Nghiên cứu _ hành trình vô thần của Karl Matx


Hành-trình vô-thần của Karl Marx
khi còn thanh-niên qua những sách
đọc tham-khảo về tôn-giáo (tt)  
Lời nói đầu
(viết ngày 1-5-1995)
1- Thiên khảo-luận sau đây có mục-đích là vạch cho rõ nguồn-gốc lập-trường vô-thần của Karl Marx. Nguồn-gốc đó cho đến nay vẫn chưa được trình bày cho xác-đáng, vì nhiều lý-do:
Lý-do thứ nhất: Tuy Marx đã sáng-tác ra mấy khẩu-hiệu đanh thép và mấy câu tuyên-bố gắt-gao về tôn-giáo (ví-dụ: "tôn giáo là thuốc phiện làm mê-hoặc nhân-dân’’), nhưng trong tác-phẩm mênh-mông của ông chỉ có tất cả độ 2, 3 trang dành cho lập-luận biện-minh cho vô-thần. Như thế kể là không có bao nhiêu, lại chỉ là những câu biện-minh có tính-cách lẻ-loi trong những bài viết nhằm mục-đích khác.
Thực ra Marx thấy không cần mất thì-giờ đi vào lập-luận lý-thuyết làm gì, vì cái mà  triết-gia cần phê-bình, cái mà nhà cách mạng cần phải lật đổ, đó là cái chế-độ đang thực-sự áp-bức nhân-dân về mặt xã-hội, kinh-tế và chính-trị. Thiếu gì người đương-thời với ông đã viết những pho sách lớn để phê-bình tôn-giáo, nhưng có làm đổi được thực-tế đâu. Vì thế, sau khi đọc cuốn sách Bản-chất đạo Thiên-Chúa (Das Wesen des Christentums) của Feuerbach xuất-bản năm 1841, Marx chấp-nhận lập-trường của Feuerbach, cho đó là sách phê-bình dứt-khoát, và vì thế từ đây không cần phải tiếp-tục phê-bình những cái ở trên trời, mà ngược lại, cần phải phê-bình và đánh đổ những chế-độ bóc-lột ở dưới đất.
Cần phải nói: đó là một lập-trường can đảm, đòi-hỏi phải dấn-thân. Chứ phê-bình tôn-giáo thì đâu có nguy-hiểm cho bằng phê-bình những lực-lượng xã-hội, kinh-tế và chính-trị đang thực sự bóp-chẹt con người. Lập-trường dấn-thân ấy bắt nguồn từ phong-trào xã-hội chủ-nghĩa mà Marx đã thấy bên Pháp vào giữa thế-kỷ XIX. Đây là một ưu-điểm của chủ-nghĩa Marx, cho đến nay vẫn còn có giá-trị.
Lý-do thứ hai: đã thế, nhưng dù có muốn nghiên-cứu cho kỹ về nguồn-gốc lập-trường của Marx, người ta cũng thiếu tài-liệu. Quanh đi quẩn lại, cho tới gần đây người ta thường giải-thích nó là con đẻ của học-thuyết Feuerbach, và xa hơn tí nữa, của học-thuyết Hegel.
Thực vậy, cho tới ngót 20 năm trước đây, trong hơn bốn chục cuốn Tác-phẩm của Marx-Engels (Marx-Engels Werke), xuất-bản ở Berlin (Đông-Đức), vẫn không có nhiều tài-liệu về lập-luận vô-thần của Marx, vì trong bộ tác-phẩm đó chỉ cho in ra những tác-phẩm từ quãng năm 1841 trở đi mà thôi.
Nhưng cũng cách đây chừng 20 năm, người ta bắt đầu cho in lại và tu-bổ thêm bộ Marx-Engels toàn-tập (Marx-Engels Historisch-kritische Gesamtausgabe) viết tắt là bộ MEGA, mà trước đây Rjazanov đã xuất-bản ở Berlin và Moskva, được chừng 6 cuốn, từ năm 1927 đến năm 1935, nghĩa là sau khi đảng Quốc-xã của Hitler lên nắm chính-quyền tại nước Đức thì phải đình lại. Bộ MEGA mới thì theo thứ-tự và phân-loại khác bộ MEGA cũ, nhưng đặc-biệt nhất là đã cho in ra đầy-đủ tất cả những tập vở ghi-chú của Marx trước năm 1841, viết ra trong lúc ông đọc sách tham-khảo để soạn luận-văn tiến-sĩ triết-học (1841). Đây là lần đầu tiên người ta khám-phá ra là Marx đã đọc nhiều sách về vấn-đề tôn-giáo, từ thời Thượng-cổ, bỏ ra thời Trung-cổ, cho đến thời Cận-đại và đầu thế-kỷ XIX. Nghĩa là: ngoài Hegel và Feuerbach ra, còn có nhiều nhà tư-tưởng khác đã góp phần vào hành-trình vô-thần của Marx.
