Suy niệm hạnh thánh _ 22/1


THÁNH VINH SƠN
(c.304)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Khi Đức Giêsu có ý định bắt đầu "hành trình" của Ngài đến sự chết, Thánh Sử Luca viết Ngài "quyết tâm" đi về Giêrusalem. Đây là sự can đảm không lay chuyển đặc biệt của các vị tử đạo.
Những gì chúng ta biết về Thánh Vinh Sơn là từ nhà thơ Prudentius. Các "hành vi" của thánh nhân đã được tự do tô điểm bởi trí tưởng tượng của người biên soạn. Nhưng Thánh Augustine, trong một bài giảng về Thánh Vinh Sơn, đã nói về sự tử đạo của ngài. Tối thiểu chúng ta được biết chắc chắn về tên của ngài, về chức vụ phó tế, về cái chết và nơi chôn cất ngài.
Theo truyền thuyết (và cũng như các vị tử đạo tiên khởi, điều ngài được tán tụng phải xuất phát từ đời sống anh hùng của ngài), Thánh Vinh Sơn được phong chức phó tế bởi một người bạn của ngài là Thánh Giám Mục Valerius ở Saragossa Tây Ban Nha. Vào năm 303, các hoàng đế Rôma ban chỉ dụ chống đối hàng giáo sĩ, và chống đối giáo dân vào năm kế tiếp. Phó Tế Vinh Sơn và Đức Giám Mục Valerius bị giam ở Valencia. Sự đói khổ và tra tấn không làm gì được các ngài.
Đức Valerius bị đi lưu đầy, và hoàng đế Dacian dồn mọi sự tức giận lên Phó Tế Vinh Sơn. Mọi hình thức tra tấn đều được sử dụng. Nhưng kết quả chỉ làm Dacian thêm rối trí. Chính ông ra lệnh đánh đập các lý hình vì sự thất bại của họ.
Sau cùng ông đề nghị nếu Phó Tế Vinh Sơn giao nộp sách thánh để đốt theo như chỉ dụ của hoàng đế thì ông sẽ tha cho. Nhưng thánh nhân cương quyết không nhượng bộ. Sự tra tấn tiếp tục, nhưng dù nằm trên vỉ sắt được nung nóng, người tù nhân vẫn can đảm chịu đựng, đến nỗi chính lý hình cũng phải nản chí. Sau cùng Phó Tế Vinh Sơn bị ném vào một xà lim dơ bẩn -- ở đây ngài đã hoán cải người cai tù. Dacian tức điên người, nhưng lạ lùng thay, ông lại ra lệnh cho tù nhân được tĩnh dưỡng đôi chút.
Các tín hữu đến thăm Phó Tế Vinh Sơn, nhưng ngài không còn thì giờ để nghỉ ngơi ở trần thế, khi họ đặt ngài lên chiếc giường êm ả thì ngài đã đi vào nơi an nghỉ đời đời.
Suy niệm 1: Can đảm
Khi Đức Giêsu có ý định bắt đầu "hành trình" của Ngài đến sự chết, Thánh Sử Luca viết Ngài "quyết tâm" đi về Giêrusalem. Đây là sự can đảm không lay chuyển đặc biệt của các vị tử đạo.
Bị giam giữ, bị tra tấn, nhưng thánh nhân cương quyết không nhượng bộ. Sự đói khổ và tra tấn không làm gì được ngài. Mọi hình thức tra tấn đều được sử dụng, nhưng dù nằm trên vỉ sắt được nung nóng, người tù nhân vẫn can đảm chịu đựng, đến nỗi chính lý hình cũng phải nản chí.
Chúng ta biết sức người không thể chịu đựng nổi các tra tấn như Thánh Vinh Sơn mà vẫn trung tín với đức tin. Nếu chỉ cậy dựa vào sức con người thì quả thật không ai có thể trung tín với Thiên Chúa ngay cả không bị tra tấn hoặc bị đau khổ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin thương ban ơn can đảm cho chúng con, để chúng con luôn tín trung với Chúa, dầu phải gặp bao nghịch cảnh vì đức tin.
Suy niệm 2: Trí tưởng tượng
Những gì chúng ta biết về Thánh Vinh Sơn là từ nhà thơ Prudentius. Các "hành vi" của ngài đã được tự do tô điểm bởi trí tưởng tượng của người biên soạn.
Trí tưởng tượng là một ơn Chúa ban mà người biên soạn đã vận dụng để tô điểm cuộc đời của Thánh Vinh Sơn. Có thể có những chi tiết thiếu trung thực, nhưng cuộc tử đạo thì hoàn toàn chính xác. Tất cả không gây nguy hại mà chỉ giúp thêm lòng mộ mến.
