TỪ MỘT BÀI PHÁT BIỂU
Lm. Nguyễn Hồng Giáo
Nhân dịp lễ Quốc khánh 2.9.2011, báo Thanh Niên đã có một bài phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước về vấn đề rất được dư luận quan tâm từ lâu nay: vấn đề bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước. Liên quan tới vấn đề này, đã có nhiều bài viết, nhiều bài phát biểu, nhưng trong số những bài tôi đã nghe hay đọc, tôi cảm thấy bài này “toàn diện” và “thâm thuý” hơn cả.
Đầu đề được tờ báo đặt cho bài phát biểu là: Sức mạnh nội lực – nền tảng của độc lập, chủ quyền (tr 3). Điểm nhấn là nội lực. Nội lực ấy, cụ thể là gì? Là sức mạnh đoàn kết nhất trí của tòan dân, - sức mạnh của nền kinh tế tự chủ ngày càng vững chắc, - một văn hóa dân tộc được phát huy với những con người Việt Nam có phẩm chất, năng lực, trí tuệ, - một quân đội giữ vững truyền thống ông cha, - và lập trường ngoại giao khôn khéo tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi. Bà nguyên Phó chủ tịch nước kết luận: chỉ có như thế “thì chúng ta mới có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay”.
Khi được phóng viên xin phân tích cụ thể hơn về những giải pháp góp phần hiệu quả vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, bà nhấn riêng yếu tố lòng dân và yếu tố tinh thần. Tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc , “có trách nhiệm với tổ tiên, biết tự trọng”. Còn hành động thì phải “kiên quyết” nhưng lại “tỉnh táo”, “khôn ngoan”, và dựa vào luật pháp quốc tế. Cho tới nay, những gì chính quyền Việt Nam đã cố gắng làm trong vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ có lẽ nói chung cũng không nằm ngoài những suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Bình, tuy thế vẫn thấy có những ngập ngừng do dự, thậm chí những mâu thuẫn giữa tuyên bố và hành động khiến dư luận băn khoăn thắc mắc.
Về lòng dân mà tác giả gọi là “nội lực trước tiên”, nội lực hàng đầu, tôi cũng xin có vài nhận định. Bất cứ chế độ nào, nhà cầm quyền nào muốn phục vụ thực sự lợi ích của đất nước và của người dân đều phải dựa vào dân, được dân đồng lòng ủng hộ. Khi đề ra một chính sách quan trọng cũng phải hết sức quan tâm tới “ý” dân, “lòng” dân. Thông thường ý và lòng dân đó được đại diện bởi các cơ quan dân cử như Quốc Hội chẳng hạn. Nhưng trong một nước dân chủ, đứng trước những vấn đề quá phức tạp hoặc mới mẻ, nhất là khi đa số đại biểu Quốc Hội là “người” của Đảng cầm quyền, việc trực tiếp tìm tới ý dân có thể là một giải pháp tốt nên thỉnh thoảng dùng tới. Cũng trong một nước tự do dân chủ, ý dân còn có thể biểu lộ ra trong dư luận chung, trong ý kiến báo chí và nhất là qua các xã hội dân sự. Đó là những tổ chức xã hội do công dân tự nguyện lập ra, và không lệ thuộc hệ thống chính trị hiện hành. Trong lúc tìm kiếm những lợi ích riêng, các tổ chức ấy cũng góp phần làm cho đời sống xã hội thêm phong phú, công ích được tăng tiến mà nhà nước không phải bao cấp hết. Sức sống của một xã hội thường được đánh giá căn cứ vào hoạt động của các xã hội dân sự này trong nhiều lãnh vực đời sống xã hội, hơn là dựa vào hoạt động của các tổ chức do chính quyền điều hành, chi phối.