Thiên nghiên-cứu sau đây của tôi là căn-cứ vào những tập vở ghi-chú của Marx mới được in ra trong bộ MEGA mới, mà cho đến nay chưa ai khai-thác. Mục-đích của nó là để hiểu cho rõ, trong một trường hợp đặc-biệt, nguồn-gốc của một học-thuyết vô-thần.
2- Từ nghiên-cứu đó, tôi thấy cần phải đặt thêm mấy vấn-đề then-chốt khác nữa:
Thứ nhất: xét cho cùng thì vô-thần, vô-tôn-giáo là những ý-niệm tiêu-cực, nội-dung của nó chỉ được xác-định khi ta biết cái mà nó phủ-nhận. Phải biết người ta hiểu thế nào là thần, thế nào là tôn-giáo, mới biết vô-thần, vô-tôn-giáo là gì.
Vì thế, tìm hiểu một học-thuyết vô-thần cũng tức là tìm hiểu thứ thần nào người ta muốn khước từ. Đó là điểm xem ra minh-bạch tronh hành-trình vô-thần của Marx: vô-thần bao giờ cũng là khước-từ một số quan niệm về thần-thánh, về Thiên-Chúa. Cái đó có đúng hệt như cái mà người tín-hữu gọi là thần, là Chúa, hay không, thì đó lại là vấn-đề khác. Vì thế lập-luận vô-thần có thể làm mất tín-ngưỡng của người này, mà không làm mất tín-ngưỡng của người khác. Thường thì lời phê-bình của phái vô-thần có tác-dụng là làm cho người tín-hữu biết suy-nghĩ và chuyển đến một quan-niệm thanh-cao hơn về thần, về Thiên-Chúa.
Một vài ví-dụ: vào đầu Tây-lịch kỷ-nguyên, chính-quyền đế-quốc Roma đã cấm đạo Thiên-Chúa và chém giết các tín-đồ, vì coi họ là nhóm vô-thần. Vô-thần ở đây là không nhìn nhận các thần-linh của nhà nước, và nhất là không coi hoàng-đế Roma là thần-linh. Một trong những lý-do sâu-xa làm cho vương-quyền theo Nho-giáo ở Việt-nam và ở các nước theo văn-hóa Tàu, quyết định cấm đạo Thiên-Chúa, thì cũng tương-tự như thế. Người ta cho rằng làm người thì phải biết giữ đạo vua tôi, đạo cha con. Người ta trách tín-đồ đạo Thiên-Chúa là không biết thờ vua, không biết hiếu với cha mẹ. Sự thực không đơn giản như thế: họ biết thảo kính cha mẹ, nhưng không theo thể-thức cúng-tế cũ, họ thờ vua, nhưng không coi vua là thần-linh tuyệt-đối. Đạo vua tôi, cha con của họ được thi hành trong khuôn-khồ quan niệm ‘’tam phụ’’: hạ phụ là cha (mẹ), trung phụ là vua (quan), thượng phụ là Thiên Chúa. Dĩ nhiên nếu ngườì làm vua cho rằng mình có quyền tuyệt đối trên đầu thần-dân, có quyền ‘’dọc ngang nào biết trên đầu có ai’’, thì dễ gì chịu nhận rằng mình chỉ là người, chỉ là trung phụ và phải theo mệnh trời. Cần phải nói thêm là tư-tưởng dân-chủ được phát-triển ở Âu-châu vào những lúc người ta không chịu nhìn nhận vương quyền là quyền tuyệt-đối có tính-cách thần-thiêng. Nhưng vấn-đề cấm đạo ở Việt-nam còn có nguyên-do khác , mà đây không phải là chỗ tranh-luận.
Thứ hai: vấn-đề nghiên-cứu tôn-giáo cũng cần phải đặt ra một cách có phương-pháp.
Đành rằng phải mô-tả tỉ-mỉ các hành-động tôn-giáo: nghi-lễ, nếp sống, luân-lý, cách tổ-chức, phương-diện kinh-tế, nhưng cần phải biết cái gì là kinh-nghiệm sâu-xa làm cho người ta định-hướng cho đời sống, cho nếp sống như thế. Thực ra hai chữ ‘’tôn-giáo’’ có rất nhiều nghĩa, và bao trùm nhiều quan-niệm rất khác nhau về vũ-trụ và về nhân-sinh. Rất có thể là những hình-thức gọi là tôn-giáo nhiều khi không có gì đồng-tính mà lại trái  ngược nhau. Cho nên trong khi phân-tích, không thể coi tôn-giáo này chỉ là biến-thể của tôn-giáo kia, từ quan-niệm phù-thủy, vật-bái cho đến những tôn-giáo có tính-cách thanh-cao thoát tục. Cũng không nên vội vã coi tôn-giáo chỉ là phương-tiện và cho ngay rằng có chỉ có mục-đích, có công-dụng là để giải-lao, để nâng cao tinh-thần hợp-đoàn, hay chỉ là cái mặt nạ để che đậy một thực tại không đẹp-đẽ gì v.v. Nhưng đây lại là cả một vấn-đề phiền-phức.
Gs. Trần Văn Toàn
Bài đăng ở tập san Định Hướng