SỰ TRỞ LẠI CỦA THÁNH PHAOLÔ
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Toàn
thể cuộc đời của Thánh Phaolô có thể nói hệ tại ở một biến cố --
ngài được gặp Đức Giêsu trên đường đi Đamát. Ngay khoảnh khắc đó, mọi sự hăng
say của một người nhiệt huyết như ngài đều trở nên vô ích, như quả đấm ngàn cân
của một tay quyền anh bị hụt hẫng. Có lẽ ngài chưa bao giờ được gặp Đức Giêsu,
mặc dù chỉ lớn hơn Đức Giêsu vài tuổi. Nhưng ngài ghét cay ghét đắng những gì Đức
Giêsu chủ trương khi ngài bắt đầu bắt bớ Giáo Hội: "... đi vào từng nhà và
bắt bỏ tù những người đàn ông cũng như đàn bà" (Cv 8,3b). Bây giờ, chính
ngài được "đi vào", được chiếm ngự, mọi năng lực của ngài được khai
thác cho một mục đích -- trở nên một nô lệ cho Đức Kitô trong sứ vụ hòa giải, thành một khí cụ
giúp người khác cảm nhận được Đấng Cứu Thế.
Câu
nói đã xác định lập trường đức tin của ngài: "Ta là Giêsu, người mà ngươi
đang bách hại" (Cv 9,5b). Một cách huyền nhiệm Đức Giêsu đã đồng hóa với
dân của Ngài -- là những người mà Thánh Phaolô trước đây đã từng săn đuổi như
các tội nhân. Ngài nhìn thấy nơi Đức Giêsu, sự hoàn tất một cách huyền nhiệm
những gì ngài đang theo đuổi cách mù quáng.
Từ
đó trở đi, công việc của ngài là "giúp mỗi người trở nên hoàn thiện trong
Đức Kitô. Vì đó mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động
mạnh mẽ trong tôi" (Cl 1,28b-29). "Vì tin mừng được loan báo cho anh
chị em không chỉ bằng lời nói, mà còn trong quyền năng và trong Thánh Thần và với
niềm xác tín sâu xa" (1 Th 1,5a).
Cuộc
đời Thánh Phaolô trở nên sự rao truyền không mệt mỏi và ngài sống sứ điệp thập giá:
qua sự rửa tội, người Kitô chết cho tội lỗi và được mai táng với Đức Kitô; họ
là người chết đối với những gì sai trái và không giúp đưa đến sự cứu chuộc thế
gian. Họ được tạo thành một tạo vật mới, được chia sẻ vinh quang của Đức Kitô
và một ngày nào đó họ sẽ được sống lại từ cõi chết như Người. Qua Đức Kitô phục
sinh, Thiên Chúa Cha tuôn đổ Thánh Thần trên họ, biến họ trở nên hoàn toàn mới.
Do
đó thông điệp vĩ đại cho thế giới của Thánh Phaolô là: Bạn đã được Thiên Chúa
cứu chuộc, không do bởi bất cứ gì bạn thi hành. Đức tin cứu độ là món quà tặng
cho những ai tận hiến cho Đức Kitô một cách tuyệt đối, tự nguyện và cá biệt, mà
sự tận hiến ấy mang lại kết quả trong "công việc" nhiều hơn là những
gì Luật Lệ mơ tưởng.
Suy niệm 1: Biến cố
Toàn thể cuộc đời của Thánh
Phaolô có thể nói hệ tại ở một biến cố -- ngài được gặp Đức Giêsu trên đường đi
Đamát.
Đời người không thiếu những biến
cố. Biến cố vui buồn sướng khổ. Điều quan trọng là đón nhận, đọc ra và chấp
hành theo Thiên Ý. Thánh Phaolô đã làm được công việc này. Ngài đã mở ra một
trang sử mới cho đời ngài và cho hoạt động Giáo Hội.
Biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của
Đức Giêsu cũng được Ngài đón nhận và thực thi cách hoàn hảo đến mức đã mở ra
một kỷ nguyên mới cho toàn thể nhân loại và thế giới.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống
theo gương của Thánh Phaolô và nhất là của Đức Giêsu, để đời chúng con không
hóa ra vô ích.
Suy niệm 2: Nô lệ
Thánh Phaolô trở nên một nô lệ
cho Đức Kitô trong sứ vụ hòa giải, thành một khí cụ giúp người khác cảm nhận
được Đấng Cứu Thế.
