Tâm sự về
NHỮNG CHUYỂN BIẾN NỘI TÂM
NHỜ ƠN ĐỨC MẸ KHÓC
NHỮNG CHUYỂN BIẾN NỘI TÂM
NHỜ ƠN ĐỨC MẸ KHÓC
Chúng ta là những người đang sống. Những người đang sống thường trao đổi tư tưởng và tâm tình với nhau. Hệ thống trao đổi gồm lời nói, chữ viết, cử chỉ, thái độ, cả đến những cách huyền bí như thôi miên, thần giao cách cảm.
Còn những người đã chết thì sao?
Truyền thống hầu khắp nơi đều để lại niềm tin này: Những người ở bên kia cõi chết vẫn có những liên hệ mật thiết với người còn sống, mà họ thân thương. Những liên hệ đó thường xuyên là vô hình, nhưng thỉnh thoảng hiện thành hữu hình. Hữu hình dưới nhiều hình thức.
Riêng đối với Đức Mẹ Maria, hình thức hữu hình thông thường nhất được ghi nhận từ trước tới nay là những phép lạ Đức Mẹ làm cứu độ người ta và những hiện tượng Đức Mẹ hiện ra nơi này nơi nọ.
Những ai sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt thường có những kỷ niệm riêng tư giữa bản thân mình với Đức Mẹ.
Tôi cũng vậy. Một trong những kỷ niệm riêng tư loại đó là những chuyển biến nội tâm xảy ra trong tôi nhờ Đức Mẹ.
Một trong những nguồn tuôn đổ vào hồn tôi ơn chuyển biến là đền kính
Đức Mẹ khóc ở La Salette.
Đức Mẹ hiện ra ở La Salette La Salette là một nơi hẻo lánh thuộc vùng đồi núi trong nước Pháp. Nơi đó xưa kia chẳng ai để ý tới. Nhưng từ năm 1848, nó đã trở thành nơi thu hút khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới.
Hồi du học ở Âu châu, tôi đã tới đó. Ấn tượng đầu tiên và duy nhất in vào hồn tôi, khi tôi tới và ở lại trong khu đền Đức Mẹ La Salette là bầu khí cầu nguyện sám hối.
Nơi đây, có những sách báo và chứng từ của Giáo quyền xác nhận sự kiện Đức Mẹ đã hiện ra tại đây. Đức Mẹ hiện ra dưới hình thức một phụ nữ đẹp, đeo tượng Chúa chuộc tội, ngồi trên một tảng đá, hai bàn tay úp vào mặt và khóc. Hai em bé là Mélanie và Maximin đang ở gần đó thấy vậy, tưởng bà nào trong làng, gặp chuyện buồn gia đình, nên ngồi khóc. Hai em tiến lại hỏi thăm. Sau trao đổi, hai em bỡ ngỡ nhận ra người phụ nữ ngồi đó khóc chính là Đức Mẹ. Đức Mẹ đã khóc, vì thương loài người sẽ gặp nhiều khốn khó, nếu không sám hối, bỏ đàng tội lỗi.
Mục đích cuộc hành hương của tôi không phải là tra cứu sự kiện Đức Mẹ hiện ra ở đó, nhưng là để xin ơn đổi mới tâm hồn mình, cải thiện tình hình Hội Thánh, và đánh thức lương tâm xã hội, để mọi người biết ghê tởm tội lỗi, trở về lối sống đạo đức Phúc Âm.
Giữa cảnh thanh vắng của núi rừng, tôi ngồi bên tượng Đức Mẹ khóc, như đứa con nhỏ ngồi bên người mẹ hiền đang khóc thương những đứa con hư. Tự nhiên hồn tôi biến chuyển. Biến chuyển không do lý luận nào, không do áp lực nào, nhưng do một nguồn lực thiêng liêng vừa mạnh, vừa êm đềm. Tôi rời La Salette đã nhiều năm, nhưng biến chuyển tâm hồn mỗi ngày mỗi mới.
