Hội thảo về
BỆNH VÔ CẢM
Trong
Xã Hội Hôm Nay
Con người sẽ bớt vô cảm đi nếu ngay từ trong
gia đình và trong những mối quan hệ đời thường, ta biết tôn trọng phẩm giá, tôn
trọng thân xác và tinh thần con người hơn các giá trị vật chất khác.
Chúa Nhật 19/2/2012, nhóm các bạn trẻ của lớp
tìm hiểu Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đã thật sự tạo
một bất ngờ với buổi hội thảo về “Bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay”. Buổi hội thảo thành công ngoài dự kiến về số lượng người
tham gia, mức độ sôi nổi và hiệu quả đạt được.
Đây là một buổi hội thảo mở, mời gọi đông đảo các bạn trẻ tham gia, do chính
các bạn trẻ tìm kiếm thông tin, xây dựng chương trình, và đặc biệt còn có một
tiểu phẩm kịch về tình trạng vô cảm nhức nhối, xót xa trong xã hội hiện nay. Đi
bên cạnh các bạn trẻ là các Cha, các Sơ, các anh chị đàn anh, và đặc biệt là
Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng, người đã đúc kết chương trình và dâng Thánh Lễ kết
thúc.
Khởi động hội thảo, nhóm trẻ đưa ra một số
tổng hợp thông tin, hình ảnh về “triệu chứng” bệnh vô cảm, “nguyên nhân khách
quan và chủ quan” dẫn đến sự lan tràn “dịch bệnh vô cảm” trong xã hội, và sau
cùng là một số phương pháp khả thi để “điều trị” bệnh vô cảm. Phần khởi động thật
lôi cuốn và có chiều sâu, cụ thể:
Triệu chứng vô cảm:
Gặp người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn
mà không thấy
xót xa, thương cảm, không muốn
ra tay giúp đỡ dù có điều kiện; đứng trước sự bất công, xấu xa, gian dối mà không thấy phẫn nộ, nhức nhối; thấy những điều tốt
đẹp, cao thượng mà không ngưỡng
mộ, cảm phục.
Nguyên nhân:
- Nguyên nhân
khách quan
Môi trường xã hội có
quá nhiều lọc lừa dối trá, như ăn xin giả, đau ốm giả, tai nạn giả…, làm cho
người ta hoang mang, nghi ngờ, rồi làm ngơ. Mặt khác, do hệ thống pháp luật
chưa bảo vệ được cho những người ra tay nghĩa hiệp, nên không hiếm những trường
hợp bị trả thù, đe dọa bản thân và người thân, chưa nói đến những cảnh giúp người
rồi mang họa vào thân, bị công an kêu lên kêu xuống năm lần bảy lượt, làm cho
người ta e ngại chuyện “ách giữa đàng mà mang vào cổ”. Dư luận, đàm tiếu chê bai của người đời cũng làm
“nhụt chí anh hùng” không ít, bởi muốn làm chút việc nghĩa thì lại bị mang tiếng
“ăn cơm nhà, đi vác tù và hàng tổng”. Một nguyên nhân trọng yếu khác lại xuất
phát từ nền giáo dục:
trường học ngày nay chủ trương nhồi nhét kiến thức và ý thức hệ, chạy đua thành
tích, sáo rỗng trong ngôn từ. Cái tình cảm thiêng liêng, cái hiếu đức cao quí
giữa thầy trò dường như đã nhạt nhòa, cằn cỗi, thay vào đó là kiểu quan hệ bán
mua tri thức. Và cái nhiệt tâm của nhà gíáo dần dần đổi thành các kiểu mánh
khóe để dạy kèm, thu lợi… Than ôi! Cái nôi nuôi dưỡng nhân cách, tình cảm của
những tâm hồn bé nhỏ là mái trường mến yêu, nay liệu có còn không?!!!..
- Nguyên nhân chủ
quan,
Bệnh vô cảm phát sinh do ý thức sống ích kỷ, hướng
về lợi ích bản thân theo “chủ nghĩa MACKENO” (mặc-kệ-nó). Đôi khi, người ta quá
bận bịu, không kịp giờ đến công sở, đến trường học…, nên sợ bị trừ lương, sợ kiểm
điểm hơn sợ mất một mạng người, do đó, bước chân có ngập ngừng nhưng quyết định
đi luôn trước một người bị tai nạn bê bết máu! Phải chăng hàng ngày, có quá nhiều
tai nạn, quá nhiều cảnh đau lòng để quan tâm, quá nhiều sự dối trá, lừa bịp để
bực tức, quá nhiều bất công, xấu xa để phẩn nộ! Nên lòng người trở nên chai đá
và vô cảm! Người ta vô cảm còn vì tình cảm và lòng nhân đã bị khống chế và điều
khiển bởi chủ nghĩa duy lợi,
nên từ công lý, tình yêu, đến sức khỏe, tính mạng…, các mối đều qui về thủ tục
“đầu tiên” (“tiền đâu?!”). Nếu không vì thế thì đâu có chuyện biết bao cuộc đời
bị hàm oan chốn công đường vì thiếu tiền chạy án, bao nhiêu mạng người chết oan
nơi bệnh viện vì chưa kịp đóng tiền, và bao nhiêu tài năng trẻ bị bóp chết vì
thiếu học phí?!
Phương pháp “trị liệu”
Nguyên nhân xuất phát từ đâu thì phải trị
liệu từ chỗ ấy. Nói ở tầm vĩ mô cao cao, xa xa, chính quyền cần có một hệ thống pháp lý phù hợp để
bảo vệ người dân, khích lệ họ sống tốt, sống đẹp.
