Chân phước GIACÔBÊ OLDO
(1364-1404)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Giacôbê, sinh năm
1364, là người gốc Lodi gần Milan. Nhờ buôn bán phát đạt, cả hai vợ chồng
Giacôbê đắm mình trong mọi thú vui trần
thế. Ngày kia, trong một đám tang của người bạn thân, khi nhìn vào huyệt sâu
Giacôbê nhận thức rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ chết. Ông tự hỏi linh hồn mình sẽ đi đâu, và sau đó ông quyết
tâm thay đổi đời sống. Giacôbê ăn năn sám hối, đi xưng tội và sau đó gia nhập
Dòng Ba Phanxicô.
Trong khi đó, bà mẹ
ruột ông Giacôbê lại ngăn cản vợ ông thay đổi đời sống theo gương chồng. Nhưng
một ngày kia, bà được thấy chính bà và con bà phải ra trước tòa Thiên Chúa. Thị
kiến ấy đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi bà thay đổi lối sống cũng như khuyên cô
con dâu noi gương chồng. Và cả hai đã gia nhập dòng Ba Phanxicô. Dinh thự của
họ trở thành nơi cầu nguyện và nơi
luyện tập nhân đức.
Sau khi vợ chết, ông
Giacôbê trở thành linh mục và gia tăng việc hãm mình đền tội. Nhiều khi mỗi tuần ông chỉ ăn có một lần, cũng
như không ăn thịt và không uống rượu. Sau cùng, vị giám mục phải ra lệnh cho
ông phải ăn uống tối thiểu ba lần một tuần.
Dân chúng cảm kích trước lời rao giảng
ăn năn sám hối của Cha Giacôbê. Nhiều người từ bỏ lối sống trần tục, và ngay cả
gia nhập đời sống tu trì.
Cha Giacôbê có ơn tiên tri, nhiều lần đã tiên
đoán đúng các cuộc chiến xảy ra. Ngay cả cái chết của mình, ngài cũng tiên đoán
đúng. Và bảy năm sau khi từ trần, người ta tìm thấy xác ngài còn nguyên
vẹn.
Suy niệm 1: Quá khứ
Nhờ buôn bán phát đạt, cả hai vợ chồng Giacôbê đắm mình trong mọi thú vui
trần thế... sau đó ông quyết tâm thay đổi đời sống.
Quá khứ luôn có một ảnh hưởng rất sâu đậm trên đương sự và tha nhân. Vì sợ
không chịu đựng nổi cảnh giày vò do tội phản Thầy, Giuđa Ítcariốt phải chạy tìm
lối thoát vào việc thắt cổ tự tử. Còn Phaolô thì từ chối không muốn đem Máccô đi theo và nhận làm cộng tác viên, vì
trong quá khứ, Máccô đã từng bỏ ngài và không cộng tác với ngài (Cv 15,38).
Giacôbê thì khác và Chúa cũng khác. Dầu có một quá khứ đắm mình trong mọi
thú vui trần thế, nhưng ngài đã khiêm tốn nhận lỗi và sửa sai để rồi can đảm
bắt đầu lại từ đầu trong nếp sống tu trì. Và Đức Giêsu bất chấp quá khứ tội lỗi
của Mácđala để đón nhận cô và chọn cô làm sứ giả tin mừng Phục Sinh.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng tự ti mặc cảm về quá khứ tội lỗi của mình
cũng như đừng có định kiến về quá khứ tội lỗi của tha nhân, để cùng giúp nhau
bắt đầu lại trên đường tiến đức.
Suy niệm 2 Chết
Trong một đám tang của người bạn thân, khi nhìn vào huyệt sâu Giacôbê nhận
thức rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ chết.
Chắc hẳn không ai trong chúng ta đã không từng tham dự một đám tang, hoặc
ít ra đã không từng nghe nói về một đám tang, chúng ta có ý nghĩ gì? Sự kiện ấy
có giúp chúng ta canh tân đời sống để mỗi ngày một sống tốt hơn lên hay không?
Nếu không, đó là sự khác biệt giữa chúng ta và Giacôbê. Một đám tang của
người bạn thân đã giúp Giacôbê đặt vấn đề về cái chết của chính mình và tự hỏi
linh hồn mình sẽ đi đâu, để rồi sau đó quyết tâm thay đổi đời sống: Giacôbê ăn
năn sám hối, đi xưng tội và sau đó gia nhập Dòng Ba Phanxicô.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống tốt để chuẩn bị cho cái chết lành
thánh của mình.
