VÀO THÀNH
Tôi đã xin có bạn đường để khỏi phải sống lẻ loi, Ngài đã cho tôi một con
tim để yêu thương hết mọi người... Các lời nguyện không thành, nhưng lời của
tôi vẫn được khứng nhận và tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian.
Trong
một trung tâm cải tạo tại Hoa kỳ, người ta có thể đọc bài thơ vô danh như sau:
Tôi đã kêu xin Thiên Chúa cho tôi sức mạnh để đạt thành công, Ngài đã khiến
tôi trở thành yếu đuối để tôi học vâng lời trong khiêm tốn. Tôi đã xin cho được
sức vóc để làm những việc trọng đại, Ngài đã cho tôi tật nguyền để tôi làm những
điều tốt lành hơn. Tôi đã xin Chúa cho tôi của cải giàu sang để được sung sướng,
Ngài đã cho tôi cái nghèo khó để tôi biết sống khôn ngoan. Tôi đã xin được chức
quyền để mọi người kiêng nể kính trọng và Ngài đã cho tôi sự yếu đuối để tôi cảm
thấy tôi cần đến Thiên Chúa.
Tôi đã xin có bạn đường để khỏi phải sống lẻ loi, Ngài đã cho tôi một con
tim để yêu thương hết mọi người. Tôi đã kêu xin những điều khiến cho cuộc đời
tôi vui sướng, Ngài đã cho tôi cuộc sống. Để tìm vui trong mọi sự, tôi đã không
nhận được gì trong số những điều tôi kêu xin cùng Thiên Chúa, nhưng tôi đã nhận
được những gì tôi hy vọng. Các lời nguyện không thành, nhưng lời của tôi vẫn được
khứng nhận và tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian.
Lời
cầu nguyện của người vô danh trên đây cho chúng ta thấy một cái nhìn khác về cuộc
đời và các giá trị đích thực vượt xa nhãn quang chúng ta hiểu. Sứ điệp Mẹ Giáo
hội muốn nhắn gởi chúng ta qua Phụng vụ Chúa nhật lễ lá đó là biết nhận ra các
chiến thắng của Chúa Giêsu và của tình yêu trong những thất bại ê chề bề ngoài
của một người tử tội. Ngôn sứ Isaia và bài ca thứ ba trong bốn bài ca trình bày
gương mặt của người tôi tớ khổ đau, nó diễn tả kinh nghiệm bị bắt bớ mà ngôn sứ
phải gánh chịu là người loan báo Lời Chúa cho những kẻ thất vọng. Ngôn sứ nêu
gương sống tin yêu và hy vọng khi nhẫn nhục chịu đựng cảnh đối xử.
Qua
đó, bài ca nêu bật các đặc thái sau đây của người tôi tớ Giavê:
Thứ
nhất người tôi tớ được đưa vào trong khung trời mầu nhiệm của Thiên Chúa và sẵn sàng chấp nhận thực hiện ơn cứu độ Thiên Chúa muốn
ban cho dân Ngài.
Thứ
hai để thực hiện chương trình ấy theo ý muốn và nhãn quan của Thiên Chúa, người
tôi tớ sống đón nhận thánh ý của Ngài mà không phản đối cũng không
chần chừ tìm cách thoái thác và viện dẫn lý do.
Thứ
ba tuy là người vô cùng khôn ngoan, người có Lời Chúa trong mình, người tôi tớ khứng nhận mọi
sỉ nhục, mọi khinh bỉ. Bị xỉ nhổ, bị đánh đòn như người
điên dại và không còn phẩm giá gì nữa và nhất là không chấp nhận dàn xếp lèo
lái để tránh né cái khó khăn và khổ đau xuất phát từ sứ mệnh đã lãnh nhận từ
Thiên Chúa Cha.
Thái
độ sống đó của người tôi tớ khổ đau diễn tả cách hành xử siêu việt khác hẳn
cách hành xử kiêu căng hiếu chiến của loài người. Cách hành xử đấy đưa nhân loại
vào vòng bạo lực không có lối thoát.
Rồi
trong bài đọc II Chúa nhật Lễ lá trong thơ gởi giáo đoàn Philipphê thánh Phaolô
đã mời gọi tín hữu hãy noi gương cách hành xử của Chúa Giêsu Kitô và sống theo
tinh thần của Ngài, tinh thần của người tôi tớ đau khổ. Thánh Phaolô đã lấy lại
bài ca diễn tả lại lòng tin của cộng đoàn tiên khởi vào Chúa Kitô. Bài ca nêu bật
bản tính Thiên Chúa và cuộc sống đời đời của Chúa Kitô trong liên hệ với Thiên
Chúa Cha và nhấn mạnh đến ý nghĩa cuộc đời dương thế và bản tính nhân loại của
Ngài. Đó là một bài khảo luận Kitô học súc tích. Từ ngữ nòng cốt trình bày mấu
điểm thần học căn bản trên đây là sự từ bỏ trọn vẹn, đổ hết ra làm cho trống rỗng
đi.
Tuy
phận mình là Thiên Chúa, khi nhập thể làm người để hiện thực chương trình cứu độ
của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã lột bỏ mọi vinh quang siêu việt thần thiêng của
Ngài. Chúa đã đổ hết bản tính Thiên Chúa của Ngài, đã trở thành trống rỗng hoàn
toàn để chia sẻ thân phận yếu hèn thấp kém và tội lỗi vong thân của con người.
Chúa
Giêsu đã ra khỏi chính mình để hoàn toàn sống vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha
là Đấng đã dùng chính cái chết và thập giá của con Ngài để trao ban ơn cứu rỗi
cho nhân loại. Chính thái độ khiêm hạ vô cùng và tự hủy bỏ mình đó đã khiến
Thiên Chúa Cha tôn vinh Chúa Kitô và trao ban trở lại cho Ngài mọi phẩm giá cao
trọng và một quyền bính trên trời dưới đất. Phẩm giá cao trọng và quyền năng ấy
trong cách hành xử của Thiên Chúa không phải là kết quả sức mạnh của con người,
mà là hoa trái của khổ đau và nhục nhã khiêm cung.
Chúa
Giêsu Kitô được đặt làm Chúa và là Đấng Cứu thế. Người đã từ bỏ điều kiện Thiên
Chúa của mình để sống như người phàm, như người tôi tớ đau khổ. Từ nay trở đi
loài người chỉ có thể gặp gỡ Thiên Chúa qua chính cuộc đời của Chúa Giêsu và thập
giá. Thập giá giúp chúng ta tẩy rửa lòng tin của mình khỏi mọi thần tượng do
chính chúng ta đã tạo ra trong cuộc đời mình. Thiên Chúa của thập giá là một
người Thiên Chúa tự lột bỏ, tự đổ dốc hết phẩm giá cao vời của mình đi để chia
sẻ thân phận tội lỗi khốn cùng của con người.
Thiên
Chúa của thập giá không phải là một vị Thiên Chúa luôn kéo chúng ta ra khỏi
lòng cuộc sống trần gian và thế giới này, nhưng Ngài là Đấng bước vào trong lịch
sử con người để yêu thương, hoán cải và trao ban cho lịch sử loài người một ý
nghĩa. Khi trở thành người anh em của chúng ta, Ngài cống hiến cho chúng ta sự
hiệp thông thần linh của Ngài và kêu mời chúng ta trở thành anh chị em với
nhau.
Trong
tuần lễ đặc biệt sắp tới này, chúng ta hãy xin Chúa giúp cho chúng ta được theo
Chúa cho đến cùng trên con đường thập giá Chúa đã đi qua.