Xuân Nhâm Thìn _ chuyện phiếm của gã siêu; hóa rồng

Chuyện phiếm của Gã Siêu: HOÁ RỒNG
Dân tộc nào trên mặt đất này cũng có niềm tự hào riêng về gốc gác, về cội nguồn của mình. Chẳng hạn như dân Nhật bản chính gốc Phù Tang luôn hãnh diện vì mình là con cháu của “Thái dương thần nữ”.
Thảo nào mà lá cờ của họ chỉ có mỗi một hình tròn đỏ, tượng trưng cho Mặt trời, nổi bật trên nền trắng. Chẳng hạn như dân Pháp chính gốc Phú Lãng Sa luôn hãnh diện vì mình thuộc nòi gà trống Gaulois. Thảo nào mà ngày xưa vào thời Cách mạng 1789, người ta đã vẽ hình con gà trống lên quốc kỳ của mình. Thảo nào mà ngày nay trong những trận đá banh quốc tế, các cầu thủ Pháp thường thả một chú gà trống vào trong sân để cầu may. Thảo nào mà mấy cố tây, mặc dù đã tu hành, nhưng vẫn mang nặng đầu óc dân tộc và luôn hướng về đất mẹ của mình, đã đặt chú gà trống ở đỉnh cao cây thánh giá trên ngọn tháp nhà thờ chính tòa thành phố Đalạt. Vì thế, ngôi nhà thờ này vốn được bàn dân thiên hạ gọi là nhà thờ Con Gà.
Còn người Việt Nam chúng ta, chính gốc Giao chỉ, thì lại hãnh diện vì mình là con rồng cháu tiên. Niềm tự hào này bắt nguồn từ một truyền thuyết như sau: Lộc Tục, con vua Đế Minh, lên ngôi vua và lấy hiệu là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi Kinh Dương Vương, xưng hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, đẻ ra một cái bọc chứa một trăm quả trứng, nở ra một trăm người con. Có sách thì ghi một trăm người con này bao gồm một nửa là con giai, còn một nửa là con gái, cũng có sách lại chép tất cả đều là đực rựa. Ngày kia, Lạc long Quân nói với Âu Cơ: Ta là dòng dõi Long Quân, tức là Vua Rồng. Còn khanh là dòng dõi thần tiên. Cả hai ăn ở lâu với nhau e rằng không ổn. Nay đã được một trăm đứa con, khanh hãy đưa năm mươi đứa lên núi, còn trẫm sẽ dẫn năm mươi đứa xuống biển.
Từ truyền thuyến này mà người Việt Nam chúng ta thường vốn tự hào vì mình có “long phụ tiên mẫu”, cha rồng mẹ tiên. Hay mình thuộc về dòng “tiên long”, thuộc về giống tiên rồng. Và như thế, đã là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên trên quê hương này, ai mà chẳng lấy làm vinh dự về cội nguồn ấy, và ai mà chẳng thích mơ…làm rồng. Rồng là một con vật được mọi người yêu quí.
Rồng được liệt vào hàng tứ quí, bốn con vật quí hiếm, đó là long, ly, qui, phụng và được dành riêng cho nhà vua, là “ngon lành” nhất nước. Thành thử phàm bất cứ cái gì thuộc về nhà vua, đều được dám nhãn hiệu chữ long lên đầu. Trước hết về hình dong bên ngoài của nhà vua, chúng ta ghi  nhận: long thể nghĩa là thân thể của nhà vua, long nhan nghĩa là khuôn mặt nhà vua. Không hiểu long tu có phải là râu của nhà vua, hay chỉ là một giống lan rừng? Tiếp đến là những đồ vật lỉnh kỉnh bên cạnh nhà vua. Thôi thì đủ thứ: long sàng là giường cho nhà vua nằm, long bào là áo cho vua mặc, long án là bàn cho vua viết, long xa là xe cho vua đi và long châu là thuyền cho vua ngự…
Hình ảnh rồng được đưa vào nghệ thuật, chẳng hạn ngành kiến trúc đã trang trí đền đài, cung điện bằng hình ảnh rồng. Thậm chí những chiếc kiệu sơn son thiếp vàng bên nhà đạo cũng được làm bằng hình ảnh rồng, để nói lên rằng mình dành sự cao quí nhất cho Thiên Chúa, Đức Mẹ hay các thánh.