Về giáo dục, chúng ta cần một nền giáo dục mang tính nhân bản toàn diện,
khơi gợi nơi con người những giá trị yêu thương, sống quảng đại, và có tinh thần sống liên đới với
tha nhân. Tuy nhiên, “liệu pháp” mang tầm cỡ quốc gia này mang tính chiến lược
lâu dài và “ngoài tầm với” của các “phó thường dân”. Ở phạm vi cá nhân, giáo dục gia đình góp
phần định hình nhân cách cũng như ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của mỗi
con người. Con người sẽ bớt vô cảm đi nếu ngay từ trong gia đình và trong những
mối quan hệ đời thường, ta biết tôn trọng phẩm giá, tôn trọng thân xác và tinh
thần con người hơn các giá trị vật chất khác. Hãy biết rung động trước những
nghĩa cử đẹp, và biết xót xa trước những bất hạnh trái ngang, tất sẽ biết sống
cho đi và hi sinh cho người khác.
Trong giờ thảo luận, các đề tài đặt ra xoay
quanh vấn đề thế nào là vô cảm, nguyên nhân, cách phòng ngừa và chữa trị hiệu
quả nhất. Mọi ý kiến gần như thống nhất rằng, khi người ta mang những triệu chứng
nêu trên là mắc “bệnh” vô cảm. Những ý kiến từ các bạn trẻ rất bất ngờ và thú vị.
Một bạn nam ngoài hai mươi, nói rất triết lý rằng: “Vô cảm là một thái độ sống kết hợp giữa tôn sùng bạo lực và lạnh nhạt, xa cách với tình
yêu.
Người ta không quen nói về tình yêu, không quen thể hiện yêu thương cũng như
nuôi dưỡng tình yêu trong cuộc sống, cho dù đó là tình yêu với người thân, với
thiên nhiên hay nghệ thuật. Người ta dùng roi đòn để cho con ăn, dùng quát mắng
để ru con ngủ, dùng bạo lực để giải quyết mọi mâu thuẫn. Thử hỏi, những đứa trẻ
lớn lên trong môi trường ấy làm sao biết rung động, biết cảm thức và chia sẻ
yêu thương? Xin hãy cổ súy tình yêu từ trong gia đình bằng sự ngọt ngào, bằng
những ký ức đẹp qua câu chuyện kể, bằng những rung động tinh túy qua nghệ thuật,
âm nhạc… để đẩy lùi vô cảm…”.
Cha Thịnh, Dòng Chúa Cứu Thế nhận định: “Chính sự vô thần dễ dẫn dắt người ta đến vô cảm. Bởi chính tôn giáo và đức tin đưa con người
hướng thiện, hướng đến những việc làm có hậu, có phúc. Đằng khác, cái khốn khổ
của con người là ta hay đặt sai cái “cảm” của mình, để rồi ta tự lừa dối những
giá trị con người nơi chính chúng ta. Ta thường hân hoan đón những người giàu
sang mà coi khinh những kẻ nghèo hèn, rồi để chính cái mã giàu sang ấy lừa bịp
chúng ta…”.
“Con người mang trong mình hình ảnh của Thiên
Chúa, nhưng cũng mang trong mình cái bản ngã của một con người sa ngã do sử dụng
sai tự do mà Thiên Chúa ban cho” -- Cha Vũ Khởi Phụng tiếp lời -- “ vì thế người ta có thể triển khai cái nhạy
cảm hay cái vô cảm nơi chính bản thân mình. Thế nhưng, oái ăm thay, đôi khi sự
vô cảm lại trở thành sự “nhạy cảm ngược”! Nghĩa là người ta vô cảm với những
giá trị hướng thượng, nhưng lại rất nhạy cảm với những cái tiêu cực. Ví dụ như
có những đứa trẻ chán ngắt những phim truyện mang tính giáo dục, chuyển tải các
giá trị cao đẹp của tâm hồn, nhưng lại rất khoái những phim đánh đấm, bạo lực
hay ma quái. Vấn đề ở chỗ giáo dục. Vấn đề giáo dục là cần phải đặt ra trước hết
một mô hình để rồi dựa vào đó mà giảng dạy. Ta đang có một nền giáo dục thiếu
“triết lý giáo dục”, “ tiên học Lễ, hậu học Văn”, nhưng khốn nỗi học trò không
hiểu, không hình dung ra được cái “Lễ” chúng phải học là những giá trị nào?! Ta
mặc cho nền giáo dục những khẩu hiệu xưa, nghe hay, nghe ý nghĩa, nhưng kỳ thực,
nó chỉ còn là những cái áo!…”.
Thật là một cuộc hội thảo đầy ý nghĩa, gợi
mở bao trăn trở suy tư về những nhức nhối đang tồn tại giữa lòng xã hội và ngay
giữa lòng mỗi con người.
Xin
hãy cười để trao đi niềm vui.
Xin
hãy nhìn nhau để sớt chia niềm thông cảm.
Xin
hãy nói để khích lệ, ủi an.
Xin
hãy giang tay để đỡ nâng, dìu dắt.
Và xin hãy sống để mời gọi yêu thương…
Lạy Cha nhân từ! Yêu thương là một quyền
năng xuất phát tự nơi Cha mà Cha đã trao ban cho chúng con. Xin tha thứ vì những
lần chúng con sống như không cần đến ai, chúng con chai đá trước những khổ đau,
bất hạnh của người khác cứ như là mãi mãi chúng con sẽ yên lành. Xin đốt nóng
tình yêu nơi chúng con, để tan đi tảng băng vô cảm làm giá buốt nhân loại và
giá buốt lòng Cha!...
Mẩu Bút Chì