Lời Chúa cnmc 1c _ vào sa mạc

VÀO SA MẠC
VÀO SA MẠC GẶP CHÚA CHA, CHÚA KYTÔ BỊ MA QUỶ CÁM DỖ ?? Nói đến sa mạc, chúng ta nghĩ ngay tới miền cát nóng cháy và gió thổi mạnh, rất ít cây cối hoặc không có cây cối vì mưa rất ít hoặc không có mưa. Buổi trưa nhiệt độ có thể nóng tới 50-60 độ bách phân, nửa đêm trời lạnh dưới không độ. Khi hậu sa mạc khắc nghiệt như vậy, không thuận lợi cho con người, không có người sinh sống trong sa mạc.
Đối với người Do thái, nói tới sa mạc, họ nghĩ ngay tới tổ tiên họ đã sống 40 năm trong sa mạc dưới sự hướng dẫn, che chở của Chúa. Thật là thời gian hạnh phúc, lý tưởng. Nhưng họ cũng không quên tổ tiên đã phàn nàn, kêu trách Chúa và chạy đi thờ con bò vàng thay Chúa. Vậy, sa mạc vừa là nơi gặp Chúa và vừa là nơi có thể chịu thử thách.
Thánh Marcô, trong bài Phúc âm hôm nay, nói : « Sau khi chịu phép Rửa, Thánh Thần đưa Chúa Kitô vào sa mạc. Chúa ở sa mạc 40 đêm ngày, chịu satan cám dỗ. Ngài ở giữa dã thú và có thiên thần hầu hạ Ngài » (x Mc  1,12-14)
Trong sa mạc, Chúa Kitô đã sống theo Thánh Thần, nhưng cũng bị ma quỷ cám dỗ, cám dỗ liên miên suốt 40 đêm ngày. Thánh Marcô không kể ra chước cám dỗ như thế nào. Nhưng nhờ đọc Phúc âm thánh Mathêu (Mt 4,1-11)  ta biết Chúa chịu thử thách trong ba đề tài : làm phép lạ hóa đá ra bánh để tránh cơn đói đạt tới vinh quang mà không cần chịu đau khổ, thờ lạy ma quỷ để nó giúp đỡ cho. Chúa đã chiến thắng vì Ngài hoàn toàn vâng phục Ý Chúa Cha. Thánh Luca cho biết thêm : Và khi ma quỷ đã hoàn tất mọi chước cám dỗ, thì nó lìa bỏ Ngài, chờ dịp khác sẽ trở lại ( Lc  4,1-13,bd NTT)
Thời nay, ma quỷ trở lại mà không  vất và nữa vì người ta thời nay đang sống: dửng dưng với Thiên Chúa (có Thiên Chúa củng được, không có Thiên Chúa cũng chẳng sao cả, con người vẫn sống), tục hóa và thực dụng.
Bài học của chúng ta là bài học «sa mạc», Chúa Kitô đã sống hòa hợp với Chúa Cha nhờ Ngài cương quyết chống trả ngay những cám dỗ của ma quỷ xui Ngài dùng quyền Đức Kitô đi trệch con đường của Chúa Cha; Ngài sống hòa hợp với chính mình vì Ngài đã chọn điều tốt nhất là ý Chúa Cha; ta còn thấy Ngài sống bình yên với sư tử, rắn độc của sa mạc và với khí hậu nóng lạnh khắc nghiệt. Sống như vậy, Chúa Kitô đã tạo ra một hình ảnh hết sức tốt đẹp mà Kinh Thánh đã mô tả. Đó là hình ảnh dân Israen sống 40 năm trong sa mạc, luôn luôn gặp gỡ Chúa, luôn luôn «thấy Chúa». Đó là hình ảnh của thời Đức Kitô tới là thời người và thú sống hòa hợp, sói ở với chiên, bò cái với gấu cái làm thân, trẻ con nô đùa bên hang rắn lục mà không sao (Is 11,6-7) vì Đấng công chính của Thiên Chúa được thiên thần phục vụ, giúp đỡ (Tv 91,11).
Thời huy hoàng đó của Chúa Kitô đến chấm dứt thời chuẩn bị trong Cựu Ước kể từ Ađam – Evà phạm tội tới vị Tiên tri sau cùng là thánh Gioan Tẩy giả và mở ra giai đọan sau cùng của ý định Thiên Chúa là Chúa Kitô xuống thế kéo mọi người lên trời với Chúa Cha. Vì thế, thánh Marcô lưu ý mọi người rằng «thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến», vương quyền của Thiên Chúa đã đến nơi con người Chúa Kitô, sức mạnh của Nước Trời đã đến trong hành động của Chúa Kitô và các ơn huệ Người ban. Sức mạnh đầu tiên mà bài Phúc âm hôm nay loan báo là Người chiến thắng quỷ dữ. Nếu chúng ta tin vào Người, nếu chúng ta sống theo Người trong chay tịnh và cầu nguyện, chúng ta cũng chiến thắng ma quỷ. Ma quỷ mạnh thật nhưng ơn Chúa mạnh hơn.
Và phải đề phòng như thánh Phaolo cảnh cáo: «Kẻ tưởng mình đứng vững thì hãy coi chùng kẻo ngã» (I Cor 10,12). Có thử thách, có cám dỗ mà «chưa» phải do ma quỷ nhưng phải tin tưởng vì «Chúa  sẽ không để anh em bị thử thách quá sức đâu» (I Cor  10,13)
Linh mục Fx Nguyễn Hùng Oánh
TN I     TN II     V - GS     C - PS     NGOẠI LỊCH