Thánh GILBE ở Sempringham
Lược sử
Thánh Gilbe sinh ở
Sempringham, Anh Quốc, con của hiệp sĩ Jocelin người Norman nổi tiếng giầu có.
Nhưng ngài lại theo đuổi một con đường khác hẳn với những gì mà gia đình ngài
dành sẵn. Được gửi sang Pháp để tiếp tục học lên cao, nhưng ngài lại quyết định
theo đuổi ơn gọi tu trì.
Ngài trở về Anh dù
chưa là linh mục, và được thừa hưởng nhiều bất động sản của cha ngài để lại.
Nhưng Gilbe không muốn một đời sống thoải mái như bất cứ lúc nào ngài cũng có
thể. Thay vào đó, ngài sống một cuộc đời đơn giản tại một giáo xứ, và chia sẻ của cải với người nghèo bao
nhiêu có thể. Sau khi được thụ phong linh mục, ngài phục vụ ở Sempringham.
Trong giáo xứ có bảy
cô thanh nữ muốn sống đời tu trì và họ đã đến xin Cha Gilbe giúp đỡ. Ngài cho xây một căn
nhà cạnh nhà thờ. Ở đó họ sống khắc khổ, nhưng lại thu hút nhiều người đến với
họ; dần dà số nam nữ giáo dân đến giúp đỡ họ ngày càng đông. Sau khi một vài cơ
sở được thành hình, Cha Gilbe đến Citaux để xin các tu sĩ ở đây tiếp tục trông
coi Cộng Đoàn. Khi các tu sĩ Xitô từ chối việc dẫn dắt nhóm phụ nữ này, với sự
chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Eugene III, Cha Gilbe tiếp tục trông coi Cộng
Đoàn với quy luật riêng mà ngài là bề trên. Cộng đoàn được biết đến dưới tên
Dòng Gilbertin, và là tu hội duy nhất được thành lập ở Anh trong thời Trung Cổ.
Trước khi tu hội phải giải tán vì Vua Henri VIII ngăn cấm tất cả các tu viện
Công Giáo ở Anh, Dòng Gilbertin có đến hai mươi sáu tu viện.
Quy luật của dòng rất
nghiêm nhặt, nổi tiếng khắc khổ và lưu
tâm đến người nghèo. Một thói
quen đặc biệt dần dà xuất hiện trong các tu viện của Dòng Gilbertin được gọi là
"đĩa của Chúa Giêsu." Trong đĩa đặc biệt ấy là các phần chia sẻ thức
ăn của mỗi tu sĩ và sau đó họ chia sẻ thức ăn trong đĩa ấy cho người nghèo, nói
lên sự lưu tâm đặc biệt của Cha Gilbe đối với những người kém may mắn.
Trong suốt cuộc đời,
Cha Gilbe sống thật đơn giản, ăn rất ít và dành nhiều thời giờ ban đêm để cầu nguyện. Bất kể những khắc
khổ của cuộc sống, ngài từ trần khi trên 100 tuổi.
Ngài được phong thánh
năm 1202.
Suy niệm 1: Ơn gọi
Thánh Gilbe sinh ở Sempringham, Anh Quốc, con của hiệp sĩ Jocelin người
Norman nổi tiếng giầu có. Nhưng ngài lại theo đuổi một con đường khác hẳn với
những gì mà gia đình ngài dành sẵn. Được gửi sang Pháp để tiếp tục học lên cao,
nhưng ngài lại quyết định theo đuổi ơn gọi tu trì.
Bí tích Truyền Chức Thánh in vào linh hồn một “ấn tích” hay “ấn tín”, nhờ
đó, người tín hữu được tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và trở nên thành
viên của Hội Thánh với cấp bậc và phận vụ khác nhau.
Nhờ Thánh Thần, dấu ấn này làm cho người tín hữu nên đồng hình đồng dạng
với Đức Kitô. Dấu ấn này không thể xóa đi được, luôn tồn tại trong người kitô
hữu như bảo chứng tích cực của ân sủng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bậc phụ huynh luôn cổ võ ơn gọi riêng của
từng đứa con và phải đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi làm linh mục.
Suy niệm 2: Đơn
giản
Gilbe không muốn một đời sống thoải mái như bất cứ lúc nào ngài cũng có
thể. Thay vào đó, ngài sống một cuộc đời đơn giản tại một giáo xứ.
Đức Giêsu vốn là Chúa các chúa và Vua các vua (Kh 17,14; 19,16), thế nhưng
khi chấp nhận kiếp phàm nhân, Ngài không chọn lối sống quan liêu và kiêu sa của
một đế vương mà vui sống cách rất đơn giản.