Và người dân đôi lúc cũng mơ được thành rồng. Chẳng hạn như kẻ sĩ ngày xưa,  Đây là giai cấp học rộng biết nhiều, luôn vâng theo những lời dạy bảo của Khổng tử: Khi thì ở ẩn để mà tồn tâm dưỡng tánh, khi thì nhập thế để mà hành động, khi thì xuất thế để mà về hưu. Chính vì vậy, khi thời cơ thuận lợi đến, kẻ sĩ tự mơ thấy mình chính là rồng gặp được mây, nên tha hồ mà vùng vẫy để phục vụ xã hội. Chả thế mà Nguyễn Công Trứ đã từng viết:
- Rồng mây khi gặp hội ưa duyên,
  Đem tất cả sở tồn làm sở dụng.
Hay trong truyện “Phan Trần” cũng có câu:
- Bây giờ cha tuổi tác này,
  Mong con gặp hội rồng mây kịp người.
Không phải chỉ các cụ ngày xưa mới thích mơ làm rồng, mà hơn thế nữa, ngày hôm nay từ quan cho chí dân, từ ông nhà nước cho đến anh nông dân, tất cả chúng ta không phải chỉ mơ làm rồng mà còn cố gắng biến giấc mơ này trở thành sự thật. Nghĩa là đất nước chúng ta phải trở thành một con rồng trong lãnh vực kinh tế, không đại long thì chí ít cũng phải tiểu long, không rồng lớn thì chí ít cũng phải rồng nhỏ, không toàn cầu thì chí ít  cũng phải trong vùng Đông Nam Á. Người Việt Nam chúng ta về chỉ số thông minh không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Cộng thêm vào đó là đức tính cần cù siêng năng. Đất nước lại nhiều tài nguyên. Đó là những điều kiện thuận lợi để hóa rồng.
Cách đây chừng bốn mươi năm, nếu gã không lầm, thì Thái lan, Malaysia, Indonesia, ngay cả Singapore và Đại hàn cũng chả là cái thá gì đối với Việt Nam. Mức thu nhập bình quân đầu người của dân ta cũng đâu quá tệ so với họ. Lúc bấy giờ Việt Nam mình chỉ  kiêng nể mỗi một anh chàng Nhật Bản mà thôi.
Nhưng rồi chiến tranh leo thang, suốt hai mươi năm dân ta lo đánh nhau, thì họ đã đặt được nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Tiếp theo là hai mươi năm dân ta loay hoay mò mẫm tìm cho ra một đường lối kinh tế, thì họ đã bước được những bước tiến khổng lồ. Thành thử cho đến bây giờ dân ta vẫn còn là một dân nghèo…rớt mùng tơi. Trong khi đó, họ đã vươn mình trở thành những con rồng kinh tế trong vùng.
Dân ta cũng muốn noi gương bắt chước họ, vươn mình trở thành rồng. Thế nhưng việc hóa rồng không phải là một việc dễ dàng và chóng vánh một sớm một chiều. Trái lại, đó là một việc đòi hỏi nhiều cố gắng của tất cả trong mọi lãnh vực qua nhiều tháng nhiều năm. Nhưng ưu tiên phải là lãnh vực con người. Thực vậy, nếu cán bộ còn tham nhũng, nếu học sinh còn quay cóp, nếu thiên hạ còn xài  bằng cấp giả, nếu người sản xuất còn tung ra thị trường những mặt hàng dổm, nếu những người buôn bán còn thiếu thành thật trong việc cân đo đong đếm, nếu bộ giáo dục còn chưa có được một chương trình đào tạo hợp tình và hợp lý, thì không hiểu đến đời thuở nào đất nước này mới hóa rồng được hay mãi mãi chỉ là một loài bò sát. Vì thế, để nền kinh tế Việt Nam được trở thành một con rồng trong khu vực, thì con người Việt Nam phải hóa rồng trước đã, nghĩa là phải mặc lấy những phẩm chất cao quí của rồng.
