CHÚA CHẠM TAY VÀO ANH
Anh
bước qua rào cản của các điều cấm kỵ để tìm đến Đức Kitô; đáp lại, tình yêu Đức
Kitô cũng vượt qua những ngăn cách của lề luật mà “giơ tay đụng vào anh.”
Năm 23 tuổi, Têrêxa bị thổ huyết lần
đầu vào Thứ Sáu Tuần Thánh, sau đó sức khoẻ chị dần dần phục hồi. Nhưng năm
sau, bệnh lao phổi tái phát nặng nề vào Mùa Chay. Trong những ngày sau hết, khi
sức cùng lực kiệt, chị lại được tin thân phụ vừa phải đưa vào điều trị chung với
những người điên, chịu người đời khinh miệt.
Cuối cùng, ngày 30.9.1897, chị đã
qua đời trong cơn khát nước và ngạt thở do bệnh lao phổi và loét ruột. Giờ hấp
hối, chị đã thốt lên trong nhọc mệt: “Chúa
ơi, Chúa ơi, sao Chúa nỡ bỏ con?”
Tiếng kêu của nỗi đau! Kêu than nhưng
vẫn cậy trông, bám víu vào Chúa, như chị nói: “Sự điên khùng của tôi chính là hy vọng.”
Chị tự nhận mình là hy vọng một cách
điên khùng vì thấy mình chỉ bám víu vào Chúa, một điều không thể hiểu được nếu
không có niềm tin. Nhưng nếu không có niềm hy vọng đó thì chị đã phát điên lên
trước bao nghịch cảnh của cuộc đời, như chị đã viết trong nhật ký: “Nếu không có đức tin thì tôi đã tự sát,
không do dự một phút nào!.”
Nhưng người phản nghịch với Chúa mà
lại bám víu vào Chúa thì còn “điên khùng” hơn. Người mắc bệnh phong tìm đến với
Đức Kitô và được chữa lành là một hình ảnh chứa chan hy vọng cho tất cả mọi người:
Không ai không có quyền hy vọng vào lòng nhân từ của Chúa.
Ngày xưa, không ai mắc bệnh phong lại
có hy vọng được khỏi. Bệnh phong được coi là dấu hiệu và hậu quả của tội lỗi
nên vị tư tế mới có quyền tuyên bố một ai là ô uế hay được sạch. Khi tư tế đã
công bố ai là ô uế, người đó không được tự coi mình là sạch nữa, công việc của
họ bị cắt ngang, và phải sống cách ly với bè bạn và người thân.
Nhưng khi nghe về những việc Đức
Kitô làm trong những ngày đầu rao giảng Tin Mừng, niềm tin vào quyền năng và
tình yêu Thiên Chúa đã làm một người mắc bệnh phong tìm đến, quỳ gối van xin với
Ngài: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho
tôi được sạch” (Mc 1,40).
Một câu kêu xin đơn giản, nhưng lại
vang lên tiếng lòng sám hối, thấy mình bất xứng, và cũng vang lên lời tuyên xưng
Đức Kitô là Thiên Chúa, vì ngoài Thiên Chúa ra thì ai có quyền làm cho anh được
sạch? Anh tìm đến Đức Kitô với niềm hy vọng của dân Chúa: “Người đánh phạt vì anh em làm điều gian ác, nhưng rồi lại thương xót
anh em hết thảy mà quy tụ anh em về từ giữa chư dân, nơi anh em đã bị phân tán.
Nếu anh em hết lòng hết dạ trở về với Chúa mà sống theo sự thật trước tôn nhan
Người, thì Người sẽ trở lại với anh em, không còn ngoảnh mặt làm ngơ nữa”
(Tb 13,5-6).
Niềm hy vọng đó đã thúc đẩy anh bước
qua rào cản của các điều cấm kỵ để tìm đến Đức Kitô; đáp lại, tình yêu Đức Kitô
cũng vượt qua những ngăn cách của lề luật mà “giơ tay đụng vào anh.”
Chúa là tình yêu, chỉ có tình yêu mới
giải thích được việc Chúa làm: Ngài không chỉ “đụng” vào một người phong, mà
còn mang vác lấy thân phận tội lỗi của nhân loại, và trở nên kiểu mẫu cho tình
yêu nơi mọi Kitô hữu: “Căn cứ vào điều
này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng
ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga
3,16).
Tội lỗi làm cho con người nên ô uế,
chẳng đáng được Chúa thương: “Khi các ngươi
dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta
cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu” (Is 1,15). Nhưng Chúa
đã làm gì cho nhân loại tội lỗi đó? “Theo
ý muốn và lòng nhân ái của Người. Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức
Giê-su Ki-tô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng
cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta
được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người”
(Ep 1,5-7).
Với bao nhiêu lỗi lầm, tôi hy vọng
điều gì nếu không phải là tình yêu bao la của Thiên Chúa, Đấng đã đến chạm tay
vào người phong và làm cho anh được sạch. Tôi hy vọng, hy vọng vững vàng vào
lòng nhân từ của Chúa. Việc đầu tiên tôi luôn phải nghĩ đến là chạy đi tìm kiếm
Ngài với lòng thống hối, miệng hát vang: “Hạnh
phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung” (Tv
32,1).
Niềm vui được chữa lành sẽ nên trọn
vẹn trong niềm vui của đời tông đồ, khi tôi trao cho mọi người tình thương Chúa
đã dành cho tôi, như thánh Phaolô chia sẻ: “Cũng
như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm
ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ. Anh em hãy bắt
chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô” (1Cr 10,33-11,1).