Nơi ở của Ngài chẳng những không phải là một cung điện nguy nga mà thậm chí
một nơi gối đầu cũng chẳng có (Mt 8,20). Khi nhọc mệt, Ngài cũng vui lòng dựa
đầu vào chiếc gối ở đàng lái thuyền mà ngủ (Mc 4,38).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dừng sa vào chước cám dỗ chạy tìm lối
sống quan liêu, nhưng hãy tập sống đơn giản theo gương Chúa.
Suy niệm 3: Giúp đỡ
Trong giáo xứ có bảy cô thanh nữ muốn sống đời tu trì và họ đã đến xin Cha
Gilbe giúp đỡ.
Vì không đi theo con đường cha mẹ dự định sẵn, nên Gilbe không được sự giúp
đỡ tận tình. Từ kinh nghiệm khổ tâm bản thân, Gilbe không muốn tái hiện thực
trạng này nơi tha nhân, vì thế sẵn lòng giúp đỡ ngay bảy cô thanh nữ muốn sống
đời tu trì.
Chính Đức Giêsu cũng từng giúp đỡ những ai cần đến trên bước đường truyền
giáo của Ngài (Mc 9,24), và Ngài cũng bằng lòng nhận lấy sự giúp đỡ của các phụ
nữ đạo đức (Mt 27,55).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tìm giúp người hơn là chờ người
giúp mình.
Suy niệm 4: Khắc khổ
Ngài cho xây một căn nhà cạnh nhà thờ. Ở đó họ sống khắc khổ, nhưng lại thu
hút nhiều người đến với họ; dần dà số nam nữ giáo dân đến giúp đỡ họ ngày càng
đông.
Người đời thường dị ứng với lối sống khổ hạnh. Không lạ gì, khi thấy lối
sống khắc khổ của Gioan Tiền Hô, người đương thời đã đánh giá là ngài bị quỷ ám
(Mt 11,18).
Nhưng số người thiện tâm dầu ít lại chọn sống theo hướng khổ hạnh, chính vì
thế lối sống các thanh nữ tu trì đã thu hút nhiều người đến với họ, như Đức
Giêsu từng nói: Cửa hẹp thì đưa đến sự sống nhưng ít người vào, còn cửa rộng
thì dẫn tới diệt vong nhưng lại lắm kẻ chen vào (Mt 7,13-14).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
thực hành lời Chúa dạy, quyết tâm đi vào cửa hẹp bằng đời sống khổ hạnh, để
hưởng được sự sống đời đời.
Suy niệm 5: Nghèo
khó
Trong đĩa đặc biệt ấy là các phần chia sẻ thức ăn của mỗi tu sĩ và sau đó
họ chia sẻ thức ăn trong đĩa ấy cho người nghèo, nói lên sự lưu tâm đặc biệt
của Cha Gilbe đối với những người kém may mắn.
Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tình thương không đo lường bằng số
lượng thực phẩm ban tặng, mà bằng tinh thần chia sẻ gói ghém bên trong. Đức
Giêsu đã nhấn mạnh điểm này khi mở lời khen tặng bà góa nghèo vói hành vi dâng
cúng đền thờ (Mc 12,42-44).
Người phú hộ giàu có ngày ngày yến tiệc linh đình sau khi chết đã phải bị
sa vào chốn cực hình, chẳng qua cũng chỉ vì không biết quan tâm đến anh Ladarô
nghèo đói, để rồi không biết chia sẻ những gì anh cần phải có để tiếp tục được
sống (Lc 16,19-24).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết chia sẻ với mọi người thiếu
may mắn, để không bị vào lửa đời đời mà được thừa hưởng hạnh phúc Nước Trời (Mt
25,31-46).
Suy niệm 6: Cầu
nguyện
Trong suốt cuộc đời, Cha Gilbe sống thật đơn giản, ăn rất ít và dành nhiều
thời giờ ban đêm để cầu nguyện.
Con người được Thiên Chúa tạo dựng nên không chỉ bằng chất liệu vật chất mà
còn bằng yếu tố thần linh (St 2,7), nghĩa là con người không chỉ có xác mà còn
có hồn, như thế con người là một hữu thể tôn giáo.
Đã là một hữu thể tôn giáo, Gilbe chú trọng đến lương thực thiêng liêng là
việc cầu nguyện hơn là thực phẩm nuôi xác, nên ngài ăn rất ít và dành nhiều
thời giờ ban đêm để cầu nguyện.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương Chúa để chọn lương thực
thiêng liêng hơn thực phẩm nuôi xác (Ga 4,32-34).