Niềm tin công giáo

Chương 1.   SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA
“Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cr 13,12)
Lúc này hay lúc khác, trong suy nghĩ hay cảm xúc, con người có được một cảm nghiệm tuyệt vời, một cảm nghiệm lay chuyển tận gốc cuộc sống. Đó là những lúc mà hầu hết chúng ta có khuynh hướng quay về với Thiên Chúa, muốn tìm hiểu về sự hiện diện ẩn mà không biết làm sao chúng ta lại cảm nhận thấy. Những cảm nghiệm này thúc đẩy chúng ta đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống... và cái chết. Tại sao tôi ở đây? Tại sao có đau khổ? Tại sao những người thân yêu của tôi và tôi phải chết? Đâu là ý nghĩa của tình yêu?  
Tín ngưỡng và không tín ngưỡng
Những câu hỏi như trên buộc chúng ta phải đối mặt với vấn đề về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Hầu hết mọi người đều kết luận là có Thiên Chúa. Tuy thế, người vô thần lại phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Họ có những lý do khác nhau. Một số người vô thần nói rằng sự tồn tại của Thiên Chúa không thể được chứng minh, do đó, đối với họ, hoàn toàn không có Thiên Chúa, không có một thế giới nào khác hơn thế giới mà họ cảm nghiệm được bằng các giác quan. Những người khác cho rằng niềm tin vào Thiên Chúa hạ thấp giá trị của con người; đối với họ, nhân loại là vị thần duy nhất. Còn những người vô thần khác bác bỏ khái niệm về Thiên Chúa vì họ thấy đau khổ và sự dữ trong thế giới không tương thích với sự tồn tại của một Hữu Thể tối cao và yêu thương.
Đứng giữa các tín hữu và người vô thần là những người theo thuyết bất khả tri, họ tuyên bố rằng chúng ta không thể biết là có Thiên Chúa hay không. Câu hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa không tạo nên mấy thay đổi trong cuộc sống thực tế của họ.
Thực sự, người vô thần, người theo thuyết bất khả tri - và cả các "tín hữu trên danh nghĩa" đều dửng dưng với các thực tại tâm linh - thách thức các tín hữu xét lại niềm tin của mình.
Chương này sẽ bàn về hai vấn đề: về sự hiện hữu của Thiên Chúa, và về sự liên lạc giữa Thiên Chúa và nhân loại.
Michael Francis Pennock