Từ thân phận làm nô lệ cho đủ thứ
đam mê (Tt 3,3), chẳng hạn như lòng nhiệt thành mù quáng đối với Luật Môsê, đến
mức ghét cay ghét đắng những gì Đức Giêsu chủ trương, để rồi bắt đầu bắt bớ
Giáo Hội, ngài đã trở nên một nô lệ cho Đức Kitô.
Từ thân phận làm nô lệ cho thế
gian và ma quỷ qua tội nguyên tổ cũng như tội mình làm (Ga 8,34), chúng ta đã
được Đức Giêsu giải thoát và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái (Cl 1,13), nhờ
vào bí tích Rửa Tội và Giải Tội.
* Lạy Chúa Giêsu, cùng Thánh Phaolô, chúng
con xin dâng lời tri ân cảm tạ Chúa.
Suy niệm 3: Khí cụ
Thánh Phaolô trở nên một nô lệ
cho Đức Kitô trong sứ vụ hòa giải, thành một khí cụ giúp người khác cảm nhận
được Đấng Cứu Thế.
Thánh Phaolô quả là khí cụ chính
Chúa đã đích thân tuyển chọn (Cv 9,15), nhưng không phải dễ dàng được tiếp
nhận. Khanania ở Đamát tỏ ra ái ngại (Cv 9,13), và các tông đồ phải nhờ vào sự
bảo lãnh của Banaba (Cv 9,27).
Bản thân ngài là thế, còn lối văn
và tư tưởng của ngài thì thật khó hiểu, vì lối văn phản ảnh kiểu cách tranh
luận của một giáo sĩ Do Thái trong thời ấy, và tư tưởng lại vượt đến đỉnh núi
trong khi chúng ta còn lẽo đẽo ở bên dưới.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con làm
vơi bớt đi các khó khăn đó, bằng cách chủ yếu áp dụng lời khuyên của ngài vào
đời sống hàng ngày.
Suy niệm 4: Rao giảng
Cuộc đời Thánh Phaolô trở nên sự
rao truyền không mệt mỏi và ngài sống sứ điệp thập giá.
Sau khi được kêu gọi, Thánh
Phaolô đã đáp lại lệnh truyền ra đi rao giảng của Đức Giêsu (Mt 28,19). Hơn thế
ngài còn xem việc thi hành sứ mạng rao giảng như là niềm vui trong đời, khi
ngài thốt lên: Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng (1Cr 9,16).
Chí hướng này đã là động lực tiềm
ẩn thôi thúc ngài mãi lên đường theo tiếng gọi của dân ngoại (Cv 16,9). Bất
chấp những lời van xin ở lại, ngài vẫn miệt mài ra đi (Cv 18,20). Thậm chí
thành lập được giáo đoàn, ngài cũng chuyển giao để rồi tiếp tục lên đường (Rm
15,20;1Cr 3,6-10;Tt 1,5).
* Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con
lòng nhiệt thành truyền giáo như gương thánh Phaolô.
Suy niệm 5: Thập giá
Cuộc đời Thánh Phaolô trở nên sự
rao truyền không mệt mỏi và ngài sống sứ điệp thập giá.
Thập giá Thánh Phaolô phải vác
lấy theo gương Đức Giêsu, chính là những khổ đau ngài trải qua trong cuộc đời,
đặc biệt trên bước đường truyền giáo (2Cr 11,24-33) và cuối cùng bị cầm tù và
bị giết chết.
Tuy nhiên ngài vui mừng vác lấy
thập giá với ý thức: “Những gian nan thử thách Đức Giêsu còn phải chịu, tôi xin
mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl
1,24).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can
trường vác lấy thập giá đến đỉnh đồi Canvê với Chúa, để cùng được phục sinh
vinh quang với Chúa.
Suy niệm 6: Tận hiến
Đức tin cứu độ là món quà tặng
cho ai tận hiến cho Đức Kitô một cách tuyệt đối, tự nguyện và cá biệt.
Mọi tín hữu đều được gọi sống đức
ái hoàn hảo, nhưng những ai tự nguyện sống đời tận hiến, thì buộc tuân giữ đức
vâng phục, nghèo khó và khiết tịnh trong đời sống độc thân vì Nước Trời (Sách
Giáo Lý số 915).
Nhờ đời sống tận hiến để thánh
hóa trần gian, các thành viên tu hội đời tham dự vào nhiệm vụ phúc âm hóa của
Hội Thánh, “ngay giữa đời và từ môi trường đời”, nơi đó họ hiện diện và tác
động như “men trong bột” (Sách Giáo Lý số 929).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các tâm hồn tận
hiến luôn được bền đổ đến cùng.