Dầu là ơn Chúa ban, nhưng trí tưởng tượng cũng có thể bị lạm dụng, để phỉnh phờ và làm tác hại người nhẹ dạ cả tin, như trong ngành bói toán, rút quẻ (Hc 34,5). Vì thế tiên tri Giêrêmia đã lên tiếng khuyên răn đừng nghe theo (Gr 23,16).
* Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn đức tin và lòng mến Chúa cho chúng con, để không nghe theo những điều hão huyền, vì đức luôn thắng mệnh. 
Suy niệm 3: Anh hùng
Cũng như các vị tử đạo tiên khởi, điều Thánh Vinh Sơn được tán tụng phải xuất phát từ đời sống anh hùng của ngài.
Người anh hùng là người không sợ chết (Tl 8,21). Các vị tiền bối cũng như Thánh Vinh Sơn quả là bậc anh hùng vì đã chấp nhận chết vì đạo. Ông Giuđa Macabê cũng được tôn lên làm bậc anh hùng, vì bảo vệ Lề Luật thánh mà phải ngã gục (1Mcb 5,63;9,21).
Đức Giêsu vốn là Thiên Chúa, Đấng anh hùng siêu vượt (Is 42,13;Xp 3,17), nên Ngài đã bằng lòng chịu chết (Pl 2,8), để đem lại ơn hòa giải giữa con người với Thiên Chúa (Cl 1,22).
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con không cả dám mong làm bậc anh hùng, nhưng chỉ ước thà chết chứ không làm mất lòng Chúa, xin thương giúp chúng con.
Suy niệm 4: Phó tế
Thánh Vinh Sơn được phong chức phó tế bởi một người bạn của ngài là Thánh Giám Mục Valerius ở Saragossa Tây Ban Nha.
Chức vụ phó tế được hình thành vào thời Giáo Hội sơ khai, khi các tông đồ muốn thông chia trách nhiệm phục vụ bàn ăn, để dành toàn thì giờ cho việc cầu nguyện và công tác rao truyền lời Chúa (Cv 6,1-6).
Ngày nay một trong các phận vụ phó tế là phụ giúp các giám mục và linh mục trong việc cử hành mầu nhiệm thánh, nhất là thánh lễ, trao Mình Thánh Chúa, chứng kiến và chúc lành cho đôi hôn phối, công bố và rao giảng Tin Mừng, chủ tọa lễ nghi an táng và đặc biệt là việc bác ái (Sách Giáo Lỳ số 1570).
* Lạy Chúa Giêsu, xin thương phù giúp các phó tế chu toàn chức vụ Chúa đã an bài sắp đặt trong Giáo Hội Ngài.  
Suy niệm 5: Sách thánh
Hoàng đế Dacian đề nghị nếu Phó Tế Vinh Sơn giao nộp sách thánh để đốt theo như chỉ dụ của ông thì ông sẽ tha cho. Nhưng thánh nhân cương quyết không nhượng bộ.
Trong các Sách Thánh, Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, âu yếm đến với con cái của Người và đối thoại với họ. Vì lý do đó, Hội Thánh luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Mình Thánh Chúa, Hội Thánh không ngừng lấy Bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Thiên Chúa và Mình Thánh Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu (Hiến Chế về Mặc Khải số 21).
Hội Thánh xác nhận rằng toàn bộ Cựu Ước cũng như Tân Ước, với tất cả các thành phần đều là Sách Thánh (Hiến Chế về Mặc Khải số 11). Dù có khác biệt nhau mấy đi nữa, các Sách Thánh vẫn là một do tính duy nhất của chương trình Thiên Chúa mà Đức Kitô Giêsu là trung tâm điểm và là trái tim, được rộng mở từ cuộc Vượt Qua của Người (Sách Giáo Lý số 112).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương Thánh Vinh Sơn quyết tâm bảo vệ và sống chết vì Sách Thánh. 
Suy niệm 6: Hoán cải
Phó Tế Vinh Sơn bị ném vào một xà lim dơ bẩn -- ở đây ngài đã hoán cải người cai tù. Dacian tức điên người, nhưng lạ lùng thay, ông lại ra lệnh cho tù nhân được tĩnh dưỡng đôi chút.
Cũng như Thánh Vinh Sơn, thánh Phaolô bị giam cầm trong ngục tù, nhưng cũng hoán cải và rửa tội được cho cả nhà viên cai ngục (Cv 16,33).
Trên thánh giá, Đức Giêsu cũng hoán cải được người đội trưởng khiến ông cất tiếng “Ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54). Và theo truyền thuyết, Ngài cũng làm cho người lính dùng lưỡi đòng đâm cạnh sườn Ngài được trở thành tín hữu.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cố tâm hoán cải tha nhân, vì nhờ đó mà tạo được niềm vui cho cả triều thần thiên quốc (Lc 15,7.9).