Đức Gioan Phaolô II và Đức Mẹ La Salette
Biến chuyển tâm hồn tôi được mới cách đặc biệt hơn nhờ lá thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết, dịp kỷ niệm 150 năm sự lạ La Salette. Lá thư có đoạn viết:
"Đức Maria, người Mẹ đầy tình yêu đã tỏ ra ở La Salette nỗi đau buồn của Người trước sự ác luân lý của nhân loại. Qua những nước mắt của Mẹ, Mẹ giúp chúng ta hiểu hơn sự nghiêm trọng đau đớn của tội lỗi, của sự từ bỏ Thiên Chúa. Đồng thời cũng qua những nước mắt ấy, Mẹ nói lên sự trung thành say mê của Con Thiên Chúa đối với những anh em mình. Chúa Giêsu, là Đấng Cứu chuộc, nhưng tình yêu của Người bị thương tích bởi sự quên lãng và chối từ của nhân loại... Mẹ thương xót cho những khó khăn của các con cái Mẹ. Mẹ đau đớn thấy nhiều con cái Mẹ xa lìa Hội Thánh Đức Kitô, đến nỗi quên hẳn hoặc từ chối sự hiện diện của Chúa trong đời sống mình".
Những dòng thư trên đây của Đức Gioan Phaolô II về Đức Mẹ khóc ở La Salette đã đưa những nước mắt của Đức Mẹ vào thời sự hôm nay, một thời sự có những bóng tối gieo tai hoạ khủng khiếp.
Đức Hồng Y Martini và Đức Mẹ La Salette
Tâm tư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về Đức Mẹ khóc ở La Salette sau đó đã được nối tiếp bởi những bài suy gẫm của Đức Hồng Y Carlô Martini, dịp Ngài đứng đầu phái đoàn nước Ý đi hành hương La Salette.
Dịp này, Đức Hồng Y Martini đưa người hành hương đến những đoạn Phúc Âm nói về nỗi đau của Đức Mẹ và Chúa Giêsu như:
- Đoạn ghi những lời ông Simêon đã nói với Đức Mẹ, lúc Đức Mẹ dâng con trong Đền thánh: "... Một lưỡi đòng sẽ đâm qua lòng Bà..." (Lc 2,33-35).
- Đoạn tả lại cảnh Đức Mẹ đứng dưới chân thánh giá Chúa Giêsu: "Cạnh thánh giá Đức Giêsu có Mẹ Người, chị mẹ Người, bà Maria, vợ ông Clopas và Maria Magdala" (Ga 19,25).
- Đoạn thư gởi Do Thái: "Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời cầu nguyện..." (Dt 5,7).
Suy gẫm trong thinh lặng những đoạn Kinh Thánh trên đây bên cạnh Đức Mẹ khóc, tôi cảm thấy lòng mình chuyển biến rõ rệt.
Những chuyển biến nội tâm nơi tôi
Những chuyển biến đó có thể diễn tả như sau:
1/ Năng hỏi chính mình xem có tởm gớm xa tránh tội lỗi, để an ủi Chúa Giêsu và Đức Mẹ không?
2/ Năng hỏi chính mình xem có tâm tình xót thương những người tội lỗi, lầm lạc và đau khổ đủ loại vì nhiều lý do không?
3/ Năng hỏi mình xem có chia sẻ đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá, để cứu chuộc nhân loại không?
4/ Năng hỏi mình xem đã hiểu được tới đâu mầu nhiệm của đau khổ, của thánh giá, của nước mắt, trong tình yêu cứu độ?
Những chuyển biến như thế trong tâm hồn tôi cũng được coi là sứ điệp Đức Mẹ La Salette gởi cho tôi, và nhắc lại cho tôi qua những thời sự xảy ra đó đây.
Những sứ điệp này đều bắt nguồn từ Phúc Âm. Không có gì mới lạ. Nếu có gì gọi được là mới lạ, thì chính là sự nhắc nhở sứ điệp dưới một hình thức dễ hiểu, dễ rung động lòng người.
Với những chuyển biến tâm hồn mà tôi nhận được từ việc hành hương La Salette, nơi Đức Mẹ đã hiện ra dưới hình thức người mẹ khóc, tôi cảm tạ Chúa, tôi cho đó là một ơn Chúa ban cho Hội Thánh, cho nhân loại và cho tôi.
GM Bùi Tuần