Ở nước ta, cho đến thời Đổi Mới gần đây, xã hội chỉ có Đảng và Chính quyền ở trên và dân chúng ở dưới; trên bảo dưới nghe, các tổ chức trung gian như Mặt Trận, các đoàn thể nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ … chỉ là cánh tay nối dài của Đảng. Bây giờ, theo xu thế chung của nền văn minh, người ta cũng muốn xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, pháp trị, nhưng rõ ràng bước tiến từ cách cai trị “cực quyền” đến dân chủ còn ngập ngừng và vướng mắc đủ thứ. Bao năm nay nhà cầm quyền ra sức làm cho người dân trở thành những công dân thụ động và thờ ơ đối với đời sống đất nước, nay dân bắt đầu có những ý kiến và sáng kiến thì họ lại có vẻ lo sợ hơn vui mừng. Như trong vấn đề cho Trung Quốc khai thác bôxít trước đây, hay việc bảo vệ lãnh thổ đất nước trên Biển Đông hiện nay. Trước những hành động xâm chiếm của nước ngoài cứ thường xuyên lặp đi lặp lại như một thách thức, chính quyền chỉ biết phản đối bằng vài câu tuyên bố mang tính hình thức theo thông lệ và hầu như là khuôn sáo, thì người dân bức xúc muốn bày tỏ một thái độ phản đối cụ thể bên ngoài, dù là rất ôn hoà và nhẹ nhàng, nhưng chính quyền vẫn không chấp nhận. Cách nay chưa lâu, chính quyền đã không cho phép (!) Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình thảo luận về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa (mà người phát biểu quan trọng dự kiến sẽ là nhà nghiên cứu uy tín Nguyễn Đình Đầu); và mới hơn, công an Tp HCM cũng bắt ngưng chương trình chiếu phim về Hoàng Sa do ông André Menras (Hồ Cương Quyết), một công dân Việt gốc Pháp thực hiện và dự định chiếu trong khu du lịch Văn Thánh chiều 29.11.2011.
Làm như thế chắc hẳn không phải là đúng ý của bà Nguyễn Thị Bình khi bà nói: “Tôi tin rằng những bài học lịch sử vô cùng quý báu mà cha ông ta để lại sẽ mách bảo chúng ta phải hành động như thế nào vừa kiên quyết, vừa tỉnh táo, khôn ngoan để đạt được mục tiêu của mình”. Bài học lịch sử không khó hiểu chút nào: cha ông ta đã bao lần chống lại và đánh thắng các lực luợng xâm lăng của phương Bắc, nhưng sau mỗi lần chiến thắng, để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, các ngài đã tỏ ra khôn ngoan mềm dẻo sai sứ ngay sang bày tỏ lòng “thần phục” đối với Bắc triều vẫn là hùng mạnh hơn ta nhiều. Còn ngày nay thì sao trong mối quan hệ không dễ dàng với người làng giềng phương Bắc? Kiên quyết thì “ta” cũng có nhưng một chiều, nghĩa là đối với những sáng kiến của dân bày tỏ lập trường phản đối với họ chứ chưa phải đối với những hành động của họ xâm phạm lãnh hải của ta; tỉnh táo và khôn ngoan cũng nhiều nhưng trong con mắt của nhân dân có phần quá mức cần thiết. Phải chăng làm gì “ta” cũng sợ phật lòng họ? Bà Bình nhắc nhở: “Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn nhân dân Trung Quốc đối với cuộc đấu tranh giải phóng giải phóng đất nước”, nhưng bà nói thêm liền sau đó: “Như bất cứ một dân tộc nào có trách nhiệm với tổ tiên, biết tự trọng, thì chủ quyền độc lập quốc gia là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Chúng ta quyết giữ gìn chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đến cùng” (tôi nhấn mạnh). Một lời nhắc nhở khéo léo của nguyên Phó chủ tịch nước! Tôi không thể không có cảm nghĩ rằng chính quyền muốn đề ra cách thức và đặt mức độ cho lòng yêu nước của nhân dân. Không ai độc quyền yêu nước cả! Và tôi cũng nghi vấn về lòng tự trọng dân tộc của nhà cầm quyền trong mối quan hệ với nước láng giềng phương Bắc.
Mấy nhận xét của tôi mong bày tỏ được phần nào một nỗi lòng của người dân hiện nay trong vài vấn đề đất nước.
Lm Nguyễn Hồng Giáo