Học làm người _ phục hổ

PHỤC HỔ
Thuở xa xưa lắm rồi tại Ấn Độ, bốn thầy Hindu cùng nhau tiến vào kinh thành để thi thố tài năng hầu để được vua trọng thưởng. Một thầy Hindu bảo, “Chúng ta đã học sâu hiểu rộng, với kiến thức này sẽ có nhiều trọng thưởng, và chúng ta sẽ chia đều phần thưởng cho nhau.”
“Không được” một thầy lên tiếng, “không thể chia đồng đều được vì chỉ có ba người trong chúng ta có kiến thức và học vị, còn thầy không có kiến thức khoa bảng không thể nhận phần thưởng bằng như chúng ta.” 
Nói xong, cả ba vị có học vị nhìn nhau mỉm cười, còn vị thứ tư cúi mặt ngẫm nghĩ thưa, “Đúng vậy, quí vị có kiến thức từ sách vở, nhưng tôi có kiến thức từ những điều bình thường trong cuộc sống.” Một trong ba vị cãi lại, “Ông nên đi học thêm, vì chỉ có kiến thức của ba người chúng tôi mới có thể được nhà vua trọng thưởng.” Vị thứ tư cúi mặt đáp, “Có lẽ ông nói đúng.”
Họ vẫn tiếp tục đi về hướng cung điện nhà vua. Khi đi ngang qua một khu rừng, họ gặp thấy bộ xương khô nằm bên vệ đường. 
Để chứng tỏ tài năng của mình, một vị Hindu nói, “Với kiến thức của tôi, tôi biết cách sắp xếp lại toàn bộ xương khô này trong trật tự của con vật.” 
Vị thứ hai đáp, “Với kiến thức của tôi, tôi biết làm cho con vật này có da thịt để bao phủ bộ xương của nó.” 
Nghe vậy, vị thứ ba lên tiếng, “Kiến thức của tôi hơn tất cả quí vị ở đây. Tôi đã học phép thuật cải tử hoàn sinh; tôi sẽ làm cho con vật này sống lại."
Vị thứ tư cũng góp phần, “Với tôi, tôi không có tài năng uyên thâm như quí vị, nhưng với kiến thức thông thường của tôi, tôi biết bộ xương này là bộ xương hổ. Nó sẽ rất nguy hiểm nếu quí vị làm cho nó sống lại trong nơi rừng vắng này.” 
Cả ba vị kia đều đáp trả, “Đồ ngu, hãy coi tài năng của chúng tôi đây.” Nghe xong, thầy Hindu thứ tư nói, “Nếu quí vị nhất quyết muốn làm cho con hổ sống lại, tôi sẽ leo lên cây cao ngồi xem.” Nói xong, ông tìm cây cao leo lên dù phải chấp nhận sự cười nhạo của ba vị kia.
Quả đúng như tài năng của mỗi thầy Hindu. Thầy thứ nhất ráp xương lại ngay ngắn; thầy thứ hai làm cho bộ xương có da thịt đầy đặn; và thầy thứ ba làm cho con hổ sống lại. Con hổ rống lên một tiếng thật to, ngay lập tức nó tấn công và ăn thịt cả ba thầy Hindu. Thầy thứ tư an toàn trên cây cao nhưng lòng đau xót cho các bạn của mình vì họ quá nông nỗi háo thắng mà mất mạng giữa đường.[1]
* * *
Chúng ta đã cùng nhau học hỏi những đề tài khác nhau trong mục Sống Sao Cho Đẹp. Hôm nay mục Sống Sao Cho Đẹp cùng mời bạn học hỏi về chủ đề khiêm tốn. Với hy vọng rằng, suy niệm và học hỏi đức tính khiêm tốn sẽ giúp mỗi chúng ta thêm trưởng thành hơn, khôn ngoan hơn, và bình an trong những ngày sắp tới của đời mình.
Theo tự điển Merriam-Webster, từ “khiêm tốn” trong tiếng Anh (humility) được bắt nguồn từ tiếng Latin, “humilis” nghĩa là “thấp;” “humus” nghĩa là “đất.” Như thế, khiêm tốn (humility) tức là nhận ra tình trạng thật của mình – vốn dĩ là đất bụi.
Trong trang đầu sách Kinh Thánh cũng diễn đạt ý tương tự, tổ tông của loài người có tên gọi Adam. Danh từ “Adam”  được xuất phát từ danh từ “adamah” (ădāmâ) (Gn 2:7; 3:19), theo tiếng Hebrew, nghĩa là “đất.” Nói tóm lại, con người dù có thông minh tài trí tới đâu, vốn dĩ mình cũng chỉ là cát bụi. Thêm nữa, theo triết lý nhà Phật, “Khiêm tốn là hạ mình xuống… Khiêm tốn là hạnh người tu phải học suốt đời.”[2]
Theo ông William Temple, “Khiêm tốn không có nghĩa là cho mình thấp hèn hơn người khác, và cũng không có nghĩa là hạ thấp những tài năng của chính mình. Nhưng khiêm tốn là sống tự do như chính mình là và cũng nghĩ về người khác với sự tự do mình đang hưởng vậy.” [3]
Thực vậy, chúng ta được mời gọi sống khiêm tốn, không phải vì nhờ danh từ khiêm tốn mà làm cho chúng ta thêm hay, thêm đẹp. Nhưng thực ra khi chúng ta tập và thực hành sống khiêm tốn, ta tìm lại chính giá trị thật của con người; chính khi tìm ra giá trị thật của con người mình, con người ta trở nên đẹp, nên hay, và nên người hơn. Đúng như ông William Temple định nghĩa về đức khiêm tốn, khiêm tốn không có chuẩn để so sánh. Khiêm tốn không có nghĩa là tôi phải khiêm tốn “hơn” người kia, hay ngược lại người kia phải khiêm tốn “hơn-thua” ai đó. Nếu còn dựa theo chuẩn “hơn – thua” để học hỏi về khiêm tốn, thì chừng đó ta vẫn chưa thực sự hiểu về khiêm tốn. Khiêm tốn mời gọi ta nhận thức đúng về chính ta – ta như ta là. Câu hỏi được đặt ra: ta là ai mà nói như ta là? Khởi đầu của sự khiêm tốn chính là đặt câu hỏi về cội nguồn của chính mình. Càng đi ngược lại và sâu hơn về con người mình, mình sẽ dần dần sẽ nhận ra mình là ai – mình thực sự là ai!
Câu chuyện Phục hổ cho ta thấy, nếu mình biết mình là ai, khả năng tới đâu, giới hạn những gì, ta sẽ ít “hơn thua” với nhau hơn, ta sẽ khôn ngoan hơn, và ta sẽ tránh những phiền phức không đáng xảy đến cho ta hơn.
Mời bạn cùng tôi tập sống khiêm tốn bằng việc nhìn lại cội nguồn của mình ngay hôm nay nhé!
Br. Huynhquảng