn luẩn-quẩn với ý-niệm “tự-kỷ ý-thức”, như vừa nói trên đây.
Trước hết nên chú-ý rằng cách dùng ngôn-từ của Marx có biến-chuyển, với một tầm quan-trọng mà ít ai để ý. Thực vậy, trong phần thân bài luận-văn Marx nói đến thần-tính hay là các thần-linh, còn trong phần Phụ-lục thì lại nói đến Thiên-Chúa. Làm như thể là hai kiểu nói đều có giá-trị như nhau, và cùng chỉ một thực-tại. Làm như thể là những điều bàn-luận về các thần-linh thời thượng cổ cũng có giá-trị như thế khi nói về Thiên-Chúa của đạo Thiên-Chúa. Chính trong khung cảnh biến-chuyển ngôn-từ như thế, mà Marx đưa ra lập-luận trên đây, để minh-chứng rằng không có Thiên-Chúa, cũng như không có thần-linh.
Khi giải-thích Êpicur, thì Marx có ý-kiến căn bản là: “Cái quan-trọng đối với Êpicur không phải là cái voluptas, tức là cái khoái-lạc, không phải là cái mình cảm-giác được một cách hiển-nhiên, cũng không phải là cái gì khác, chỉ trừ cái tự-do của tinh-thần không bị bất cứ cái gì ảnh-hưởng” ., Cho nên khi muốn chống lại thuyết tất-định của Đê-mô-crit, Êpicur chủ-trương rằng trong lúc rơi từ trên xuống, thì các nguyên-tử có khả-năng rơi trệch ra ngoài đường thẳng, và như thế có thể va chạm vào nhau. Và đây là chỗ Marx tìm ra lập-luận căn-bản: Marx cho rằng chủ-trương như thế tức là thừa-nhận rằng các nguyên-tử đều có tự-do, và có tự-do tức là đã đi vào bước đầu của biện-chứng đưa tới cái Tự-kỷ Ý-thức.
Khi Plutarch nói về việc người ta thường thường sợ thần-linh, thì Marx giải-thích rằng: “Xét như thế thì Thiên-Chúa chẳng qua chỉ là tổng-hợp các hiệu-quả do các hành-động xấu mà ra”.
Khi Plutarch quan-niệm rằng thần-linh có mặt trong các lễ hội tôn-giáo là để làm cho tâm-hồn người ta được khỏi sợ, khỏi buồn, khỏi lo, và được đầy tràn hoan-lạc, thì Marx lại hiểu ra rằng: “cái được người ta thần-linh hóa và chúc-mừng ở đây, đó là chính cái cá-thể đã được thần-linh-hóa và đã được giải thoát ra khỏi những cái đau-khổ thông-thường, đó là người hiền-triết (sophos) vô-ưu (ataraxia), như trong quan-niệm của Êpicur. Cái người ta thờ-phụng ở đây, đó là sự khiếm-diện của chính thần-linh, đó là sự hiện-diện của niềm hoan-lạc của cá-nhân”.
Tiếp theo đó, “Câu nói rằng Thiên-Chúa là hêgêmôn agathôn, là vị lãnh-đạo cho những người tốt và là cha sinh ra pantôn kalôn, nghĩa là mọi cái đẹp, câu đó có ý-nghĩa triết-lý như thế này: đó không phải là đặc-tính của Thiên-Chúa, nhưng: cái ý-tưởng về cái tốt, cái thiện, mới chính là yếu-tố thần-thiêng (das Göttliche). Rồi Marx kết-luận: “Theo đúng cái lý-sự nội-tại trong các ý-tưởng của ông, thì tất-nhiên Plutarch phải nói về linh-hồn của cá-nhân, chứ không nói về yếu-tố thần-thiêng” .
Khi giải-thích vì sao người ta tin rằng chết không phải là hết, Plutarch nhận-xét rằng những người mất con, mất vợ, mất bằng-hữu, thì thường ưa tin rằng những kẻ đó, cho dù có bị khổ-cực, cũng vẫn còn ở đâu đây, như thế còn hơn là chết mất hẳn đi. Nhưng Marx lại nghĩ rằng: “người ta ưa như thế, có nghĩa là cá-nhân muốn ý-thức được rằng mình hiện-hữu một cách thiết-thực.” .
Tất cả những lối giải-thích như thế hoàn-toàn phù-hợp với chứng-lý của Marx biện-minh rằng không có Thiên-Chúa: “Khi người ta tư-tưởng, thì hỏi thấy có cái gì trước hết ? Thưa là có cái tự-kỷ ý-thức”. Tất cả đều minh-chứng rằng có cái Tự-kỷ Ý-thức, ngoài ra không có gì hết. Và đó cũng là đìều Marx đã đọc được trong sách vở của Hegel: “Cái chân-lý của ý-thức, đó là cái tự-kỷ ý-thức, cái này là nền-tảng của cái kia., Vì thế trong phạm-vi hiện-hữu, khi con người ta có ý-thức về bất kỳ một đối-vật nào, thì cũng có ý-thức về chính mình (nghĩa là tự-kỷ ý-thức) nữa” . Có đìều là Hegel không duy-tâm như người ta lầm tường: vì trong lúc nhấn mạnh vào cái tự-kỷ ý-thức, không những ông không kết-luận rằng không có cái đối-vật mà ý-thức đang nhắm vào, mà hơn nữa, ông còn triển-khai biện-chứng đi xa hơn cái tự-kỷ ý-thức, đi qua tinh-thần trong chủ-thể, tinh-thần ngoài khách-thể, cho tới tinh-thần tuyệt-đối, trong đó tất-nhiên tôn-giáo là một thành-phần không thể thiếu được.,
Để kết-luận về luận-văn của Marx, xin đưa ra đây một nhận-xét có lẽ hơi bất ngờ: ở giai-đoạn này Marx có phần duy-tâm hơn Hegel, vì ông không xét đến những phân-tích cụ-thể của Hegel về các thực-tại nhân-văn, và cho rằng ngoài cái tự-kỷ ý-thức là thực-tại tối cao, thì không có gì hết. Về điểm này thì rõ-ràng là tuy trước năm 1841 Marx không có tiếp-xúc với Feuerbach, nhưng cả hai ông đều cùng có một lập-trường về tự-kỷ ý-thức, cho nên khi Feuerbach cho xuất-bản sách Bản-chất đạo Thiên-Chúa, thì Marx đón nhận một cách hào-hứng, và rồi thấy không cần phải tiếp-tục phê-bình tôn-giáo nữa.
Gs. Trần Văn Toàn
Bài đăng ở tập san Định Hướng
còn tiếp