Bàn về chuyện “chính chị chính em”, kinh bang tế thế sao mà thấy nhức cái đầu quá, gã xin nói đến chuyện con nít. Phải thành thực mà công nhận rằng: trẻ nhỏ ngày nay có rất nhiều đồ chơi và trò chơi. Có những em đã dành khá nhiều thời giờ, thay vì ngồi học bài và làm bài, thì lại ngồi trước màn hình với những trò chơi điện tử. Bấm loạn cào cào. Kéo lên kéo xuống như điên. Mà phần lớn lại những trò chơi này lại nghiêng về bạo lực: Nào mìn, nào bom, nào súng, nào đạn…Nào bắn, nào đấm, nào đá…Và gã bỗng thấy thương cho tuổi thơ bây giờ. Không như ngày xưa, lúc gã còn nhỏ. Hồi đó chỉ toàn là những trò chơi dân gian hay tự biên tự diễn, mang nặng tính cách nhân bản và đẹp như một bài thơ.
 Chẳng hạn như chơi chuyền:
- Đôi tôi, đôi chị, đôi cành bị, đôi cành hoa.
  Đôi lên tư, đôi ông sư, đôi bà vãi…
Chẳng hạn như chơi pháo:
- Pháo kêu vang, cả làng chịu chưa?
Chẳng hạn như chơi ô quan:
- Hết quan, tàn dân, thu quân, bán họ.
Phe con gái kẹp tóc thì chơi chuyền, chơi trải gianh, chơi ô quan, chơi nhảy giây, nhảy cò cò, chơi chồng nụ… Phe con trai húi cua thì chơi khăng, chơi đáo, chơi pháo, chơi bi, chơi quay, chơi diều… Tuy thế nhưng lại rất phong phú, bởi vì mùa nào thì chơi trò nấy. Và có những lần gã đã trở thành… rồng.
Thực vậy, vào những đêm trăng sáng, bọn nhóc tì xếp hàng trên một khoảng sân rộng.  Đứa sau ôm eo đứa trước kết thành rồng, còn một đứa được chỉ định làm ông thày thuốc. Bắt đầu trò chơi, xấp nhỏ rồng rắn tung tăng nhảy quanh sân, vừa đi vừa đọc lớn:
- Rồng rồng rắn rắn,
  Lên mây có cây lúc lắc,
  Hỏi ông thày thuốc,
  Có nhà hay không?
Rồi dừng lại trước mặt ông thày thuốc và ông thày thuốc liền  hỏi:
- Rồng rắn đi đâu?
  Rồng rắn trả lời:
- Đi lấy thuốc cho con.
Tiếp đến là cuộc đối chất giữa ông thày thuốc và rồng rắn:
- Con lên mấy?             - Con lên một.
- Thuốc chẳng ngon.    - Con lên hai...
- Thuốc chẳng ngon.    - Con lên mười.
- Thuốc ngon vậy.
- Xin khúc đầu.             - Những xương cùng xẩu.
- Xin khúc giữa.            - Những máu cùng me.
- Xin khúc đuôi.            - Tha hồ mà đuổi.
Sau đó, ông thày thuốc phải đuổi thế nào để tóm được cái đuôi con rồng. Còn con rồng thì phải hết sức ngăn chặn, để ông thày thuốc không tóm được cái đuôi của mình. Khi nào ông thày thuốc tóm được cái đuôi, thì tên nhóc tì làm đuôi sẽ bị giáng chức xuống làm ông thày thuốc. Còn ông thày thuốc thì được nhập vào con rồng, có nghĩa là là ông thày thuốc đã hóa rồng và làm rồng.
Cứ thế, cứ thế. Trò chơi lại được bắt đầu với tiếng trẻ thơ reo vang:
- Rồng rồng rắn rắn,
  Lên mây, có cây lúc lắc,
  Hỏi ông thày thuốc,
  Có nhà hay không?
Chắc hẳn trên cao ông trăng cũng phải nhoẻn miệng cười, vì có một chú nhóc lại sắp trở thành rồng đến nơi.
Gã Siêu