Suy niệm 3: Nơi cầu nguyện
Dinh thự của họ trở thành nơi cầu nguyện và nơi luyện tập nhân đức.
Vì cầu nguyện là gặp gỡ Chúa mà Chúa thì ở khắp mọi nơi, nên bất cứ chỗ nào
cũng có thể tìm gặp được Chúa, miễn là có tinh thần cầu nguyện. Đức Giêsu đã
nêu gương khi vào hội đường, khi đến đền thờ Giêrusalem, khi lên núi, khi vào
rừng vắng, theo điều kiện thuận tiện của Ngài.
Theo gương ấy, Thánh Phêrô và Gioan đi lên đền thờ vào buổi cầu nguyện giờ
thứ chín (Cv 3,1). Thánh Phaolô và Xila hát thánh ca cầu nguyện cùng Thiên Chúa
ngay trong chốn ngục tù vào quãng nửa đêm (Cv 16,25). Các tín hữu thời sơ khai
siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng tại tư gia (Cv 2,42).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chủ tâm sống đời cầu nguyện mà không lệ thuộc
vào bất cứ một nơi chốn nào.
Suy niệm 4: Hãm mình
Giacôbê trở thành linh mục và gia tăng việc hãm mình đền tội.
Hãm mình vốn mang lại nhiều lợi ích chẳng những về đời sống thiêng liêng mà
còn cả về sức khoẻ thể xác nữa. Thật vậy không thiếu bệnh nhân phải kiêng ăn cử
uống nhiều thứ theo lời chỉ dẫn của bác sĩ để việc điều trị bệnh chóng có kết
quả khả quan.
Tuy nhiên việc gì cũng phải có mức độ. Vì thế khi thấy Giacôbê nhiều khi
mỗi tuần chỉ ăn có một lần, cũng như không ăn thịt và không uống rượu, thì sau
cùng, vị giám mục phải ra lệnh cho Giacôbê phải ăn uống tối thiểu ba lần một
tuần. Cũng thế, thánh Phaolô đã từng khuyên Timôtê đừng chỉ uống nước lã mà
phải dùng thêm chút rượu vì đang đau dạ dày và ốm yếu (1Tm 5,23).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết hãm mình phạt xác nhưng đừng vượt quá mức
độ.
Suy niệm 5: Cảm kích
Dân chúng cảm kích trước lời rao giảng ăn năn sám hối của Cha Giacôbê.
Nhiều người từ bỏ lối sống trần tục, và ngay cả gia nhập đời sống tu trì.
Thời Gioan Tiền Hô, dân chúng từ Giêrusalem và miền Giuđê cùng khắp vùng
ven sông Giođan cũng đều cảm kích trước lời rao giảng ăn năn sám hối của Gioan,
nên tuốn đến cùng ngài để thú tội, chịu phép rửa và xin được chỉ dẫn (Mt
3,5-6;Mc 1,5;Lc 3,7-10).
Hy tế của Đức Giêsu trên thập tự giá ở đồi Canvê cũng gây lòng cảm kích,
nên viên đại đội trưởng cùng đám thuộc hạ đã cất tiếng tôn vinh: “Quả thật, ông
này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54). Còn toàn thể dân chúng đến chứng kiến cảnh
tượng thì đấm ngực ăn năn trở về (Lc 23,48).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không chỉ cảm kích trong lòng mà phải thực hiện
trong hành động bằng việc canh tân đời sống.
Suy niệm 6: Tiên tri
Cha Giacôbê có ơn tiên tri, nhiều lần đã tiên đoán đúng các cuộc chiến xảy
ra. Ngay cả cái chết của mình, ngài cũng tiên đoán đúng.
Tiên tri là một đặc ân Chúa thương ban cho một số người, cụ thể ở đây là
trường hợp Cha Giacôbê. Với người khác, Chúa lại ban cho đặc ân khác, chẳng hạn
người thì được ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được ơn hiểu biết để trình
bày (1Cr 12,8).
Nhưng tất cả đều phải phục vụ lợi ích chung (1Cr 12,7). Cũng như trong một
thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, với các chức năng khác nhau nhằm bổ túc
lẫn nhau, mỗi người cũng phải liên đới với những người khác như những bộ phận
của một thân thể (Rm 12,4-5).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết sử dụng ân huệ Chúa ban để phục vụ lợi
ích chung.